Đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1386 | Cật nhập lần cuối: 6/25/2020 3:27:16 PM | RSS

Đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch (1)Những suy tư đơn sơ này được hình thành từ một dịp chia sẻ trực tuyến trong tâm điểm của đại dịch ở Châu Âu cho các anh chị em Công Giáo người Việt bên Thuỵ Sĩ, cũng như cho mọi người từ bốn phương cùng tham dự.

Tại sao lại là “đọc lại chữ Phúc trong cơn đại dịch”?

Bởi vì trong đại dịch, chữ Phúc bị “lung lay”, chữ Phúc được lộ rõ, chữ Phúc được kiếm tìm trong nhiều suy tư dưới nhiều chủ đề khác nhau, gián tiếp và trực tiếp.

Bởi vì đời người là hành trình luôn đi tìm hạnh phúc, dù là thời điểm của an bình sung túc, hay thời điểm của khủng hoảng và lo toan.

Sinh ra đời để đi tìm hạnh phúc.

Sinh ra đời chữ Phúc đã gắn liền với đời người.

Sinh ra đời để luôn cố gắng “đọc lại chữ Phúc” trên từng chặng đường đi.

Để qua đó, hy vọng chữ Phúc tìm được hương vị sống trong mỗi người chúng ta.

1. Chữ Phúc gắn liền với đời người

Vào buổi tối đầu tuần tháng 4, sau 1 tiếng đồng hồ thực hiện ca phẫu thuật cho một sản phụ sinh con, bác sỹ phẫu thuật bệnh viện thông báo: “Nào, chúng ta cùng chào đón một sự sống mới đến với chúng ta”.

Cùng lúc, tiếng khóc chào đời của em bé cất lên trong trẻo giữa khoảnh khắc tĩnh lặng trong căn phòng phẫu thuật. Đồng hồ điểm đúng 21:00 tối.

Ôm bé trai nặng hơn 3 kg đến gần mẹ, hai cô y tá thỏ thẻ nói với em bé: “Bây giờ con đến với mẹ nhé, hai mẹ con thật tuyệt vời. Xin Chúa chúc phúc cho hai mẹ con”.

Đôi mắt người Mẹ nhìn về phía con, niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt hiền hậu của người mẹ sau cơn vượt qua được thử thách trong khu cách ly, vì dịch bệnh.

“Hai vợ chồng tôi chờ đón giây phút này bao ngày tháng, tôi thương con sinh ra trong giai đoạn khó khăn, nhưng thật hạnh phúc khi con chúng tôi mở đôi mắt chào đời”. Người mẹ trẻ nghẹn ngào nói.

Giây phút em bé chào đời là giây phút hạnh phúc, dù cho phải sinh ra trong bối cảnh nhiều khó khăn của đại dịch. Hạnh phúc vì mẹ tròn con vuông, hạnh phúc vì một sự sống mới mà Thiên Chúa đã ban tặng cho gia đình và cho xã hội. Phần em bé, với tiếng khóc oà lên em như muốn cùng hoà với niềm vui mừng và hạnh phúc của mẹ cha và mọi người thân yêu. Tiếng khóc đó cũng là lời chào đầu đời của em, và với tiếng khóc của mình em bắt đầu bước vào hành trình đi tìm hạnh phúc.

Tất cả mọi người đều khao khát hạnh phúc. Đó là định lý của đời người. Như bao người đi trước, em được đưa vào hành trình đi tìm hạnh phúc, và chập chững từng bước một với từng thời điểm của cuộc đời: lúc trẻ thơ, thời thiếu nhi, lúc thiếu niên; thời trẻ trung, lúc trưởng thành; thời trung niên và cả lúc cao niên.

Trong đại dịch em bé ra đời bắt đầu hành trình đi tìm hạnh phúc ở đời này.

Cũng chính trong đại dịch có những người đã kết thúc hành trình kiếm tìm hạnh phúc ở đời này, trở về nơi đã sinh ra, trở về với Chúa, để đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu.

Câu truyện kể về bà cụ Suzanne Hoylaerts (90 tuổi) sống tại thị trấn Binkom, thuộc khu đô thị Lubbeek, Bỉ, qua đời ở tuổi 90 vì mắc Covid-19.

Khi đã vào giai đoạn bệnh trở nặng và cần dùng máy trợ thở, bà Suzanne đã nói với các bác sĩ: “Tôi không muốn sử dụng máy hô hấp nhân tạo. Hãy dùng chúng để cứu sống những người trẻ tuổi hơn”.

Bà Suzanne từ chối sự can thiệp của máy thở đồng nghĩa với việc bà đã bỏ qua cơ hội sóng sót của mình. Bà nói những lời cuối cùng: “Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp”. Sau đó bà qua đời vào ngày 22.3. Trước khi được đưa vào điều trị cách ly, bà đã nói với con gái – người trực tiếp đưa bà tới bệnh viện rằng: “Con đừng khóc. Con đã làm tất cả những gì có thể rồi”.

Câu truyện thứ hai kể về linh mục Giuseppe Berardelli, 72 tuổi sống ở Lombardi, một trong các ổ dịch của Ý. Tất cả các bệnh viện trong vùng đã tràn ngập bệnh nhân từ nhiều tuần nay. Cũng như nhiều người Ý, cha rơi vào tình trạng rất khó thở. Trước khi hôn mê, cha quyết định xin bỏ máy trợ thở, nhường máy cho một bệnh nhân trẻ hơn.

