Sứ điệp Trống Đồng (16) - Triết lý ca vũ trong Trống Đồng Ngọc Lữ
(tiếp theo)
1. Triết lý ca vũ
Ca vũ có triết lý chăng? Còn hơn thế nữa vì ca vũ thuộc loại triết lý có tính chất rất mực bao trùm, còn hơn cả chính những nền triết lý vắng bóng ca vũ hay ít ra không biết đến ca vũ, vì ca vũ phát xuất từ hai quan niệm then chốt về thời không. Nhấn mạnh trên không gian là triết học im lìm, vì xây trên ý niệm là cái vốn bất biến không liên hệ cùng vũ. Ngược lại triết lý xây trên thời gian ưa ca vũ vì thời gian năng động, biến dịch mà dấu hiệu nhân sinh là ca vũ. Bởi bản chất ca vũ là tiết nhịp, đó cũng là bản chất của thời gian. Thời gian là chi ta đâu có biết, ta chỉ biết được gián tiếp của tiết nhịp của nó tức của sự đổi thay sáng tối, xuân hạ, thu đông; một lên một xuống, một xuất một nhập, tất cả là tiết nhịp diễn tả bước đi của thời gian. Vậy ca vũ lấy di động làm lẽ sống, lấy tiết nhịp làm linh hồn, nên chính là đại diện cho Chữ Thời, vì thế triết xây trên chữ Thời rất ưa ca vũ. Từ đó có thể đưa ra mấy hệ luận sau đây:
Trước hết hãy nhận xét triết Tây phương đặt quan trọng trên Lời, vì lời là dấu hiệu của ý niệm im lìm. Triết Đông đặt trên Dịch lý nên quan trọng Vũ. Vũ vừa nói lên tính chất năng động cũng như toàn diện tính của con người: không những miệng hát tay múa, mà cả chân tay cùng đi theo với thân mình nhún nhảy. Thứ đến bởi thế trong văn hóa của ta, vũ xuất hiện trước cả văn tự, như trên mặt trống đồng chỉ thấy đoàn vũ chứ không thấy có văn tự, nên có thể nói là vũ thay cho văn tự. Hơn nữa còn nói được vũ với triết là một, thứ triết bao trùm toàn triệt đời sống: không hành vi nào thoát ra ngoài, không động tác nào là không diễn tả được triết lý, nhưng diễn tả cách sống động nhất phải kể đến vũ. Bởi vũ không những nói lên được cái cơ cấu nhưng đồng thời bày tỏ tính chất sinh động của nền triết này. Nó đi trước cả lời, cả văn tự. Các học giả nhận xét rằng trong bốc từ không thấy có thi mà chỉ nhắc đến nhạc. Điều đó cũng hợp với trường tiên khởi bên Viễn Đông cũng chỉ dạy ca vũ và bắn tên, chưa có chữ, chưa có thi, thư. Cũng nói được như thế về quyển Kinh Dịch tuy đó là một thử thách đầu tiên công thức hóa vũ trụ quan dịch lý, nhưng cũng chưa có chữ mới có những gạch liền gạch đứt, tức là những dấu của tiết nhịp: một cơ một ngẫu, một xuống một lên… Sau này sẽ thu gọn vào hai tiếng âm dương đầy âm vang sinh động. “Đạu hữu biến động, cố viết hào”. Khi đọc thì nhảy tự hào nọ sang hào kia: tự hào một lên tới hào sáu và luôn luôn có nhịp. Rõ ràng là nhịp hai:
Âm dương,
Sáng tối,
Ra vào.
Còn nhịp ba là ba gạch chỉ thiên, nhân địa… Rồi hai nhóm ba hào giao thoa nhau làm ra quẻ kép. Rõ rệt là đoàn vũ hai hàng ba người gọi là “lưỡng lưỡng tam tam” (xem bài vũ này trong Văn Lang Vũ Bộ).
