Quan điểm của các nhà nhân học về vấn đề sử dụng biểu tượng
Lời dẫn: Ý nghĩa của các biểu tượng luôn là một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn các nhà khoa học. Nhưng những tranh cãi đôi khi không có hồi kết về ý nghĩa của chúng đã khiến cho một ngành khoa học độc lập nghiên cứu về biểu tượng dường như chưa thể phát triển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các biểu tượng bằng sự kết hợp liên ngành: ngôn ngữ học, kí hiệu học, nhân học... đã cho thấy những kết quả khả quan. Nhân học biểu tượng là một trong những hướng nghiên cứu ra đời từ những năm 70 của thế kỷ XX “liên kết và giải thích về các sự kiện thông qua biểu tượng luận với các cấu trúc xã hội và các sự kiện xã hội trong những điều kiện cụ thể” (Raymond Firth). Trên thực tế, nhân học biểu tượng đã kế thừa những nền tảng lý thuyết về kí hiệu học của Ferdinand de Sausure, xã hội học của Emile Durkheim, nhân học cấu trúc của Claude Levi-Strauss,.... Nó tiếp tục được hoàn thiện bởi nhiều nhà nhân học khác như Raymon Firth, Mary Douglass, Victor Turner, Cliford Geertz, David Schneider,... Dưới đây là bản dịch một phần Chương 1 trong cuốn Biểu tượng - Chung và riêng (Symbols: Publish and private) của Raymond Firth, trong tập hợp sách: Biểu tượng, thần thoại và nghi lễ (Symbol, myth, and ritual) do Victor Turner tuyển chọn. Ở đây có những kiến thức căn bản đối với sinh viên, giảng viên và những người đang tìm kiếm tài liệu“nhập môn nhân học biểu tượng.” Hy vọng trong tương lai, những tài liệu này sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Việt để tập hợp thành một bộ tài liệu cơ bản phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu.
Biểu tượng hóa là một hiện tượng phổ biến trong tiến trình phát triển của loài người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần hiểu nhiều hơn nữa về nó, đặc biệt nhìn nhận nó theo khía cạnh so sánh trong các xã hội khác nhau, các tầng lớp khác nhau, các tôn giáo khác nhau. Thâm nhập vào trong giao tiếp, nó được xem là căn cứ cho việc sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng hóa là một phần của cuộc sống chứa đầy trong đó các mối quan hệ xã hội. Văn học phương Tây đã đóng góp một phần thông qua những tài liệu tham khảo, chúng gợi cho chúng ta những câu hỏi về sự tồn tại và nhận dạng các giới hạn của biểu tượng. Trong một bài luận về một nhà thơ, Emerson đã viết về tính phổ biến của ngôn ngữ biểu tượng: “những gì được thừa nhận sử dụng như những biểu tượng là bởi vì chúng vốn đã là một biểu tượng” (kể cả văn hóa) - “chúng ta là những biểu tượng và sống trong thế giới của những biểu tượng”. Trong Sartor Resartus Carlyle tin rằng trong một biểu tượng luôn có cả sự che giấu và sự bộc lộ. Các bản ghi chép của phương đông cũng đưa ra những quan điểm tương tự như vậy. Có cái gì bày tỏ trong đó khiến chúng ta bị hấp dẫn? Nó là thực hay chỉ là ảo tưởng cá nhân của con người? Và nếu ở đó không có những câu hỏi để các nhà nhân học trả lời, liệu chúng ta có thể đưa ra chí ít là những bình luận có ý nghĩa dựa trên những cấu trúc diễn giải, các điều kiện bày tỏ của họ, và các ảnh hưởng xã hội của họ?
Trong các nhóm tri thức, tính biểu tượng trong văn học, nghệ thuật và tôn giáo là một chủ đề xuyên suốt các nghiên cứu; các nhà triết học và nhà ngôn ngữ học đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về khái niệm biểu tượng trong những bản tóm tắt đầy ý nghĩa. Tôi sẽ chỉ ra sau đây tại sao tôi lại suy nghĩ và luận bàn về mối quan tâm của các nhà nhân học. Nhưng các nhà nhân học cũng liên quan tới vài hướng mà ở đó thông thường con người nghĩ về các biểu tượng, cư xử bằng các biểu tượng trong cuộc sống thường ngày của họ như các thành viên trong một xã hội, và thể hiện một cách có ý thức những gì họ tạo ra các ý nghĩa biểu tượng.