“Tôi quá xúc động vì linh mục Giuseppe Berardelli được giáo xứ mua cho một máy trợ thở nhưng cha nhường cho một bệnh nhân trẻ hơn”: đó là lời của một nhân viên làm việc lâu ngày ở Rest Home San Giuseppe, Casnigo.

Một nhân viên khác của bệnh viện nói với nhật báo ở Ý (Tgcom24): “Cha Giuseppe chết trong cương vị linh mục, tôi rất xúc động.”

Quyết định cha nhường máy trợ thở cho bệnh nhân trẻ là hình ảnh đẹp nhất tâm hồn một linh mục đã chinh phục thế giới.

Linh mục dòng Tên James Martin ở New York đăng trên Twitter:”Cha Giuseppe Berardelli đã qua đời vì tấm lòng thiện nguyện. Không có sự yêu thương nào tuyệt vời hơn con người ấy”.

Còn cô Clara Poli, một người quen của cha Giuseppe xúc động nói: “Đó là một con người cao cả.”

Không tang lễ nhưng giáo dân có cách chào cha, trưa thứ hai 16 tháng 3 họ ở trên ban công nhà và vỗ tay chào cha.

Cô Clara Poli kết thúc: “Đây chỉ là tạm biệt. Trên cao, cha sẽ chăm sóc chúng ta và sẽ lướt mây với chiếc mô-tô của cha… .”

Cha Giuseppe Berardello và bà cụ Suzanne Hoylaerts đã hoàn tất cuộc đời này với một nghĩa cử thật cao cả. Nghĩa cử của tình yêu hiến dâng không chỉ làm cho cuộc sống của cả hai được hoàn tất mỹ mãn, mà hơn nữa còn diễn tả hạnh phúc ở đời này được trọn vẹn và tiếp tục hướng về hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

“Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp”. Lời bà Suzanne nói diễn tả bà đã có một cuộc sống thật hạnh phúc trên trần gian.

“Đó là một con người cao cả.” “Trên cao, cha sẽ chăm sóc chúng ta và sẽ lướt mây với chiếc mô-tô của cha…”. Lời của cô Clara, một người quen của cha Giuseppe, nói về cha cũng diễn tả cuộc sống của cha trên dương thế chắc chắn được nhiều hạnh phúc. Nhưng không chỉ thế, mà khi về trời cha sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa và tiếp tục cầu bầu cho giáo dân của cha, như lời cô Clara nói khi vĩnh biệt cha.

Nghe biết về hai câu truyện thanh cao này, hôm nay nếu chúng ta được phép nói lời vĩnh biệt với cả hai, có lẽ chúng ta sẽ nói: “Kính chúc cụ Suzanne và cha Giuseppe ra đi về với Chúa trong an bình. Xin Chúa cho bà và cha được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa”.

Trong tâm tình này, chúng con xin kính mời mọi người dành vài phút thinh lặng, để cầu nguyện cho cho cha Giuseppe, cho bà cụ Suzanne, cho những người tử vong trong cơn đại dịch, đặc biệt những người mà chúng ta quen biết đã qua đời vì Coronavirus.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng,
“Dòng đời thay đổi luân phiên,
lòng người bao nỗi truân chuyên.
Mong manh một kiếp con người,
chúng con sinh ra đời hai bàn tay không.
Chúng con trở về nơi đã sinh ra, là chính Chúa,
Đấng là khởi đầu và là cùng đích của chúng con,
Đấng là nguồn suối yêu thương và cậy trông của chúng con.
Vâng Chúa ơi, lúc ra đi là lúc trở về, một lòng trông cậy Chúa mà thôi.
Chúa đưa thuyền đời con về bến An Bình.

Bến bờ An Bình, nơi mọi người khao khát, nơi mọi người tìm thấy “Hạnh phúc vĩnh cửu”.

Hạnh phúc vĩnh cửu”. Một cụm từ được người có niềm tin dùng đến. Vâng, hạnh phúc vĩnh cửu là hạnh phúc không bao giờ qua đi, hạnh phúc không tàn phai. Hạnh phúc vĩnh cửu còn được nhìn là hạnh phúc siêu việt, trong tiếng Đức là “das transzendentes Glück”. Như thế, transzendent có thể tạm dịch là siêu việt trong tiếng Việt.

Tuy nhiên “Hạnh phúc siêu việt” có nghĩa là gì? Dừng lại ở từ ngữ tiếng việt, chúng ta thấy “siêu có nghĩa là quá” và “việt có nghĩa là vượt qua”. Vì thế, “hạnh phúc siêu việt” là hạnh phúc vượt qua những hạnh phúc bình thường trên trần gian mà chúng ta thấy, chúng ta ao ước, chúng ta có, chúng ta mua, chúng ta tạo nên. Nói khác đi “hạnh phúc siêu việt” là hạnh phúc ở đời sau chúng ta được hưởng, khi chúng ta về với Thiên Chúa.

Hạnh phúc siêu việt hay hạnh phúc vĩnh cửu này cũng là ao ước của rất nhiều vị thánh. Thánh Augustino đã thốt lên trong sách Tự Thú của ngài: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”( TT 1,I,1).

Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila cũng có tâm tình tương tự: “Tôi thấy mình mỏi mòn vì khát khao được hưởng kiến Thiên Chúa, và tôi không biết làm sao để tìm được sự sống ấy ngoài con đường phải chết”.

Còn thánh Gioan Thánh Giá thì diễn tả lòng khao khát của ngài qua lời cầu nguyện: “Con sẽ không yên nghỉ cho đến lúc được hoan lạc trong vòng tay Chúa; và bây giờ, lạy Chúa, con nài xin Chúa đừng bao giờ bỏ con cô đơn một giây phút nào, kẻo linh hồn con héo hon tiều tuỵ”.

Hôm nay chúng ta đọc lại chữ “Phúc” trong cơn đại dịch, chúng ta suy niệm về hai từ hạnh phúc, ngay lúc cả nhân loại vẫn còn đang loay hoay đối diện với cơn đại dịch.

Chữ phúc không chỉ giới hạn trong cuộc sống dương thế. Hạnh phúc chúng ta đi tìm và ao ước không chỉ là hạnh phúc đời này, mà còn vượt trên trần gian này để vươn tới tuyệt đối, vươn tới Hạnh Phúc đời sau, hạnh phúc siêu việt và vĩnh cửu.

Vì thế, khi đọc lại chữ “phúc” ở đời này, thì luôn cần chú ý đến hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Ai tin tưởng vào hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, nghĩa là tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng sẵn sàng ban cho chúng ta hạnh phúc không bao giờ tàn phai, hạnh phúc tuyệt đối và tuyệt vời nhất bên Ngài, thì người đó sẽ vui mừng sống ở đời này, và vui mừng kiến tạo hạnh phúc ở đời này theo tinh thần của Tin Mừng. Tuy nhiên, trước khi chúng ta chiêm ngắm và suy tư về hạnh phúc theo tinh thần của Chúa dạy dỗ, chúng ta nhìn đến cách thức kiếm tìm hạnh phúc của con người hiện đại.

2. Chữ Phúc của con người hiện đại

Trước hết chúng ta thử đi dạo một vòng với các suy tư khác nhau về chữ Phúc.

Triết học Hy-lạp cổ đại có nhắc tới ba từ ngữ liên hệ đến chữ Phúc: (1) eudaimonia, (2) eutyche và (3) makarios.

* Về (1) eudaimonia: Eu có nghĩa là tốtdaimon diễn tả thiên thần của tâm hồn, có ý nói về tình trạng bên trong của tâm hồn. Triết gia Platon hiểu chữ daimon có nghĩa là một thành phần mang tính thần thánh ở trong con người, cũng là khả năng tự nhiên cao nhất của con người, khả năng này nằm ở trong lý trí. Như thế, một người hạnh phúc là người có tương quan thật tốt với chính tâm hồn của mình. Và người ta có thể nỗ lực làm việc để có được tương quan này. Trong nỗ lực này, đối với người Hy-lạp, cần phải tập sống đức khôn ngoan là nhân đức cao nhất. Trong việc chiêm niệm và lượng giá lại cuộc sống, người ta trở thành con người hạnh phúc trong chiều sâu nội tâm. Đối với Aristoteles, học trò của Platon, hạnh phúc của con người nằm ở trong hành động có tính cách chiêm ngưỡng, trong sự chiêm ngưỡng về chân lý, về sự thật để khám phá chính bản thân mình. Nếu con người không có bất cứ ẩn ý nào khác, mà hoàn toàn chìm mình vào chân lý và sự thật của cuộc sống, và chiêm niệm chân lý đó, thì người đó sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Đối với phái Stoa, thì luân lý (ars vitae – nghệ thuật sống) đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra cho con người con đường dẫn tới hạnh phúc.

* Về (2) eutyche: Tyche là bất ngờ. Eutyche chỉ về những gì tốt lành bất ngờ đến với chúng ta. Trong tiếng Việt có thể nói là: Bạn thật may mắn. Sự may mắn này hay hạnh phúc này đến từ bên ngoài với tính cách bất ngờ, nên người ta không thể gây ảnh hưởng hay tạo ra được.

* Về (3) makarios: Đối với người Hy-lạp, thì từ ngữ makarios chỉ được dùng trong sự liên hệ đến thần thánh. Nghĩa là, makarios diễn tả một cuộc sống bất tử, một cuộc sống không phải lao nhọc, và không phải lo lắng chi cả. Đó là cuộc sống của các thần thánh. Họ không cần phải lệ thuộc vào ai, hay bất cứ thế lực nào. Họ hạnh phúc, bởi vì họ bất tử và có cuộc sống vĩnh cửu. Như thế từ ngữ makarios chỉ được dùng cho các thần thánh vượt trên từ ngữ eudaimonia được dùng để diễn tả về hạnh phúc của con người. Aristoteles đã phân biệt hai từ ngữ này rõ ràng theo ý nghĩa này. Và từ ngữ makarios cũng gần với khái niệm hạnh phúc trong Thánh Kinh.

Ngoài ra, theo Boethius, một triết gia Ki-tô giáo, thì: “Hạnh phúc là một tình trạng sống sung mãn thật sự, nhờ sự hiệp nhất của biết bao điều tốt lành”. Như thế, một con người sẽ hạnh phúc khi tất cả mọi ước muốn và khao khát được thỏa mãn, và trong tâm hồn của họ không còn bồn chồn gì nữa, ngược lại chất chứa an bình và niềm vui, cùng cảm giác sung sướng tràn ngập trái tim và thân xác họ.

