Lý thuyết Tam Tài Đông Phương (2)
(tiếp theo)
II. Tam Tài Đạo: Nhân bản tâm linh
Thiên địa nhân là Tam hợp thể (trinaire) luôn luôn có nhau, để tạo thành nhịp Thái hòa cho vũ trụ. Sự tương liên đó chính là đạo Tam Tài. Thiên mà thiếu Địa và Nhân, sẽ không phát huy ra được gì. Nói khác đi: thiếu Địa và Nhân, Thiên lý Thiên đạo Thiên công không có phương tiện biểu lộ và không có chỗ phát xuất. Địa mà thiếu Thiên và Nhân cũng chỉ trở thành một cõi hoang vu lạnh lẽo và khô chồi tàn tạ. Trong khi đó, Nhân mà thiếu Thiên sẽ trở thành vô linh và lạc lõng, thiếu Địa sẽ không có môi trường sinh động và thân trương.
Chính trong căn bản tương quan đó, mà Thiên địa nhân trở thành tam hợp thể: hòa đồng với nhau trên con đường tiến hóa không cùng. Trong tam hợp thể này, Nhân lại giữ phần tâm điểm, vì vậy mà thành hình triết lý nhân bản, một nền Nhân bản Tâm linh.
1. Thiên đạo - Trời được coi như nắm giữ nhịp tiến hòa của vũ trụ và điều hành tất cả những nguyên tắc đối nghịch nhau. Hai chữ nhu và cương thể hiện lưỡng tính âm dương một cách thực tế trên vạn vật. Tuy cương nhu là cặp đối nghịch nhưng cặp đối nghịch này luôn luôn va động thôi thúc nhau, để hòa nhau trong cuộc sống hóa sinh.
Thiên đạo thực hiện ở chữ Thời: Thiên thời, Thiên lý và Thiên Mệnh.
a) Thiên thời là trật tự của Trời, là đường lối của Trời: Thời nãi thiên đạo (1). Đường lối của Trời là hành động mọi sự theo đúng trật tự đã chỉ định: nên làm thì làm, nên đình chỉ thì đình chỉ: Thời hành tắc hành. Thời chỉ tắc chỉ (2). Cứ theo đúng nhịp thời gian không gian mà làm, thường sẽ thành công: thời thuận nhi vật thành (3).
Điều quan trọng ở đây là không có một Thiên lý và một Thiên mệnh tuyệt đối, nghĩa là Thiên lý không biệt lập với nhân tính và vật tính. Tuy nhiên ta vẫn hiểu rằng Thiên lý và Thiên mệnh có tính cách tiên thiên như là những nguyên tắc sơ khởi. Những nguyên tắc sơ khởi đó, không thể áp dụng vào đâu, nếu không có nhân tính và nhân tâm.
Nói như vậy không thể cho rằng: quan niệm Thiên lý Thiên mệnh và tâm học Nho gia là duy tâm. Duy tâm thực ra chỉ là một quan niệm hẹp hòi, cho rằng: Tâm con người là nguyên tắc của mọi hiện hữu.
Nhân tâm hay Tâm học ở đây, đúng ra, chỉ là chìa khóa mở cánh cửa tâm linh cho ta nhận thức mọi hiện hữu mà thôi, nghĩa là nhân tâm không phải là nguyên tắc, mà là phương tiện. Hay nói cho đúng: đó là một đài tiếp vận, thu hội tất cả những hiện tượng của vũ trụ ngoại giới cũng như nội giới tâm linh, để rồi phát lộ tất cả ra cõi nhân sinh.
Vậy khi nói: Thiên lý Thiên mệnh tức là nói toàn thể luật tự nhiên và ý chí siêu nhiên liên quan tới nhân tâm. Muốn hiểu thêm Thiên lý và Thiên mệnh, phải hiểu nhân tính.
