Linh hồn Hàn Mặc Tử (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 1028 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

 Từ Chơi Giữa Mùa Trăng đến câu chuyện Bà Như Lễ 

hay là ước mơ trong cõi thực và thực tại trong cõi mơ

 

 

Tiểu luận văn chương thần học của Phạm Đình Khiêm

Tựa của Võ Long Tê, Tủ sách Văn – Sử, 1974.


Dẫn nhập

 

Một người bị bệnh phong đến trước Đức Giêsu nài xin: “Nếu ngài muốn ngài có thể chữa tôi lành.” Và Đức Giêsu chạm tay vào anh ta và nói: “Tôi muốn, hãy lành bệnh.” Ngay sau đó người phong hủi đã rời bỏ Đức Kitô (xem Lc 5,12-16; Mt 8, 2-4;  Mc 1, 40-45). Về phần mười người phong hủi khác, họ đứng cách xa chỉ để Đức Giêsu nhìn thấy để không vi phạm luật của Môsê liên quan đến những người bị phong hủi. Thế nhưng họ nói to: “Lạy thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi.” Đức Giêsu truyền cho họ đi trình diện với các thầy tư tế và trong lúc đi đường, họ được chữa lành. Một người trong nhóm thấy mình được chữa lành, liền trở lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu cảm ơn Ngài và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Buồn phiền vì không thấy chín người khác quay trở lại để cảm ơn Thiên Chúa như người Samari này, Đức Giêsu nói người này: “Hãy đứng dậy mà đi, đức tin anh đã cứu anh” (x. Lc 17, 17-19).

 

Mặc dù hai trường hợp chữa lành kỳ diệu ấy bao hàm giáo huấn riêng, đó là trong trường hợp đầu, lòng thương xót của Chúa mau mắn chữa lành và trong trường hợp sau bổn phận làm con tri ân và tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta; nhưng cả hai đều xác nhận đức tin trọn vẹn và sống động trước mọi thử thách là điều kiện chủ yếu để được cứu độ. Hai nhân vật kịch của Paul Claudel về phương diện này là một minh họa thú vị: Pierre Craon, bị phong hủi từ lúc mới sinh là một Kitô hữu nhiệt thành đã xây cất các ngôi thánh đường và đã được giải thoát khỏi căn bệnh khủng khiếp sau khi hành hương đến Mộ Thánh  và Violaine người nữ bị mắc bệnh phong đã thánh hóa đời sống mình bằng vô vàn sự hy sinh tự nguyện và khi còn sống đã có được tinh thần trong sạch và tỏa sáng, trở thành công cụ mà Thiên Chúa dùng để làm phép lạ cho cháu gái của bà là Aubaine sống lại.

 

Về phần thi sĩ nổi tiếng Hàn Mặc Tử (1912-1940), đức tin của ông không kém nhiệt thành so với đức tin của mười hai người phong hủi được Chúa làm phép lạ chữa lành trong Tân Ước, và không kém sống động so với hai người phong hủi trong vũ trụ nghệ thuật của Claudel khiến chúng ta phải nghĩ rằng tâm hồn của thi sĩ chiếm một vị trí ưu ái trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Nhưng những ý định của Đấng Quan Phòng thường không thể dò thấu. Thi sĩ Hàn Mặc Tử lìa đời ngày 11 tháng 11 năm 1940, đúng năm giờ bốn mươi lăm* và căn bệnh ghê sợ, khủng khiếp không lìa bỏ ông. Sự chữa lành được mong mỏi rất nhiều khi ông còn sống đối với chúng ta dường như được nâng lên một bình diện khác. Nó trở thành sự giải thoát, thanh luyện, sự tiên báo của phúc đời đời nếu chúng ta tin vào lời bà Nguyễn Thị Như Lễ thuật lại về sự hiện ra của Hàn Mạc Tử hồi mười chín giờ mười lăm phút sau khi ông mất, nghĩa là lúc một giờ sáng ngày 12 tháng 11.

 

Đây là một điều bí mật mà từ lâu gia đình thi sĩ đã giữ kín và chị nhà thơ, bà Như Lễ lần đầu tiên tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, giáo sư dạy văn; ông là người có công nhận biết ý nghĩa nghiêm túc và cao cả của nó và công bố năm 1973.