Điều ba cần nhận định là bản chất của ca vũ với thời gian như nhau: cả hai đều là nhịp, vì thế tiết nhịp được coi là quan trọng hơn hết. “Phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa” là vậy. Cho nên khi bắn thi tiết nhịp phải được coi trọng hơn hết, bắn trúng đích mà lỗi nhịp cũng không được kể điểm. Rõ rệt là chữ thời (hơn nhịp) được đề cao hơn không gian (bắn trúng), ngụ ý là việc tốt hoặc câu nói hay mà lỗi nhịp không hợp lúc cũng bằng bỏ.
Thứ bốn, điều trên còn được bày tỏ rõ hơn trong bộ lông chim người múa bao giờ cũng đeo theo. Chữ Nho gọi việc múa bằng tên vũ, đồng âm với vũ là lông chim, để chỉ văn hóa Đông Nam nông nghiệp có vật biểu chim nên luôn luôn đi với vũ (xưa hễ múa thì đeo lông chim) khác với mao chỉ thú dữ thuộc văn minh Tây Bắc. Nói mao tự nhiên nghĩ tới con thú (du mục) phía Tây Bắc.
Nét thứ năm là tinh thần công thể được biểu lộ bằng đoàn vũ không có vũ trưởng: nhịp vũ là mọi người vũ tự nội, chỉ cần sao cho đúng nhịp… Điều đó sẽ đưa đến vũ trụ quan theo Hồng phạm mà không là vũ trụ quan theo luật tắc. Luật tắc do một người thí dụ một ông vua nghĩ ra rồi tự trên truyền xuống; còn Hồng phạm chỉ là cái mẫu mực sơ nguyên, cái tiết nhịp tổng quát, ai nấy tự ý tuân theo. Gọi là mẫu lớn vì đâu đâu cũng có ngay trong người vũ, cũng như trong mọi vật. Chính trong tinh thần Hồng phạm này mà học giả Needham đã nhận định vũ trụ quan Nho giáo coi mọi người như các vũ nhân múa theo các mô thức phổ biến “dances in a universal pattern” ngược với vũ trụ quan Tây Au đề cao luật coi vạn vật phải thần phục luật pháp (citizens subject to a universal law). Vậy khi Khổng Tử ví ông vua biết cư xử đúng địa vị với sao Bắc thần đứng ở trung cung chính, vì còn các sao khác vần xoay chung quanh… thì câu nói đó nên được hiểu trong liên tưởng với ca vũ, với triết lý chữ thời và Hồng phạm.
Trở lên là mấy suy luận khái quát chung quanh đoàn vũ. Trên đã nói vũ biểu thị một triết lý không những cao siêu mà còn bao trùm. Bây giờ chúng ta bàn đến tính chất bao trùm đó xuyên qua bầu khí của nó.
2. Bầu khí của hai nền văn hóa
Căn cứ trên hai biểu tượng điểu với lông vũ hay thú với lông mao ta đã thấy đó là hai dấu chỉ thị hai nền văn hóa khác nhau là nông nghiệp và du mục. Muốn thấu hiểu một nền văn hóa cần hiểu chia ly sơ khởi này. Đấy là điều tối quan trọng nhưng lại khó nhìn ra vì trước hết ngày nay không còn nền văn hóa nào thuần nông hay du. Tuy nhiên khi ngược dòng tìm về nguồn ngọn cần phải phân tích tiên thiên như thế để có cứ điểm mà nhìn ra sự pha trộn và độ lượng đóng góp của mỗi bên. Huống chi cần hơn nữa lúc những xã hội nông du còn phân biệt khá rõ ràng. Nho quen gọi bầu khí nông là thân thân ngược lại tôn tôn, một bên xây trên tinh thần gia tộc (thân thân), một bên xây trên lý sự lấy pháp trị làm lối cai trị căn cứ trên sức mạnh oai võ, dựa trên thế giá đề cao uy quyền, ngược lại nông nghiệp chính tông dựa trên uy tín kinh nghiệm. Một dấu rõ rệt để phân biệt hai xã hội nông du là bên nông chú trọng ca vũ hơn bên du. Đây là câu khẳng định có vẻ trái ngược, vì du mục cần di động nên thích ca múa, và cứ sự chúng ta thấy những cảnh người đi săn ca múa quanh đống lửa. Điều đó có cải chính việc gán ca vũ cho nông nghiệp chăng?
