Ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống văn hóa xã hội

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1572 | Cật nhập lần cuối: 10/30/2019 2:32:41 PM | RSS

Ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống văn hóa xã hộiNam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Kính thưa Đức Giám mục Stêphanô, phụ trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Kính thưa Quý Tôn đức, quý môn sinh thuộc các tôn giáo tham dự Hội ngộ Liên tôn hôm nay.

Hòa trong niềm vui Hội ngộ Liên tôn lần thứ IX, chúng ta có mặt nơi đây với nhiều sự khác nhau về hình thức về danh xưng, màu sắc tu phục, lời ca tiếng hát… nhưng trong đó có một điểm chung nhất: mỗi người chúng ta đều có tôn giáo.

Với tôn giáo ấy, chúng ta từ bao thế hệ tổ tiên đến chúng ta và chắc chắn cả con cháu chúng ta đều dâng trọn tín tâm phụng hiến. Chúng ta đã phụng hiến trọn cả cuộc đời với thời gian, của cải và cả sinh mệnh để sống với tôn giáo của mỗi chúng ta.

Từ sự tương đồng ấy và với lòng tôn trọng đức tin của nhau, chúng ta hãy cùng suy nghiệm về ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống xã hội mà chúng ta là thành phần quan trọng.

Kính thưa quý vị.

Xin mời quý vị cùng suy nghĩ về câu hỏi này: - Nếu suốt dòng lịch sử trên hành tinh này không có tôn giáo thì nhân loại ngày nay sẽ như thế nào? Một nhân loại không tôn giáo chắc chắn sẽ khác rất nhiều với nhân loại hiện nay. Và chỗ khác nhau ấy có phải là sự tốt đẹp hơn chăng?

Chắc chắn là không. Đó là câu trả lời của chúng ta, những người đang sống với tôn giáo.

Bây giờ chúng ta hãy tạm không dùng từ tôn giáo để dùng một từ thông thường, đơn giản hơn trong tiếng Việt cũng có nghĩa là tôn giáo. Đó là từ đạo (không viết hoa).

Chữ đạo ấy đứng trước các danh từ chỉ thị đức tin của một cộng đồng như đạo Phật, đạo Chúa, đạo Baha'i, đạo Lão, đạo Khổng, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài v. v… Chữ đạo ấy rất đẹp. Nó vừa giữ tính cách tôn giáo, vừa vượt lên trên tính phàm thế tầm thường.

Một người ở trong một tổ chức hay đoàn thể xã hội nào mà cư xử bất nhân, bất nghĩa với ông bà cha mẹ, với người mà hắn thường gặp gỡ (láng giềng, đồng nghiệp v.v…) gọi là người vô đạo bất luận họ mang một danh xưng tốt đẹp nào.

Những mỹ từ như nhân nghĩa, bác ái, vị tha bắt nguồn từ tôn giáo, tức là từ đạo hay đạo giáo. Những hành động hy sinh, quên mình vì người đều phát sinh do tôn giáo một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Những việc làm cao cả, đẹp đẽ ấy thường xảy ra một cách tự nhiên, có tính cá nhân, rời rạc, không tổ chức, không mang danh nghĩa lớn lao nên không được xem là của tôn giáo. Những hành vi và tình tự ấy được khởi đầu do sự hướng dẫn của các bậc minh sư giáo tổ. Từ các đấng Minh Sư giáo tổ hình thành trường phái có giáo lý, lễ nghi, đẳng trật, diễn ra bằng nhiều hình thức hoạt động như cúng dường, truyền giáo, khất thực, giáo dục, từ thiện… Từ đó tác động đến tâm thức con người.

Loài người là sinh vật có tư tưởng, biết sáng tạo và có tính xã hội từ đó nhân rộng ra sẽ có nhiều sáng tạo phẩm cũng như nhiều hoạt động mang nặng ảnh hưởng tôn giáo hoặc nghịch lại tôn giáo.

Chúng ta không đi vào chi tiết của từng loại hình hoạt động nhân sinh để nêu bật ảnh hưởng tôn giáo nhưng ai cũng thấy rõ ảnh hưởng của tôn giáo trong kiến trúc, các loại hình nghệ thuật như thi ca, nhạc họa…và ảnh hưởng trong tổ chức quần chúng.

Nhà thờ, chùa chiền, Thánh thất, các đạo quán, am miếu đều mang dấu ấn tôn giáo.

Trước và sau khi ăn cơm, khi đi ngủ và khi thức dậy… người có tôn giáo làm gì và những thực hành ấy đều có ảnh hưởng đến họ trong mọi hành vi ứng xử trong ngày.

Có thể nói rằng việc kiểm điểm, phê và tự phê đều bắt nguồn từ nghi thức sám hối, xưng tội tức là từ trong thánh sở tôn giáo đi vào sinh hoạt xã hội.

Rõ ràng tôn giáo ảnh hưởng tốt đến xã hội, làm phong phú, đẹp đẽ đời sống nhân loại. Nhưng từ đó cũng phát sinh những hiện tượng phản nghịch tôn giáo.

Đó là sự lợi dụng tôn giáo vì các ý đồ riêng tư của cá nhân hoặc cho một xu hướng xã hội. Mượn đạo tạo đời là thành ngữ phổ biến. Đã có trường hợp dùng hình tượng tôn giáo để quảng cáo và còn đặt ở vị trí không được trân trọng. Ở tầm mức lớn lao hơn là dựa vào tôn giáo để gây thế lực.