 

Chúng tôi đã thực hiện một dẫn nhập, có phân loại trong phần Những lời được gán cho Hàn Mạc Tử, trong tác phẩm Thư mục phê bình về Hàn Mạc Tử. Sau đây là đoạn đầu của bài dẫn nhập đó:

 

“Trong tiểu luận Cao học nhan đề Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử, được bảo vệ thành công ngày 31.7.1973 ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông Nguyễn Đình Niên thuật lại lời bà Nguyễn thị Như Lễ tiết lộ cho ông như sau:

 

“Một giờ khuya đêm Hàn Mạc Tử mất (rạng sáng ngày 12.11.1940) bà Như Lễ đương nằm ngủ ở Qui Nhơn thì thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần, mặc toàn trắng, đầu tỏa hào quang màu trắng bước vào, để bọc áo quần lên giường kêu:

 

– Chị ơi, em lành rồi này! Rồi chàng hơi cúi đầu xuống, đưa đầu cho chị:

 

– Chị ơi! Chị hôn em đi!

 

Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy, bảo bà Như Lễ:

 

– Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa 

 

Đến năm giờ sáng, ông Bữu Dõng đi trực đêm ở Bệnh viện Qui Nhơn về, báo tin cho vợ biết Hàn Mạc Tử đã chết” (Nguyễn Đình Niên, Sđd, tr.75, s. 78)

 

Có những thông tin bổ túc do hai bà Tuấn Khanh và Vân Khanh, hai con gái của bà Như Lễ, đưa ra như sau:

 

– Mẹ chúng tôi giữ điều bí mật ấy cho riêng bà không cho chúng tôi biết mãi đến ngày bà tiết lộ với ông Nguyễn Đình Niên, bà Tuấn Khanh nói với chúng tôi khi được hỏi về việc này. Còn bà Vân Khanh thì xác nhận:

 

– Mẹ tôi đã kể lại cho chúng tôi, tôi nhớ rất rõ, rằng trong buổi sáng ngày 12.11.1940 cha chúng tôi trở về nhà sau ca trực đêm ở bệnh viện Qui Nhơn đã nhận thấy niềm vui khác thường của mẹ chúng tôi. Mẹ nói cho cha biết lý do khi kể lại cậu chúng tôi hiện ra mà bà tin chắc rằng đã được lành bệnh. Cha chúng tôi phải lựa lời để báo cho mẹ chúng tôi tin cậu chúng tôi đã mất, tin buồn này đã được trại phong Quy Hòa gọi điện thoại báo cho bệnh viện Qui Nhơn .

 

“Về vấn đề bà khách nằm cùng phòng với bà Như Lễ, bà Vân Khanh đáp:

 

– Đó là mẹ của anh Lê Văn An. Anh này đang trọ học nhà chúng tôi để dễ dàng đến bệnh viện Qui Nhơn nơi anh đang theo học nghề y tá. Hôm đó mẹ anh đến thăm anh và chúng tôi tiếp bà như một người khách trọ qua đêm.

 

“Về phần ông Nguyễn Bá Tín và Nguyễn Bá Hiếu, hai người em của Hàn Mạc Tử, cũng đã xác nhận với chúng tôi nội dung câu chuyện mà chị Như Lễ của họ kể lại.

 

Để bình luận câu chuyện ấy, chúng tôi đã nhờ người bạn văn và bạn tâm linh của chúng tôi là Phạm Đình Khiêm, một nhà văn có tiếng cả trong Pháp văn Việt văn. Từ năm 1940 ông là tác giả của những tác phẩmđáng chú ý về lịch sử và tâm linh.

 

Ông đã tế nhị giúp chúng ta rút ra lợi ích từ những suy tư sáng suốt và từ sự hiểu biết sâu xa của ông về nhà thi sĩ bị phong hủi khi ông viết ra một tiểu luận chính xác, một công trình hiếm hoi tóm tắt trong ít trang toàn bộ linh hồn Hàn Mạc Tử.

 

Tiểu luận này được soạn thảo với những luận cứ có cơ sở và những chứng từ được đối chiếu kỹ lưỡng nên nó buộc chúng ta phải chấp nhận phẩm chất văn chương và nội dung tâm linh cao độ của nó với cả tính chính xác khoa học. Đối với một hiện tượng vượt tự nhiên (ngoại nhiên), thần bí liên quan đến Hàn Mạc Tử thì điều quan trọng là có ba cách tiếp cận: lịch sử, văn chương và thần học, được tác giả tiến hành có phương pháp với sự thận trọng và tự tin. Trong những viễn cảnh được Ân sủng và Đức tin củng cố, nó bao gồm một thực tại kép vừa uyển chuyển vừa khó hiểu nhưng rất lôi cuốn và đầy ý nghĩa liên quan đến thi sĩ Hàn Mạc Tử, đó là: một đời sống mà số phận đã dồn vào những nỗi khổ đau đen tối nhất nhưng cũng được Đức Tin Kitô giáo biến đổi và chiếu giãi hào quang, làm cho các sáng tác thi ca và văn chương của thi sĩ thành một bài ca bất tận của tình yêu, một thánh thi trường cửu dâng lên Đấng Tạo Thành và tạo vật.