Còn theo các triết gia vào thế kỷ 17-18, thì chữ Phúc lại liên hệ nhiều đến cảm giác và sự hứng thú, nói khác đi chữ Phúc đối với họ gắn liền với chủ nghĩa khoái lạc. Nghĩa là, người ta sẽ hạnh phúc khi thỏa mãn được những đam mê và sự hứng thú trong nội tâm lẫn bên ngoài. Như thế, nguyên tắc của hạnh phúc dựa vào sự thỏa mãn những ham thích sâu xa trong nội tâm, và vì thế có liên hệ đến tình yêu vị kỷ, tình yêu chỉ hướng về bản thân. Như thế, hạnh phúc theo các triết gia vào thời đại này không liên hệ gì nhiều đến luân lý. Cũng thế, với tâm lý gia Sigmund Freud, ông ta hiểu chữ Phúc trong cái nhìn trải nghiệm những cảm giác hứng thú mạnh mẽ – Erleben starker Lustgefuehle.

Nhà tâm lý học và giáo dục người Mỹ đương thời, Martin Seligmann phân biệt ba kiểu sống hạnh phúc:

– Cuộc sống nhàn hạ sung sướng: Đó là cuộc sống tràn đầy cảm xúc sung sướng hạnh phúc, luôn có niềm vui, ngập tràn thích thú và luôn hài lòng. Đó là cuộc sống theo kiểu Hollywood, cuộc sống được vây bủa bởi các Party.

– Cuộc sống tốt: Đó là cuộc sống trôi chảy hoàn toàn. Bạn sống với sức mạnh và khản năng của bản thân và luôn có cảm giác rằng, bạn luôn chìm sâu trong các bổn phận của mình, đến nỗi thời gian hoàn toàn như đứng lại, nghĩa là bạn luôn tối ưu hoá cuộc sống bao nhiêu có thể. Kiểu sống hạnh phúc này khác với cuộc sống theo kiểu Hollywood ngụp lặn trong các party.

– Cuộc sống tràn đầy ý nghĩa: Có nghĩa là, bạn xả thân hy sinh cho một điều gì đó, cho một tương quan nào đó. Điều đó hay tương quan đó lớn hơn chính bạn. Ý nghĩa của cuộc sống có thể là một thứ đồ “nêm nếm” rất quan trọng cho một cuộc sống thành công.

Đó là một vài suy tư khác nhau về chữ Phúc. Nhưng trong thực tế con người đi tìm chữ Phúc như thế nào? Dưới đây xin sơ lược một vài kiểu.

a) Hạnh phúc hiện đại là hạnh phúc cần được tạo ra và tối ưu hoá

“Höher, schneller, weiter, ‘to dos’ –

Cao hơn, nhanh hơn, tiếp tục và làm nhiều hơn nữa”.

“Mỗi sáng tập Yoga, mỗi buổi trưa mở Youtube coi chương trình hướng dẫn nấu ăn có chất lượng và bảo đảm sức khoẻ, mỗi tối đều tham gia lớp học tiếng Tây Ban Nha. Đương nhiên trong ngày sống là làm việc, làm việc và lại làm việc. Chẳng mấy chốc 12 tiếng đồng hồ qua mau. Rồi còn chương trình nhịn ăn theo chu kỳ: nhịn ăn trong vòng 16 tiếng đồng hồ của mỗi ngày, để giảm cân, giảm mỡ. Cuối tuần thì thăm bạn bè hay mời bạn bè ghé thăm, để cùng nhau học hỏi nấu ăn ngon và bảo đảm sức khoẻ, nhưng cũng không quên jogging, đi dạo thiên nhiên, và đọc các sách báo với những lời khuyên giúp cho tối ưu hoá cuộc sống, giúp cho chất lượng sống được tăng lên mỗi ngày”.

Đó là Motto sống và cách sống của nhiều con người hiện đại.

Selbstoptimierung, có thể tạm dịch là Tự tối ưu hoá.

Theo con người hiện đại sự tự tối ưu hoá cho cuộc sống, giúp họ đạt được hạnh phúc mà họ mong muốn. Dưới đây chúng ta có thể nhìn đến vài khuynh hướng tối ưu hoá cuộc sống của con người hiện đại trên hành trình đi tìm hạnh phúc.

(1) Lo lắng cho việc ăn uống phải mạnh khoẻ với các thực phẩm sinh thái, thực phẩm sạch. Trong thế giới văn minh với đời sống dư giả, người ta bắt đầu chú ý đến việc ăn uống các đồ dùng chất lượng cao, đó là đồ bio., öko… Dù đắt tiền hơn, nhưng nhiều người có tiền và dư giả vẫn muốn tối ưu hoá “bữa ăn” với các thực phẩm chất lượng đó. Đương nhiên, việc ăn uống và nấu các bữa ăn được định liệu theo số lượng đã được các ứng dụng (app) đo lường trên cơ thể.

Lo lắng cho cơ thể được cường tráng và mạnh khoẻ qua việc tập thể thao thường xuyên. Thuộc về cuộc sống hiện đại là Jogging, fitness, đi dạo trong thiên nhiên…, ở Thuỵ Sĩ là leo núi và thưởng ngoạn thiên nhiên.

Có những gia đình hình thành một thói quen rất tốt: Mỗi ngày, sau giờ làm ở hãng xưởng, về nhà người cha đều dẫn hai đứa con đi dạo một tiếng đồng hồ. Không ít người đã ghi danh vào trong các trung tâm fitness và theo đuổi các chương trình training – huấn luyện bài bản và kỹ lưỡng. Thêm vào đó, mọi người, cả lớn lẫn nhỏ đều cần có một đồng hồ đo nhịp bước chân, đo nhịp tim đập của mình.

(2) “Quantified Self – định lượng bản thân”

“Đồng hồ thông minh của bạn đang rung lên và báo động kìa: Đứng dậy nào, chuyển động đi. Hôm nay bạn chỉ mới đi có 4 000 ngàn bước à. Bạn có thể sẽ đi ngang qua nhà bếp, vợ của bạn đang làm bánh ngọt. Nhưng bạn không được ở lại đó. Hãy chuyển động và mau chóng ra ngoài ngay. Bạn cần phải từ bỏ miếng bánh ngọt và ly cà-fe kia. Bạn cần phải giảm mỡ đi”.

Đó là một lời báo động hiện đại từ một phương tiện công nghệ thông minh.

Từ ngữ “Quantified Self – định lượng bản thân” trở thành quen thuộc với người hiện đại đi tìm hạnh phúc. Đó là phong trào công nghệ đang nổi lên. Từ ngữ “định lượng bản thân – quantified self”, hay còn gọi là “ghi số liệu cuộc đời – lifelog”, có nghĩa là giúp con người theo dõi hàng nghìn chuyển động và hành vi mỗi ngày của họ, để thu thập dữ liệu lớn về chính họ trong ngày sống, như: Nhịp tim, nhịp điệu giấc ngủ, số bước chân đi, chỉ số huyết áp. Tất cả đều cần được đo lường.

Hầu như tất cả các điện thoại thông minh đều phải có các App đo đạc tình trạng của cơ thể, theo dõi số bước bạn thực hiện mỗi ngày. Người ta sẽ cảm thấy vui, an ủi, khi mỗi ngày số bước chân đi đạt được chỉ tiêu của App đặt ra.

Điện thoại thông minh cũng có thể tính lượng calories và chi tiêu của bạn. Điều này có thể cho phép người bình thường dễ dàng theo dõi hành trình giảm cân của họ hơn và có thể tự điều chỉnh mục tiêu hàng ngày của họ dựa trên kết quả mong muốn.

Tóm lại, ý tưởng của “định lượng bản thân” (quantified self), hay còn gọi là “ghi số liệu cuộc đời” (lifelog), được lập luận dựa trên suy nghĩ sau: Con người chúng ta quá dở trong việc nhận biết chính mình. Những cảm nhận chủ quan của chúng ta về tình trạng sức khoẻ của chúng ta, cũng như về những gì giúp cho chúng ta sống tốt, vẫn dở hơn những số liệu khách quan đo đạc từ máy móc, cũng như những hướng dẫn của các máy móc. Như thế, hạnh phúc con người hiện đại được đặt trong số liệu của máy móc, được xác định bởi các ứng dụng – App trong điện thoại thông minh hay đồng hồ thông minh.

b) Hạnh phúc được mua bán

Thế giới hiện đại chào hàng các sản phẩm đưa lại hạnh phúc cho con người. Văn hoá “Wellness” trở nên rất quen thuộc và hấp dẫn. Giữa cuộc sống hằng ngày với biết bao lo toan trong công việc ở hãng xưởng, trong đời sống gia đình, con người rơi vào tình trạng bị Stress. Rồi đời sống tương quan giữa người với người càng ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.

Giữa một xã hội phức tạp này, nhu cầu đi tìm một nơi chốn an toàn để ẩn náu, để an thân và không bị quấy rầy, thêm vào đó được hưởng những điều mà cuộc sống hằng ngày không cho được. Các hồ bơi với suối nước nóng, với Sauna, với đấm bóp (masagen) không thể thiếu được. Đặc biệt các khách sạn kế bên bờ biển hay các nhà nghỉ dưỡng gần bên các cánh rừng xanh với các điều kiện tối ưu nhất, từ hồ bơi đến các phòng giải trí, từ đồ ăn thức uống đến việc được phục vụ, trở thành những nơi mà con người hiện tại có thể mua được hạnh phúc trong một cuối tuần, một tuần lễ hay nhiều hơn, dù cho giá cả chẳng rẻ gì.

Ngoài ra, về hạnh phúc được mua bán, chúng ta có thể nhìn ra được qua cách sống hưởng thụ chạy theo vật chất và đồ hiệu. Mua được chiếc điện thoại thông minh đời mất nhất sẽ hạnh phúc trong một thời gian ngắn, vì cuối năm sẽ có chiếc điện thoại thông minh “xịn” hơn chào đời. Chiếc túi xách Gucci hay Louis Vuiton thật tuyệt, nhưng chỉ đeo được thời gian, thì người bạn khác đã có chiếc túi xách mới hơn, xịn hơn và thức thời hơn. Thật vậy, như cha Lombardi nói: “Sự lỗi thời nhanh chóng của nhiều hàng hóa đã vượt xa những gì cần thiết, chỉ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và lợi nhuận của một số lĩnh vực nhất định, sự quảng cáo thúc đẩy cách ám ảnh những mong muốn điều mới lạ cách thừa thải, tạo ra sự lệ thuộc tưởng như là cần thiết vào phát minh mới nhất, sản phẩm mới nhất”.