Có thể suy luận ngược từ quả ra nhân để thấy rằng những sự bách hại, đàn áp hay tiêu diệu tôn giáo đều vì lo sợ ảnh hưởng tôn giáo nơi quần chúng. Lịch sử các tôn giáo không thiếu những trường hợp này như các thừa sai tuẩn đạo ở một số nước thuộc châu Phi, châu Á, hoặc hàng ngàn tăng sĩ bị sát hại tại đại học Nalanda.

Một số tôn giáo nội sinh mới ở nước ta cũng không là ngoại lệ và cũng phải hy sinh để làm giá chuộc cho danh đạo được sáng.

Những khổ nạn lắm khi chết người mà người tôn giáo, hay người có đạo phải chịu là chuyện bình thường, bởi vì ma có khảo đạo mới thành.

Thành thử khi đề cập vấn đề ảnh hưởng tôn giáo trên đời sống xã hội, chúng ta cũng bàn đến phản ứng của xã hội đối với tôn giáo vì lo sợ tôn giáo chi phối dân chúng.

Xã hội là nơi Phật ma lẫn lộn, Thánh phàm đồng cư. Ma luôn luôn tranh giành ảnh hưởng với Phật.

Đạo cao nhất xích, ma cao nhất trượng.

Đạo cao nhất trượng, ma cao đầu trượng.

Trong nhiều chỗ khác nhau giữa chúng ta có một sự giống nhau là chúng ta có tôn giáo.

Sống tôn giáo trong thời mạt pháp không nên phân biệt đạo cao đạo thấp mà chỉ nên nhớ có một điều duy nhất là phân biệt sự đối lập giữa ma và đạo. Ma có rất nhiều chiêu trò nhưng không ngoài các cách thức như lợi dụng, hăm dọa, khủng bố, cám dỗ, lường gạt. Ma dụ chúng ta theo nó mà cũng lắm khi ma đột nhập vào người chúng ta nếu chúng ta không thanh tịnh, tỉnh trí. Nếu ta không theo ma thì ma cũng tìm cách xâm nhập cộng đoàn chúng ta.

Thay vì khư khư với tâm địa hẹp hòi, ôm giữ cái tiểu dị mà quên đi tầm nhìn và tâm hướng đại đồng rồi lo sợ và cạnh tranh lẫn nhau, đồ chúng thuộc các tôn giáo nên trưởng dưỡng và phát triển một cách thế sống đạo cộng thông, cùng nhằm một cứu cánh chung là giáo hóa nhân loại hướng thiện, hướng thượng.

“Liên minh hợp bạn tinh thần,
Cảm thông cởi mở xích gần lại nhau;
Có dịp bàn, đổi trao học hỏi,
Góp gương hay cứu khỏi nạn đời;
Ví bằng khác ý nhiều nơi,
Theo Phật Phật lớn, theo Trời Trời cao.
Cãi lẫn nhau chừng nào lắng dịu,
Khúc nhạc lòng hòa điệu mới hay.
Nguyện cầu chánh pháp hoằng khai,
Đại đồng thế giới Như Lai xuất triền”.

(Thánh ngôn Đức Bát Nhã Thiền Sư).

Kính thưa quý vị,

Các nhà tư tưởng nhân bản, đặc biệt các đấng Giáo tổ như Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Jesus Christ đều có chung và duy nhất một mục đích là chuộc tội cho loài người, cứu khổ nhân loại, giải thoát nhân sinh khỏi vô minh tội lỗi. Thế nhưng lòng tham dục vô minh đã xô đẩy loài người lao dốc không gì thắng lại được bất chấp bao nhiêu sự tận tụy hy sinh của tôn giáo. Dẫu vậy sự giáo hóa của tôn giáo trải nhiều ngàn năm và truyền thừa qua bao thế hệ đã thấm sâu vào tâm tư tình cảm cùng ý chí của chúng ta khiến chúng ta vẫn kiên trì sứ mạng tôn giáo đã được thọ lãnh.

Trong nhiều thế hệ đi trước không ít người đã hy sinh, tận hiến đời mình cho tôn giáo, cho con đường đạo mà họ đã chọn. Đức tin đạo giáo giúp họ sống đạo vững vàng, nếu cần lấy mạng sống làm giá chuộc. Những hy sinh của họ đã làm sáng tỏ sự thật là các xu thế bất nhân, tà mị, vô đạo đều bị tàn hoại và chỉ có sự chân chính trường tồn vĩnh cửu.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ có lời Thánh huấn dạy rằng:

“Thầy là tình yêu, là lẽ công bình. Thương yêu công bình là đất tự do cho điều chân chánh phát triển và điều không chân chánh cũng được sinh hoạt nhưng kết cục chỉ có điều chân chánh được trường tồn. Rồi các con sẽ thấy”. (Thánh Truyền Trung Hưng).

Nhân loại đã từng thấy như vậy.

Xin được chia sẻ với quý vị và mong cùng chiêm nghiệm.

Tâm thành cầu nguyện cho sự hòa ái liên tôn mãi mãi thăng hoa.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát./

Giáo sư Thượng Văn Thanh

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...