Giáo lý Tín lý - Bài 21: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
(tiếp theo bài 20)
Nhận định
Theo nguyên văn bản Kinh Tin Kính La ngữ (bản Việt là bản phiên dịch) phải dịch là: “Tôi tin có sự sống lại của thể xác”. Chữ ngày sau thêm vào đây có lẽ là do ảnh hưởng chữ “ngày sau hết” mà Chúa Giêsu đã nói nhiều lần khi hứa cho ta sống lại (Ga 6,40.44.54).
Đàng khác, nếu mang so sánh với Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ thấy mối bận tâm về “xác thịt” (sống lại) không còn, mà chỉ nói: “sự sống lại của người chết”. Phải chăng sự nhấn mạnh đến “xác thịt” (sống lại) là để nhắc rõ cho những người nhận ảnh hưởng văn hóa thời đó (coi thể xác như ngục tù cần phá hủy của hồn thiêng) nhớ rõ là thể xác cũng được Chúa cứu chuộc? Hay chữ “xác thịt” ở đây chỉ đơn sơ là kiểu nói của Do Thái để thay cho “loài người”? (Ga 1,14).
1. Thánh Kinh nói gì về cuộc Phục Sinh của con người?
a. Về sự kiện Phục Sinh
Chúng ta ghi nhận những điểm này: Chúa Thánh Thần ở trong ta chính là nguyên nhân làm cho ta cũng được sống lại như Chúa Kitô (Rm 8,11) nên gọi Chúa Thánh Thần là “quả đầu mùa” (Rm 8,23) là “Của cầm” (Ep 1,14). Việc Chúa Kitô đã sống lại chính là bảo đảm chắc chắn có sự sống lại của người chết ( 1 Cr 15,12-22); sách Khải Huyền nói:
“Biển sẽ trả lại những người chết nó vẫn giữ, Tử Ngục (Âm Phủ) cũng trả lại những người chết nó giam giữ” (Kh 20,11-15 ; Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại:“Có ngày những người nằm trong mồ sẽ ra khỏi mồ theo tiếng gọi của Con Người” (Ga 5,28-29) và nữa: “Ai tin Chúa Con sẽ được sống đời đời và Chúa Con sẽ cho nó sống lại ngày sau hết” (Ga 6,40-44).
b. Về quang cảnh sống lại
Thánh Phaolô có nói tới, nhưng là bằng kiểu cách thuộc loại thể văn Khải Huyền: có kèn đồng thổi, có tiếng thiên thần, rồi đi lên mây gặp Chúa trên không trung… (1Tx 4,15-17; 1 Cr 15,52).
c. Về bản chất sống lại
Thánh Phaolô chỉ nói tới xác người lành sống lại sẽ được biến đổi; biến đổi thế nào tùy ý Chúa! Thánh Phaolô chỉ dẫn chứng là Chúa dựng nên nhiều thứ thể xác khác nhau và kết luận sẽ có “thể xác thiêng liêng”. Có lẽ Thánh Phaolô lúc đó có trong óc kinh nghiệm trên đường Đa-mát (Cv 9,1…) và liên tưởng tới những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại mà Ngài đã được nghe nói tới (1 Cr 15,5-7).
Còn tác giả sách Khải Huyền thì diễn tả theo lối văn Khải Huyền: Ao lửa…, Giêrusalem mới…, Trời Mới Đất Mới… (Kh 20, 11-15 ; 21,22).
d. “Mầm mống” sự sống lại
Theo Thánh Phaolô, sự kiện Phục Sinh đã khởi đầu trong ta ngay từ bây giờ do Bí Tích Rửa Tội (Cl 3,1-4 ; Rm 6,11). Thánh Gioan coi việc yêu thương nhau chính là dấu chỉ “ta đã qua sự chết tiến vào sự sống” (1 Ga 3,14).
2. Thực trạng Phục Sinh
Như bài 14 trước đây chúng ta đã nhận định về Mầu Nhiệm Phục Sinh như là một Mầu Nhiệm theo nghĩa gốc của chữ…, nhân dịp nói về sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Ở đây, đến lượt Phục Sinh của chúng ta, lại một lần nữa chúng ta quay nhìn về thực trạng đời sống của chính chúng ta trong thế giới được tái tạo do Ơn Phục Sinh của Chúa.
Với Ơn Phục Sinh, chúng ta biết chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi đời sống “sống sót”, kéo dài, trong “Ngục Tổ Tông” (Tv 89,49; Ga 7,9; Gv 9,10; Ga 10,21…) hoặc chốn “Âm Phủ” hay cảnh đi lang thang… như niềm tin mãnh liệt của các dân tộc Đông Phương cách riêng!… Chúng ta cũng khỏi còn tiếc xót đời này hay sợ chết… như những người không tin tưởng (1 Tx 4,13)! Chúng ta cũng khỏi cần chạy đi cầu cứu niềm tin nơi đạo giáo này hay chủ thuyết khác (Ep 4,14), chạy theo vị cứu tinh này hay vị cứu tinh nọ (Mt 24,23-24).
Nhưng Ơn Phục Sinh không làm cho ta thành những “Ông Thần” (kiểu như thành Phật khi vào Niết Bàn)! Ơn Phục Sinh không làm cho loài hữu hạn thành Đấng Vô Biên! Vì Chúa Kitô Phục Sinh đã “trở về với Cha của Ngài và cũng là Cha của chúng ta, Chúa của Ngài và cũng là Chúa của chúng ta” (Ga 20,17).
Đề tài trao đổi
Niềm hy vọng, sự chờ đợi lớn nhất của người Kitô hữu là gì? Bạn hãy nói rõ bạn dựa vào đâu để chờ đợi như vậy?
Lm. Antôn Trần Văn Trường
Nguồn: giaolyductin.com
(còn tiếp)