Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn vững niềm tin tiến bước
Nhìn lại tiến trình lịch sử của nền đạo Phật giáo Hòa Hảo, từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) đến nay đã ngót 74 năm. Trong chặng đường tồn tại và phát triển đó PGHH đã từng nếm trải muôn ngàn khó khăn chướng ngại. Nhưng tuyệt đại đa số người tín đồ chơn tu tâm đạo Phật giáo Hòa Hảo vẫn luôn gìn giữ sự trong sáng vốn có của nền đạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và luôn song hành cùng đồng bào hướng tới tương lai xán lạn của đất nước.
“Cùng chung một giọt máu đào,
Phen này hiệp sức nâng cao nước nhà.”
Từ năm 1999, đạo PGHH được Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân, ngang hàng các tôn giáo lớn trong nước. Tất nhiên PGHH là một tôn giáo. Giáo lý “học Phật tu Nhân” của PGHH nếu ai có duyên nghiên cứu thực hành đúng như pháp thì sống sẽ đạt chân thiện mỹ, là người đại lượng, đại nhân. Chết thì thoát khỏi sanh tử luân hồi. Bởi vì học Phật và tu Nhân là một quá trình, từ căn bản đến nâng cao.
Đức Phật khi xưa đã nói: “Không sợ chúng sanh không thành Phật, mà lo cho chúng sanh không làm tròn nhân đạo”.
Đức Thầy bảo:
“Hồng trần biển khổ thấy rồi
Rán tu nhơn đạo cho tròn mới hay”…
Chính từ những tính ưu việt, tích cực thực tế của giáo lý mà hàng năm khối tín đồ PGHH góp phần rất lớn cho xã hội như: an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bắc cầu sửa đường, cất nhà tình thương, nấu cơm, cháo, nước cấp miễn phí ở các bệnh viện, xe chuyển bệnh nhân miễn phí…
Tất cả việc làm của tín đồ PGHH chân chánh đều phù hợp với pháp luật Nhà nước, là việc làm quang minh chánh đại, danh chánh ngôn thuận.Người tín đồ PGHH có quyền tự hào dân tộc, có quyền tự hào tôn giáo; có quyền tự do, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc, và những nét đặc trưng tôn giáo. Thì:
“Dù ai nói ngả nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”
Là một người tín đồ PGHH chơn tu tâm đạo cần luôn ghi nhớ lời Đức Thầy dạy: “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy”. Và nhận thức sâu sắc về luật Nhân Quả của Phật dạy, nếu nhơn toàn thiện thì quả cũng sẽ do đó được toàn thiện. Vậy chúng ta cũng đã hiểu: “Đạo Phật là đạo từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ, tuy tình thế đổi thay chớ tấm lòng nhơn chẳng đổi” (Huấn Lịnh).
Lời dạy của Đức Thầy câu nào, đoạn nào cũng rất sâu sắc, siêu phàm, nhẫn hoà, từ ái:
“Đạo pháp thường hay dung với hoà
Xét người cho tột xét thân ta
Nếu người rõ phận vui lòng thứ
Ta thứ được người người thứ ta”
Trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, tín đồ PGHH đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc đóng góp vào sự phát triển đất nước, lo làm ăn và tu hành:
“Gánh gồng bảo bọc giang san
Giữ gìn biên cảnh bằng an đời đời
Trăm họ mới thảnh thơi nhàn nhã
Lo đắp bồi văn hóa nghìn năm”
Người tín đồ PGHH chơn tu tâm đạo hiện nay không có lý do gì để thối chuyển, phủ nhận những thành quả, thành tựu đã đạt, những công phu tu tập đã tích lũy bấy lâu. Chúng ta không vì sự phá rối làm ảnh hưởng việc tu hành, không vì tỵ hiềm mà bỏ con đường giải thoát; chúng ta có đức tin và lòng lành, có chánh kiến, có lập trường quan điểm vững chắc, kiên định tấn tới theo giáo lý học Phật tu Nhân mà Đức Thầy đã dày công khuyến dạy; chúng ta cần phải: “- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy nội lực, để xiển dương chánh pháp theo đường hướng “vì đạo pháp, vì dân tộc; - Phổ truyền giáo lý góp phần phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc; - Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, tích cực thực hiện phước lợi cho toàn thể nhân sinh; - Chấn hưng và giữ gìn sự trong sáng vốn có của nền đạo. Ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, đáp ứng sự phát triển của giáo hội trong giai đoạn mới”.
(Trích dẫn Hiến chương Giáo Hội PGHH)
Được vậy chúng ta sẽ hoàn mãn hạnh nhân đạo và đi đến giải thoát.
Trần Thanh Sơn
Tạp chí Hương Sen số 26
Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn