Nhận thức giáo lý Học Phật Tu Nhân của Phật giáo Hòa Hảo

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 5945 | Cật nhập lần cuối: 6/6/2016 4:24:47 PM | RSS

Nhận thức giáo lý Học Phật Tu Nhân của Phật giáo Hòa HảoLà người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), ai cũng hằng nhớ lời Đức Thầy dạy: “Đừng thấy ai theo mối Đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo Đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào.”. (trích "Trong việc tu nhân xử kỷ") (1). Đức Thầy không chỉ khuyên tín đồ tìm hiểu giáo lý khi theo Đạo mà Ngài còn đánh giá cao tầm quan trọng của việc nhận thức đúng giáo lý, nên trong chương trình Phật giáo Liên Hiệp Hội, Đức Thầy đã đặt Ban nghiên cứu đạo Phật trước Ban Huấn luyện và Truyền bá Đạo Phật, với hàm ý cần phải nghiên cứu tìm hiểu giáo lý nhà Phật một cách rõ ràng, rồi sau đó mới huấn luyện và truyền bá ra cho đại chúng. Giáo lý đạo Phật “rất thâm huyền quảng huợt” nên tín đồ phải “Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu” (bài cho ông Võ Văn Giỏi ở Bạc Liêu) (2) thì mới hiểu thấu đáo được lẽ Đạo.

Ngoài cuộc sống cũng vậy, việc nhận thức đúng sự việc giúp ta đưa ra cách giải quyết một cách ổn thỏa, “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay đạo đức, ta phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.” (Điều thứ bảy , “Lời khuyên bổ đạo”) (3). Cho nên, người học Đạo trước hết phải có nhận thức đúng giáo lý, có vậy rồi thì “hành” (tức sống đạo) mới không bị sai lầm.

Về giáo lý Học Phật Tu Nhân (HPTN) của Đức Thầy dạy, chúng tôi luôn căn cứ quyển Sấm giảng thi văn, nhất là Quyển 6, nghiền ngẫm, nghiên cứu và bàn bạc trao đổi nhau, tham học với các cô chú bác đồng đạo đi trước để có nhận thức đúng. Ngoài ra, cũng tìm đọc các sách, báo nghiên cứu về PGHH, cũng như hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương nói về giáo lý HPTN của người trong đạo, kể cả ở các nhà nghiên cứu PGHH ngoài đạo. Khi viết về giáo lý HPTN của PGHH, các tác giả thường không có quan điểm đồng nhất. Sự dị biệt này, tựu trung có thể chia ra làm 2 nhóm: nhóm Học Phật và Tu Nhân tách riêng, và nhóm không tách,… với cách lý giải khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung, đó là đa số các nhà nghiên cứu PGHH bên ngoài khi viết về giáo lý HPTN của PGHH chỉ dừng ở chỗ “đền tứ ân” mà thôi.

Để góp phần làm sáng tỏ giáo lý HPTN của PGHH, chúng tôi xin thử nêu ra nhận thức riêng mà bản thân đã áp dụng hằng ngày vào cuộc sống.

Trước khi tìm hiểu giáo lý HPTN của PGHH, chúng ta y cứ quyển 6 trong Sấm giảng thi văn, Đức Thầy viết hồi tháng 5 năm 1945 ở Sài Gòn, mà đồng đạo chúng ta thường gọi là “Tôn chỉ hành đạo”. Trong quyển 6 nầy, Đức Thầy chia ra hai phần: Phần 1- NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN và Phần 2- CÁCH THỜ PHƯỢNG, HÀNH LỄ VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT TÍN ĐỒ PGHH.

- Phần 1, nói về giáo lý của nhà Phật, không chỉ dùng riêng cho tín đồ PGHH mà còn hướng tới toàn thể Phật giáo đồ thuộc hàng tại gia cư sĩ.

- Phần 2, thuộc về “Giới luật”, Đây là phần Đức Thầy đặt ra, áp dụng cho toàn thể tín đồ PGHH.

Khái lược như trên để có cái nhìn tổng quát, khi tìm hiểu giáo lý HPTN của PGHH.

Trước tiên, Đức Thầy dạy “hạng người học Phật tu Nhân”:

“Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và Luật Nhân Quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.” (4)

Qua đoạn trích dẫn trên, rõ ràng HPTN chỉ chung đường lối tu hành của toàn thể hàng tại gia cư sĩ của đạo Phật chứ không riêng gì tín đồ PGHH.

