Lịch sử Dòng Anh Em Hèn Mọn - Dòng Nhất (2)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2495 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


III. TỪ THÁNH BÔNAVENTURA QUA ĐỜI (1274) ĐẾN MICAE CASÊNA (1328)


28. Trong công đồng Lion (1274), nhiều người nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X muốn tất cả các Dòng hành khất phải đón nhận quyền sở hữu chung, giống như các Dòng tu kỳ cựu. Sự thay đổi này sẽ đi ngược lại với Luật Dòng Phan sinh. Vì thế, một số anh em ở Macsơ Ancôn quyết tuân giữ Luật Dòng theo cách nhiệm nhặt. Thủ lãnh là anh Côrađô Ofiđa. Các anh em này trực tiếp dấn thân vào việc truyền đạt truyền thống truyền khẩu của "Actus S. Francisci et sociorum eius" và "Fioretti", được ghi chép lại vào cuối thế kỷ XIV. Họ được biết đến dưới danh xưng Những anh em thiêng liêng, một danh xưng có liên kết với thời đại Chúa Thánh Thần mà Gioakim Flora tiên báo.


29. Nhiều người trong số những anh em đó là những người khiêm tốn và cả thánh thiện nữa. Tuy nhiên có một ít người chống lại cơ cấu của Giáo hội và Cộng đoàn Dòng, mà họ xem như đã phản bội lại lý tưởng Phan sinh. Những người nổi bật nhất trong số họ là Angêlô Clarênô, Phêrô Macêrata, Tôma Tôlentinô, Ubertinô Casalê, ở Ý (Macsơ và Toscanê), và Hugô Đigne, Phêrô Gioan Olieu ở Provence. Một số còn là tác giả của những cuốn sách gây tranh luận nữa, chẳng hạn cuốn "Arbor vitae crucifixae Jesu" của Ubertinô Casalê, cuốn "Historia septem tribulationum Ordinis Minorum" của Angêlô Clarênô, và cuốn "Epositio Regulae" của Hugô Đigne.


30. Các anh Tổng Phục vụ sau Thánh Bônaventura gồm Girôlamô Ascôli Picênô (1274-1279) về sau được bầu làm Đức Giáo Hoàng và lấy danh hiệu là Nicôlas IV, năm 1288. Ngài ban cho Dòng Ba Thánh Phanxicô luật "Supra montem" năm 1289. Người tiếp theo trong hàng ngũ Tổng Phục vụ là Bonagrazia Gioan Persixêtô (1279-1285).


31. Tổng Tu nghị Assisi (1279) xin một Hồng Y bảo trợ mới, đó là Đức Matthêu Orsini. Các nghị phụ cũng xin xét lại những giải thích khác nhau của các Đức Giáo Hoàng về Luật Dòng. Đức Giáo Hoàng Nicôlas III lập một ủy ban để xem xét lại các luật lệ này, và ngày 14-8-1279, Ngài ban sắc dụ "Exiit qui seminat". Trong tài liệu này, Đức Giáo Hoàng phân biệt giữa "usus juris" và "usus facti". Anh em không có quyền sử dụng do luật trên bất cứ tài sản nào ; tất cả những gì họ có chỉ là quyền sử dụng trên thực tế, nhưng phải sử dụng có chừng mực. Quyền sở hữu của Dòng thuộc về Đức Giáo Hoàng, nhưng các anh Phục vụ có quyền quản trị việc sử dụng các tài sản. Năm 1283, Đức Giáo Hoàng Martinô IV đặt ra chức "sindacus apostolicus", là một giáo dân do anh Phục vụ cắt cử để quản trị tài sản của anh em.


32. Tổng Tu nghị Milanô bầu anh Arlottô Pratô làm Tổng Phục vụ (1285-1287). Tại Tổng Tu nghị, các tác phẩm của anh Olieu được đưa ra xem xét. Nhưng sau Tu nghị Montpellier (1287), anh tân Tổng Phục vụ, Matthêu Aquaparta, một trong các giáo sư Phan sinh ở Paris, đã gửi anh đến dạy ở Florence. Anh Matthêu được chọn làm Hồng Y năm 1289, và anh Raymond Gođefroy được bầu làm Tổng Phục vụ thay thế. Tục lệ trao mũ Hồng Y này cho các anh Tổng Phục vụ gây tổn hại đến sự ổn định của Dòng. Năm 1295, anh Gođefroy buộc phải từ chức vì Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô nghi anh thuộc nhóm Thiêng liêng. Anh Gioan Minxio Murrôvalê (1296-1304) được bầu lên thay thế.


