Những diều Đức Phật dạy về hóa giải bất hòa

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 802 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
Đối với Đức Phật, việc hóa giải những bất hòa cũng quan trọng không kém việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa những người sống chung. Cộng đồng Tăng già mới thành lập của Ngài bao gồm cả nam và nữ đến từ mọi thành phần xã hội, những thành viên trong cộng đồng đó có những khác biệt lớn về nhiều phương diện và điều không thể tránh là sự phát sinh những mâu thuẫn.  

 

Với cái thấy xuyên suốt, Đức Phật đã cho những người sống chung những bài học quý báu để ngăn ngừa và hóa giải những mâu thuẫn xảy ra giữa họ. Mặc dù lúc đó Đức Phật nhắm đến những đệ tử xuất gia, những lời khuyên của Ngài cũng áp dụng có hiệu quả cho những cộng đồng xã hội khác và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Sau đây, chúng ta lần lược trình bày và phân tích những lời dạy của Ngài.


Năm sự khéo léo trong việc trao đổi

Những lời dạy của Đức Phật về sự khéo léo trong cách giải quyết tốt đẹp những bất hòa được Ngài Xá Lợi Phất giải thích rành mạch (1).


Đức Phật dạy, có năm sự khéo léo trong giao tiếp đem đến nhiều kết quả tốt đẹp. Theo Ngài Xá Lợi Phất, không tuân theo năm cách xử sự này sẽ đem đến những hậu quả tiêu cực và đáng ân hận - và hầu hết người nói sẽ gặp phản ứng từ người nghe. Sau đây, chúng ta khảo sát năm phương pháp mà Đức Phật và Ngài Xá Lợi Phất coi như thiết yếu trong việc hóa giải những bất hòa trong đời sống hàng ngày.


ducphat.gif

1. Nêu vấn đề đúng thời


Đúng thời là một điều kiện quan trọng trong việc truyền đạt của Đức Phật. Ngài tự nhận là một “người nói đúng thời” và thường nhấn mạnh rằng sự thất bại hay thành công trong cuộc trao đổi tùy thuộc rất lớn vào thời điểm(2). Theo Ngài Xá Lợi Phất, đúng thời là điều kiện thiết yếu trong việc hóa giải những mâu thuẫn giữa người với người.


Với những bằng chứng được ghi lại, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử loài người nhấn mạnh sự quan trọng của việc đúng thời trong lời nói. Đó là vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Tư tưởng gia Hy Lạp tiền Socrate là Protagoras đề cập đến khái niệm này lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch.


Khái niệm “nói đúng thời” của Đức Phật mang một ý nghĩa rộng rãi. Điều cần chú ý đầu tiên là trạng thái tinh thần của người nghe. Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và bà Gotami, người có đứa con duy nhất chết khi còn nhỏ, chứng tỏ sự quan trọng của tác nhân này(3). Gotami ôm đứa con đã chết đến cho nhiều vị thầy thuốc để mong được cứu, nhưng tất cả các thầy thuốc đều trả lời rằng đứa bé đã chết, không ai có thể cứu sống được. Quá thất vọng và đau buồn, bà ôm con đến chỗ Đức Phật, người được coi là “vị thầy vĩ đại nhất”, cầu khẩn Ngài cứu sống đứa bé. Thấy sự đau đớn khôn cùng của người mẹ, Đức Phật quyết định không nói ngay về sự thật. Ngài bảo bà đi tìm một nắm hạt cải ở nhà nào chưa từng có người chết. Vì biết rằng bà sẽ phản ứng và và đau đớn khi nghe sự thật, Ngài đợi đúng lúc để nói cho bà về sự thật không vui rằng cái chết là phổ biến cho mọi người, không ai có thể tránh khỏi, không ai có thể thay đổi. Và điều đó đã giúp bà giảm đi nỗi đau và đạt đến trí tuệ.


Các nhà tâm lý xác nhận rằng một người đang lúc không vui ít muốn lắng nghe. Một trẻ vị thành niên khi mang về một giấy báo điểm thấp có thể sẽ phản kháng mãnh liệt trước lời khuyên của cha mẹ rằng hãy cố gắng để khá hơn trong kỳ học tới. Một người vợ hay chồng về nhà sau một cuộc chạm trán không vui với cấp trên có thể thấy những lời cau có của người kia nhức nhối khó chịu hơn. Trao đổi khi người nghe ở trong trạng thái vui vẻ có thể đem lại những kết quả tốt đẹp hơn.