Tiên Nho khi cắt nghĩa Thiên mệnh cũng chỉ lý giải rằng: "Thiên mệnh là chính lương tri con người: Thiên mệnh chi vị tính" (4). Đó là một con người đích thực phải được tiêu biểu bằng hình ảnh Quân tử Thánh nhân, mà Tiên Nho quan niệm:
"Quân tử là người sống thuận theo Thiên lý và Thiên đạo" (Quân tử hợp chư Thiên đạo) (5). Quân tử biết được ý Trời: quân tử viết tri mệnh (6), và thực hiện đúng ý Trời: quân tử dĩ chí mệnh toại chí (7). Trong cuộc đời, quân tử còn luôn luôn phá tan điều ác truyền bá điều thiện, để hòa thuận theo ý Trời: quân tữ dĩ át ác dương thiện, thuận thiên hưu mệnh (8).
Lý thuyết Thiên lý Thiên mệnh của Nho gia không bao giờ có ý nghĩa Định mệnh. Định mệnh là ý Trời đã tiên thiên quyết định sẵn, để chụp mũ một cách khắt khe trên nhân tính. Kỳ thực: Thiên mệnh chỉ có nghĩa: ý Trời được thể hiện ra cách nào và thể hiện ra sao, là tùy theo sự thu hội và phát lộ do nhân tính, tức lương tri hay lương tâm con người. Bởi vậy, con người nhận trách nhiệm trước Thiên mệnh, chứ không phải Thiên mệnh áp đảo con người cách tiên thiên. Lý thuyết này đi tới hệ luận: con người làm chủ số mệnh của mình, chứ không phải Thiên đế khoác sẵn cho con người một vòng xích số mệnh.
Tiên Nho còn đi xa hơn nữa, khi chủ trương: Thiện tâm có thể cải mệnh hay cách mệnh.
Đó là quan niệm của Quẻ Cách trong Kinh Dịch. Theo đó thì công việc cải cách vốn là đường lối của Thiên Địa: Thiên Địa cách nhi tứ thời thành (9). Trong nhân sinh cũng luôn luôn có biến cách. Khi một quân vương lên ngôi cũng là ý Trời. Khi vua đó không thuận ý Trời, thì có vua khác thay thế cũng là hợp mệnh, tuy có cách mệnh.
Điều kiện cải mệnh hay cách mệnh chỉ cần thuận ý Trời và ứng hợp với nhân tính nhân tâm. Cuộc cách mệnh muốn được chính đáng phải có căn bản ở Trung Thứ và chính tâm thành ý. Chỉ có những người có thành tâm thiện chí và biểu lộ được thiên đức mới có thể cách mệnh thành công mà thôi.
2. Địa đạo - Địa đạo đây hiểu là lý phát xuất và hành động của Địa. Theo lý phát xuất, thì địa đạo thuộc âm, mà đạo âm thì không xướng mà chỉ họa thêm đạo dương. Địa đạo hòa theo Thiên đạo. Tuy nhiên địa đạo cũng có những đường nét riêng biệt.
- Địa đạo quang minh (10) và tuy thấp kém, nhưng lại dẫn đầu (11). Địa đạo tuy biến đổi mà vẫn tăng thêm, nghĩa là luôn luôn đắp đổi với Thiên đạo, để cùng hoạt động biến hóa và sinh nở cho sung mãn.
Quẻ Khiêm viết?
"Đạo Trời giáng xuống để cứu giúp cách quang minh, đạo Đất tuy thấp nhưng lại hướng lên, đạo Trời làm vơi chỗ đầy, mà làm lợi chỗ thấp kém, đạo Đất làm mất chỗ đầy, mà chảy đến chỗ vơi" (Thiên đạo hạ tế nhi quang minh, địa đạo ti nhi thượng hành, thiên đạo khuy danh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm) (12). Do đó, ta thấy tính cách bồi đắp tu bổ và hướng thượng của địa đạo.