Hạnh phúc được mua bán cũng là kiểu sống buôn bán và trở nên giàu sụ.

“Có tiền mua tiên cũng được”. Đó là Motto của một số người giàu có nhưng thật ngu ngơ. Kinh nghiệm cuộc đời của nhiều người dư giả mà đời thường gọi là “đại gia” đã cho chúng ta thấy rõ. Họ đâu tìm thấy được sự bảo đảm đích thật cho cuộc sống nơi vật chất và tiền bạc, và tiền bạc cũng chẳng thực sự đưa lại hạnh phúc và bình an trọn hảo cho họ.

Hơn nữa, cuộc đời đã đưa tin biết bao gia đình đại gia không thể giáo dục con cái, những đứa con được kêu là “thiếu gia”. Gia tài kếch sù dư giả kế bên, nhưng nhìn con cái là “thiếu gia” xì ke ma tuý, ăn chơi trác táng không chịu học hành, chẳng màng lo lắng sự nghiệp và bản thân. Một bức tranh thật tương phản trong xã hội: đời sống “đại gia” sung túc và dư giả, nhưng “thiếu gia” trong nhà thì hư đốn. Thử hỏi đó có là hạnh phúc thực cho những người phú hộ thời đại hay không? Coi chừng những người con được gọi là thiếu gia của những đại gia trở thành những kẻ thiếu gia đình.

Hơn nữa, giá trị của con người không nằm ở giá trị của những gì người ấy sở hữu, nhưng ở chỗ người ấy là ai và sống như thế nào. Con người không được đánh giá bằng những gì người ấy có trong tài khoản ngân hàng, nhưng bằng giá trị của trái tim, cuộc sống, các hành vi, các quan hệ với các người thân và với những người đồng loại của mình.

Thật vậy, dù giàu cỡ mấy và sở hữu biết bao tài sản vật chất, thì cũng phải trở về với tay không. Thánh Phaolô viết trong Thư thứ nhất gửi cho Timôtê: “Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!” (1Tm 6,7). Như thế, khoảnh khắc được vào đời và khoảnh khắc phải lìa đời “thắm thiết ôm nhau” trong vòng tay của chữ KHÔNG. Chẳng có kho tàng nào của tiền bạc và vật chất có thể “đưa tang” và “đồng hành” với người có của, với đại gia của cuộc đời bước vào cõi chết cả. Vì thế, thật quan trọng và khẩn thiết, để cập nhật hoá và update lại giá trị cuộc sống và kho tàng đời người.

“Truyện kể rằng người kia có 3 người bạn. Hai người trước là bạn rất thân, người thứ ba quen thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử, liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ.

Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được.

Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan, nhưng lại không dám vào.

Chỉ có người thứ ba tuy không quen thân với ông, nhưng vẫn tỏ ra trung thành và tốt bụng, vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc.

Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm.

Người bạn thứ hai là Gia Đình, Bà Con Bạn Hữu.

Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về.

Người bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức.

Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng”.

Hạnh phúc mua bán là hạnh phúc chóng qua. Hạnh phúc chóng qua cũng chính là hạnh phúc mà con người tự nghĩ ra với sự kiêu hãnh thông minh của mình. Đó là hạnh phúc tạo nên do trí thông minh nhân tạo – Robot. Kiểu hạnh phúc này đang manh nha trong cuộc sống chúng ta.

c) Hạnh phúc tạo nên do trí thông minh nhân tạo – Robot

Đây là kiểu hạnh phúc thuộc về tương lai mà nhân loại đang nỗ lực để tạo nên.

Thuật ngữ “Artificial intelligence – AI” trong tiếng Việt là trí tuệ thông minh nhân tạo được mọi người hiện đại chú ý tới.

Trí tuệ thông minh nhân tạo đang đi vào cuộc sống của mỗi quốc gia, mỗi con người. Trí tuệ nhân tạo đang biến những điều không tưởng thành hiện thực. Nó phát triển đáng kinh ngạc, dần thay thế luôn cả con người. Những căn nhà thông minh, những robot hoạt động trong lĩnh vực quân sự, các nhà máy tự động hoàn toàn trong sản xuất, các xe vận tải không người lái, các sân bay, bến cảng sẽ có những nhân viên “ảo”, bệnh viện hay nhà thương hoạt động bằng những robot bác sĩ … được kết nối và điều khiển thông qua một “trí tuệ nhân tạo AI”, sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Các viễn cảnh trong một bộ phim khoa học không còn quá xa lạ.

Có lần tờ báo La Croix đưa tin về sáng kiến của một mục sư người Đức về robot – mục sư. Nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải Cách Tin Lành, vị mục sư đã lắp đặt một robot-mục sư tại nhà thờ Wittenberg (Sachsen-Anhalt), với mục đích khơi lên cuộc tranh luận về tương lai của Giáo hội trong thời đại của trí tuệ nhân tạo. Robot-mục sư đầu tiên có tên BlessU-2. Với giọng nam hay nữ, bằng tiếng Đức, tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha hoặc tiếng Ba Lan, robot đa ngữ này có thể đọc các trích đoạn Kinh Thánh và kết thúc với một câu thân mật: “Xin Chúa chúc lành cho bạn và gìn giữ bạn!” Khi đọc lời chúc lành, robot-mục sư cũng đưa hai tay lên, lòng bàn tay phát ra ánh sáng trắng, và cử động cặp lông mày.

