Con người trong cái nhìn của Nho giáo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3197 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Con người hôm nay và con người hôm qua – con người của ngàn xưa – dường như không khác nhau là mấy. Cởi bỏ lớp vỏ bọc văn minh vật chất, con người ấy, dẫu hình hài có thanh tú mỹ lệ hơn con người ban sơ, nhưng nỗi khắc khoải vẫn còn nguyên vẹn. Vẫn còn đấy niềm băn khoăn muôn thuở: con người, mi là ai? Một nhà thơ nào đó đã từng òa khóc cho thân phận con người trong cảnh thương hải tang điền: "Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?" Hoặc như thi nhân Trần Tử Ngang (651-702) đời Đường đã chua xót ngậm ngùi:

Nhìn phía trước người xưa vắng vẻ,

Ngoảnh về sau quạnh quẽ người sau.

Ngẫm hay trời đất dài lâu,

Mình ta rơi giọt lệ sầu chứa chan. [1]

Và chúng ta, ắt cũng có lần nào đó đã từng ngao ngán như Nguyễn Gia Thiều (1741-1798):

"Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau;

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì."

Hóa ra đời người là vô nghĩa sao?

Chúng ta đều nhìn nhận rằng con người đã và đang tiến hóa, kể từ thuở là con người tinh khôn (homo sapiens) của Đệ Tứ Nguyên Đại. Cuộc tiến hóa ấy có định hướng chăng? Nếu có, ta khoan nói về cái viễn đích (telefinal) xa xôi ấy, mà hãy tạm nhận thấy về cơ bản đó là con vật, một con vật thượng đẳng biết tư duy mà người Đông Phương chúng ta mệnh danh là "linh ư vạn vật". Con vật ấy có tính xã hội, và vì vậy trong cuộc cộng sinh, con vật ấy đã biết thích ứng với nhau, biết chế ngự bản năng cầm thú, để được tiến hóa thành con người văn minh hiện nay. Thế nhưng con người thực sự đã thuần hóa được cái con thú man rợ luôn chực nhe răng gầm gừ trong cõi lòng mình không?

2500 năm trước, Khổng Tử, người được mệnh danh là Vạn Thế Sư Biểu 萬世師表 (khuôn mẫu cho vạn đời sau bắt chước), đã từng quan niệm về cái con người xã hội ấy. Trong xã hội, có những hạng người sống thuần bằng bản năng như loài cầm thú. Đó là những người phàm phu tục tử, là những kẻ hạ cấp xét về phương tiện đạo đức phẩm cách. Những kẻ này, theo Nho giáo, đều gọi là tiểu nhân 小人 dù rằng kẻ ấy có chiếm giữ địa vị cao và giàu có trong xã hội chăng nữa. Nếu tiểu nhân là người thô lậu, sống thuần vào bản năng, thì ngược lại, quân tử 君子 là người tiến hóa, biết khắc phục bản thân, hiểu mệnh trời, hiểu đạo lý và biết định mệnh con người là gì. Những đặc tính của kẻ tiểu nhân thì tương phản rõ rệt với những đặc tính của người quân tử. Nhưng tiểu nhân và quân tử không phải là hai mặt đối lập nhau, không phải là hai cực đoan, mà quân tử là giai đoạn tiến hóa của tiểu nhân. Không có tiểu nhân, thì không có quân tử. Quân tử và tiểu nhân có sự tương đồng, ấy là họ đều có cái Thiên Tính trong người. Cái tính ấy trọn sáng trọn lành, nó hướng đạo con ngưòi làm điều thiện, điều phải. Con người vì bị vật dục che khuất lương tri nên mới có phân biệt kẻ ác người thiện. Nho gia từng nói: "Người ta ai cũng giống nhau vì có bản tính lành, nhưng do tập nhiễm thói xấu nên họ mới khác xa nhau." [2] Còn Mạnh Tử thì bảo: "Cái chỗ con người khác với cầm thú thật không xa mấy. Kẻ thứ dân thì bỏ mất sự sai biệt ấy, còn người quân tử thì biết bảo tồn nó." [3]

Rõ ràng, giữa con người và cầm thú phải có sự phân định khu biệt, nhưng kẻ tiểu nhân đã bỏ mất sự sai biệt ấy cho nên vẫn còn đồng hóa mình với cầm thú, và cư xử theo bản năng thấp hèn. Người quân tử thì biết bảo tồn sự sai biệt ấy, để vượt lên trên loài cầm thú, để khắc phục bản năng thú cầm. Chẳng hạn bản năng ăn uống, sự đói và khát có thể làm hại tâm (đói ăn vụng, túng làm càn), nhưng người ta có thể ngăn chặn mối nguy hại đó. Thà đói khát chứ không làm điều sai quấy. Mạnh Tử nói: "người ta có thể ngăn cản mối hại của đói khát đừng hại lây đến lòng dạ mình, như vậy dẫu mình chẳng bằng người nhưng lòng mình chẳng lo buồn." [4]

Người ta rất dễ dàng nhận ra đâu là tiểu nhân, đâu là quân tử. Toàn bộ Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), cho đến Kinh Thi và Kinh Dịch phần lớn đều đề cập đến đức hạnh của bậc quân tử. Nếu chưa được tài đức đó thì họ vẫn còn là tiểu nhân.

Người quân tử thì chú trọng vào nghĩa, kẻ tiểu nhân chú trọng vào lợi.[5] Tiểu nhân chỉ lo trau chuốt bề ngoài, trọng hư danh, lời lẽ xảo trá. Sở dĩ như vậy vì họ mong dối gạt người. Họ sợ người khác phê phán nên phải tạo cái vỏ bọc đó để che đậy lòng dạ xấu xa. Còn quân tử hiểu giá trị của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) [6] nên tự trông cậy vào chính mình. Tiểu nhân thường kiêu căng hợm hĩnh nhưng trong lòng không bao giờ thư thái, còn quân tử lòng dạ thư thái mà không kiêu mạn. Tiểu nhân thích a dua bè đảng cho nên dẫu chung đụng với mọi người nhưng luôn tạo mối bất hòa. Quân tử thì ngược lại, dẫu chung đụng với nhiều người nhiều tầng lớp nhưng luôn giữ hòa khí. Quân tử là người nhân nghĩa nên lúc nào cũng cảm thấy an tâm thư thái, tiểu nhân thì ngược lại. Quân tử làm cho người được tốt đẹp, tiểu nhân chỉ mong gieo điều ác cho người. Tiểu nhân mà nắm vận mệnh quốc gia, quả là đại họa. Quân tử có hoài bão cao đẹp, tiểu nhân thì không.

Kinh điển Nho giáo dạy chúng ta con đường tiến hóa từ tiểu nhân thành bậc quân tử. Nội chỉ đọc riêng quyển Luận Ngữ thôi, ta có thể trích dẫn vô số câu nói của Khổng Tử về quân tử. Và có thể hình dung một con người tiến hóa gọi là quân tử.

Quân tử là người biết mục đích cao cả của kiếp người, biết cái Thiên Mệnh mà trời trao cho con người, nghĩa là biết cái viễn đích tối hậu của nhân sinh. Người quân tử có thể tóm ở mấy chữ: Nhân, Trí, Dũng, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín, Thành, Hiếu Đễ, Khoan Thứ, Tự Cường, Hiếu học, Chuyên Cần (Bất Tức) ...

Vì Nhân (bác ái) nên lòng yêu người tỏa khắp, mong muốn người khác cũng được hạnh phúc. Vì yêu thương nhân loại, nên lòng khoan dung độ lượng thứ tha. Không nhớ lỗi lầm của người khác, mà chỉ chú trọng giáo hóa họ nên người.

Vì Trí nên biết khôn ngoan suy xét điều phải điều trái, biết minh triết bảo thân trong cảnh nguy nan, biết biện biệt, kẻ xấu người tốt trong vấn đề xử lý tiếp vật. Nếu lỡ giao du với kẻ xấu, thì phải tuyệt giao với họ nhưng không nói xấu cho họ.[7]

Vì Dũng nên không biết sợ sệt là gì. Thấy việc nghĩa bèn ra tay hành động. Nếu đã hành động thì phải thiết thực chứ không chỉ ở lời nói suông.

Vỉ Lễ nên giữ được hòa khí, nên trong nhà chẳng ai ghét, trong xã hội chẳng ai oán mình. Giữ được lễ nên trong việc giao tiếp với người tránh được sỗ sàng, dù giao du đã lâu. Trong việc lễ, quý nhất là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt. Khắc kỷ, phục lễ cũng gọi là nhân vậy. Phục lễ nên tự chủ, không tranh chấp với ai, tuy hợp quần với người nhưng không kéo bè kết đảng.

