Luật tục núi rừng (3): táng tục
Trong các nghi thức chôn cất người chết của các tộc người Chăm ở Bình Thuận, người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru ở Lâm Đồng tồn tại nhiều hủ tục làm khánh kiệt nhiều gia đình...
Ông Bố Xuân Hổ đã có trên 30 năm nghiên cứu văn hóa Chăm với nhiều đề tài được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao. Ông cho biết, ngày xưa một đám ma của người Chăm theo đạo Bà La Môn có thể kéo dài đến nửa tháng. Người Chăm theo đạo Bà Ni kết thúc một đám ma khi đã ăn hết 2-3 con trâu... Dĩ nhiên chỉ những gia đình giàu có mới có thể làm ma cho cha mẹ mình như thế. Ngày nay, đám ma của người Chăm vẫn kéo dài nhiều ngày. Quan niệm của người Chăm cổ là làm đám tang càng lớn là càng báo hiếu cha mẹ. Cũng theo nhà nhiên cứu Hổ, ngày nay trong đời sống văn hóa của đồng bào Chăm vẫn còn nhiều hủ tục, thậm chí có những hủ tục đã bị lãng quên thì lại được tái hiện. Chẳng hạn mới hỏa táng xong, mới chỉ nghỉ một ngày là lại cất rạp ngoài đồng làm lễ cúng tạ làng.
Việc tang cần 18 thầy cúng!
Hiện nay tỷ lệ nghèo trong đồng bào Chăm vẫn còn thuộc diện cao. Hầu như nhà nào cũng phải có sự trợ vốn của ngân hàng khi vào mùa vụ. Nhiều nhà không có tiền trả ngân hàng khi đáo hạn phải vay nóng tư thương ở ngoài với lãi suất cao. Đến vụ thu hoạch, chưa kịp phơi lúa thì chủ nợ đã đến sân phơi chờ lấy lúa nợ. Tiến sĩ y khoa Miêu Tiểu Chông, người Chăm đầu tiên có bằng tiến sĩ y khoa mà Báo Thanh Niên từng đề cập, không giấu được nỗi băn khoăn, trăn trở về cuộc sống của đồng bào. Theo anh nói, thay đổi một tập quán không dễ chút nào. Hiện nay Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Bình Thuận nằm ở thị trấn Chợ Lầu trang bị khá đầy đủ thiết bị y khoa hiện đại, nhưng nhiều người vẫn tin vào các thầy cúng tế khi gia đình có người bệnh.
Phan Hiệp là một xã dù nhỏ nhưng được đánh giá là có trình độ dân trí khá cao của tỉnh Bình Thuận khi có đến hàng chục thạc sĩ, bác sĩ, hàng trăm giáo viên, kỹ sư. Nhưng ở đây vẫn có một đám cúng kéo dài 3 ngày tại một gia đình trí thức khi trong nhà có người thân bị bệnh nặng. Ông Hắc Phú - Phó chủ tịch UB MTTQ huyện Bắc Bình - kể: Một đám thiêu (người Chăm theo đạo Bà La Môn khi chết là hỏa táng) phải cần từ 16-18 thầy cúng và hàng trăm người giúp việc. Nhiều sản vật làm lễ cúng xong lại bỏ đi. Mỗi đám như thế tốn kém vài chục triệu đồng.
Ngày trước, ở xã Phan Hiệp mỗi khi có người chết đều phải lên rừng chặt cây về làm rạp ngoài đồng phục vụ lễ thiêu. Phải mất nhiều năm trời, với sự vận động của các trí thức Chăm, việc này mới được dỡ bỏ thay vào đó là dùng rạp sắt làm sẵn.
Chia của cho người chết
Người Mạ (Lâm Đồng) cho rằng người chết sẽ sống ở 5 tầng địa ngục, và nơi đây họ cũng cần phải ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, vui chơi, tang ma... Do vậy người chết phải có tất cả những gì mà người sống vốn có. Từ đó, trong người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru xuất hiện tục chia của cho người chết.
Cách đây không lâu, tại Lâm Hà (Lâm Đồng) có một ngôi mộ bị đào xới. Đó là nơi chôn cất một người Cơ Ho, được gia đình xác nhận là đã mất của cải chôn theo, gồm: vàng, tố, chóe, cồng chiêng... Không chỉ tố, chóe, ghè, vòng cườm, vòng đồng, nhẫn, khố, váy, nong, nia, ná, gùi... ngày nay người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru còn chôn theo người chết cả xe máy, tivi, cassette... Cách để thể hiện lòng tiếc thương của dòng tộc và buôn làng là tặng quà cho người chết (quà càng có giá trị thì tình thương càng lớn).
Ngoài ra còn tục giết trâu, bò, dê, gà, heo... để linh hồn chúng đi theo người chết về thế giới bên kia. Nếu người Cơ Ho ở Di Linh (Lâm Đồng) đâm một con trâu khi có người chết và đâm một con trâu nữa trong lễ bỏ mả, thì người Chu Ru ở Đơn Dương, người Mạ ở Bảo Lâm và Cát Tiên (Lâm Đồng) sẽ đâm từng con một cho đến hết đàn trâu để làm của cải cho người chết (vì họ quan niệm người chết lúc còn sống đã nuôi đàn trâu này).
Theo nhà nghiên cứu Bố Xuân Hổ, lễ nghi tín ngưỡng của đồng bào Chăm được chia thành hai vế: lễ nghi tuyệt đối và lễ nghi từng thời kỳ. Lễ nghi tuyệt đối như đám cưới, đám ma là không thể bỏ được. Lễ nghi từng thời kỳ là tùy theo mỗi giai đoạn của xã hội, cái nào xét thấy không còn phù hợp thì có thể loại bỏ, bởi nó không phải là bản sắc, vì thế không cần lưu giữ. Muốn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần phải hiểu nó có ý nghĩa gì. Nếu nó là một giá trị văn hóa nhất thiết phải gìn giữ và phát huy, nếu không thuộc phạm trù văn hóa thì không cần thiết phải gìn giữ.
(còn tiếp)
Quế Hà - Đinh Thị Nga
Nguồn: thanhnien.com.vn