Và “họ cũng lần lần lên con đường giải thoát” (5) điều này giúp cho ta hiểu chắc được nghĩa của cụm từ “Học Phật Tu Nhân” 學 佛 修 人 là học theo lời Phật dạy để từ từ hoàn thiện con người mình. Đoạn dưới đây cũng minh chứng cho cách hiểu trên: “Phật tu cách nào đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy.” (“Lời khuyên bổ đạo”) (6)

Đức Thầy dạy “Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong Đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy.” (7)

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền, tuy đều là đạo Phật nhưng cũng có sự dị biệt. Phật giáo mỗi nước cũng vậy…, rồi đến Phật giáo trong một nước, các Tông cũng có sự khác biệt, hình thành nên các tông phái khác nhau của đạo Phật. Vì vậy, giáo lý HPTN của hàng tại gia cư sĩ tùy theo tông phái cũng có những điểm khác nhau. Với bài này, chúng tôi xin tập trung tìm hiểu giáo lý HPTN của PGHH, và để tiện bề tìm hiểu, tạm phân con đường giáo lý HPTN của PGHH ra làm ba bước hành đạo:

1. “Muốn làm tròn Nhân Đạo, phải giữ vẹn tứ ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.” (“Luận về tam nghệp”) (8). Chữ “Nhưng” đã nhấn mạnh vai trò của “tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác”, và Đức Thầy còn đưa thêm ví dụ thực tế: “cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.” (9). Có phải chăng một điều tiên tri? Ví dụ này ngày nay ai cũng thấy nhan nhãn trên thông tin đại chúng, không ít những người giàu có nhưng thực chất lại nợ chồng chất, hôm sau có thể phá sản, trốn nợ. Nếu người nào hành trọn bước nầy sẽ sanh làm người đời thượng cổ, không rơi vào ba đường ác.

Đức Thầy có nhắc: “Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.” (10) Vì vậy, có thể kết luận, khái niệm về “Nhân đạo” của Đức Thầy: Hành tròn “Hiếu Nghĩa” cộng thêm “tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác”. Nhân đạo ở đây cũng khác với nhân đạo hiểu theo khái niệm thông thường của Khổng giáo, và Hiếu Nghĩa ở đây cũng không phải theo nghĩa thông thường. (Lưu ý, trong Sấm giảng thi văn, Đức Thầy có dùng thuật ngữ Lão, Khổng nhưng chỉ để truyền tải tư tưởng Phật giáo, vì các thuật ngữ này đã quen thuộc với quần chúng.)

Ngày nay, không ít tác giả khi viết giáo lý HPTN của PGHH dừng ở bước 1 này, và chỉ nhấn mạnh vào “phải giữ vẹn tứ ân”, bỏ qua vai trò“tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác”, làm cho người đọc hiểu không trọn vẹn về giáo lý HPTN của PGHH. Cũng có tác giả viết, chia ra: Học Phật: “tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác”; tu nhân: “phải giữ vẹn tứ ân”. Có người nêu lên bâng khuâng của mình về nhận định này: thuyết tứ ân là của Phật dạy thì sao không gọi là “Học Phật” mà “Tu Nhân”?

2. “Trừ xong ba nghiệp chướng, hãy làm theo tám điều chánh, và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường Đạo hạnh. Nhưng sự tấn bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục đích. Thế nên, cần phải hành luôn Đạo Bát Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê đồ, tấn triển trên đường Giải Thoát.” (11)

3. Mức rốt ráo của người tu Phật là giải thoát hoàn toàn. Đó là pháp Tứ điệu đề 四妙諦, cũng đọc tứ diệu đế: “1/ Khổ đề: Gồm các sự khổ trong đời. 2/ Tập đề: Gồm có các tập nhơn sanh ra quả khổ. 3/ Đạo đề: Gồm có tám đường chánh. 4/ Diệt đề: Phương pháp diệt khổ, hưởng quả Niết Bàn.” (“Sơ giải về Tứ diệu đề”) (12). Đây là thuyết nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật, là thuyết đầu tiên mà Phật nói và nói tại vườn Nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe. Thuyết này được cả Nam truyền và Bắc truyền công nhận, là thuyết tối quan trọng của Phật giáo Nam truyền. Nó được nhắc nhiều lần trong vô số kinh điển Phật giáo Nam truyền, một cách chi tiết và bằng nhiều cách khác nhau. Đây là 1 chỗ trong kinh Tương ưng bộ - Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền chép lời Phật nói về tầm quan trọng và siêu việt của tứ diệu đề: “Những bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác nào trong thời quá khứ, vị lai, hiện tại, này các Tỷ-kheo, thật sự là bậc Chánh Đẳng Giác; tất cả những vị ấy đã như thật chánh đẳng chánh giác bốn Thánh đế.” (13)

Từ nhận định khái quát nêu trên, ta thấy giáo lý HPTN của PGHH được Đức Thầy xây dựng trên giáo thuyết căn bản và tinh yếu của đạo Phật, và đã được giảng giải rõ ràng trong phần NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN của Quyển 6, trong Sấm giảng thi văn.