Vì Nghĩa nên luôn giữ sự công chánh, chẳng tranh giành với ai. Mỗi khi thấy món lợi thì nghĩ đến điều nghĩa mà xét có nên thu nhận chăng? Nghĩa là gì ? Chẳng qua là công ích và lẽ phải, cho nên quân tử không từ nan làm việc gì dù lớn dù nhỏ, miễn là việc ấy hợp nghĩa. Điều phi nghĩa đã đành không phạm, nhưng chính trong ý nghĩ cũng không được tơ tưởng đến nó. Người quân tử dù nghèo, vẫn an vui cảnh nghèo, không vì cùng khốn mà làm điều phi nghĩa. Đã nghèo nhưng không oán than. Đối với người cầm quyền, nếu họ sai lạc (làm điều phi nghĩa) thì người quân tử dũng cảm can gián không sợ mích lòng, thà vậy còn hơn là xu phụ dối gạt họ.

Vì Trung nên giao du với bằng hữu thì hết lòng, làm việc cho người thì hết dạ. Vì trung nên làm việc cho ai hoặc phụng sự ai thì hết lòng, không phản bội. Nhưng cái Trung đó không phải là lòng trung máy móc và thiển cận (ngu trung). Bậc quân tử ngay cả lúc phụng sự vua đâu phải vì cá nhân nhà vua, mà chính vì lẽ Đạo. Nếu vua mà vô Đạo thì trung làm gì.[8]

Bậc quân tử vì chữ Tín mà hành xử. Tín là tin mình, tin người. Nhờ chữ Tín đó mà thành Người. Vì tự tin vào mình nên dù ai không biết tài đức của mình, mình cũng không buồn không oán. Tự tin vào tài đức của mình, càng ngày càng trau dồi, để một mai kinh bang tế thế, bấy giờ người biết mình cũng không muộn. Vì có tin nhau nên việc mới thành tựu, người mà không tín thì không biết ra thế nào.

Người quân tử cốt yếu là ở lòng Thành. Nhờ lòng thành ấy mà người khác mới tin tưởng mình. Những lễ lạc cũng chủ yếu là ở lòng thành chứ không phải hình thức xa hoa lòe loẹt.

Quân tử đã Hiếu lại còn Đễ. Hiếu là cái đạo đối với phụ mẫu. Đễ là cái đạo đối với anh chị em. Đó là kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc chết cũng như sống, lúc cha mẹ mất mà tưởng như hãy còn, ấy là chí hiếu vậy. Cái Đạo đối với anh chị em là mỗi người phải ăn ở đúng phận mình, anh ra anh, em ra em. Đễ là gì ? Chẳng qua là đạo phụng sự huynh trưởng. Theo Nho giáo, hiếu đễ là đầu mối của lòng nhân (bác ái) nếu ta chẳng yêu cha mẹ ta, chẳng tôn kính anh em ta mà bảo rằng yêu mến tôn kính người và cha mẹ người khác, đó là lừa bịp vậy.

Khoan thứ là lòng bao dung quảng đại của bậc quân tử. Bởi lẽ tiểu nhân là «quân tử chưa thành và sẽ thành», cho nên người quân tử chú trọng giáo hóa tha nhân hơn là ghét bỏ họ. Quân tử không tưởng nhớ lỗi lầm của người khác. Người ta phạm điều ác, bởi lẽ không nhận ra cái ranh giới phân định giữa con người và cầm thú. Bậc quân tử không những nhìn ra cái ranh giới ấy mà còn giáo hóa tha nhân để họ phân biệt được cái ranh giới ấy và vươn lên cao hơn loài cầm thú bằng cách khắc phục bản năng tự nhiên. Quân tử khoan thứ cho người, nhưng không khoan thứ cho mình. Lúc nào cũng phải quán xét để tu thân, nếu mình có lỗi phải can đảm cải hối. Việc tu thân đó luôn luôn bền bĩ gắng công, không biết mệt mỏi.

Quân tử muốn tu thân thì phải hiếu học. Ham học hỏi nghiên cứu thì sẽ khôn ngoan hiểu biết. Hễ học thì phải thực hành. Cái việc học tập của người quân tử cũng giống như công việc của người thợ làm ngọc, luôn luôn mài dũa trau chuốt mới có ngọc quí.

Cái học của người quân tử là đem ra giúp dân giúp nước, kinh bang tế thế. Cho nên khi người quân tử cầm quyền thì tôn chỉ phải là sửa đổi con người và sửa đổi xã hội. Sửa đổi con người để xã hội hoàn thiện hơn, đồng thời sửa đổi xã hội để con nguời được hạnh phúc hơn. Đó là hai công việc song hành và phải được tôn trọng như nhau. Cho nên bậc cai trị phải luôn tu thân mới đủ tư cách dẫn đạo dân chúng. Nhờ tu thân mà tâm hồn trong sạch, tác phong hợp lễ, đạo đức tràn đầy. Nhà cai trị lẫn nhân dân đều phải xem việc tu thân làm gốc.