Bản chất của tính biểu tượng nằm trong nhận thức về một cái gì đó thay thế hoặc diễn giải cho một cái khác, mối quan hệ giữa chúng thường là từ cụ thể tới trừu tượng, từ cái đặc thù tới cái chung. Mối quan hệ này cho thấy bản thân biểu tượng đã bộc lộ khả năng cho và nhận mặt khác lưu giữ cho những đối tượng mà nó đã đề cập đến - và những ảnh hưởng đó thông thường mang tính cảm xúc cao hơn.
Nhận thức phổ biến về các biểu tượng
Ngày nay, những gì nổi bật trong bối cảnh xã hội đương thời, được lưu hành rộng rãi theo quan điểm về tính tượng trưng, và công khai, thường đươc sử dụng như một biểu tượng để mô tả về những đồ vật, những con người, những hành động, những mối quan hệ về các mối quan tâm của công chúng*. Đặc biệt trong một vài năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra nhiều ví dụ. Tôi xin nhặt ngẫu nhiên ở đây một vài trong số đó.
Nhiều quốc gia sử dụng những sản phẩm của riêng họ để làm vật biểu tượng. Vì vậy, có thể thấy rằng trong những năm đầu của thế kỷ này, than bùn, khoai tây và vồ đập đá của các mục sư trong giáo phận có nghĩa là Ai-len, và rằng chúng “vẫn là những biểu tượng có giá trị”. Nhưng một vài sản phẩm quốc gia đã trở thành biểu tượng của một số tổ chức quốc tế bởi vì nét đặc biệt của sản phẩm đó. Ví dụ một loài động vật của Trung Quốc, gấu trúc khổng lồ quý hiếm (panda), đã được lấy làm biểu tượng của Quỹ động vật hoang dã thế giới, và hình ảnh của nó đã được chạm nổi trên thẻ bảo đảm của những người buôn bán lông thú cam kết không sử dụng da của những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Trong lĩnh vực chính trị-xã hội, quân đội quốc gia lập căn cứ quân sự ở nước ngoài, luôn được xem là “một biểu tượng của sự lãnh đạo thế giới.” Các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo các quốc gia được cho là sẽ trở nên có chất lượng vượt trội nhân một dịp đặc biệt nào đó. Quan điểm cá nhân của Tổng thống Pháp và thủ tướng Anh có thể trao đổi về Thị trường chung châu Âu, được cho là để đáp ứng tương lai của lịch sử châu Âu như là “điểm rẽ mang tính biểu tượng” trong thế kỷ XX. Hành trình của Tổng thống Nixon tới Alaska để chào đón Thiên hoàng Nhật Bản - đi 4000 dặm cho một cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 50 phút - cuối năm 1971 được xem như “một hành động biểu tượng mang tính cốt lõi”, cuộc gặp này được hy vọng có thể giảm nhẹ sự căng thẳng trong mối quan hệ Nhật-Mỹ; cuộc gặp đóng góp “tầm quan trọng mang tính biểu tượng to lớn.” Chuyến thăm của tổng thống tới Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được một phần tư người dân Mỹ quan tâm chú ý như “một động thái ngoại giao biểu tượng”- ở đó thực tế chuyến đi của tổng thổng tới Bắc Kinh sẽ đóng góp tầm quan trọng về ngoại giao hơn bất kỳ một sự đồng thuận nào, chuyến đi có thể đạt được khi tổng thống tới đó. Nhưng từ khi chuyến đi “mang tầm quan trọng có tính biểu tượng,” được nhận ra rằng nó có thể biểu tượng hóa cho những thứ khác ở các thủ đô châu Á, và nó được diễn giải cả ở Tokyo và Bắc Kinh.