Thưa không vì đây đang nói về triết nên phải tìm lý do ở giai tầng văn hóa sâu hơn. Sự múa của du mục chỉ phát xuất do bản năng con người, bao giờ con người cũng ưa thích múa nhảy để bày tỏ tình cảm nhất là khi vui thỏa: đông hay tây, nông hay du đều thế. Đó là tính con người, mà “tính thì tương cận, còn tập mới tương viễn”. Tập đây là văn hóa. Khi nói vũ không thuộc du mục là nói về văn hóa tức sự nảy nở của vũ, vì triết xây trên ý niệm là thứ bất động. Bất động làm sao ưa múa, từ lý do sâu xa đó mà triết lý du mục có tính cách thanh giáo khắc nghị không biết cười, vì thế trước hết, nó gảy vũ ra khỏi triết, tức gảy vủ ra khỏi một tác động sâu xa nhất của con người.
Bước thứ hai là du mục hạ giá nhạc xuống, không cho giữ vai trò quan trọng như bên nông nghiệp: nếu Tây nói nhạc làm cho thói tục trở nên dịu hiền (la musique adoucit les mocurs) thì Viễn Đông đi xa hơn khi nói nhạc làm hiền không những người mà cả mãnh thú, cả thần minh nữa, nên đưa nhạc lên đứng đầu nghệ thuật, đang khi với Tây Au xưa thì nhạc chỉ đứng vào hạng 4 hay 5. Nhiều tôn giáo còn hạ nhạc thấp nữa như coi ca nhạc là tội lỗi, coi lời hát là tiếng nói của quỷ sa-tăng. Bên Việt Nam tuy bị ảnh hưởng mạt Nho ít trọng nhạc, như xưa, nhưng cũng chưa bao giờ hạ nhạc xuống thấp đến độ đó.
Sở dĩ vũ và đôi khi cả nhạc phải rút lui dần là do ảnh hưởng của triết: khi đặt triết trên ý niệm im lìm đã là làm mất bản chất của vũ vốn là sinh động. Rồi lại quan niệm triết theo lối diệt sinh, tất nhiên sẽ coi nhẹ vũ vốn đi với vui sống để đưa dần đến quan niệm khắc khổ đến độ có khi còn tế cả người cho thần nữa. Trước sự đàn áp đó vũ nhạc rút dần vào bóng tối, lẩn lút trong nhân gian, với những lễ hội thường được quyền trên coi trọng, như bên Roma có lễ hội Saturnales, Hy Lạp có Bachanales, Trung cổ có Fête des fous, bên Anh có jour de mai, bên ta là các lễ hội mùa Xuân theo kiểu trống quân. Khi nói vũ không là của du mục phải hiểu ở đợt triết như thế mới đúng.
Cũng chính ở đợt này mà ta có quyền nói vũ là của nông nghiệp là bởi triết được đặt trên quan niệm vũ trụ vạn vật nhất thể với thuyết tam tài: thiên, địa, nhân cùng ngang hàng nhau không Tài nào phải suy phục Tài nào mà tất cả tham dự trong một tiết điệu uyên nguyên. Lúc ấy vũ trở nên cuộc tế tự tức là việc linh thiêng hơn cả để con người tham dự vào điệu vũ vòng tròn của thiên địa âm dương, của ngày đêm sáng tối. Như vậy thiên được quan niệm như ông trời thân thiện thanh thản, hơn nữa như đang nô đùa: “Hóa nhi đa hí lộng”.
Ông trời mà đã hí lộng thì con người cũng được sống cái sống đầy hí lộng, sống như một cuộc chơi: vỗ bụng mà cười “cổ kỳ phúc nhi hi”.