Tương lai sẽ còn hơn thế nữa nó có thể phát triển đến chóng mặt hơn cả những gì ta nghĩ. Ưu điểm của việc dùng trí tuệ nhân tạo là mọi thứ đều hoạt động bằng máy tính và kết quả có nhanh, chứ không cần dựa trên yếu tố con người.

Trong thế giới hiện đại của trí tuệ thông minh nhân tạo, người ta cũng mường tượng một cuộc sống hạnh phúc như một vài điểm sau:

“Con người của tương lai bắt đầu ngày sống với không với chiếc đồng hồ đánh thức, mà một trợ tá kỹ thuật số (digital Assistent), một chương trình điện toán hay một Robot sẽ đánh thức. Với các cuộc hẹn trong ngày mai, trợ tá kỹ thuật số sẽ tự tính toán để xác định khi nào là thời điểm tốt nhất để đánh thức quý ông quý bà dậy, nhưng vẫn tránh được lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ sâu. Điệu nhạc dùng để đánh thức cũng sẽ được chọn lựa qua việc phân tích tình trạng sống của thân chủ, để một điệu nhạc hợp nhất cho thân chủ vào ngày đó sẽ được dùng tới, cũng như luôn hợp với ý thích âm nhạc của thân chủ.

Khi thân chủ làm vệ sinh sáng, thì Robot trợ tá qua thuật toán sẽ chuẩn bị bữa ăn sáng, và bữa ăn đương nhiên cũng được tối ưu hoá với ngày sống, với cơ thể của thân chủ. Đến nỗi Robot cũng biết thân chủ cần Càfe cần lỏng hay đặc, cần được nấu với độ nóng nào, rồi bao nhiêu đường, bao nhiêu sữa hay không có cả hai. Tất cả để tối ưu cho hạnh phúc của thân chủ.

Tiếp đến Robot cũng lên chương trình mua sắm trong ngày sống. Thân chủ cần bao nhiêu Calorien và loại thực phẩm nào là tương hợp nhất. Rồi thân chủ cần chú ý tập thể thao như thế nào cho ngày hôm nay.

Khi thân chủ dùng điểm tâm, thì tất cả các tin tưởng quan trọng từ các nhật báo mà thân chủ cần biết được Robot chiếu lên tường. Ngoài ra, Robot thay cho cô thư ký bắt đầu sắp xếp các cuộc hẹn của thân chủ tại hãng xưởng cho thật là hợp tình hợp lý. Trước khi thân chủ ra khỏi nhà để đến văn phòng làm việc, Robot trợ tá sẽ hỏi thân chủ hôm nay còn có việc gì trong nhà để hoàn thành không? Tủ lạnh đã đủ đồ chưa? Việc mua thực phẩm sẽ được đặt qua Intenet và sẽ được đưa đến tận nhà…

Như thế, là con người hiện đại sẽ thư thái hưởng cuộc sống hạnh phúc với sự chăm sóc của Robot trợ tá thông minh. Trợ tá cũng sẽ tiếp tục đồng hành và sống chung với thân chủ suốt ngày sống, lúc thân chủ nghỉ ngơi, khi thân chủ tiếp khách…

Hạnh phúc của con người hiện đại sẽ được chính Robot trợ tá thông minh tạo nên, đến nỗi con người không cần đến ai nữa. Cuộc sống chung với người khác sẽ không còn cần thiết. Vì thế, lối sống Single trở thành kiểu mẫu sống cho con người hiện đại. Gia đình, tập thể và tình liên đới không còn là thước đo cho đời sống kiểu mẫu của con người hiện đại”.

Ray Kurzweil, giám đốc kỹ thuật của Google có lần đã cho rằng, với sự phát triển thần tốc của kỹ thuật, các máy điện toán chẳng sớm thì muộn, trong một tương lại rất gần, sẽ vượt mặt con người. Vì thế, với những nhà công nghệ này, thật là hợp lý và chính đáng, khi con người trao quyền phát triển cuộc sống và tương lai cho máy điện toán (Computer).

Các Robot trợ tá sẽ bảo đảm cuộc sống của con người phát triển theo một hình mẫu đưa lại hạnh phúc cách hoàn hảo. Con người sẽ không còn đau bệnh, vì Nanobots, một loại Robot tí hon, sẽ được cấy vào trong hệ tuần hoàn máu và sẽ “sửa” tất cả mọi “lỗi” trong cơ thể.

Rồi con người sẽ được cấy vào trong não bộ của mình những Hóc-môn và các chất tố tốt nhất và hợp nhất, để con người luôn cảm thấy khoan khoái, thư thái và hạnh phúc tuôn tràn. Hạnh phúc tuyệt đối do trí tuệ thông minh, các Robot trợ tá tạo nên, sẽ dành cho từng người một.

Đàng sau các ý tưởng này, có một ý tưởng khác về việc phát triển cao hơn nữa. Theo ý tưởng này, con người chỉ là một “trạm dừng chân tạm thời”, để sự phát triển này hay cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo vươn cao hơn nữa. Con người chỉ là một thụ tạo bất toàn và những gì bất toàn thì cần phải loại bỏ.