Trong cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington một cuộc bóng bàn “được tạo ra như một biểu tượng” cho những trao đổi “của nhân dân hai nước.” Sẽ có một sự vô tư nếu hành động hiềm thù của những lính trẻ người Do Thái giải thoát những con ếch và con chuột trong các trung tâm thương mại Xô Viết ở New York trong suốt tuần lễ Passover (một nghi lễ của người Do Thái -ND) như là một phần nỗ lực giành được tự do cho những người Do Thái ở Liên bang Xô Viết rời đến Isarel được miêu tả như một sự quấy nhiễu của các “tai họa biểu tượng”. (Điều này được cho là tương ứng với sự tính toán trong kinh thánh về những nỗ lực của Chúa để giải phóng cho những người Do Thái bởi những người Ai Cập). Và theo lời kể trong Psalm 83, trong tang lễ của một người Do Thái hy sinh trong chiến tranh được mô tả như “một ý nghĩa biểu tượng có liên quan tới sự đàn áp văn hóa của người Do Thái và quyền lợi tinh thần ở Liên bang Xô Viết”. Ở một phương diện khác, khi Thống đốc bang Illinois ngồi trong văn phòng của ông ta lúc nửa đêm cùng với các sỹ quan phụ tá để thách thức một quả bom đe dọa, ông ta giải thích rằng đó là “một hành động biểu tượng - chúng ta đang cố gắng nói một vài điều gì đó tới một số người những kẻ kêu gọi và đang cố gắng hăm dọa chính quyền.”
Giới trí thức có thể dễ dàng đồng ý với tổng thống Columbia rằng trường đại học là “biểu tượng và là đại diện của một xã hội rộng lớn hơn” và như vậy nó nên được phê bình công khai, rằng “những công kích điển hình không văn minh” không làm cho nó bị sụp đổ mà còn là sự cải tổ. Một ghi chú mỉa mai hơn đã lộ ra trong sự mô tả về thư viện khổng lồ Lyndon Baines Johnson ở Đại học Texas. “Kiến trúc cũng như nghệ thuật và biểu tượng là một trong những trò chơi cổ nhất của nền văn minh” và kiến trúc của công trình kỷ niệm vĩ đại này đã “tạo ra một sự thể hiện tuyệt vời những thành tựu của chính họ tạo nên hiệu quả đáng kinh ngạc về biểu tượng và mỹ học”. Trong các hoạt động phát triển của xã hội loài người nhát thọc mạnh của một chiếc xẻng vào lòng trái đất “trong một nghi lễ biểu tượng” bởi một người Anh-điêng trong trang phục áo khoác bằng da hoẵng và đội trên đầu chiếc mũ gắn lông vũ đại bàng đã đánh dấu sự bắt đầu của một mô hình kiếm tiền mới của thổ dân - từ những trung tâm hội nghị khách sạn, cùng với mặt đất hiện tại bị đe doạ san phẳng bởi những chiếc máy ủi. Trái lại, khách sạn cổ kính đồ sộ Mississipi Gulf Coast đã bị phá hủy để làm đường cho một cửa hàng và trung tâm mua sắm được mô tả như “một biểu tượng của ngày mới”. Khái niệm hóa về biến đổi xã hội đã đưa đến một hình mẫu quan niệm rằng người dân chống lại sự hợp pháp hóa cây thuốc lá được xem như “như một thanh chắn biểu tượng với sự huỷ hoại văn hóa” bởi những áp lực khó tránh. Một hình mẫu khác là khi các nhà đấu tranh bình quyền ở Mỹ tranh luận về việc yêu cầu một người phụ nữ chỉ rõ vị thế hôn nhân của cô ấy bằng tiền tố Miss hoặc Mrs, điều đó là thể hiện sự phân biệt và rằng nó nên được thay thế bằng Ms - “Ms thực sự chỉ là một biểu tượng - một kí hiệu - nhưng nó quan trọng đối với nhiều phụ nữ.”
Một loạt những đồ vật và hành động đã được viện dẫn như những biểu tượng - từ bóng bàn tới gấu trúc, từ thọc xẻng vào trái đất tới sự ngăn cấm cây thuốc lá - cho thấy rằng bản thân chúng không mang ý nghĩa căn bản và rằng chìa khóa để hiểu các giá trị biểu tượng của chúng nằm trong bối cảnh mà ở đó chúng được quy kết hoặc là một phần trong đó. Đó không phải là bản chất tự nhiên đặc thù của chúng mà là những mối quan hệ của chúng để đánh giá sự lựa chọn như là những biểu tượng. Đồng thời, người ta không thể phủ nhận hoàn toàn đặc điểm của một vật thể được sử dụng như một biểu tượng (ví dụ như tóc, máu), vì một vài loại đồ vật có xu hướng đại diện cho một số mối quan hệ đương nhiên được đưa ra trong các tình huống.
