Sứ điệp Trống Đồng (19) - Từ Minh Triết tới Sứ Điệp

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2979 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

1. Những nét đặc trưng của Việt Nho


Phần đông các học giả nghiên cứu Việt Nho đều cho đó là một nền Minh triết. Tuy nhiên Minh triết là gì, bí quyết ở đâu chưa được bàn đến ít ra cách có hệ thống mạch lạc.


Đó sẽ là mục tiêu của chương này. Để tránh lối định nghĩa tiên thiên ta hãy đi một đường hậu cứ, hậu kiểm kê xem Việt Nho có những nét đặc trưng nào để đáng được học giả tặng huy hiệu Minh triết.


Nét đặc trưng thứ nhất ai cũng thấy rõ là sự trường cửu vượt xa mọi nền văn hóa khác cùng thời từ miền Lưỡng Hà như Sumer, Babylon, Assyria chuyển qua Ai Cập rồi Hy Lạp, La Mã đều đã lần lượt sụp đổ, riêng có Việt Nho vẫn sống dai dẳng cho mãi tới đầu thế kỷ 20.


Nét hai sự sống lâu đó có lý do nội khởi, nó ở tại vắng bóng khủng hoảng nội tại như xảy ra thường xuyên trong các nền văn hóa khác, nơi mỗi lần có cuộc khủng hoảng tất có sự thay đổi trọng tâm. Thí dụ gần nhất là văn minh Tây Au đã thay đổi trong tâm vào thời Phục Hưng: từ tôn giáo đi sang nhân bản. Ngược lại Việt Nho không có vụ đó, chỉ có khủng hoảng về hiện thực thuộc vòng ngoài theo nhịp một tụ một tán, một bình một loạn. Thời loạn là thời khủng hoảng ở tại không thực hiện được Đạo. Có thể nói đến nay tuy đã bị kéo đổ nhưng mới là vòng ngoài thuộc văn minh, còn vòng trong văn hóa chưa hẳn ngã ngũ: nó bị chôn do ngoại lai chứ nội tâm chưa vỡ, những người thoát khỏi kìm kẹp áp đảo vẫn mong ước duy trì được nền văn hóa của mình.


Nét đặc trưng thứ ba là sự thống nhất lẫm liệt. Nói lẫm liệt vì tự cấp siêu hình đến cấp hiện thực đều quán triệt: siêu hình là sự thống nhất đẩy đến độ cùng cực giữa có với không: “thái cực nhi vô cực”. Đó là đợt chí trung nên tất nhiên đạt chí hòa đựơc biểu diễn trước hết là tự trên xuống dưới: từ văn gia đến chất gia cùng chung tay xây đắp một nền văn hóa duy nhất, nói cụ thể là Nho sĩ và người nhà quê không có hai nền văn hóa, chỉ khác nhau về học thức, chứ về đạo lý “như nhau”. Từ thiên tử đến thứ nhân đều phải lấy Mậu Kỷ là làm bản gốc. Có thể nói lý tưởng triết vương của Plato đã đựơc hiện thực ở đây, ít ra người cai trị có đạo lý để trị quốc, để bình thiên hạ, toàn dân có đạo lý để tu thân, để tề gia, cả hai như nhau: cùng một đạo. Đó là đức tính thống nhất cụ thể sống động không thấy ở nền văn hóa nào khác.