Mạnh Tử (372-289 tcn)
Bậc cai trị phải có lòng nhân, tức là phải yêu thương dân, vui cái vui của dân và lo cái lo của dân. Thực ra là phải lo trước cái lo của dân và vui sau cái vui của dân. Bậc cai trị phải lấy dân làm gốc và phải tâm niệm rằng: quý nhất là dân, sau đó là quốc gia, và thấp nhất là nguời cai trị (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh 民為貴社稷次之君為輕). Cho nên người cai trị phải mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Muốn vậy, phải biết trọng hiền tài, vời họ ra giúp dân giúp nước. Nếu không tin vào bậc hiền tài thì nước trống không, nếu không có lễ nghĩa thì nước sẽ loạn. Nhờ chính sách chiêu hiền đãi sĩ, kẻ sĩ trong nước không bỏ nước mà đi, kẻ hiền tài ở xa xôi hâm mộ mà quy phục, như vậy quốc gia mới mau phú cường, nhân dân mới chóng hạnh phúc. Đã dùng người hiền tài thì phải trao thực quyền cho họ, đừng khiến cho họ chỉ có hư vị. Và thận trọng đừng chọn lầm mà khiến kẻ tiểu nhân ti tiện vượt lên trên người tôn quí (quân tử).

Một chính quyền tốt phải áp dụng nhân trị 仁治 (dùng nhân đức để thu phục người dân), nếu dùng bạo lực cường quyền thì dân bất đắc dĩ phải tuân theo nhưng lòng dân chẳng phục. Như vậy Nho giáo quan niệm rất rõ ràng về con người xã hội. Mỗi cá nhân chính là phần tử bất khả phân của xã hội. Cho nên mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với xã hội. Rõ ràng cuộc sống con người đâu phải là rỗng tuếch vô vị, một mặt con người phải tự sửa đổi mình (tu thân). Chính sự tự sửa đổi đó đưa con người đến một giá trị tôn quí siêu việt hơn cầm thú. Và chính sự sửa đổi đó là nguồn gốc của văn minh. Nhưng mặt khác, con người phải sửa đổi xã hội, bằng cách sửa đổi lẫn nhau, sao cho những con người chỉ biết sống bằng bản năng (tiểu nhân) tiến hóa lên con người văn minh (quân tử). Nếu được vậy, thiên hạ thái bình.

Trở lại vấn đề đã nêu ở trên: Sự tiến hóa của con người rõ ràng trước mắt là làm cho xã hội hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng sự tiến hóa ấy còn đi về đâu nữa? Sự tiến hóa ấy rõ ràng là có định hướng vậy cái viễn đích (telefinal) xa xôi tối hậu ấy là gì?

Theo quan niệm của Nho giáo, con người không chỉ là con người xã hội (tiểu nhân và quân tử) mà còn là con người siêu xuất xã hội. Con người siêu xuất ấy gọi là Thánh Nhân. Thánh Nhân cũng là con người như chúng ta, nhưng Thánh Nhân cũng vượt ra khỏi đồng loại, siêu xuất trên xã hội người đời, và là kẻ siêu quần bạt tụy.[9] Thánh Nhân là người đạt Đạo, là Trời được nhân cách hóa (tức là đã Phối Thiên 配天).

Nho giáo không chỉ là cái nhân đạo thực tiễn, mà còn là cái đạo học siêu hình, và điều này được nói rõ chủ yếu trong Trung Dung. Theo Trung Dung, cái bản tính con người chính là mệnh trời (Thiên mệnh 天命) và Đạo là gì? Chẳng qua là noi theo Tính đó (Suất Tính 率性).[10] Tánh là hoàn thiện quang minh (Trung Dung, chương 21) Mệnh vừa Thiên Mệnh, vừa Nhân Mệnh. Muốn hiểu được Mệnh Trời phải am tường bản tánh. Và định mệnh con người là phải am tường bản tánh đó.[11] Vậy Mệnh Trời là muốn ta tìm được bản thể của mình, theo tiếng gọi lương tâm, phục tòng thiên lý để kết hợp với Trời (Phối Thiên) và Thánh Nhân đã đạt được điều đó.

Như vậy trong cái nhìn của Nho Giáo, con người không phải đơn thuần là con vật hai chân. Cái sinh vật ấy tiềm ẩn trong lòng Thiên Tánh cao đẹp, toàn thiện toàn mỹ. Nếu cái Thiên Tánh ấy chưa được nhận chân, con người vẫn tương đồng với cầm thú (tiểu nhân). Nhận ra cái Thiên Tính ấy và tu tập để nâng cao phẩm giá con người, để thành con người tiến hóa thì gọi là quân tử. Nhưng định mệnh con người không dừng lại ở chỗ ngôi vị quân tử (dù rằng vô cùng gian nan khó nhọc mới đạt được ngôi vị này) mà còn tiến hóa tới cái viễn đích là Phối Thiên (phối hợp với Trời), và đó là ngôi vị Thánh Nhân, một con người siêu quần bạt tụy.

