Đối thoại liên tôn giáo trong đời sống hằng ngày

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2907 | Cật nhập lần cuối: 3/2/2016 2:10:14 PM | RSS

Tính thời sự của việc gặp gỡ liên tôn

Trong quý III của năm nay, nhiều sự kiện liên tôn với những cuộc gặp gỡ, hội thảo hay hội nghị đã diễn ra ở nhiều nơi trong Hội Thánh Công giáo, để mừng kỷ niệm 50 năm ban hành Tuyên ngôn Nostra aetate về Liên lạc giữa Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Ngày 27.10.2015, cuộc Hội ngộ Liên tôn lần thứ V tại Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Tp.HCM với chủ đề "Bồi đắp Văn hóa gặp gỡ", với sự tham dự của Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, đặc trách đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cùng hàng trăm chức sắc và đại diện của 6 tôn giáo bạn.

Trên bình diện quốc tế, không kể các cuộc gặp gỡ liên tôn tại các nước Đức Giáo hoàng tông du mục vụ (Hàn quốc, Hoa kỳ, Trung Phi…), hôm 28.10.2015, lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ trì một buổi tiếp kiến chung liên tôn nhân dịp kỷ niệm 50 năm công bố Tuyên ngôn Nostra Aetate, với 600 khách mời thuộc mọi truyền thống tôn giáo.

Đối thoại liên tôn giáo trong đời sống hằng ngày

Tại khu vực châu Á, từ 16 đến 20/11/2015, Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã tổ chức Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI) tại Pattaya, Thái Lan với 87 tham dự viên thuộc 17 quốc gia. Giáo hội Việt Nam có 4 tham dự viên gồm 3 linh mục và Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, phụ trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa tôn giáo và sự giao lưu văn hóa đang phát triển như tại Việt Nam, việc gặp gỡ giữa tín đồ các tôn giáo không những được sự quan tâm của các tín hữu mà còn được các nhà khoa học xã hội lưu tâm khảo cứu. Cụ thể là ngày 25.9.2015 vừa qua, một cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề "Đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện mới", do Viện nghiên cứu tôn giáo (thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã được tổ chức tại Hà Nội.

* * *

Trong bốn hình thức đối thoại liên tôn giáo: đối thoại giữa các chuyên viên hay chức sắc tôn giáo, đối thoại tâm linh, đối thoại bằng sự hợp tác trong hành động vì công ích và đối thoại trong cuộc sống; thì hình thức sau cùng này phổ quát nhất và liên quan đến mọi tín đồ. Thực vậy, các chức sắc hay nhà chuyên môn về tôn giáo thường chỉ gặp nhau vào dịp mừng đại lễ tôn giáo hay trong các cuộc hội thảo, nhưng cuộc gặp gỡ giữa tín đồ các tôn giáo thì diễn ra hằng ngày, từ học đường đến công xưởng, từ các hàng quán đến các môi trường vui chơi giải trí v.v…

Nơi nhà trường

Trẻ em Công giáo đến nhà xứ mỗi tuần một lần để học giáo lý và tham dự Thánh lễ, còn 6 ngày trong tuần các em thường xuyên tiếp xúc và sinh hoạt với các trẻ thuộc các tôn giáo khác hay theo đạo thờ kính ông bà tổ tiên.

Việc đeo tràng chuỗi Mân côi, làm dấu thánh giá trước bữa ăn cũng là những hành vi tôn giáo hay dấu chỉ làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Sự lễ phép với thầy cô, hòa nhã với bạn bè và trung thực khi làm bài kiểm tra, chẳng phải là cách thế các học sinh Công giáo góp phần Phúc âm hóa xã hội đó sao?

Ở lưu xá, nhà trọ

Các sinh viên, công nhân đến từ các tỉnh thành đến học hay làm việc tại thành phố, sống chung hằng ngày với các bạn ngoài Kitô giáo tại các lưu xá, nhà trọ. Các thực hành đức tin của những người trẻ Công giáo (đọc kinh, giư chay, tham dự Thánh lễ Chúa nhật…) thường gây thắc mắc cho bạn bè, và ngược lại vài thực hành mang tính dị đoan của người khác có thể ảnh hưởng đến các thành phần di dân Công giáo này.