33. Vào lúc này, các Anh em Thiêng liêng đang thật sự gây xáo trộn trong Dòng. Trong thời gian trị vì ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng Cêlestinô V (1294), một nhóm anh em Thiêng liêng mà anh Gođefroy đã gửi đi truyền giáo ở Armênia năm 1289 để tránh cho họ khỏi bị giam tù, quay trở về Ý. Đức Giáo Hoàng Cêlestinô cho họ được phép sống trong các ẩn viện nhỏ và tuân giữ Luật Dòng Phan sinh mà không cần phải theo bất cứ giải thích nào của các Đức Giáo Hoàng. Họ đổi danh xưng của họ thành các anh em Cêlestinô hoặc những ẩn sĩ nghèo khó. Anh Phêrô Macêrata là lãnh tụ của họ. Đương nhiên họ đã bị các Anh em Cộng đoàn, và cả các Anh em Thiêng liêng tẩy chay. Họ lại còn đi quá xa đến chỗ không nhìn nhận Đức Bônifaxiô VIII là Giáo Hoàng. Hậu quả tất nhiên là họ bị dứt phép thông công. Năm 1205 khi anh Phêrô Macerata qua đời, anh Angelô Clarênô nắm vai lãnh đạo nhóm ấy.


34. Người kế vị anh Murrôvallê là anh Gonsalvus Valboa, gốc Tây-ban-nha (1304-1313), một trong những giáo sư về Duns Scôt tại Paris. Thời gian anh làm Tổng Phục vụ, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V kêu gọi anh, cùng với anh Ubertinô Casalê và các chuyên viên khác, bàn luận về những giải pháp cho sự căng thẳng trong Dòng. Sự thay đổi ấy là kết quả của những nghị quyết của công đồng Viên (1311), công đồng đã bàn luận về giải pháp cho cuộc canh tân Giáo hội. Cũng như Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII và Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XI đã làm trước, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V cố gắng giải quyết vấn đề tương quan giữa các Dòng hành khất và hàng giáo sĩ triều đã trở nên xấu đi do các Dòng được đặc ân miễn trừ khỏi thẩm quyền của các Đức Giám mục. Ngài cũng nhắm đến giải pháp cho mối căng thẳng giữa Cộng đoàn và anh em Thiêng liêng. Ngày 21-11-1312, Đức Giáo Hoàng Clêmentê V ra sắc dụ "Exivi de paradiso", trong đó Đức Giáo Hoàng giải thích đâu là những luật lệ và đâu là những lời khuyên trong Luật Dòng Phan sinh, và Ngài cũng nói đến những lạm dụng khác nhau trong Dòng liên quan đến sự nghèo khó. Hy vọng làm dịu những căng thẳng của Ngài không kéo dài lâu. Dòng đã phân chia thành Nhóm Cộng đoàn, gồm những anh em muốn Dòng có những Tu viện lớn, học hành nhiều, những đặc ân của Đức Giáo Hoàng... và các Anh em Thiêng liêng, là những Người muốn trở về với sự nghèo khó và tình trạng bất ổn của Dòng thời buổi đầu, nhưng trong số các anh em này có nhiều yếu tố mang sắc thái lạc giáo.


35. Sự sụp đổ của Anh em Thiêng liêng lúc này đã hiển nhiên. Một số đã chạy sang Sicile và bị dứt phép thông công năm 1314. Sau khi Gonsalvus Valboa qua đời, anh Alexandre người Alexandria được bầu là Tổng Phục vụ (1313-1314). Sau khi anh qua đời, Dòng không có Tổng Phục vụ cho đến năm 1316, vì ngay Giáo hội cũng không có Đức Giáo Hoàng sau khi Đức Giáo Hoàng Clêmentê V qua đời. Năm 1316 một Đức Giáo Hoàng mới đã được bầu lên, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII (1316-1334), và Tổng Phục vụ mới của Dòng là anh Micae Fushi Xêxêna (1316-1328). Trận chiến cuối cùng của Anh em Thiêng liêng bắt đầu.


36. Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đã quyết định kiểm soát sự bột phát của những khuynh hướng duy Phúc âm và theo Gioakim Flora trong Dòng Phan sinh. Một số người lại lấy danh nghĩa Phan sinh để che giấu chiều hướng lạc giáo của mình. Đó là trường hợp các "Anh em của thần khí tự do", do một anh Đulcinô nào đó lãnh đạo. Một số anh em lạc giáo ấy đã kết thúc cuộc đời trên giàn hỏa. Nhiều người khác bị giam tù hoặc bị lưu đày. Năm 1317 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII gọi một nhóm anh em Thiêng liêng từ Provence đến trình diện Ngài ở Avignon, có cả anh Angêlô Clarênô và anh Ubertinô Casalê. Anh Angêlô Clarênô bị tuyệt thông, nhưng anh Ubertinô Casalê được tha nhờ Đức Hồng Y Giacômô Côlônna bênh vực cho. Ngày 7-10-1217, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII công bố hiến chế "Quorundam exigit" đánh dấu sự giải thể các Anh em Thiêng liêng. Anh Angêlô Clarênô chống lại Đức Giáo Hoàng và chạy sang Basilicata, ở đó anh trở thành lãnh tụ các Anh em Thiêng liêng, những anh em này bắt đầu được gọi là Anh em Clarênô hoặc Fraticelli. Anh Clarênô qua đời năm 1337, nhưng các anh em Fraticelli tiếp tục hiện hữu cho đến giữa thế kỷ XV. Trong sắc dụ "Sancta Romana" (1317) Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chính thức lên án Nhóm Fraticelli.


37. Đức Giáo Hoàng cũng muốn Dòng xét lại giáo thuyết liên quan đến sự nghèo khó. Ngài không đồng ý với giáo thuyết về sự nghèo khó tự nguyện, dựa trên xác quyết rằng Đức Kitô và các Tông đồ không có sở hữu gì cả. Vấn đề này đã gây khá nhiều phiền phức cho anh Micae Xêxêna trong Tổng Tu nghị Marseilles năm 1321. Năm 1322 Đức Giáo Hoàng Gioan XXII lập một ủy ban gồm các giáo sư thần học và các chức sắc của Tòa Thánh để họ trình bày ý kiến của họ về sự nghèo khó của Đức Kitô.


38. Ủy ban này đã cho những ý kiến khác nhau. Nhưng đa số ý kiến đều chống lại lý thuyết cho rằng Đức Kitô và các Tông đồ không có sở hữu của cải, vì như thế là kết án chính quyền sở hữu của cải của Giáo Hội. Năm 1322, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII cho ra trọng sắc "Quia nonnumquam" trong đó ngài ngầm ý nói rằng Đức Giáo Hoàng có quyền xét lại những sắc lệnh của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm. Ngài qui chiếu trọng sắc " Exiit qui seminat". Đó là một đòn nặng giáng vào lý tưởng nghèo khó Phan sinh, và anh Micae Xêxêna đã không được chuẩn bị để dễ dàng chấp nhận thách đố. Trong Tổng Tu nghị Pêrudia tháng 5-1322, các nghị phụ tuyên bố: "Nói hoặc quả quyết rằng Đức Kitô, khi tỏ cho thấy con đường hoàn thiện, và các Tông đồ, khi đi theo con đường ấy và nêu gương cho những người ước muốn sống đời sống hoàn thiện, không có sở hữu gì hoặc riêng hoặc chung, hoặc do quyền sở hữu và "dominium" (sở hữu) cả do quyền riêng, chúng tôi tuyên bố cách tập thể và nhất trí rằng đó không phải là lạc giáo, nhưng là chân thật và công giáo". Một trong các chuyên viên Phan sinh trong Tổng Tu nghị là anh Bonagrazia Bergamô. Anh đã bảo vệ luận đề của anh em "Simplex usus facti" (đơn thuần sử dụng vì nhu cầu).