 

Đề cập đến đời sống tâm linh của một giáo dân, ông Phạm Đình Khiêm thế là đã viết một tiểu luận thần học mà giá trị của tác phẩm, bậc sống giáo dân và những ý hướng cao cả của tác giả, làm cho tiểu luận này cũng là một chứng cứ của việc thăng tiến bậc sống giáo dân, một vinh dự dành cho sự thánh thiện của bậc sống đó; mà sự thăng tiến và thánh thiện của bậc sống này đã được Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) [*] và những Hội nghị và Văn Kiện hậu Công Đồng khuyến khích mạnh mẽ.

 

Chúng tôi xin giới thiệu tiểu luận này để nhiều người được biết một công trình có thể hướng những người thán phục Hàn Mạc Tử về thế giới mầu nhiệm của Đấng Khôn Dò Thấu. Có một mầu nhiệm Hàn Mạc Tử mà chúng ta phải suy gẫm và giải thích vì Hàn Mạc Tử là một dấu ấn dễ nhìn thấy về mầu nhiệm Thiên Chúa.


Võ Long Tê

 *   *   *


LINH HỒN HÀN MẠC TỬ


–  I – 

Cuộc hiện ra của Hàn Mạc Tử

hay giấc mơ của bà chị Như Lễ?

 

Một trong những sự lạ lùng nhất chưa biết đến về Hàn Mạc Tử (1912-1940) từ lúc thi sĩ thiên tài từ biệt chúng ta đi vào vĩnh cửu, ngày 11 tháng 11 năm 1940, sau một cuộc đời ngắn ngủi và vô cùng đau khổ, ấy là giai thoại cảm động xảy ra sau lúc thi sĩ tắt thở mười chín giờ mười lăm phút. Thế nhưng giai thoại này phải chờ ba mươi ba năm trước khi được tiết lộ cho công chúng, qua một tiểu luận Cao học văn chương mà ông Trần Đình Niên đã trình ở Đại Học Văn Khoa Sài gòn năm 1973.


Về hình thức, người ta tự hỏi phải chăng đây là một giấc mơ của bà Như Lễ - chị Lễ mà trong thời niên thiếu được mô tả đã cùng đi chơi với Hàn Mạc Tử trong bài thơ ẩn dụ Chơi giữa mùa trăng (1) – hay đây là sự hiện ra của chính linh hồn Hàn Mạc Tử khi được giải thoát khỏi thân xác vật chất với chị Lễ ấy?


Vì bà Như Lễ kể rằng “trong khi bà đang ngủ [ở nhà bà] tại Qui Nhơn, bà thấy Hàn Mạc Tử ôm một bọc áo quần v.v…”, từ đó người ta kết luận là một giấc mơ. Nhưng có một sự việc khác trong phần tiếp theo của câu chuyện. “Bà bạn nằm ở giường bên cạnh, sực thức dậy , bảo bà Như Lễ: Cô ơi! Có ai vô nơi kìa, để cái gì trên giường kìa.” Lời chứng này khiến chúng ta phải tin vào việc người quá cố hiện ra hơn là một giấc mơ của bà chị, vì nói chung việc hai hay nhiều người cùng thấy một sự hiện ra thì dễ chấp nhận hơn việc hai hay nhiều người có cùng một giấc mơ. Nhân đây cũng nói thêm rằng tiếng Việt có một từ ngữ dung hòa hai khái niệm ấy là ‘báo mộng’.


Khỏi cần phải yêu cầu bà Như Lễ khẳng định đã nhìn thấy Hàn Mạc Tử trong thực tế hay trong giấc mộng. Tân Ước đã thuật lại Chúa sai Thiên sứ hiện ra để giải thoát thánh Phêrô khỏi ngục tối một cách kỳ diệu và dẫn thánh nhân theo Thiên sứ ra ngoài. Nhưng lúc đó vị Tông đồ của Đức Giêsu “không biết việc Thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng mình thấy một thị kiến”, sách Công vụ nói (ch. 12, 5-9). Phêrô chỉ biết sự thật khi đã đi đến cuối con phố và Thiên sứ rời bỏ ông, lúc đó ông mới hoàn hồn.