Xa quê hương và mái ấm gia đình, lối sống chừng mực trong quan hệ nam nữ trước hôn nhân - theo luân lý Công giáo - cũng là một thách đố lớn đối với Kitô hữu thanh niên khi sống trong bầu khí tự do luyến ái, ngừa thai, phá thai của các bạn trẻ không có đạo hay khác niềm tin với mình.

Tại công sở, xí nghiệp

Thông thường, 5 ngày/tuần anh chị em nhân viên và công nhân Công giáo làm việc chung với các đồng nghiệp thuộc tôn giáo khác. Nếu đây là các tín đồ thuần thành, chắc chắn phong cách làm việc, đường lối hành xử của họ sẽ được chi phối bởi niềm tin của tôn giáo mình theo.

Chẳng hạn như điều răn "chớ lấy của người và làm chứng dối" đòi hỏi người Công giáo sống liêm chính và trung thực, thì hai trong Ngũ giới cấm cũng yêu cầu Phật tử sống ngay thẳng: "Tránh xa sự trộm cắp và nói dối". Việc thực hành các giới luật đạo này giúp Kitô hữu và Phật tử sống ngay chính, đẩy lùi nạn tham nhũng, hối lộ và góp phần làm trong sạch hóa môi trường chức nghiệp.

Trong sinh hoạt xã hội

Sống giữa xã hội mà người Công giáo chỉ là thiểu số, do các mối quan hệ, giao dịch nghề nghiệp, chúng ta thường xuyên tham dự vào các nghi lễ mang tính tôn giáo khác với niềm tin Kitô giáo của mình: lễ động thổ, khai trương cửa hàng, quan hôn tang tế, giỗ kỵ v.v…

Không ít người sống chung với gia đình (chồng/vợ) khác đạo thắc mắc có được phép lạy trước bàn thờ ông bà tổ tiên, khi bàn thờ này nằm ngay dưới bàn thờ Đức Phật. Tương tự như thế, khi đi viếng linh cữu người quá cố, có được thắp nhang trước bàn thờ Phật đặt bên cạnh áo quan và di ảnh người quá cố.

Trên nguyên tắc, người Công giáo không tin vào ngày giờ tốt cho việc cưới hỏi, ma chay, nhưng đôi khi phải nhân nhượng chấp nhận quyết định của nhà trai hay bên thân quyến ngoài Kitô giáo; hoặc đồng thuận cho thợ thuyền hay những người khác đạo cùng hợp tác làm ăn, cúng vái tổ nghiệp, thổ thần v.v…

Truyền thống Công giáo cũng có những nghi thức làm phép nhà, cầu nguyện cho thai nhi và người mẹ, cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân tại gia hay trong bệnh viện v.v… gây ngạc nhiên, thắc mắc cho người khác đạo và cần có sự giải thích, để tránh sự ngộ nhận và hiểu lầm khi những sinh hoạt tôn giáo này được thực hiện ở nơi công cộng.

Đời sống hôn nhân - gia đình

Trên bình diện xã hội học, tỉ lệ 6,7% Công giáo trên dân số cả nước và 10% tại Tp.HCM, kéo theo việc kết hôn với người khác đạo là chuyện tự nhiên. Dẫu biết rằng phụ huynh Công giáo nào cũng mong muốn cho con dâu hay con rễ mình chia sẻ cùng niềm tin với con cái mình, nhưng chúng ta không nên bắt buộc người bạn đời của con mình phải gia nhập đạo, mới đồng thuận cho kết hôn. Vì sao? Thưa vì Đức tin là một hồng ân Chúa ban và theo tuyên ngôn về Tự do tôn giáo của Công đồng Vatican II, người Công giáo có bổn phận tôn trọng tự do lương tâm và tôn giáo của người khác, vì quyền tự do này gắn liền với phẩm giá con người:

"… trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Đồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người…" (Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, số 2).