Sự thoải mái về thể xác cũng phải được kể vào nguyên tắc đúng thời. Đức Phật bảo đệ tử của Ngài cho một người muốn nghe pháp đang đói được ăn trước khi Ngài thuyết pháp cho người đó(4). Đức Phật biết rằng thuyết pháp cho một người đang đói sẽ đem lại ít lợi lạc hơn. Và trước khi nói pháp cho một đệ tử xuất gia, Đức Phật đã hỏi han về chứng bệnh của vị đó đang mang(5). Chúng ta thấy rõ ràng rằng điều kiện thể xác cũng là một yếu tố để có một tinh thần khỏe mạnh; do đó “đúng thời” cũng có nghĩa là thời điểm khi người nghe có tình trạng cơ thể thích hợp.


Mục tiêu của “đúng thời” là đem lại sự vui vẻ và lợi ích cho cả người nghe và người nói. Chờ đợi thời điểm thích hợp để truyền đạt không có nghĩa là tìm cơ hội tốt nhất để tạo tác động lên người nghe. Sự hiện diện của những động năng ích kỷ và lạm dụng đi ngược lại lời dạy của Đức Phật. Ngài lặp đi lặp lại rằng người nói nên được hướng dẫn bằng tâm từ bi, hoàn toàn không có động cơ lợi dụng.


Chọn thời điểm thích hợp nhất để nói là sự khéo léo có sức mạnh rất lớn trong việc hóa giải những bất hòa trong mối quan hệ.


2. Chỉ đề cập đến sự kiện


Đức Phật nói thêm rằng tránh những lời buộc tội sai lầm là bước thứ hai trong việc làm tốt cuộc đối thoại và giảm bớt những mâu thuẫn trong mối quan hệ. Theo Ngài Xá Lợi Phất, người nói cần luôn tâm niệm: “Tôi sẽ nói điều gì đã xảy ra, không nói điều gì không xảy ra”(6). Sự khéo léo này cũng bao gồm việc tránh cường điệu, phóng đại những lỗi lầm và những yếu kém của người nghe, cũng như những lời kết tội không có thật khác.


Dưới nhãn quan tâm lý học, chúng ta thổi phồng những yếu kém hay lỗi lầm của một người chính yếu là để lôi kéo sự chú ý của người đó, hoặc bày tỏ sự tức giận của chúng ta. Để nhấn mạnh sự săn sóc thích hợp cho một đứa con, người vợ có thể nói với chồng: “Con bị cảm cúm do anh không đắp kỹ cho nó”. Để trút giận, người chồng có thể trả đũa: “Cô lúc nào cũng nói chuyện ngớ ngẩn”. Trong trường hợp đầu, điều thật sự xảy ra là đứa trẻ bị bịnh cúm; lý do người vợ đưa ra chỉ là một sự gán cho. Trường hợp thứ hai, câu trả lời của người chồng là một câu nói chung chung, một luận điệu chung chung về một sự việc riêng lẻ. Cả hai đều nói những lời cường điệu. Cả hai đều không nói đúng chính xác “điều xảy ra”.


Sự cường điệu thể hiện dưới nhiều hình thức trong đời sống hàng ngày. Một người mẹ thấy một chiếc dĩa tuột khỏi tay người con gái có thể la lên: “Mày không bao giữ được cái gì”. Một người vợ đọc kết quả xét nghiệm sức khỏe hàng năm của chồng có thể nói: “Ông không chịu tập thể dục. Đó là lý do lượng mỡ trong máu tăng cao”. Tất cả những lời nói này đều là những lời thổi phồng, cường điệu, hoặc gán thêm.


Cách phát ngôn này một cách nào đó có vẻ xoa dịu cho người nói - mặc dù không xoa dịu chút nào cho người nghe. Có thể một người sẽ cảm thấy sự căng thẳng trong tâm của mình nhẹ bớt bằng việc tấn công bằng lời nói vào người đã tạo ra sự căng thẳng. Nhưng hầu như điều đó chỉ làm tăng thêm phản ứng ương ngạnh của người nghe. Người nghe cho rằng những lời của người nói là những lời kết tội vô căn cứ hay là những lời lăng mạ. Phản ứng đó tạo ra sự khó khăn trong việc đưa đến một cuộc đối thoại lành mạnh giữa người nói và người nghe.