Đây có lẽ là một trường hợp khá đặc biệt khi một vật được đề cập đến như đang sở hữu một ít quyền tự trị, một ít tự do trong hành động bản thân, và vì vậy được công nhận rằng với những giá trị tự thân được cho là phù hợp với hoàn cảnh. Vì vậy, nó là một phần của thành ngữ phổ biến hiện đại rằng con người có thể dễ dàng trở thành những biểu tượng. Một mục sư được cho là có “một vai trò biểu tượng như là một ‘dấu hiệu’ của nhà thờ”. Một giáo sĩ cống hiến có một lương tâm vì xã hội - chẳng hạn như như cuộc tranh luận về vị tổng giám mục người Braxin Dom Helder - được những người bạn và những người ngưỡng mộ ông ta mô tả như một vị thánh, hoặc “chí ít cũng là một nhân vật biểu tượng” người có những lời tuyên bố dũng cảm ở trong và ngoài nước để kêu gọi chú ý tới những người có hoàn cảnh khốn khổ ở đất nước của ông ta. Cardinal Mindszenty của Hungary người có 15 năm ẩn dật trong sự phản đối chống lại chính quyền được xem như là “một biểu tượng về sự kháng cự cứng rắn của thời đại chiến tranh lạnh”. Mô tả về các thủ lĩnh chính trị giống như các biểu tượng cũng rất phổ biến. P.C.Lloyd đã chỉ ra trong tài liệu tham khảo về các xã hội châu Phi mà ở đó những biểu tượng hiện đại về sự thống nhất quốc gia có xu hướng là những cá nhân hơn là những khách thể hoặc tư tưởng (1967, 316). Một trong những người theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, người bác bỏ kịch liệt bất kỳ ý tưởng nào về sự hòa giải với những người theo chủ nghĩa cộng sản, được “biểu tượng hóa” Tưởng Giới Thạch; Lon Nol của Campuchia được mô tả như “một biểu tượng về một thủ tướng hoàn toàn trong sạch” sau một tai hoạ gần như không thể tránh khỏi làm ông ta chết đứng; Sheikh Mujihurb Rahman, thuộc Đông Pakistan (nay là Bangladesh), là “một biểu tượng kháng cự của người Bengal.” Nhưng hiện tượng tương tự đã công nhận sự đi xuống trong nấc thang chính trị. Ernest Bevin, người lãnh đạo công đoàn Anh quốc, là “biểu tượng công nghiệp trong bước chuyển của tầng lớp lao động” và khi ông ta trở thành Bộ trưởng ngoại giao “vai trò của ông ta trong việc thành lập NATO và bác bỏ kế hoạch Schumann của Hiệp hội Than đá và Thép đã trở thành biểu tượng”. Khi cựu thủ tướng David Ben-Gurion tham dự hội nghị đảng lao động Israel vào năm 1971, sự có mặt của ông “được biểu tượng hóa như là sự thiết lập lại quan hệ hữu nghị của ông với giới lãnh đạo của đảng” sau hơn một thập niên tranh cãi về tư tưởng của đảng này. Charles Ever, thị trưởng người da đen của Fayette, Mississipi, với những người bạn của ông “không phải là một người bình thường hoặc là một thị trưởng tép riu mà là một biểu tượng quý giá - một anh hùng về sự phục hưng chính trị của những người da đen ở miền Nam”. Adam Clayton Powell, “người da đen” đầu tiên đến từ khu vực miền đông tới làm việc trong Quốc hội Mỹ, trong một thời gian dài “là một biểu tượng thành công của người da đen”. Tiến sĩ Eric William, Thủ tướng đầu tiên của Trinidad-tobago thăng tiến trong ngọn lửa đấu tranh của những người da đen địa phương, “từng là biểu tượng của những người da đen” khi đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân Anh. Và trong lĩnh vực kinh tế, một nhà tư bản công nghiệp Scotland, người đã quan tâm tới việc mua xưởng đóng tàu đang bị phá sản Clydebank, “đã nổi lên từ chỗ không có tên tuổi gì trở thành biểu tượng hy vọng cho hàng nghìn công nhân đóng tàu ở Clydeside”.