Khi người phối ngẫu tự nguyện theo đạo vì tình yêu phu phụ, thì đời sống gia đình mới chan hòa và an hòa. Ngược lại, thực tế cho thấy không ít trường hợp theo đạo vì bị "ép buộc" để lấy vợ, thì sau khi lập gia đình rồi, một số người chồng đã phản ứng lại bằng cách thôi nhà thờ, ngăn cản vợ đi lễ và không cho con cái rửa tội hay theo học giáo lý.

Hình thức đối thoại bằng cuộc sống được thực hiện một cách thường nhật trong phạm vi gia đình mà chồng hoặc vợ thuộc về một tôn giáo khác với Kitô giáo. Liên quan đến các trường hợp hôn phối với người thuộc tôn giáo khác, dựa trên lời khuyên của thánh Phaolô, sách Giáo lý đã nêu rõ trách nhiệm đặc biệt của phía công giáo đối với người bạn đời của mình: “Chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo” (1 Cr 7, 14). Thật là một niềm vui lớn cho người phối ngẫu Kitô hữu và cho Hội Thánh nếu “việc thánh hóa này” đưa người phối ngẫu kia tự nguyện đón nhận đức tin Kitô giáo (x. 1 Cr 7, 16). Chính tình yêu phu phụ chân thành, việc thực hành cách khiêm tốn và kiên nhẫn những nhân đức tính thuộc gia đình và việc kiên trì cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người phối ngẫu không có đức tin đón nhận được ơn làm con Chúa." (GLHTCG 1637).

Đối thoại liên tôn giáo trong đời sống hằng ngày

Thay lời kết

Cuộc gặp gỡ liên tôn giữa các tín hữu diễn ra hằng ngày, trong nhiều lĩnh vực và nơi nhiều môi trường khác nhau, mà chúng ta vừa nêu vài trường hợp điển hình ở trên. Những cuộc giao lưu này không chỉ liên quan đến các chức sắc hay các chuyên viên về tôn giáo, nhưng liên hệ đến các gia đình và mọi thành phần trong xã hội, nhất là học sinh, sinh viên, nhân viên, công nhân và người di dân…

Thái độ tôn trọng "những gì chân thật và thánh thiện" nơi các tôn giáo (NA số 2) không hề cản trở việc Loan báo Tin Mừng trong môi trường sống, trái lại thúc đẩy việc Phúc âm hóa theo hướng "hữu xạ tự nhiên hương".

Lời nhận định của các giám mục Á châu nhân dịp kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn Nostra aetate, đáng cho mọi Kitô hữu chúng ta suy nghĩ và hành động, để cuộc sống chung được chan hòa tình huynh đệ, đồng thời làm cho các "hạt giống của Ngôi Lời" (những gì phù hợp với chân-thiện-mỹ và những Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô) được sinh hoa trái trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

"Với kinh nghiệm đối thoại và hành động trong năm thập kỷ vừa qua, chúng ta đã học biết rằng đối thoại liên tôn không chỉ là một chiến lược mục vụ cụ thể của Giáo Hội, nhưng còn là một cái nhìn của châu Á về Giáo Hội. Đó là một Giáo Hội tuyên xưngcác giá trị của Vương quốc mà không sợ hãi, trong sự hợp tác mang tính đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác." [Tuyên bố chung kết của Hội nghị Giám mục về Liên tôn (BIRA) VI, số 4]

Theo giáo huấn của Giáo hội và đặc biệt trong bối cảnh Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, đối thoại giữa tín hữu các tôn giáo vừa là phương thế vừa là con đường Loan báo Tin Mừng và Phúc âm hóa xã hội. Mong sao ngày càng có thêm nhiều Kitô hữu giáo dân ý thức và dấn thân dựng xây cuộc gặp gỡ liên tôn trên những nẻo đường của cuộc sống hằng ngày, để Con Thiên Chúa tiếp tục nhập thể và nhập thế giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.

Linh mục Tâm Giao
Mùa Vọng 2015

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...