Nét thứ bốn là giàu chất tổng hợp: trước hết là tổng hợp cổ kim nên cổ thường tồn mà vẫn tiến mạnh đến kim, không có truyện ở ù lì như nhiều người lầm tưởng. Nếu có không tiến thì chỉ trong phạm vi khoa học kỹ thuật từ lối thế kỷ 15 trở đi mà thôi. Về mặt triết lý trái lại phải nói là tiến đều. Sở dĩ ít được nhận ra vì nó không đi lối ầm ỹ theo kiểu cách mạng (revolution), nhưng đi theo lối diễn biến (evolution) gạn lọc cái hay của đợt trước để thâu nhận vào đợt sau. Đó là thâu nhận, thay vì phá đổ. Chính lối diễn tiến này hội nhập được không những cổ mà luôn cả kim. Bao nhiêu mầm rễ sẵn trong Việt Nho, thí dụ về cơ cấu, phân tâm học, cả đến cái nhìn khoa học về vũ trụ cũng đã có trong nét song trùng sơ thuỷ. Đợt phát triển cuối cùng là tổng hợp của Chu Hy đời Tống phải nói nó giống với vũ trụ luận hiện đại như ông Needham đã nhiều lần ghi nhận: nó không đi qua giai đoạn vật lý Newton mà tiến thẳng vào giai đoạn vi thể kiểu Einstein, không đi qua luận lý Aristotle mà lại đi trước Hegel trong biện chứng (Needham II p.458). Do đó xã hội Việt Nho đã trở nên quê hương của đức khoan dung với những hiện tượng hy hữu là tam giáo cùng chung sống thực sự đến độ sống trong cùng một cá nhân: tức nhiều người theo cả ba đạo một trật.


Đó là về khoa học, còn về xã hội các học giả đều tỏ lòng rất khâm phục: có thể nói như bá tước Herman Keyserling rằng Trung Hoa là đế quốc duy nhất đã giải quyết vấn đề xã hội trên một thời kéo dài: một nước duy nhất mà khối đông dân chúng đựơc hạnh phúc, một nước duy nhất đã đưa lý tưởng tuyệt đối về xã hội với chính trị vào thế giới hiện hình (The travel diary of a philosopher p.55). Có thể nói đó là miền đã phá được chế độ nô lệ sớm nhất, không còn giai cấp theo nghĩa pháp luật định chế nữa, mà chỉ là tôn ti dựa trên sự phân công như sĩ, nông, công, thương, đến nỗi Keyserling đã không ngại viết: “Tôi không còn hồ nghi chút nào nữa là không những thời đang tới, con người có văn hóa cao sẽ tiến tới mẫu người theo Nho truyền thống (tức Nguyên Nho hay Việt Nho), hơn là mẫu người thời mới; xã hội tương lai cũng sẽ gần người Trung Hoa hơn là gần với mô thức của các nhà lập thuyết không tưởng của chúng ta” (Journal I.64).


Nét năm là một khả năng thâu hóa phi thường: bao nhiêu đợt xâm nhập đều bị đồng hóa hết. Không những các dân du mục như Mongol, Turkey, Manchu, T’opa, Tibetan, Tungu, Hsiung-nu… Đối với những đợt du mục xưa có thể hiểu được vì là những dân không có văn hóa hoặc văn hóa yếu thì bị sát nhập là lẽ thường. Đàng này luôn cả các dân văn minh, đã có đạo lý đàng hoàng cũng bị sát nhập luôn như thí dụ dân Do Thái, dân Nga như đã nói tới nơi khác. Hơn thế còn biến chuyển cả những nền văn hóa rất cao như thí dụ đã bàn về Phật giáo, biến tự siêu hình cho đến đợt thể hiện (xem Kinh Hùng bài Vang Vọng của nước Văn Lang).


Trở lên là năm nét đặc trưng của văn hóa Việt Nho, nhờ đó nó được tặng huy hiệu Minh triết. Vậy có thể nương theo những nhận xét hậu cứ đó để đưa ra định nghĩa tiên thiên như sau:

 

2. Thế nào là Minh triết?


Minh triết là nghệ thuật tối cao trong việc tổ chức cuộc sống sao cho mọi người đạt được hạnh phúc.


