Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (20)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3320 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chương tám: Nội dung Phật Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo.


J- "Lời Khuyên Bổn đạo


Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ, thường bị những chướng nghiệp nhiều đời mà làm cho linh hồn chìm đắm trong ba cõi sáu đường, xuống xuống lên lên, luân hồi chuyển kiếp, ấy cũng tại sự mê lầm của lục căn mà say đắm lục trần, ý thức lầm lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô trược này là thật, cái cảnh phú quý cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân vô thường tạm nương tứ đại hiệp thành. Cuộc phú quí tựa đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở chiều tàn, không chi bền chắc, còn tội chướng thì linh hồn phải chịu luân chuyển báo đền.


Ngày nay đã tỉnh ngộ quy y cùng Phật pháp. Như vậy cửa trường sanh bất diệt các trò đã gặp nẻo, nương đèn trí huệ, ly xuất phàm trần, chán cảnh phồn hoa, tìm nơi tịch tịnh. Nhưng các trò tuy lòng mộ đạo, chớ chưa hiểu rành nẻo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo: Qui là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.


Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy. Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo ách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm. Thầy xét trong tam nghiệp các trò còn mang nặng lắm. Trong đường tu, nương theo tam nghiệp thì khổ não lắm. Chúng sanh tịnh được tam nghiệp mới mong về cõi Phật. Tam nghiệp là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp (đọc lại trong cuốn Khuyến Thiện).


Nhưng Thầy xét lại khẩu nghiệp của các trò nặng nề hơn hết. Hãy lấy gươm trí huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi người. Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy ráng sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ.


Kệ rằng:

Đạo pháp thường hay dung với hòa,

Xét người cho tột xét thân ta.

Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

Ta thứ được người, người thứ ta.

Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ".


Đạo Phật vừa là con đường giải thoát tâm linh, vừa là một nền luân lý đạo đức mẫu mực mà trong đó, giá trị đóng góp lớn lao cho quốc gia xã hội của Phật Giáo, chính là ở trong lãnh vực luân lý đạo đức.


Huỳnh Phú Sổ đã nắm vững tinh yếu này của Phật đạo và tập trung nhiều nổ lực trong việc rao giảng luân lý đạo đức Phật giáo, lấy đó làm giềng mối, nền tảng tinh thần cho cuộc sống. Cũng giống như đức Phật, ông đả kích những sự lễ bái suông, ông cũng phản đối những tín ngưỡng mù quáng. Ông kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ chín chắn, phán đoán cẩn trọng, quyết định sáng suốt khi theo đạo Phật hay theo bất kỳ một tôn giáo nào khác. Ông cũng rất gần với đức Phật, cũng như khoa học ngày nay, trong việc đề cao lý trí, vai trò quan trọng của tư tưởng và nói rõ chỉ có trí tuệ mới giải phóng con người, chớ không phải sự cầu nguyện, lễ bái hay tôn thờ những tín ngưỡng mê tín, huyền hoặc.


K- "Trong việc tu thân xử kỷ

 

Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy?

 

Vì đức Phật không bao giờ ngỏ ý rằng "các người hãy lạy thờ ta cho nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người" mà trái lại, Ngài dạy rằng "Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình". Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.

 

Ta hãy đem đức tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành động y theo lời phán dạy của Phật.

 

Nếu ta cử đem đức tin thờ phượng tôn giáo bằng cách sai lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người rất mê tín (mặc dầu đạo của ta thờ là một đạo rất chánh đáng).

 

Vậy đồng thời với đức Tin và Lòng Lành phải để cho nó đi cặp luôn luôn.

 

Có đức Tin mà thiếu Lòng Lành thì rất dễ bị tà thần cám dỗ, bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường bày ra cúng kiếng để cuộc tội hoặc bắt buộc ta thờ kính một cách phiền phức làm cho lòng u tối của ta càng ngày càng u tối thêm.

 

Còn có Lòng Lành mà thiếu đức Tin vào công việc từ thiện của mình thì Lòng Lành ấy thường hay thối chuyển vậy.

 

Có đức Tin và Lòng Lành rồi thì dùng trí huệ mà bình đoán cái đạo của ta đang học hay sẽ học một cách xác thực, tìm hiểu cho rõ ràng cái mục đích ấy, như thế mới mong thoát khỏi tà kiến gạt gẫm ta đem đức Tin, Lòng Lành cống hiến vào chỗ thấp hèn hay một ông thầy mê dốt.

 

Người học đạo muốn mở mang trí huệ cần phẻi tìm phương pháp diệt cái vô minh (tối tăm ngu muội).

 

Muốn diệt cái vô minh trước phải điêu luyện khối tinh thần cho mạnh mẽ đặng tự lập con đường rõ ràng, duy nhất của mối đạo mình đang học để lấy đó làm cương mục mà bài trừ những thành kiến, cố chấp, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu ngạo, tật đố, gièm siểm, dua nịnh, ích kỷ tư tâm, sự gây gỗ, mê đắm trong bể dục tình và sự phiền não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài trừ được nó rồi trí huệ tất mở mang vậy.

 

Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt.

 

Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm làm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho tâm chủ trì.

 

Được như thế ta học đạo mau thành công đắc quả.

 

Đừng thầy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào.

 

Cũng đừng thấy ai thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật thế nào và tại sao phải thờ kính đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu, càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác, nhạo chê, hủy báng và cũng rất uổng cho công trình thành kính lễ bái của ta vậy.

 

Cho nên tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, Thầy ấy. Chẳng được như thế, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông Thầy rất thông minh cũng chẳng ích chi cho mình cả.

 

Sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa, đạo đức.

 

Bạc Liêu, năm Nhâm Ngũ".

 

Năm 1942, khi chỉ 23 tuổi, Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy được những lời giảng chí lý, sâu sắc, khai phóng, phá chấp như thế, thì thử hỏi trên thế giới này, từ cổ chú kim, có ai ở tuổi đó mà đã giảng dạy được như thế?

 

Lập lại những bài thuyết pháp của đức Phật thì ai cũng làm được, nhưng giảng giải, khai triển những tư tưởng Phật học cho hợp với căn cơ, trình độ quần chúng và với thời đại, trung thành với giáo lý cao siêu và tinh thần giác ngộ của đức Phật và vẫn triển khai, một cách trong sáng, giản dị, những tinh hoa của đạo Phật, cho đến những người ít học nhất cũng hiểu được và thực hành được, thì Huỳnh Phú Sổ quả thật là một thiên tài. Hơn thế nữa, chỉ công đức hoằng pháp cho hàng triệu người, không kể những cống hiến cao quý khác của ông cho quốc gia, dân tộc Việt Nam, cũng đủ để tán dương ông như một vị Bồ Tát của Phật giáo Việt Nam.


Lê Hiếu Liêm

Nguồn: phatgiaohoahao.net


------------------------------------------------------------

Bài liên quan:

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (1)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (2)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (3)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (4)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (5)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (6)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (7)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (8)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (9)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (10)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (11)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (12)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (13)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (14)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (15)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (16)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (17)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (18)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (19)





Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...