Đức Phật khuyên chỉ nên nêu ra sự kiện, không thêm vào sự kiện những giải thích theo ý riêng. Khi đó hoàn cảnh sẽ thuận lợi hơn để hóa giải những mâu thuẫn một cách thân tình. Điều xảy ra đã xảy ra. Để cứu vãn mối quan hệ, tốt nhất là đừng để cho sự bất hòa lại xảy ra lần nữa.


Đề cập đến sự kiện không có nghĩa là luôn luôn phải nói về sự kiện đã xảy ra. Đức Phật nói: “Cho dù sự việc là thật, ta không nói sự thật đó khi không được người nghe đồng ý”(7). Một số sự thật nói ra không có mục đích ích lợi nào, nói ra có thể là vô ích. Để đem lại kết quả tích cực trong thái độ và cách cư xử của một người, chúng ta nên chỉ đề cập đến sự kiện, không gán ghép vào đó bất cứ điều gì khác.


3. Nói lời ôn nhu


Dùng lời nói ôn nhu, theo Ngài Xá Lợi Phất, là một khía cạnh quan trọng khác trong việc truyền đạt có kết quả việc giải tỏa những mối bất hòa. Theo Ngài, người nói nên có một thái độ dứt khoát trong việc sử dụng ngôn ngữ: “Tôi nguyện nói lời ôn nhu, không nói lời lỗ mãng, thô bạo”. Tránh sử dụng lời nói lỗ mãng cũng là một trong năm giới của người Phật tử tại gia. Sự nhấn mạnh này nói lên vai trò quan trọng của lời nói ôn nhu trong mối liên hệ hàng ngày.


“Nói lời ôn nhu” ở đây cũng chuyên chở một ý nghĩa rộng rãi. Nó bao gồm mọi thứ liên quan đến ngôn ngữ: lời nói, câu nói, giọng nói, cách nói.


Theo Đức Phật, khi chúng ta nói lời thô bạo để giải quyết mâu thuẫn, sự vô minh và sân hận thống trị tâm thức chúng ta. Ý nghĩ cho rằng sự thô bạo sẽ làm cho người nghe chịu hiểu phát xuất từ một tâm thức vô minh. Sự thật, ngôn ngữ lỗ mãng chắc chắn sẽ làm cho người nghe phản ứng và chống lại. Một số người nghĩ rằng dùng những lời lỗ mãng để buộc người nghe không nói được, họ thuyết phục được người nghe chấp nhận những ý kiến của họ. Một đứa trẻ giữ im lặng và không phản ứng khi bị cha mẹ la rầy có thể dường như đã được thuyết phục, nhưng sự thật, sự im lặng của đứa trẻ có thể là một phản kháng mạnh mẽ, nói lên sự thất bại của cha mẹ. Ngôn ngữ lỗ mãng có thể đem đến một cảm giác thỏa mãn tạm thời, nhưng nó không bao giờ giải quyết được sự mâu thuẫn.


Tâm lý học hiện đại giải thích rằng sự nóng giận, tác nhân thúc đẩy phía sau của những lời nói lỗ mãng, là một phản ứng trước những tình huống đe dọa. Nói lời giận dữ là một kỹ thuật để triệt tiêu nguồn gốc của một mối đe dọa, không phải để giải quyết sự mâu thuẫn. Ngôn ngữ, giọng điệu hung dữ biểu lộ một sự tấn công. Cảm giác rằng người nói đang tấn công mình bằng lời là cảm giác tồi tệ nhất đối với người nghe về khả năng có thể đối thoại. Ít ai khoan thứ với một sự tấn công; họ tự vệ hoặc tấn công lại. Sự thô bạo được hướng dẫn bởi lòng tức giận ít khi đưa đến kết quả tốt trong việc giải quyết những bất hòa.


Có người cho rằng lời nói hòa dịu phản ảnh sự yếu nhược, và có thể bị người nghe lợi dụng. Sự hiểu sai lạc này bắt nguồn từ việc hiểu sai khi cho rằng ôn hòa là thiếu khả năng hay nhút nhát. Tuy nhiên, lời lẽ ôn hòa không nằm trong ý nghĩa đó. Đức Phật luôn luôn dùng lời lẽ ôn hòa, nhưng Ngài cũng thấy rằng lời nói cứng rắn, dứt khoát là cần thiết. Lời nói thô bạo là một thái cực và yếu nhược là thái cực kia. Theo Đức Phật, chúng ta có thể không ở trong một thái cực nào và vẫn có thể dùng những lời lẽ dứt khoát để giải quyết những mâu thuẫn một cách có hiệu quả.