Với 4 chữ nghệ thuật tối cao chúng tôi muốn nói lên tính chất nền tảng, bao trùm và trường cửu là những đức tính chỉ có được khi đi với một nền triết lý chân thực, nên khác hẳn với nền minh triết thông thường được hướng dẫn do lương tri công cảm là cái ở đâu và bao giờ cũng có, nhưng thiếu tính chất bao trùm và trường cửu, trái lại thường là hạn cục, pha tạp không đáng tên nghệ thuật tối cao, chỉ là sự khôn ngoan thông thường (practical wisdom). Còn Minh Triết viết hoa (Wisdom) có nền tảng không những triết lý mà luôn cả cơ cấu, vừa quán triệt vừa uyển chuyển, quả đáng tên nghệ thuật tối cao. Nói kiểu khác Minh Triết cũng là lương tri công cảm nhưng được đặt nền trên cơ cấu, còn minh triết thông thường là lương tri nhưng hoặc được đặt trên cơ cấu, hay tệ hơn, đặt trên cơ cấu ngược chiều, khiến triết lý của nó cũng ngược chiều, nên thường cản ngăn công cảm. Vì lương tri công cảm bao giờ cũng thuộc nhân bản thường bị cản đường do triết lý vật bản, thành ra trong văn hóa có một trận tuyến ngấm ngầm giữa công cảm và triết lý. Đó là lý do chính gây nên những tâm trạng bất an mà hậu quả mới khám phá được do khoa phân tâm là các loại bệnh thần kinh. Các bệnh bắt nguồn gần hay xa do sự đối nghịch giữa công cảm nhân sinh và các thuyết lý thanh giáo.


Sau những phân biệt trên giữa Minh Triết và lương tri công cảm, có thể nói Việt Nho là nền triết đi cùng chiều với Minh triết, hơn thế nói được là triết lý xây trên Minh triết, gắn liền với Minh triết. Nó đang tên đó vì đã thoát khỏi gọng kìm có với không chật hẹp, vượt được những ý niệm đối kháng cùng cực đến độ tránh được cả sự kỳ thị xây trên giàu nghèo, dòng tộc. Ơ đây mối tình nhân loại phổ biến phát xuất từ quan niệm bao la coi con người rộng lớn như vũ trụ, như “thiên địa chi đức” nên chữ nhân dùng để định nghĩa người (nhân giả nhân dã) chính là Minh Triết như một số học giả đã dịch thế (thí dụ ông Etiemble). Do đó lý tưởng đã được hiện thực một cách rộng rãi, tức đã phá đổ được chế độ nô lệ sớm hơn các nơi vài chục thế kỷ, đã thiết lập được nền tự do, cũng như đã bênh vực chế độ bình sản để ít ra trên lý thuyết và thể chế mọi người có cơ hội đồng đều tạo cho mình tự do kinh tế như bước đầu, kế đến là các thứ tự do về tình cảm, suy nghĩ, đi lại… Như thế kể là đã có đủ cơ cấu nội tại, cũng như định chế chính trị xã hội để gây hạnh phúc cho mọi người như nhiều học giả đã nhận xét. Vì thế kết luận được rằng Việt Nho đã đạt Minh Triết.


Sở dĩ ít người nhận ra vì trong thực tế có hai lý do rất lớn, thứ nhất là nạn nghèo: một nông trại bên Mỹ chỉ phải nuôi một gia đình lối 7, 8 người thì bên các xã hội theo Việt Nho phải nuôi cả nhiều trăm, có khi cả ngàn. Thứ đến nền Minh Triết này đã bị đàn áp do các chế độ độc tài du mục, nên có lần công điền xuống thấp chỉ còn 4% cũng như tự do đã nhiều lần bị chà đạp, nhưng đó là những lỗi phạm do chính quyền, do phần hiện thực, còn trong lý tưởng cũng như trong thể chế đã thiết lập được rồi, lâu lâu lại được canh tân bằng một tổng hợp mới như đã được trình bày sơ lược trong quyển Định Hướng Văn Học (chương 4).


