Văn hoá Vứt bỏ và Văn hoá Hy vọng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 227 | Cật nhập lần cuối: 11/18/2021 9:20:38 AM | RSS

Văn hoá Vứt bỏ và Văn hoá Hy vọngĐừng sống văn hóa vứt bỏ, nhưng hãy sống văn hóa hy vọng.

Nhìn người đàn ông tóc đã nhuốm bạc mãi loay hoay bên bà cụ nhiễm Covid, tôi không khỏi thắc mắc:

⁃ Chú lớn tuổi rồi sao không nhờ con cháu đi chăm bệnh nhân cho chú đỡ mệt?

⁃ Đâu có sao đâu sơ, bà là mẹ của chú mà. Bà yếu quá, lại nhiễm bệnh này, không biết chú còn được ở bên bà bao lâu nữa.

Vừa nói chú vừa thoăn thoắt thay tã, lau người cho cụ. Chú đã quá quen với việc chăm sóc mẹ mình. Tôi nói với chú:

⁃ Đêm nay sơ trực, sơ trông bà giùm cho. Chú qua giường bên cạnh nằm chợp mắt chút đi cho đỡ mệt. Nếu có chuyện gì sơ sẽ gọi, chứ thức suốt đêm như thế này thì làm sao đủ sức chăm bà.

⁃ Dạ thôi, để chú ngồi cạnh bà ngủ cũng được, chú sợ nếu bà tỉnh mà không thấy ai chắc bà hoảng lắm.

Đêm ấy, nhìn người đàn ông ngồi bên giường cầm tay mẹ mà ngủ, tôi cảm thấy thật ấm lòng. Nếu bà cụ có phải ra đi vì dịch bệnh, thì cụ chắc hẳn chẳng cô đơn. Lòng hiếu thảo của con cháu vẫn luôn giúp cụ đủ sức hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa trong đau khổ của phận người.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như cụ, cách đây vài ngày thôi, tôi đã thấy trên một bộ hồ sơ bệnh án có tờ giấy với những dòng chữ thật đau lòng: "Tôi là Nguyễn Văn A, cháu ngoại của bệnh nhân Nguyễn Thị L. Nay tôi làm đơn này xin bác sĩ ngưng tiêm thuốc và ngưng điều trị cho bà của tôi, vì bà tôi đã già yếu rồi. Mọi bất trắc tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ký tên Nguyễn Văn A”

Cầm lá đơn trên tay, tôi không tránh khỏi sự đau lòng. Sau một vòng thực hiện y lệnh cho bệnh nhân, tôi đến bên người thanh niên thăm hỏi:

⁃ Chắc anh phải có lý do hệ trọng lắm khi viết lá đơn ấy nhỉ?

⁃ Chị thông cảm cho, em không thể chăm sóc bà ấy, em rất bận… và một loạt lý do anh cố trình bày để biện minh cho lá đơn anh đã ký.

⁃ Anh là cháu duy nhất của bà, khi còn khỏe mạnh chắc bà yêu thương và hy sinh cho anh lắm?

Người thanh niên gãi đầu:

- Dạ... dạ… nhưng mà…

⁃ Chúng ta không có quyền quyết định sự sống của bất cứ ai. Các bác sĩ và nhân viên y tế đang cố gắng cứu người nhà của anh, mà anh thì lại muốn cho bà qua đời… Thật là một điều không nên làm chút nào…

Rồi Covid cũng đưa ngoại của anh qua thế giới bên kia, anh cũng chỉ đứng xa xa nhìn ngoại qua lớp túi ni-lông. Không biết rồi đây khi anh phải chịu sự đau khổ, có ai muốn đồng hành giúp anh không?

ĐGH Phanxicô nói: “Khi bạn loại bỏ người già, thì sau cùng bạn sẽ trở thành một phần của xã hội hiện đại (đáng buồn), một xã hội đã đưa cuộc sống vào ‘mùa đông nhân khẩu’. Đừng sống văn hóa vứt bỏ, nhưng hãy sống văn hóa hy vọng.”

Tôn trọng sự sống chính là đồng hành với bệnh nhân chứ không loại trừ. Không một vị chức sắc nào đó nằm bất động lại được coi trọng hơn bệnh nhân khác, hay như những người ủng hộ an tử thường lập luận rằng:" Những sự sống nào không đạt được chất lượng xứng hợp, thì không đáng được bảo vệ và chăm sóc."

Trái lại, Giáo hội cho chúng ta hiểu rằng: đau khổ, nhất là đau khổ trong những giờ phút cuối đời, có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, vì đau khổ là thông phần và hiệp nhất với hy tế cứu chuộc mà Đức Giêsu đã dâng trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Nếu chúng ta hiểu chết không phải là hết, thì chúng ta mới hiểu được giá trị của đau khổ và hy sinh, như thế chúng ta mới đủ quảng đại để thắp lên ngọn lửa của hy vọng cho tương lai, mới biết trân quý sự sống của mình và của người khác.

Nt Maria Thúy Kiều, Dòng Đaminh Tam Hiệp
Nguồn: tgpsaigon.net