39. Đức Giáo Hoàng Gioan XXII đáp lại bằng trọng sắc "Ad conditorem canonum", được gắn lên các cửa nhà thờ chính tòa Avignon ngày 8-12-1322. Trong trọng sắc, Đức Giáo Hoàng nói rằng, mặc dầu Giáo Hội giữ quyền sở hữu tài sản của anh em, Giáo Hội chẳng có lợi lộc gì khi sở hữu bất cứ thứ gì mà trên thực tế, anh em sử dụng. Nói cách khác, lý thuyết phân biệt giữa "usus : sử dụng" và "dominum : sở hữu" là vô nghĩa. Giáo Hội không muốn làm chủ bất cứ tài sản nào của anh em lâu hơn nữa. Quyết định này dĩ nhiên phá hủy những nền tảng cơ bản nhất của lý tưởng nghèo khó Phan sinh. Ngày 23-11-1323 Đức Giáo Hoàng công bố một trọng sắc khác, "Cum inter nonnullos", trong đó ngài tuyên bố : chối bỏ rằng Đức Kitô và các Tông đồ đã sử dụng quyền sở hữu các của cải vật chất là rối đạo.


40. Căng thẳng đã lên tới mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Năm 1324, Hoàng đế Luy Bavaria sát cánh với anh em và tố cáo Đức Giáo Hoàng là rối đạo. Đức Giáo Hoàng đáp trả bằng trọng sắc "Quia quorundam", trong đó ngài truyền phải dạy những quan điểm của ngài trong các trường Đại học. Năm 1328, anh Micae Xêxêna được gọi tới Avignon để giải thích về sự ngoan cố của Dòng không chịu vâng lệnh Đức Giáo Hoàng và việc Dòng cấu kết với Luy Bavaria. Anh Micae bị giam giữ tại Avignon, cùng với anh Phanxicô Ascôli, Bôgnagrazia Bergamô và Guillaume Ockham, một trong các giáo sư của trường Phan sinh ở Oxford. Bởi vì Tổng Tu nghị phải được triệu tập vào ngày 22-5-1328, Đức Giáo Hoàng gửi Đức Hồng Y Bertrand Poiettô đến chủ tọa Tu nghị, và giam giữ anh Tổng Phục vụ trong tù.


41. Tổng Tu nghị diễn ra ở Bôlôna với chỉ thị phải cắt chức anh Micae Xêsêna. Các nghị phụ đã vâng lời cách thích đáng - bằng cách bầu lại anh Micae ! Đức Giáo Hoàng Gioan XXII ra vạ tuyệt thông anh Micae, cùng với các anh Bôgnagrazia và Ockham, và đặt Đức Hồng Y Bertrand làm Đại diện Dòng cho đến Tổng Tu nghị sau.


42. Trong thời gian đó, Luy Bavaria đã tiến về Rôma và nhận vương miện hoàng đế. Ông tuyên bố Đức Giáo Hoàng Gioan XXII là lạc giáo và là một phản Kitô, và ông chọn anh Phêrô Corbanô, một anh Phan sinh làm Ngụy Giáo Hoàng. Anh Phêrô lấy hiệu là Nicôlas V (1328-1333).


43. Ngày 26-5-1328, anh Micae và đồng bạn trốn khỏi Avignon. Nhóm này tìm đến ẩn náu trong hoàng cung của Luy Bavaria. Đức Giáo Hoàng gửi sắc lệnh "Quia vir reprobus" đến anh Tổng Phục vụ phản lọan. Anh Micae qua đời ngày 29-11-1342, khi đang giữ con dấu của Dòng. Anh Bôgnagrazia qua đời năm 1343, và anh Ockham qua đời năm 1349 sau khi đã giao hòa với Giáo Hội và đã trao trả con dấu của Dòng.


44. Non một nửa các anh Tỉnh Phục vụ có mặt tại Tổng Tu nghị Paris năm 1329. Tại đây anh Gêrađô Eudes được bầu làm Tổng Phục vụ (1329-1342). Anh Eudes là một bạn thân của Đức Giáo Hoàng Gioan XXII, và dứt khoát nghiêng về Nhánh Tu viện của Dòng.