Chứ không sầu bi chi cả, ngay khi có lầm lỗi rồi cũng bỏ qua bất cần lưu ý:
“Cổ chi nhơn nhơn,
quá nhi phất hối”.
Tâm hồn vô tội đó kéo theo sự an vi thanh thản như ngạn ngữ vạn dân đều ghi nhận mối liên hệ giữa tâm hồn vô tội với niềm an vui: il existe proverbialement un lien entre l’innocence de l’âme et la joie (Civ p.187).
Đại để đó là bầu khí của nền văn hóa Lạc Việt với luật “giá sắc” là gieo gì gặt nấy, gieo một gặt trăm. Gieo an vui thanh thản sẽ gặt lại an nhàn vui vẻ, một bí thuật làm cho đời lên hương đạt được hạnh phúc đáng tên là dân lạc, tức dân có cuộc đời đầy an lạc.
Tóm lại khi nghiên cứu về nguồn gốc tiên tổ Việt tộc, nét nổi nhất còn được lưu truyền lại là có đầy ca vũ. Ca vũ đó không chỉ có mục đích hạn hẹp là mua vui nhưng bao hàm một đạo lý là “thuận thiên” hay là sống cuộc sống của con người đại ngã tâm linh, tức đời sống lan rộng đến vũ trụ. Vì thế trong bài hát có đầy đại biểu của vũ trụ là chim muông hay là thiên địa, được biểu thị bằng các số như trong bài vũ cổ đại nhất là “lưỡng lưỡng tam tam”. Rồi tự hai bộ số 2-3 đó biến ra muôn vạn hình dáng. Ngoài ra trời đất còn đựơc biểu thị bằng áo lông chim, với rồng dưới nước. Đó là bài học về lưỡng thê: con người không phải chỉ có cái sống thân xác bé nhỏ, nhưng còn đời sống tâm linh bao la như vũ trụ, phải biết sống theo, vì vũ trụ luôn luôn biến động như một bài vũ vòng tròn. Con người phải sống theo đó: tâm hồn phải mênh mông như vũ trụ, tức an nhiên, đầy ắp những mối tình cao thượng yêu thương, bao dung quảng đại. Đấy là bí thuật làm cho đời trở nên cuộc sống phong lưu, cho cuộc sống tràn đầy hạnh phúc như các tiên trên cung nguyệt múa bài “Nghê thường vũ y khúc” vậy.
Một cuộc sống đầy ca như vậy mà sau này vì ảnh hưởng Hán Nho nên mang màu khắc khổ thanh giáo. Kinh nhạc mất, vũ không còn được trọng vọng như xưa. Tuy nhiên ta còn thấy đời sống trên mặt trống đồng phản chiếu vào các cuộc hội hè đình đám rất nhiều, vừa kéo dài cả tháng nói lên cuộc sống đã đạt độ “phong lưu” (đợt cuối cùng trên đường tiến hóa con người).
Kim Định, SỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG,
An Việt San Jose, 1999, tr. 335-344.
= = = = = = = = = =
Bài liên quan:
Sứ điệp Trống Đồng (1) - Kim Định
Sứ điệp Trống Đồng (2) - Dẫn nhập
Sứ điệp Trống Đồng (3) - Những yếu tố Triết Việt đọc được trên mặt trống
Sứ điệp Trống Đồng (4) - Cảnh thái hòa trên mặt trống
Sứ điệp Trống Đồng (5) - Thử xác định lý tưởng con người xuyên qua nghệ thuật cổ xưa
Sứ điệp Trống Đồng (6) - Sứ điệp Trống Đồng
Sứ điệp Trống Đồng (7) - Ý nghĩa vòng đồng tâm trên mặt trống
Sứ điệp Trống Đồng (8) - Tiến trình từ Việt tới Nho
Sứ điệp Trống Đồng (9) - Nguồn gốc và ý nghĩa cơ cấu Việt Nho
Sứ điệp Trống Đồng (10) - Cơ cấu với ngũ hành
Sứ điệp Trống Đồng (11) - Công thức và sa đọa