Trong Dhammapada (Pháp cú), Đức Phật khuyên nên kiểm soát lời nói, tránh những lời nói tức giận(8). Thái độ đó sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi trong việc hóa giải những mâu thuẫn bất hòa trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.


4. Nhắm vào những hiệu quả tích cực


Đi xa hơn, Ngài Xá Lợi Phật còn giải thích rằng người nói cần tập trung vào mặt tích cực trong giải pháp giải quyết vấn đề. Sự tập trung này có thể đem lại những kết quả lớn trong việc hóa giải những mâu thuẫn giữa những người có mối liên hệ gần gũi. Theo Ngài Xá Lợi Phất, người nói cần luôn tâm niệm “Tôi sẽ nói vì sự lợi ích cho người nghe”. Thái độ này của người nói gợi lên hai điểm. Thứ nhứt, người nói cần biết rõ về những kết quả tích cực của giải pháp. Thứ hai, người nói cần giải thích thấu đáo cho người nghe về những kết quả tốt đẹp của giải pháp đó.


Cách giải quyết mâu thuẫn này nói lên sự việc rằng chỉ phê bình mà không có đường hướng để giúp đỡ người nghe thì sẽ thất bại. Một số người có khuynh hướng tìm lỗi của người kia chỉ để phê phán. Nhận thấy thói quen nguy hại đó, Đức Phật dạy: “Một người luôn luôn phê phán người bạn của mình, việc đó không chứng tỏ một tình bạn chân thật”(9). Khi nhận ra động cơ thúc đẩy của người nói, theo bản năng, người nghe sẽ phản bác những lời phê bình của người nói. Với một hướng giải quyết được chuẩn bị sẵn, người nói có thể làm cho người nghe chú ý lắng nghe.


Sự rõ ràng rành mạch của người nói về những hiệu quả tích cực của giải pháp thuyết phục người nghe chấp nhận cách giải quyết. Người nói cần giải thích cho người nghe lý do vì sao vấn đề cần được giải quyết, và sự giải quyết đó sẽ có lợi cho người nghe như thế nào. Người nghe có thể hiểu sai lạc việc phê bình xây dựng khi người nói không nói rõ mục đích và những kết quả tích cực trong những đề nghị của mình.


5. Nói với lòng từ bi


Sau cùng, lòng từ bi có thể hướng dẫn toàn bộ tiến trình đối thoại. Những người có ý tưởng, lời khuyên và giải pháp phát xuất từ lòng từ bi thường dễ giải quyết tốt đẹp những mối bất hòa. Người nói nên tâm nguyện rằng “Tôi nguyện nói với lòng từ bi, không nói với lòng tức giận”(10).


Bốn phương pháp đề cập ở trên - đúng thời, chỉ đề cập đến sự kiện, sử dụng ngôn ngữ ôn nhu, và nhắm vào lợi ích của người nghe - là những phương pháp thuộc phạm vi hùng biện, ở bên ngoài. Từ bi, thuộc tình cảm, ở bên trong và dĩ nhiên là thiết yếu.


Những phương pháp hùng biện bên ngoài là cần thiết nhưng có thể là những kỹ thuật không thích hợp trong việc sửa đổi một cá nhân. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ người nghe có thể cảm nhận sự “thiếu tấm lòng” nơi người nói. Câu “Tôi thương anh do đó tôi muốn anh được tốt đẹp” có sức mạnh lớn trong việc ảnh hưởng một người, nhưng sự bày tỏ không bằng lời nói còn có sức mạnh lớn lao hơn.


Đôi khi chúng ta cần tự hỏi về ý hướng của chúng ta khi nói với người khác về những hành vi không đẹp của họ. Phải chăng có tác động tình cảm thật sự trong việc chăm sóc, giúp đỡ một người, hay một thứ gì khác đang giở trò? Vì sao một người vợ hay chồng luôn luôn nhắc nhở người kia về lỗi lầm mà người đó đã tạo ra trong quá khứ? Vì sao chúng ta luôn luôn sửa sai một người nào đó? Những sự việc này cần quan sát kỹ lưỡng. Một hành động sẽ có ý nghĩa và kết quả nếu nó được khởi động bằng lòng từ bi.