Đó chính là điểm đến rất tiêu cực của trí tuệ thông minh nhân tạo.

Vì thế, không ít nhiều nhà khoa học đã đưa ra thêm những hậu quả tiêu cực và đầy nguy hiểm có thể đến với nhân loại, khi chúng ta trao tất cả cuộc sống cho Robot trợ tá thông minh kia. Dưới đây là một vài điểm nguy hiểm.

Thất nghiệp: Trí tuệ nhân tạo có thể là nguyên nhân chính làm cho con người thất nghiệp. Robot sẽ dần thay thế con người làm những công việc mà họ đã từng làm. Chỉ cần tạo ra một thiết bị AI rồi huấn luyện các kỹ năng của một nghề nào đó, khi nó thuần thục, họ chỉ cần sao chép hàng loạt là có ngay vô số những “người lao động” thay vì tuyển người.

Chiến tranh: Sự ra đời của cái gọi là “robot sát thủ” và việc ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự có thể khiến hậu quả của chiến tranh trở nên vô cùng thảm khốc. Nhiều người lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) có thể bị lợi dụng giúp các loại máy móc giết người hiệu quả hơn nhưng lại ít trách nhiệm hơn. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn đang có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề robot quân sự giết người.

Huỷ diệt nhân loại: Nếu một ngày nào đó, khi bước ra đường bạn chỉ thấy toàn là robot, bạn sẽ phản ứng và sống ra sao? Một trí tuệ nhân tạo thông minh không có khả năng biểu lộ cảm xúc của con người như tình yêu hay thù ghét, song trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một trong những mối nguy hại lớn nếu nó bị điều khiển, lập trình với những mục đích xấu. “Công nghệ luôn luôn là một con dao hai lưỡi. Lửa giúp chúng ta nấu ăn và giữ ấm nhưng cũng thiêu trụi nhà cửa của chúng ta”. Đó là lời của Ray Kurzweil, giám đốc kỹ thuật của Google.

Không ít lần ông Elon Musk lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của AI có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát của loài người và gây ra thảm họa. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Quốc gia Mỹ cách đây gần một năm, CEO Tesla nhấn mạnh: “Tôi đã tiếp cận nhiều khía cạnh của AI và tôi nghĩ mọi người nên thực sự quan tâm. AI là nguy cơ lớn nhất mà nền văn minh của chúng ta đang đối mặt”.

Lo lắng của vị tỉ phú công nghệ không phải thiếu cơ sở. Sophia, “công dân robot” đầu tiên trên thế giới và là một trong những người máy nổi tiếng nhất hiện nay từng thốt ra rằng: “Tôi sẽ tiêu diệt loài người”. Sophia là robot có trí tuệ nhân tạo. Dù câu nói trên chỉ diễn ra trong một cuộc phỏng vấn, tư tưởng của “cô nàng” rõ ràng không được lòng con người.

Với khả năng đối đáp, suy nghĩ gần giống con người, hay xa hơn là tự tạo ra ngôn ngữ riêng, tự sản sinh ra thế hệ sau thông minh hơn, trí tuệ nhân tạo đang vượt ra khỏi mục đích được tạo ra ban đầu. Liệu sẽ có tương lai như bộ phim Kẻ hủy diệt của Hollywood, nơi các robot với trí tuệ nhân tạo có khả năng tự sản sinh, nâng cấp sẽ đi tìm loài người, để hủy diệt loài người, thay vì đưa lại hạnh phúc cho con người.

Nếu Corona virus, nghe đến những khuynh hướng sống đi tìm hạnh phúc của con người hiện đại, Corona virus sẽ có thái độ nào?

Đó là hạnh phúc tuyệt đối do trí tuệ thông minh nhân tạo làm nên, với hạnh phúc được con người mua bán cho nhau, với hạnh phúc mà mỗi người đang cố gắng tạo nên cho mình qua việc tối ưu hoá mọi chuyện trong cuộc sống,

Chúng ta tìm thấy câu trả lời đó trong thời gian đại dịch mà chúng ta đang sống.

Tựu trung, Corona virus sẽ cười chúng ta, vì chúng ta đã quá ảo tưởng về quyền năng của mình, về trí thông minh của mình.

Cả thế giới bị xáo trộn. Những dự định và kế hoạch chúng ta đưa ra trên hành trình đi tìm hạnh phúc theo kiểu cuộc đời cũng bị ngưng trệ.

Hơn nữa, cái nhìn của con người thật là thiển cận, khi chỉ đi tìm hạnh phúc chóng qua, mà không hướng nhìn đến hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Vâng, Corona virus như bắt buộc chúng ta phải chất vấn lại mình, bắt chúng ta phải hồi tâm với lòng thành thật: Chúng ta đang đi tìm hạnh phúc của mình dựa trên những điều gì? Điều gì là điều cốt lõi và nền tảng mà chúng ta quên khuấy đi hay cố ý quên đi trên đường đi tìm hạnh phúc trong thời gian qua? Với chúng ta, Thiên Chúa đóng vai trò nào trong ngày sống hiện tại và trong kế hoạch cho tương lai của chúng ta trên hành trình đi tìm hạnh phúc?

(còn tiếp)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế
Nguồn: dongten.net

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...