Đến nay nhân loại đã bước thêm một bứơc rất lớn trên đường văn minh kỹ thuật, gây ra những đổi thay quan trọng cần đưa ra một tổng hợp mới. Triết lý an vi là một cố gắng theo chiều hướng đó. Vậy xin được nhìn bao quát trên nền triết lý này như sau:

 

3. Nhìn bao trùm nền triết lý an vi.


An vi là một tổng hợp mới xuất hiện như đối chọi với Hữu vi và Vô vi. Muốn hiểu được hai chữ này cần đi theo lối cơ cấu gồm phương pháp đối chiếu và huyền số với biểu thị. Vậy lấy gốc siêu hình mà nói thì siêu hình của hưu vi xây trên ý niệm sự vật, mà ý niệm bao quát hơn cả gọi là có, là Hữu. Khoa siêu hình mang tên là Hữu thể học. Đó là gốc rễ sẽ áp đặt khuôn mẫu cho mọi ngành học khác của triết lý, luận lý, đạo học… Vì thế cần tìm hiểu bản chất của nó.


Vậy đó là một nền siêu hình giả tạo để nói theo Kant, còn theo an vi phải nói thêm là một nền siêu hình tai hại vì hai lý do. Trước hết ý niệm bao giờ cũng là ý niệm của một cái gì, mà đã là cái gì thì phải có hình ít ra phải có tượng (image), ý niệm chính là cái tượng, cái bóng của sự vật (phantasme) không thể là ý niệm suông được. Vì thế dù ý niệm tổng quát làm nền cho Hữu thể học cuối cùng cũng xuất hiện như một chủ tế, thế là đã có hình rồi đó, hơn nữa còn là nhân hình nên còn sa đọa hơn. Vì là hình thể một nhà chuyên chế, một thượng đế tức không những có hình mà còn kẹt cứng trong hình, nên đã lấp mất con đường sống động và biến hóa. Đấy là lý do tại sao các triết học xây trên Hữu thể học mất liên lệ với Minh triết, vốn là một nghệ thuật sống động uyển chuyển.


Vì sống là động, tự động, động tá. Động tác nhiều sống nhiều, những ý niệm sự vật có động đầu, nó ví như hình chụp, ta chụp lúc con nhỏ, đến năm 65 tuổi lấy ra xem hãy còn y nguyên không lớn lên được tấc nào. Ý niệm cũng vậy, nó chỉ là hình ảnh sự vật, nên bất động. Cả đến ý niệm sự hữu cũng thế, đọc toàn bộ Hữu thể học không thấy nó đánh động được cái chi hết: cả tâm, tình, tính đâu vẫn còn đó, người ta gọi nó là xác ướp khô. Đấy là lý do giải nghĩa tại sao triết học lý niệm ly lìa đời sống: học để mà học, hầu hết để mà đi thi, tức luyện nên những con người tàn tật trí thức, vì mục tiêu cuối cùng của triết học lý niệm là gì nếu không là để ngắm nhìn các ý niệm, để chiêm ngưỡng lý giới (Plato). Đó là tội đề cao con mắt, một cơ năng ban cho con người để điều lý sự vật hữu hình. Bám riết con mắt là khởi đầu đi vào duy vật. Duy vật không phải mới có, nó đã xuất hiện từ Plato.


Do đấy triết học chỉ là món xa xỉ: học để làm cảnh, không thể hướng dẫn đời sống. Đời sống chỉ còn tiến triển theo lương tri thường thức thiếu nguyên lý thâm sâu, mặc tình cho bái vật và ý hệ lôi kéo. Vì thế phải gọi lối sống theo ý hệ và lương tri là vô đạo tức bên trên lợi hành không còn chi nữa. Nói hữu vi cũng còn là nói lạm, vì vi đó không do Hữu thể học hướng dẫn mà chỉ là do lương tri, lợi lộc, sợ hãi… Chứ hữu thể là cái chi mà có thể huy động.