Có lẽ cũng nên nói qua một chút về một số nhận định chưa mấy chính xác liên quan giáo lý PGHH mà trang mạng Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đang phổ biến: “Một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia.” (14) Chúng tôi cho rằng: Người viết nhận định nầy có lẽ chưa đọc kỹ Quyển 6 trong Sấm giảng thi văn. Nếu có đọc kỹ thì khó thể đi đến kết luận “pháp môn Tịnh độ tông làm căn bản”. Trong khi đó, phương pháp niệm Phật của Đức Thầy dạy rất rõ “Nên niệm Phật là niệm cái bản lai thanh tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần ai.” (15). Cho nên phương pháp niệm Phật ở đây không thể hồi hướng cho ai được, không thể ai cho ai sự thanh tịnh được, chỉ có cá nhân ấy tự tìm lấy. Nhưng chứng được phương pháp niệm Phật nầy thì công đức vô lượng. Tại sao? Vì mỗi hành động xuất phát từ tứ vô lượng tâm nên công đức vô lượng. Đây là lời Đức Thầy dạy, câu 9-12 quyền Khuyến Thiện, mà chúng tôi hiểu: phương pháp niệm Phật hỗ trợ cho việc thực hành giáo lý HPTN của PGHH:

“Dạy khuyên những kẻ ngỗ-ngang,
Biết câu Lục-tự gìn đàng Tứ-ân.
Ở trần xử trọn nghĩa-nhân,
Quyết làm tôi Phật gởi thân Liên-Đài.” (16)

Thực tế, niệm Phật là để huấn luyện cho tâm tánh thuần: Từ, Bi, Hỉ, Xả, tương tự như người học võ đọc câu thiệu chỉ cốt để luyện tập bài quyền mà thôi. Công năng là ở chỗ bài quyền chớ không phải ở câu thiệu, vì giả định như khi gặp cường hào, câu thiệu kia không bao giờ hàng phục được nó mà chỉ có bài quyền mới bắt nó quy phục. Tương tự vậy, sáu tên giặc lòng (lục tặc) nổi lên chỉ có tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả mới hàng phục được, chớ không phải chỉ câu niệm Phật mà hàng phục nó được. Để cho bốn đức tánh nầy phát triển lớn mạnh lên (niệm Phật có kết quả), phải thực hành giáo lý HPTN của PGHH một cách nghiêm nhặt. Do vậy, nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy phương pháp Niệm Phật của Đức Thầy dạy có điểm dị biệt với Tịnh độ của các tông phái Phật giáo khác. Có thể do bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quan điểm này, mà ngày nay, một số bạn trẻ đồng đạo đã “bỏ hết việc đời, việc đạo ở nhà lo niệm Phật để cầu vãng sanh”.

Qua sự trình bày trên, ta có thể kết luận: Giáo lý HPTN của PGHH xây dựng trên nền tảng giáo lý căn bản và tinh yếu của Đạo Phật, đã tạo nên nét đặc thù riêng của PGHH. Đức Thầy là người xây dựng và viết ra trong thời gian khoảng từ tháng 5 năm 1945, lúc Ngài ở Sài Gòn. Đức Thầy đã vạch cho người tín đồ con đường tu học “lần lần lên con đường giải thoát.”, từ mức thấp nhất tròn nhân đạo và lần lần tiến lên giải thoát. Tùy sở hành của người tín đồ, chớ không phải giáo lý HPTN của PGHH đưa đến giải thoát, và con đường ấy không dừng lại ở thuyết “tứ ân” như một số người đã nhận định.

Nơi đây chúng tôi chỉ xin đặt lại vấn đề, có tánh cách gợi ý chung, với mong muốn sẽ được đón nhận những ý kiến khác của các nhà nghiên cứu PGHH, cũng như của quý đồng đạo, để làm sáng tỏ thêm chủ trương học Phật tu Nhân của Đức Huỳnh giáo chủ.

Như Thiệt

_______________________
Chú thích:

(1) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 400.

(2) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 365.

(3) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 179.

(4) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 145 146.

(5) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 146.

(6) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 391 392.

(7) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 146.

(8) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 151.

(9) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 151.

(10) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 146.

(11) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 159.

(12) Sấm giảng thi văn, 1965, tr. 395.

(13) S.v,433-Tương Ưng Bộ Bộ II – Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, NXB Tôn Giáo, 2014, trang 794.

(14) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phật_giáo_Hòa_Hảo.

15) Sấm giảng thi văn, 1965, tr..

(16) Sấm giảng thi văn, 1965, tr..

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...