IV. NHỮNG CUỘC TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA ANH EM PHAN SINH


45. Suốt hai thế kỷ XIII và XIV Châu Au rơi vào tình trạng nguy hiểm khủng khiếp. Hồi giáo đã tiến chiếm toàn bộ Bắc Phi, Đất Thánh và bán đảo Ibêria. Một mối hiểm họa mới nổi lên từ trung tâm Châu Á, đó là đế quốc Mông-cổ. Để tránh mối hiểm họa này, Giáo Hội được dùng làm công cụ để rao giảng sự cần thiết phải tổ chức các cuộc thập tự quân chống lại ngoại giáo. Đất Thánh đã thất thủ và bị chiếm. Vương quốc Latinh Giêrusalem kéo dài cách èo uột thêm một thế kỷ (1099-1187). Một thế kỷ sau, năm 1291, thành trì cuối cùng của Kitô giáo ở Palestin, thành Acre, cũng bị thất thủ. Hình như chinh phục bằng vũ khí không phải là giải pháp cho sự ổn định chính trị và tôn giáo ở châu Au. Một phương pháp mới đã được đề nghị, phương pháp đối thoại và cùng chung sống trong hòa bình với người "Hồi giáo". Năm 1219-1220, Thánh Phanxicô sang Trung Đông với sứ mạng đem lại hòa bình. Trong Luật Dòng, Ngài dành một chương cho chủ đề về những anh em đến với người Hồi giáo và các dân ngoại khác.


46. Lịch sử các cuộc truyền giáo của anh em Phan sinh là một trong những thành công vẻ vang nhất của Dòng. Ở đây chúng tôi có thể nói sơ qua những bước đầu khiêm tốn và những anh hùng đi tiên phong làm nên lịch sử đó mà thôi.


47. Sự hiện diện của anh em Phan sinh ở Đất Thánh bắt đầu từ năm 1217, khi Tỉnh Dòng Syria đã được thiết lập, với anh Elia là Giám tỉnh. Chắc chắn vào năm 1229, anh em đã có một ngôi nhà nhỏ cạnh chặng thứ năm của Con đường Thương Khó. Năm 1272, quốc vương Bibars cho phép anh em Phan sinh được lập cư ở Nhà Tiệc Ly trên núi Sion. Về sau, năm 1309, anh em cũng lập cư ở Mộ Thánh và ở Giêrusalem. Năm 1335, vua Rôbertô Napôli và hoàng hậu Sanxia Majoca đã mua Nhà Tiệc Ly và ban tặng cho anh em Phan sinh. Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI, qua trọng sắc "Gratias agimus" và "Nuper charissimae" (1342), đã công bố anh em Phan sinh là những người bảo quản chính thức các Nơi Thánh nhân danh Giáo Hội công giáo. Năm này đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Hạt Dòng Thánh Địa của Anh em Phan sinh.


48. Sứ mạng này luôn vẫn là sứ mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Dòng. Danh sách dài các anh em đã chịu tử đạo, bắt đầu vào năm 1391, với anh Nicôla Tavêlic và các bạn. Anh em Phan sinh bị trục xuất khỏi Nhà Tiệc Ly năm 1552, nhưng họ lập cư ở nhiều nơi Thánh khác nhau qua các thời đại.


49. Anh em Phan sinh đặt chân đến Bắc Phi năm 1219, khi anh Êgiđiô đi Tunisi. Năm 1219, một nhóm sáu anh em lên đường đi Tây-ban-nha và Môrôcô. Sau khi anh Vitalis, người dẫn đầu, phải ở lại vì bệnh, anh Bêrađô và các anh em khác tiếp tục hành trình, đầu tiên họ đến Bô-đào-nha, rồi đến Môrôcô. Ngày 16-1-1220, họ chịu tử đạo ở Marrakesh. Thi hài của họ được rước về Coimbre, ở đây anh Antôn người Lisbonne, một linh mục kinh sĩ Dòng Thánh Augustinô, đã ngưỡng mộ chứng tá anh hùng của họ và đã quyết định gia nhập Dòng Phan sinh. Anh đã trở thành một trong những vị Thánh biết đến nhiều nhất, đó là Thánh Antôn Padua. Ít năm sau, một nhóm khác do anh Đaniel dẫn đầu, từ Calabia ra đi, đã chịu tử đạo ở Ceuta.


