Thời kỳ mạt pháp
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, được khái lược trong ba điều trọng yếu: Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng.
Chư Tổ sư giảng về điều này như sau: Thời mạt pháp chẳng phải là không có người hành trì. Song kẻ hành trì đúng theo giáo lý rất ít, hầu như không có, nên mới gọi là không hành trì. Mà bởi hành trì không đúng nên không có người chứng đạo. Bởi thế nên chư Tổ thường than: “Người học đạo nhiều như lông Trâu, người đắc đạo như sừng Thỏ.”
Thời kỳ mạt pháp là gì?
Muôn vật giữa đời, có thạnh tất có suy, dù cho đạo pháp của Phật cũng vậy. Nhưng động cơ chánh trong sự suy vong của nền đạo là do con người chớ không phải do giáo pháp. Như hiện thời có thể nói Tam tạng Kinh điển đầy đủ hơn xưa. Nhưng sở dĩ gọi là thời kỳ mạt pháp, vì con người kém đạo đức căn lành không giữ đúng theo lời dạy của Phật.
Về đạo Phật, theo thuyết tam thời, thì hiện tại là thời mạt pháp; Theo thuyết ngũ thời, hiện tại chính nhằm thời đấu tranh. Từ đây về sau, cứ đúng theo thật tế mà nói. Phật pháp đang ở trong tình trạng tiệm suy, nếu có vùng dậy cũng chỉ trong giai đoạn tạm thời. Vậy hàng Phật tử càng nên cố gắng thật học, thật tu; Để duy trì pháp vận, lợi ích thế gian và phải làm với hết sức của mình.
Ba thời kỳ của Phật Pháp: Chánh pháp, tượng pháp và Mạt pháp
Khi một Đức Phật ra đời rồi nhập diệt, đạo pháp của vị giáo chủ ấy được chia thành ba thời kỳ là: Chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Về pháp vận của Đức Thích Ca, tham khảo trong ba tạng, các kinh, luật, luận đều nói có hai thời chánh và tượng; Luận Câu Xá, kinh Tạp A Hàm duy nói một thời chánh pháp; Riêng kinh Đại Bi là có nói đủ ba thời mà thôi.
Về vấn đề trên, các Kinh-luận ghi chép cũng không đồng, đại khái có bốn thuyết:
1. Chánh pháp 1.000 năm, tượng pháp 1.000 năm, mạt pháp 10.000 năm, là thuyết của kinh Đại Bi. Kinh Tạp A Hàm nói chánh pháp 1.000 năm, Luật Thiện Kiến nói chánh, tượng đều 1.000 năm; Hai bộ kinh và luật nầy tuy một không đề cập đến tượng, mạt, một không nói về thời kỳ mạt pháp, song đại lược cũng đồng với thuyết của kinh Đại Bi.
2. Chánh pháp 500 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh Đại Thừa Tam Tụ Sám Hối.
3. Chánh pháp 1000 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh Bi Hoa
4. Chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1.000 năm, là thuyết của các kinh: Đại Tập Nguyệt Tạng, Hiền Kiếp, Ma Ha Ma Gia. Cổ kim đến nay chư Tổ sư thống nhất rằng: Thuyết chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1.000 năm, và y cứ theo kinh Đại Bi thêm vào phần mạt pháp 10.000 năm.
Tue Tam
Nguồn: nhipcaugiaoly.com