Vô vi xuất hiện như phương thuốc chữa căn bệnh hữu vi. Đựơc chăng? Thưa không vì vô vi cũng còn trên cùng một bình diện với hữu vi, dấu hiệu là chống hữu vi, thế nghĩa là còn trên cùng một bình diện, vì có cùng bình diện mới chống được. Hậu quả là rơi vào một thái quá khác của vô đối với hữu. Vì thế mắc cùng một bệnh duy: duy vô. Đã cùng một bệnh thì triệu chứng như nhau: tức không có động, nói cụ thể không có làm. Nếu Plato, Aristotle coi việc làm như cái chi hèn hạ thì An Độ coi việc làm như xiềng xích ngãng trở sự giải thoát. Họ lý luận rằng: muốn giải thoát trước phải tiêu hết đống quả do các hành động đã làm nảy ra. Vậy mà hệ tác động nữa tất thêm hậu quả mới, theo luật có nhân tất có quả. Thành ra đống quả cứ đầy mãi trước mắt, không bao giờ hết được để mà giải thoát, vì chỉ được giải thoát khi đã thanh toán xong món quả nọ. Thế là không dám làm, vì làm tất gia tăng thêm quả. Đó là lý do làm nảy sinh thái độ tị thế vô vi. Vô vi thường đi với tị thế. Không làm là không động, không động là chết. Triết lý và đạo học hướng đến sự chết là do đó.

 

4. Thời gian xét như nền tảng siêu hình của triết lý an vi


Thế là đã rõ hai hướng của hữu vi và vô vi đều hỏng. Cần tìm ra lối thoát thứ ba. Lối thoát nào có thể cung hiến một nền siêu hình thực sự siêu hình, siêu hơn nền siêu hình Tây Au rất nhiều, nói theo Việt Nho phải đi qua được cả 4 bước siêu là vô hình, vô tượng, vô thanh, vô xú. Nhưng lại làm cùng cực làm tới độ đốc hành. Vậy đó chính là nền triết lý Việt Nho, nhưng nay được trình bày dưới hình thái an vi để hợp với đà tiến của khoa học hiện đại như đã được quảng diễn trong hơn 20 quyển trước, nay xin tóm lược điểm then chốt về siêu hình cho dễ thấy nó khác hai nền siêu hình hữu vi và vô vi chỗ nào.


Siêu hình của an vi đặt trên chữ thời. Chữ thời làm được cả hai điều mong ước trên. Trước hết là vô hình: có ai thấy thời gian đâu, nên phải nói bằng biểu tượng chẳng hạn như bóng câu qua cửa sổ, như dòng nứơc trôi chảy không ngừng, như trời vần xoay không ngớt, từ sáng tới trưa rồi tối. Hết xuân tới hạ thu đông. Đàng khác chúng ta cũng nhận ra mình cùng với thời gian biến đổi không cùng từ nhỏ tới lớn: từ sinh tới lão rồi tử luôn luôn đi. Cả đến sự vật cũng thế: không gì không chảy. Hiện nay khoa vi thể quả quyết thời gian chính là mô thể nền tảng dệt nên sự vật, dệt nên muôn loài, thế là gặp cái nhìn xưa về thời gian xét như thiên thời, theo câu phương ngôn triết Việt Nho: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cùng với câu thiên là tổ phụ vạn vật. Câu này cùng một ý nghĩa với câu của khoa học đã tuyên bố rằng: Thời gian là một dệt nên vạn vật. Cũng khoa học lại cho ta một ý tưởng về sự vật tạo thành bởi luồng năng lực vô biên luôn luôn biến động. Lời tuyên bố này chính là quảng diễn cách khoa học chân lý Kinh Dịch xưa cho rằng hai khí âm dương làm nền vũ trụ. Hai kiểu nói nhưng cùng một chân lý: đó là bản chất sự vật, bản chất con người chính là luồng năng lượng vô biên luôn biến động, theo đó bản tính con người là động, là tác, là hành. Kinh Dịch nói theo ý đó trong câu “thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất túc”. Nói “thiên hành kiện” cũng là nói thời gian luôn luôn biến động. Nên con người cũng theo đó mà tự cường tự lực không ngơi nghỉ, như vậy là có vi có làm. Ta thấy rõ với thời gian dùng làm nền tảng siêu hình ta có được cả hai đòi hỏi một trật: vừa vô hình vừa có làm việc. Vô hình thực sự đến độ vô thanh vô xú, không ai nghe thấy tiếng thời gian (thiên hà ngôn tai) cũng không ai ngửi thấy mùi vị thời gian (vô xú). Nhưng lại luôn luôn có động: ta cảm thấy được nó thấu tận nội tâm ta.