- Địa lý - Theo nghĩa triết học, đây là lý phát xuất, biến thiên và sinh hóa của vạn vật. Địa lý phải được thích nghi với muôn vật (Địa lý hữu nghi dã) (13). Vạn vật thường phát sinh theo đúng chiều hướng địa lợi, đồng thời thổ địa cũng phù hợp với sản vật. Ngoài ra, tất cả còn phải hợp nhân tâm thuận quỷ thần. vạn vật mới gọi được là thuận hợp theo lý sinh tồn.
Chính con người sống trên mặt đất cũng phải thích nghi theo địa lý và thiên lý, và địa lý còn phải phù hợp với Thiên lý.
- Địa lợi - Có nghĩa là theo đúng hoàn cảnh nên chăng, mà thích nghi cho phát sinh lợi điểm, bởi vậy mới có câu: "lợi điểm chính là điều hòa và thích nghi" (lợi giả nghĩa chi hòa dã) thích nghi là có lợi cho sự vật và nhân sinh: Lợi vật túc dĩ hòa nghĩa (14). Địa lợi đây là để dưỡng sinh vạn vật.
3. Nhân đạo - Đây là con đường đi vào nhân tâm và từ nhân tâm đi tới Thiên địa vạn vật. Con người là điểm giao hòa, từ đó phát tỏa ra hai đường đồng giao: cách vật và hòa thiên. Thiếu nhân đạo thì không có đường vào địa đạo và thiên đạo. Nhân đạo chỉ trọn nghĩa khi nào thực hiện được nhịp thái hoà, nghĩa là con người giao hòa được thiên địa vạn vật, mới thực là đắc đạo (15).
a) Nhân hòa - Nhân đạo đi chặng đầu tới đồng loại. Bản ngã phải nhu thuận hòa đồng với mọi người và được mọi người chấp nhận. Trong đạo người, một khi đã đại hòa, thì chẳng những không mất mát gì, mà lại có thể biến hóa được mọi sự (16) trong một nhịp sống bình an phẳng lặng (17). Sau cùng sẽ điều hòa được cuộc sống mà đạt đạo (18).
b) Nhân văn - Con người chỉ đạt đạo ở nhịp thái hòa. Thái hòa là trạng thái điều hòa được cả thiên địa. Con người cao quí và quan trọng là vì tận bản tính đã được đúc kết bằng tinh hoa của Trời và tú khí của Đất. Do đó cần phải phát huy ra được những tinh hoa và tú khí ấy. Phát huy những tú khí trau dồi cho vạn vật chính là những nét nhân văn để tô điểm cho địa văn và thiên văn. Nhân văn là những vẻ sáng đẹp của con người được thể hiện ra bên ngoài, như nhân tính, nhân tình, nhân đức, nhân cách, nhân tài, nhân lực, nhân trí, nhân công v.v. Nói chung là mọi vẻ đẹp của con người thuộc tinh thần hay vật thể, xã hội hay luân lý, trong chiều hướng đưa con người thân trương và tiến bộ vào địa đạo, đồng thời siêu thăng vào thiên đạo. Nói chung tất cả những gì làm thành văn minh của con người: văn minh dĩ chỉ nhân văn dã (19). Tới đó là đạt đạo thái hòa.
Tất cả những điểm đó đưa con người tới địa vị làm trọng tâm cho vũ trụ và nắm giữ vai trò điều hòa được thiên địa vạn vật. Đó là căn bản cho triết lý nhân bản vậy.