Thật vậy, Kinh Thánh thuật lại nhiều lần hiện ra hay báo mộng, chúng không phải đều từ Thiên Chúa hay các Thiên sứ theo lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng từ những người đã sống ở trần gian như ngôn sứ Samuen đã hiện ra với vua Saolơ (1 Sm 28,12-19), tổ phụ Môsê và ngôn sứ Êlia cùng hiện ra với Đức Giêsu Chúa chúng ta để đàm đạo với Ngài trên núi Tabor (Mt 17,3). Và theo Phúc Âm thánh Mátthêu, những sự kiện sau đây trong số những sự kiện khác xảy ra vào lúc Đức Giêsu Chúa chúng ta chết trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại: “Mồ mả bật tung và xác của nhiều vị thánh được an nghĩ đã chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ vào thành thánh và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27, 52-53)


Theo định nghĩa của thần học, “hiện ra” là một biểu lộ của Thiên Chúa, của các Thiên Sứ hay của những người chết (thánh thiện hay không) tỏ bày dưới một hình thức tác động đến các giác quan của con người (2).


Ngày nay nhiều tác phẩm nghiêm túc cũng thuật lại các trường hợp những người chết hiện ra dưới nhiều hình thức. Về phương diện này, tiêu biểu là nhật ký của nữ tu Marie de la Croix (chết ngày 15 tháng 5 năm 1917) dưới nhan đề Manuscrit du Purgatoire (Thủ bản Luyện ngục).


Ngày qua ngày tác giả đã ghi lại những lần trò chuyện với linh hồn của một nữ tu cùng dòng tên Marie Gabrielle (chết ngày 22 tháng 2, 1871). Nữ tu này lúc sinh thời, đã có một đời sống tôn giáo rất thông thường, có nhiều khuyết điểm và gương xấu, tự bản tính đã chống lại nữ tu Marie de la Croix trong con đường nên thánh. Nữ tu quá cố còn ở trong Luyện ngục để được thanh luyện đã được Thiên Chúa cho phép hiện ra không phải dưới hình thức thể chất, nhưng chỉ bởi âm thanh và một vài tiếng động báo sự hiện diện của chị để mời gọi và giúp đỡ nữ tu còn sống sửa mình và thánh hóa bản thân, để nhờ đó nữ tu quá cố được giải thoát. Trong sáu năm liên tiếp (1884-1890), xơ Marie de la Croix ghi lại trong nhật ký ngoài những lời khuyên bảo và dặn dò mà linh hồn ấy đã mang lại như một linh hướng với đầy sự khôn ngoan … còn có nhiều tiết lộ về Luyện ngục và những cứu cánh sau cùng khác của con người (cái chết, phán xét, thiên đàng, địa ngục). Trong thời gian đó chị sửa mình và thánh hóa thật sự làm cho linh hồn của nữ tu quá cố sau cùng đến – luôn luôn dưới hình thức không có thể chất – cám ơn và nói lời từ biệt để lên Thiên Đàng (3).


Những kiểu mẫu khác là hai lần hiện ra dưới hình người sáng láng và điểm trang lộng lẫy mà tu viện trưởng Gilbert Combe, cha xứ của giáo xứ Dion (Callier, Pháp): đó là sự hiện ra của cha mẹ của ngài, sau thời gian thanh luyện (mẹ của ngài chịu ba tuần  và cha chịu mười lăm tháng) và trước khi vào Thiên đàng, đã được phép lần lượt đến cám ơn vị nữ ân nhân tại thế đã thực hiện những sự hy sinh cao cả khi sốt sắng cầu nguyện để họ được giải thoát. Vị nữ ân nhân của họ chính là Nữ Tu chân phước Marie de la Croix (cùng tên với nữ tu viết Manuscrit du Purgatoire) nổi tiếng hơn dưới cái tên thời thơ ấu Mélanie, cô bé chăn cừu ở La Salette, người cùng với Maximin nhỏ tuổi hơn cô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1846 và nữ tu này vào giai đoạn của đời sống ẩn dật (1899-1904), đã sống như một nữ tu đơn độc và kín đáo trong giáo xứ do tu viện trưởng Combe phụ trách (4).