Một ví dụ tiêu biểu về sự hợp nhất rõ ràng của khái niệm biểu tượng trong mối quan hệ của một người với một thực thể trừu tượng đó chính là Thiên hoàng Hirohito của Nhật Bản. Trước khi xảy ra thất bại của Nhật Bản ở cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Thiên hoàng thường được xem như một vị thánh thiêng liêng, người nối dõi trực tiếp của Nữ thần Mặt trời. Được phong thần và được tôn kính công khai trong nhiều năm liền, trong lời công bố của Thiên hoàng vào tháng 1 năm 1946 ông đã không thừa nhận quan niệm thần thánh của mình “được dựa trên ý tưởng hư cấu cho rằng Thiên hoàng hiển nhiên là một vị thần”- và đã trở thành “Biểu tượng quốc gia và sự thống nhất của nhân dân.” Bằng hành động này, Thiên hoàng đã biến chính bản thân ông từ huyền thoại thành thế tục, từ một vị thần trở thành một con người bình thường. Trong vai trò của mình khi là một biểu tượng quốc gia, sự xuất hiện của ông sẽ dễ dàng được phần đông những người Nhật chấp nhận, và ông ta dường như có thể thi hành được phần lớn các chính sách khi có được sự ảnh hưởng khôn khéo lên các quyết định chính trị được đưa ra bởi chính phủ. Một con người trong vai trò một biểu tượng chính trị có thể có những chức năng cả tích cực lẫn bị động*.
Những quan điểm phổ biến hiện nay về luật pháp và đạo đức cũng rất phong phú trong việc thừa nhận con người như là các biểu tượng. Có thể nói rằng những công dân Mỹ không chịu ảnh hưởng nền tảng quân chủ hay được thiết lập bởi nhà thờ, Tòa án Tối cao đã biểu tượng hóa bộ máy tư pháp, và tiến gần tới mức độ của một thể chế bất khả xâm phạm. Người ta cũng cho rằng J.Edgar Hoover, lãnh đạo Cục điều tra Liên bang (FBI) trong một thời gian dài, đã trở thành “biểu tượng của sự đấu tranh chống lại cái ác.” Ở một thời điểm khác, cựu lãnh đạo Black Panther đã bị buộc tội tấn công cảnh sát và bị cầm tù với khoản bảo lãnh rất cao nắm giữ bởi những thành viên trong cộng đồng địa phương của ông, đã trở thành “một nạn nhân biểu tượng về sự tù tội quá đáng” tương tự như một sự giam giữ có tính phòng ngừa. Cũng giống như vậy, một Nhân viên quân lực bị kết án tù vì tội sát hại một tù nhân địa phương trong cuộc tàn sát Mỹ Lai và trường hợp này được nhiều người xem như là “một biểu tượng cho tất cả những sai trái trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.” Trong một xung đột phổ biến qua những gì khác nhau được đề cập như một sự ép buộc hoặc giá trị của những quy tắc đã được thiết lập, trưởng nhóm nhạc Rock Rolling Stones, Mick Jagger, đến với nhiều người như “để biểu tượng hóa và tiêu biểu cho toàn bộ các thế hệ nổi loạn nói chung với việc hướng tới thuốc phiện, tự do đạo đức”. Và một hình mẫu gần đây về khả năng lực chọn một ứng viên người da đen vào chức phó tổng thổng của Mỹ, cuộc bầu cử năm 1972 đã để lại dấu ấn mạnh mẽ về giá trị đạo đức của hành động mang tính biểu tượng. Người ta tranh luận rằng ứng viên người da đen vào chức phó tổng thống sẽ có “một tác động ghê gớm mang tính biểu tượng đối với mối quan hệ sắc tộc ở Mỹ.” Con người không chỉ sống với biểu tượng, nhưng con người còn sắp đặt và bộc lộ bản chất thông qua chính những biểu tượng của anh ta, và thậm chí cấu trúc lại nó. Một người da đen ôn hòa chạy đua vào chức phó tổng thống sẽ “là một biểu tượng vô cùng mạnh mẽ về khả năng đạt được sự công bằng về mặt sắc tộc và sự hòa hợp trong xã hội Mỹ.” Biểu tượng bản thân nó không tạo ra sự công bằng hay sự hòa hợp, nhưng nó có thể tạo ra một bầu không khí mà ở đó họ trở nên dễ thở hơn. Vì vậy một ứng cử viên phó tổng thống da đen trong liên danh tranh cử với tên gọi hòa giải và tiến bộ xã hội sẽ giống như “đào được nguồn nước lành trong hệ thống biểu tượng chính trị Mỹ”.