 

5. Bắt mạch thời gian


Chữ cảm vừa nói tới là một mấu chốt cho ta hành động. Điều ta cảm được ta không thể “thấy hình”. Chưa ai thấy trực thị khuôn mặt của cảm tình của những tình tự yêu, ghét, cám cảnh, ưu tư đâu cả, nên muốn “vẽ” ra tất phải mượn hình rồi gửi gắm chứ bản lai diện mục cái nỗi cám cảnh, âu lo, chưa ló mặt bao giờ. Vậy mà cảm súc lại là cái tràn ngập trong người, không lúc nào ta không có cảm: cảm thấy dễ chịu, an vui, hạnh phúc, hoặc cảm thấy ưu tư sầu muộn. Như vậy ta biết tình cảm chính là thời gian “hiện diện” trong ta. Nói khác muôn vật đựơc cấu thành do luồng năng lượng vô biên (thời gian) nó luôn luôn lưu động và khi lưu động qua ta dưới nhiều mức độ mà ta gọi là cảm xúc, là tình tự hoặc trực thị tâm linh. Lúc nó từ từ chảy ta không thấy vì đó là tiềm năng, tiềm thức. Khi nó gợn sóng lăn tăn, ta cảm thấy bâng quơ man mác. Khi nó xô tới ào ạt, ta cảm thấy hạnh phúc an vui hay khổ đau phiền muộn. Khi nó nổ tung toé lên là ta xem thấy trực thị nhiều chân lý một cách rõ rệt mới mẻ như được thần hứng… Do đấy ta nhận ra đầu mối để hành kiện như thiên, để luôn luôn tác động. Đầu mối đó là tâm tình. Tâm như bầu linh lực bao la gồm cả muôn sức sống sức sáng, tình là những tia sáng tia sống toát ra từ trùng dương bát ngát nọ. Ta dùng tình để hòa thông với linh hồn vũ trụ. Đó là một bầu linh lực bao la luôn luôn xoay động vòng tròn “chung nhi phục thuỷ” phát xuất từ đâu lại trở vô đó. Không một việc nào lời nói nào, cảm nghĩ nào thoát ra khỏi luật nọ. Đó là luật đầu tiên: muôn vật đều động theo vòng tròn.


Luật thứ hai gọi là giá sắc hay là gieo gặt. Gieo gì gặt nấy, ta sẽ gặt những gì chính ta gieo ra: muốn gặt điều an vui hạnh phúc hãy gieo ra những chứng từ tốt, những mối tình tích cực, vì có tích cực mới trung thực, tức mới cùng chiều hướng của thời gian của “thiên hành kiện”. Vì thế cần gieo ra những tư tưởng lành mạnh, những cảm tình yêu thương, quảng đại, khoan dung. Tất cả chúng sẽ lại trở về với ta. Ta là một tác năng, một “hóa công” là thế.


Luật thứ ba là gieo một gặt trăm. Bất kỳ cảm nghĩ, hay tác động nào của ta cũng bay ra quyện thêm những chất giống như mình rồi trở về với ta. Nhờ đo nó có những đức tính vũ trụ, trở về nuôi dưỡng tâm thức ta cho to lên, to lên mãi thành đại ngã. Tâm được nuôi dưỡng bằng những chất tốt thì một lúc nào đó sẽ cảm thấy mình với vũ trụ hội thông: “ngô tâm tức thị vũ trụ”, hay nói vũ trụ chính là âm vang của tâm thức cũng thế: tốt xấu do tâm làm ra.


Nhắc lại mấy luật ấy (xem kỹ lại trong quyển Lạc Thư Minh Triết) để dễ hiểu chữ Trống quan trọng dường nào: nó đòi ta không được bít kín lối thông hội của luồng linh lực, phải để cho dòng sống lưu thông

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...