KẾT LUẬN - Triết thuyết Tam Tài là một dòng triết lý quy tụ mọi dòng tư tưởng về đời sống con người và con người trong vũ trụ, mở rộng ra các vấn đề nhân sinh: nhân đạo, tâm đạo, tinh thần và vật chất, cũng như siêu hình và tự nhiên, các lý thuyết âm dương ngũ hành, quy về khoa vũ trụ luận, tâm lý học, xã hội học, đạo đức học, thực tế học và kinh nghiệm học. Đồng thời đây còn là nền tảng cho triết lý hành động theo chủ thuyết nhân bản, triết lý nông nghiệp dựa trên căn bản thiên thời địa lợi nhân hòa. Sau cùng Đạo sống Tam Tài là một con đường giao hội của con người với nhịp biến hóa của toàn thể vũ trụ tự nhiên cũng như siêu việt, bao trùm từ muôn nẻo không gian đến muôn chặng thời gian.
Do lập luận này, đi vào thực tế, chúng tôi nghĩ rằng: có thể đóng góp vào 3 lãnh vực:
1. Đối với dân tộc, chúng ta có đường để khai thác sâu rộng về lý thuyết và đạo sống Tam Tài Việt Nam bằng cách mở kho tàng tục ngữ ca dao và truyện cổ tích là những đúc kết cuộc sống con người trước Trời Đất, qua thiên văn địa văn và nhân văn. Do đó giúp chúng ta tìm ra dân tộc tính à những căn bản để tìm ra tư tưởng và đạo sống Việt Nam.
2. Với xã hội chủ nghĩa, lý thuyết này có để đóng góp hai quan niệm căn bản: một là chủ thuyết nhân bản: con người làm chủ cuộc sống mình, thay Trời mà tô điểm và khai thác mặt đất để phục vụ cho mình. Hai là triết lý nông nghiệp, dựa trên căn bản thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngõ hầu đưa bàn tay con người xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp vững chắc và bền lâu.
3. Đối với Giáo hội. Nhờ cách diễn xuất của chủ thuyết Tam Tài để quảng diễn con người linh động trước thế trần, và Nước Chúa theo quan niệm của dân tộc. Hai là trình bày giáo lý bằng các diễn ngữ truyền thống và các danh từ mang khí chất dân tộc, để giáo lý đạo tránh được vẻ mặt xa lạ, những kiểu diễn tả thiếu thân mật, và người truyền đạo cũng tránh được những vẻ lạc loài. Ba là đi vào chiều hướng dân tộc để "rửa tội" cho những quan niệm truyền thống, ví dụ quan niệm Trời, quan niệm nhân hoàng, quan niệm hình nhi thượng, quan niệm nhân tâm và thiên mệnh v.v.
Chúng ta hy vọng sẽ có một nền thần học và triết học Việt Nam đượm màu sắc dân tộc, làm giàu cho Thần học Kitô giáo.
Vũ Đình Trác
Trích "Thuyết Tam Tài và mẫu người Kitô giáo"
Tài liệu nghiên cứu nội bộ tu sĩ, tr. 13-20
______________________
Chú thích:
(1) THƯ KINH: Đại vũ mô: […]
(2) DỊCH KINH: Cấn quái: […]
(3) TẢ TRUYỆN: Thành công, 16: […]
(4) TRUNG DUNG: Chương 1: […]
(5) LỄ KÝ: Quan nghĩa 45: […]
(6) TẢ TRUYỆN: Văn công 13: […]
(7) DỊCH KINH: Mộc quái: […]
(8) DỊCH KINH: Đại hữu: […]
(9) DỊCH KINH: Cách quái: […]
(10) DỊCH KINH: Khôn văn: […]
(11) DỊCH KINH: Khiêm quái: […]
(12) DỊCH KINH: Khiêm quái: […]
(13) LỄ KÝ: Lẽ khí, chương 10: […]
(14) DỊCH KINH: Càn văn: […]
(15) TRUNG DUNG: chương 1: […]
(16) LỄ KÝ: Nhạc ký: […]
(17) CHU LỄ: Đông quan: […]
(19) TRUNG DUNG: chương 1: […]
(19) DỊCH KINH: Quẻ Bí: […]
* Bài liên quan:
Lý thuyết Tam Tài Đông Phương (1)