Rất nhiều những ví dụ như vậy,* đã được chọn lọc chỉ từ một vài nguồn báo chí trong một số giai đoạn nhất định, minh họa phạm vi mở rộng khái niệm biểu tượng đã thấm nhuần thành suy nghĩ phổ biến. Có rất ít những thắc mắc theo sau như một chuyên gia luật người Mỹ, Steward Alsop, người phê bình về những khuynh hướng chính trị của các đảng hiện đại, đã viết về những gì mà ông gọi là “suy nghĩ biểu tượng.” Các thành viên của một đảng “không phải suy nghĩ về những chính sách sẽ ban hành hoặc tranh cãi về chúng. Thay vào đó, họ phản ứng với các biểu tượng.” Những người không phản ứng theo cách này đối với các biểu tượng tương tự sẽ “không thực sự” là các thành viên trong đảng và vì vậy họ đáng bị đẩy xuống địa ngục*. Trái lại các đảng viên đảng Cộng hòa trước đây “những người có suy nghĩ biểu tượng” chống đối mạnh mẽ với chính phủ một khi được sử dụng sức mạnh, hiện nay họ đã được thay thế bởi đảng Dân chủ “những người có suy nghĩ biểu tượng”…và cứ như vậy (Newsweek, 26/4/1971). Nhận thức xã hội được đề cập bằng một quan điểm được gợi lại từ một phát biểu kinh điển của Emile Durkhiem: “Đây chính là một quy luật nổi tiếng mà ở đó những ẩn ý gợi lên trong chúng ta bởi một vài thứ tự động gán cho chính bản thân chúng bằng những biểu tượng tự thân.” (1926, 219). Những gì đáng kể trong những quan điểm phổ biến hiện đại không phải là sự tự do sử dụng biểu tượng mà là sợ mở rộng cách nhìn nhận việc sử dụng và gọi nó một cách biểu tượng.
Thêm một sự công khai sử dụng khái niệm biểu tượng không cần thiết chuyển tải một cách rõ rệt loại quan hệ được xem xét giữa vật biểu tượng và những gì mà nó muốn đại diện. Ý tưởng về biểu tượng tình dục dường như có thể minh họa đủ rõ ràng cho vấn đề trên. Nhưng khi một diễn viên điện ảnh hoặc ca sĩ được ví như một biểu tượng tình dục, điều này vốn thường xuyên xảy ra, thì nó có ý nghĩa gì? Một hình ảnh thu nhỏ của những suy nghĩ và ham muốn tình dục, được minh họa một cách sinh động trong một con người cụ thể và điều này liên tưởng đến khiêu dâm một cách tế nhị - hoặc hiển nhiên - kết hợp với hình ảnh và động tác? Vâng, nhưng trong mọi chuẩn mực: một biểu tượng tình dục chỉ dành cho một giới nhất định - nam giới cho nữ giới, nữ giới cho nam giới; chỉ với một số người – còn đa số thờ ơ, ngoại trừ những câu hỏi phức tạp từ những người bác bỏ biểu tượng luận một cách tức giận. Và ngoại trừ các giá trị về thể chất, có vẻ như nếu một người thường xuyên được tôn vinh sự hấp dẫn của bản thân một cách mơ hồ cả tinh thần cũng như thể chất, để cho biểu tượng tình dục không chỉ thể hiện hoặc gợi ra sự tiếp xúc xác thịt, mà còn ngụ ý thêm về cảm xúc, thậm chí là có phần thanh tao. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến Marilyn Monroe, được phong danh hiệu là một biểu tượng tình dục vĩ đại nhất trong thời đại của cô ấy, có những lời bình luận rằng biểu tượng về cô ấy là “những gì được va đụng cùng nhau.” Dưới sự dí dỏm của cô ấy, rất có thể, là những cách nhìn mơ hồ là thế nào mà có những biểu tượng như vậy. Những phức tạp trong khái niệm này nằm ở chỗ sự phản đối đàn bà, thể hiện ở sự phân biệt đối xử với những gì phụ nữ được giáo dục, thông qua hình ảnh những ông chủ với “biểu tượng hội chứng tình dục thư ký” (Time Magazine, 6 December,1971).
Một biểu tượng đại diện cho một cái gì khác nó - nhưng ở đây có rất nhiều mức độ ý nghĩa có liên quan. Chuyến thăm của tổng thống Nixon tới Alaska để gặp Thiên hoàng Nhật Bản được coi như là một hành động mang tính biểu tượng