50. Ở Angêri, tại cảng Bugia, một nhà truyền giáo Phan sinh khác, đã chịu tử đạo năm 1315. Lần này là một anh Phan sinh tại thế, anh Ramond Lulle, sinh tại đảo Majoca năm 1232. Anh thông thạo tiếng Á-rập, đi lại khắp vùng Cận Đông, thành lập các trường truyền giáo. Năm 1292, anh tự mình đi Bắc Phi lần đầu tiên. Anh trở về năm 1307 khi đã bị tra tấn dã man. Năm 1314-1315, anh quay trở về Bugia vào tuổi 82, để nhận phúc tử đạo.


51. Sự bành trướng của vương quốc Mông-cổ là một mối nguy hiểm to lớn cho Châu Au Kitô giáo. Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn chinh phục Trung quốc, tây bắc Ấn Độ, Afghanistan, Georgia và miền nam Liên-Xô. Năm 1222 quân Mông cổ tiến vào Hungari, Ba-lan và cả dọc duyên hải Đalmati. Đức Giáo Hoàng Innôxentê IV quyết định bắt liên lạc ngoại giao với Mông-cổ, hy vọng ký kết được những thỏa ước hòa bình với họ. Để thực hiện công tác này, ngài đã chọn một anh em Phan sinh, anh Gioan Capistranô, là đặc sứ của ngài. Năm 1245-1246, anh Gioan khởi sự một chuyến đi dài sang Mông-cổ và gặp Đại-Đế. Anh đi qua con "đường nhung lụa" nổi tiếng để đến Trung-quốc. Đại-Đế Quỳnh-Khê (Kujuk) phái anh trở về với Đức Giáo Hoàng, mang theo một bức thư riêng của ông. anh Gioan viết nhật ký về chuyến đi, gọi là "Lịch sử Mông-cổ", giống như các nhà truyền giáo Phan sinh khác thường làm sau các chuyến đi sau này của họ.


52. Một nhà truyền giáo khác đi sang Viễn-Đông là anh Guillaume Rubruck. Anh lên đường năm 1253 theo đường bộ, băng qua Constantinốp và Crimê. Anh đến Karakorum, và anh nhận thấy đã có một số Kitô hữu phái Nestôriô ở trong vương quốc ấy rồi. Sau khi đã yết kiến Đại-Đế, anh Guillaume ra về. Anh ghi lại cuộc hành trình của anh để dâng lên vua Luy IX của nước Pháp, người đã phái anh đi và chịu mọi phí tổn. Trong thời gian đó, anh em Phan sinh cũng đã lập cư ở Georgia và Armênia.


53. Năm 1291 lại có một anh em Phan sinh khác, anh Gioan Montêcorvinô, đã đến với Đại-Đế Mông-cổ như một sứ thần của Đức Giáo Hoàng. Anh rời Riêti năm 1289. Lần này, anh đi theo con đường từ vịnh Ba-Tư sang Ấn-Độ, rồi đi đường biển vào Trung-quốc. Đến Khambalik (nay là Bắc Kinh), anh được tin Đại-Đế Kubilai đã qua đời, nhưng anh được vị hoàng đế mới tiếp đón tử tế. Anh Montêcorvinô ở lại thành phố ấy 34 năm, và được coi là sáng lập Giáo Hội ở Trung-quốc. Năm 1309 anh được tấn phong là Tổng Giám mục Khambalik. Khi anh qua đời năm 1328, anh để lại một cộng đồng Kitô hữu rất phồn vinh.


54. Anh Ôđôricô Pardenone sang Mông-cổ năm 1322, qua ngã Biển Đen, Armênia và Ba-Tư, rồi sau đó theo đường biển từ Hormuz. Anh đến Khambalik và ở lại đó 6 năm. Trên đường trở về qua ngã Tibet và dãy núi Pamir, anh viết lại cuộc hành trình của anh.


55. Người cuối cùng trong danh sách những nhà tiên phong Phan sinh nổi tiếng đi sang Trung-quốc, đó là anh Gioan Marinolli. Anh được phái sang vương quốc Cathay năm 1339 với tư cách là Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XII.


(còn tiếp)


Nguồn: ofmvn.org

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...