Những ngoại lệ


Năm bước giải quyết trong truyền thống Phật giáo không phải là những phương thuốc toàn hảo cho mọi xung đột giữa người và người. Chúng được coi như những phương pháp để có sự đối thoại khéo léo, thiện xảo, có thể dùng để giải quyết hầu hết những xung đột một cách có hiệu quả, nhưng lúc nào cũng có những ngoại lệ. Khi Ngài Xá Lợi Phất trình bày hiệu năng của năm phương pháp này, Đức Phật nêu lên một điểm quan trọng:


“Lại nữa, Xá Lợi Phất, dù ông theo năm phương pháp đối thoại này, vẫn còn một số người không tán đồng những điều ông nói”(11).


Lời nói này phản ảnh cái thấy sâu xa của Đức Phật rằng năm phương pháp ở trên không thể giải quyết tất cả mọi xung đột giữa con người, và theo đó, Ngài bảo Xá Lợi Phất giải thích vì sao có một số người quá cứng cỏi và làm thế nào để đối trị.


Trả lời Phật, Ngài Xá Lợi Phất thừa nhận có một số người luôn luôn phản kháng dù năm phương pháp khéo léo trong đối thoại đã được đem ra áp dụng; và Ngài nói rằng sở tri chướng được coi là một lý do tạo ra phản ứng nơi người nghe. Đức Phật khen ngợi Ngài Xá Lợi Phất và khuyến khích Ngài phát triển những kỹ thuật được dạy để làm lợi lạc cho những người sẵn sàng lắng nghe. Điều đáng chú ý là những phương pháp đối thoại mà Ngài Xá Lợi Phất trình bày giúp giải quyết những xung đột trong tinh thần hòa bình.


Nói thêm về sự khéo léo trong việc trao đổi


1. Tránh tranh luận những vấn đề nhạy cảm


Để giảm thiểu tối đa những xung đột trong quan hệ, Đức Phật khuyên chúng ta nên tránh tranh luận về những vấn đề nhạy cảm. Những vấn đề này bao gồm những ý niệm có tính cách ức đoán, những quan điểm và tin tưởng không có cơ sở khoa học. Ngài nói rõ ràng rằng cuộc tranh luận như vậy thường chỉ tạo nên sự đối kháng thay vì đem đến sự nhất trí.


Sự trao đổi giữa Đức Phật và Kassapa, một nhà tu khổ hạnh thuộc một hệ thống tư tưởng khác, nói lên điều này. Đức Phật giữ mối quan hệ gần gũi với những vị thầy trong những tôn giáo khác, thường viếng thăm họ và có những cuộc trao đổi thân mật với họ. Trong cuộc trao đổi với Kassapa, Đức Phật khuyến cáo chỉ nên đề cập đến những chủ đề mà hai người có quan điểm chia sẻ, tránh những chủ đề gay gắt(12). Mục đích của cách tiếp cận đó là giữ mối quan hệ lành mạnh giữa người nói và người nghe.


Khi có người nêu ra những vấn đế nhạy cảm, Đức Phật đôi khi giữ im lặng. Im lặng có thể tốt hơn là tạo ra kết quả tiêu cực trong việc tranh luận. Và đôi khi Đức Phật không do dự tán đồng những quan điểm khác. Ngài coi mối quan hệ quan trọng hơn sự tranh luận về những vấn đề không đem đến kết quả tích cực nào cũng như Ngài tránh tranh luận về những vấn đề siêu hình.


Điều này không có nghĩa là Đức Phật hoàn toàn tránh né tranh luận, cũng không phải Ngài bảo đệ tử đừng bao giờ tranh luận. Trong nhiều trường hợp, Ngài đã tranh luận một cách hùng hồn về những vấn đề xã hội, chẳng hạn như vấn đề phân biệt giai cấp. Trong Digha Nikàya I, chúng ta thấy ghi lại nhiều cuộc tranh luận đầy thuyết phục của Đức Phật. Những cuộc tranh luận này cho thấy những lý lẽ đầy thuyết phục chống lại những tin tưởng và thói tục sai lầm và gây tổn hại trong xã hội. Đối với những tin tưởng và thực hành nhạy cảm có tính cách cá nhân, Đức Phật cho rằng tranh luận về những vấn đề đó là vô ích và có thể gây tổn hại cho mối quan hệ.

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...