Thành quân tử đã khó, thành Thánh Nhân lại càng khó thay. Theo quan niệm Mạnh Tử, cứ 500 năm mới có một Thánh Nhân ra đời. Thôi thì chúng ta hãy tạm gác lại quan niệm về con người siêu xuất xã hội này, mà hãy nhìn lại con người xã hội theo Nho Giáo.

Quả thực, cái "con người cho thật con NGƯỜI" mà chúng ta đang ao ước và mệnh danh là "con người hạnh phúc, văn minh, lịch sự, toàn thiện, toàn mỹ" chẳng qua là con người quân tử mà 2500 năm trước, Khổng Tử đã nói.

Học giả Mỹ James R. Ware trong quyển bình dịch về Luận Ngữ [12] của ông, đã mệnh danh đó là lời giáo huấn của bậc đại hiền Trung Hoa (the Teachings of China’s Greatest Sage) và ông nhận xét rằng: "Việc nghiên cứu chuyên cần Luận Ngữ có thể giải quyết vấn đề đạo đức sâu thẳm của người Tây phương. Đọc Khổng Tử có thể giúp ta xác định lại những niềm tin tôn giáo truyền thống, đồng thời cũng giúp ta nhận thức lại giá trị tình cảm và lý tưởng con người."

Xin mượn lời trên để kết thúc bài viết này.


Sách tham khảo chánh:

1. Chiêm Bình, Tứ thư tường giải, Đài Loan, 1964.

2. James Legge dịch, Tứ thư (Four Books), Hương Cảng.

3. Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Trung Tâm Học Liệu xb, Saigon, 1971.

4. Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Khai Trí xb, 1973.

5. Phan Bội Châu, Chu Dịch, Khai Trí xb.

6. H.G. Creel, Confucius and the Chinese Way, 1960.

7. H.G. Greel, Chinese Thought from Confucius to Mao tse Tung, 1964.

8. J.R. Ware, The Sayings of Confucius (Luận Ngữ), 1960.

9. J.R. Ware, The Sayings of Mencius (Mạnh Tử), 1960.

 

Lê Anh Minh
Nguồn: nhipcaugiaoly.com


__________________

[1] Lê Anh Minh dịch. Nguyên văn: «Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Độc sảng nhiên nhi lệ hạ.» 前不見古人 / 後不見來者 / 念天地之悠悠 / 獨愴然而淚下 (Đăng U Châu Đài Ca 登幽州台歌)

[2] Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn. 人之初 性本善 性相近 習相遠 (Tam Tự Kinh 三字經)

[3] Nhân chi sở dĩ dị vu cầm thú giả kỷ hi, thứ dân khử chi, quân tử tồn chi. 人之所以異于禽獸者几希﹔ 庶民去之,君子存之。(Mạnh Tử - Ly Lâu hạ, ch. 19)

[4] Nhân năng vô dĩ cơ khát chi hại vi tâm hại, tắc bất cập nhân, bất vi ưu hỹ. 人能無以飢渴之害為心害,則不及人不為憂矣 (Mạnh Tử - Tận tâm thượng)

[5] Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi 君子喻於義小人喻於利. Luận Ngữ, 4.16.

[6] Nhân bất tri nhi bất oán 人不知而不怨. Luận Ngữ, 1-1.

[7] Quân tử giao tuyệt, bất xuất ác thanh. 君子交絕不出惡聲.

[8] Điều này Khổng Tử đã lý giải khi nói về Quản Trọng. Luận Ngữ, 14-18.

[9] Thánh nhân chi ư dân, diệc loại dã. Xuất ư kỳ loại, bạt hồ kỳ tụy. 聖人之於民亦類也出於其類拔乎其萃 (Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng)

[10] Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị Đạo. 天命之謂性率性之謂道. Trung Dung, chương 1

[11] Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã 不知命無以君子也 (chẳng hiểu mệnh trời thì không đáng gọi là quân tử). Luận Ngữ, 20-3.

[12] James Ware, The Sayings of Confucius, Mentor Books, 1960. p.17: "Diligent study of The Sayings of Confucius can help solve the profound moral problem of the West. Reading Confucius may enable us to restate our own traditional religious beliefs and help us to realize again the value of emotion and idealism to all men."

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...