Ở Việt Nam, trường hợp của  nữ tu Maria Catarina Nguyễn Thị Diện, chị được đặc sủng có những liên lạc khả giác với mẹ và người anh quá cố của chị liên tiếp đến báo cho chị biết họ đã được giải thoát khỏi Luyện ngục. Trường hợp của chị đã được một giám muc người Pháp, giám mục giáo phận cũng là cha linh hướng của chị, Đức Cha Louis de Cooman và những tài liệu đầu tay của ngài (5) đã giúp chúng tôi rất nhiều khi viết tác phẩm về chị nữ tu thần bí hiếm có ấy của Việt Nam (6).             


Như thế lời kể lại của bà Như Lễ về thị kiến Hàn Mạc Tử vốn không xa lạ với Kinh Thánh, thần học và kinh nghiệm đời sống. Trong trường hợp này, nên lưu ý một chi tiết: bà Như Lễ đã có thị kiến ấy trước khi chồng bà trở về nhà báo cho bà biết cái chết của Hàn Mạc Tử, đã xảy ra mười chín giờ một khắc trước đó mà bà không hề biết. Nhân tố này có tính chất vô hiệu hóa những hoài nghi có thể có cho rằng lời kể lại của bà Như Lễ bị hoen ố bởi tính chủ quan, của ảo giác, của tự kỷ ám thị v.v… vì người ta có thể giả định như thế trong trường hợp thị kiến xảy ra sau khi bà đã biết cái chết của em trai bà.   

     

II

Khỏi bệnh thân xác hay giải thoát linh hồn?


Một nghiên cứu sâu hơn lời kể lại ấy mời chúng ta tìm hiểu kỹ ý nghĩa của lời Hàn Mạc Tử đã nói: “Chị ơi, em lành rồi này!”  


Phải chăng sự lành bệnh của thể xác? Không. Thân xác của thi sĩ sẽ được mai tang cho đến lúc hư nát hoàn toàn, còn xấu xí và gớm ghiếc hơn cả bệnh phong hủi đã đục khoét ông khi còn sống – trong khi chờ đợi sự Sống lại, bởi ân sủng của Thiên Chúa phục hồi thân xác ấy và kết hiệp nó lại với linh hồn ông trong thời sau rốt cho cuộc Phán xét vũ trụ và số phận vĩnh cửu.


Trong lúc ấy, những lời “Em lành rồi này!” của Hàn Mạc Tử chỉ có thể được hiểu đối với linh hồn: Kết thúc cuộc lưu đày trần thế với mọi biến cố thăng trầm, nhọc nhằn, bệnh tật, đau khổ, buồn sầu … Linh hồn trung tín với ân sủng của Thiên Chúa được giải thoát, để đến chiêm ngưỡng Ngài trong Vương quốc ánh sáng của Ngài như Đức tin Hàn Mạc Tử  đã xác tín và lòng Cậy trông của ông đã lôi kéo ông khi không ngừng cảm hứng cho ông những bài ca bất tận.


Thật vậy, những linh hồn hoàn hảo được tình yêu Thiên Chúa thiêu đốt, thanh luyện ngày càng nhiều trong lò lửa của tình yêu và của sự đau khổ -- luyện ngục trần gian này như người ta thường nói – và nhờ đó xứng đáng được đón nhận ngay lập tức trong đôi tay của Chúa Cha hằng hữu khi ra khỏi thế giới này, những linh hồn vàng ròng ấy chỉ là một số rất nhỏ! Hầu như mọi người chết còn phải đi qua thử thách của luyện ngục trong một thời gian không xác định, có thể được giới hạn trong vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc vài năm hoặc kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí nhiều thế kỷ… Nếu tin theo cuốn Manuscrit du Purgatoire đã dẫn ở trên và những tiết lộ khác của các nhà thần bí, thời gian thanh luyện sau cùng này, trong phần lớn các trường hợp là từ ba mươi đến bốn mươi năm.


Vậy, số phận nào được dành cho linh hồn của thi sĩ thân yêu và sùng đạo của chúng ta? Chúng ta sẽ tránh mọi suy đoán tự phụ. Chỉ có Tông tòa Rôma trong các vụ án phong chân phước và phong thánh, mới đòi hỏi các thủ tục tìm hiểu và điều tra mà người ta không thể thực hiện kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Những thủ tục ấy kéo dài hàng chục có khi hàng trăm năm – ngoài

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...