Tìm hiểu gương hiếu trong kinh Pháp Hoa
I. Tóm tắt gương hiếu trong kinh Pháp Hoa
Có một vấn đề vô cùng quan trọng và cũng hết sức gần gủi với nếp sống đạo đức luân lý là "hạnh hiếu thảo trong kinh Pháp Hoa" mà lâu nay giới nghiên cứu không đề cập đến. Người ta nói nhiều về chữ hiếu trong kinh tạng Pali, chữ hiếu trong kinh tạng Bắc tông, chữ hiếu trong ca dao và dân ca Việt Nam v.v… nhưng chữ hiếu trong kinh Pháp Hoa vẫn là điều bị bỏ quên và chưa được khai thác.
Khi đề cập đến chữ hiếu trong kinh Pháp Hoa, người viết chỉ có ao ước duy nhất là bài viết sẽ góp phần tìm hiểu và ứng dụng chữ hiếu qua lời Phật dạy, dù đó là Nam tông hay Bắc tông, để cùng có cái nhìn nhất lãm về hiếu hạnh trong kinh điển Phật giáo mà thôi.
Phẩm thứ 27 của kinh Pháp Hoa mang tựa đề "Sự tích của vua Diệu Trang Nghiêm." Trong phẩm này, đức Phật kể cho đại chúng trong pháp hội về con đường đến chánh pháp, thọ trì và truyền bá kinh Pháp Hoa của đức vua Diệu Trang Nghiêm (tiền thân của bồ-tát Hoa Đức), trong thời quá khứ của đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Công lao hướng dẫn vua trở về với chánh pháp của Phật không ai khác hơn là hai thái tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Đức Phật cho biết hai vị thái tử này tuy chỉ là hàng cư sĩ tại gia nhưng đã từ lâu tu tập hạnh bồ-tát, thành tựu sáu ba-la-mật, phát triển bốn tâm vô thượng, và nhất là có thể vận dụng thần thông trong các trường hợp cần thiết. Ngoài ra, hai vị thái tử còn đạt được nhiều loại tam-muội của hàng bồ-tát.
Mặc dù hai vị thái tử sùng tín tam bảo, tu tập hạnh bồ tát như vậy nhưng vua cha lại là người sùng mộ ngoại đạo. Vì thương kính cha, không để cha mình dấn thân vào con đường lẫn quẩn, hai thái tử đã bày cách xin mẫu hậu xuất gia, làm đệ tử của đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí. Mục đích xuất gia của hai vị thái tử là nhằm gây sự chú ý, kéo theo niềm thương tiếc và ngạc nhiên của đức vua cha. Vì là một người mẹ sâu sắc, mẫu hậu đã biết được dự tính của hai con. Bà đồng ý cho hai thái tử xuất gia, rồi ân cần dặn dò:
-- "Phụ vương của các con rất sùng tín Bà-la-môn giáo, các con nên khéo dẫn dụ cha các con trở về chánh pháp."
Hai vị thái tử chấp tay cung kính thưa mẹ:
-- "Chúng con là pháp vương tử, không thể để phụ vương lầm lạc vào con đường tà kiến được. Chúng con sẽ không để cho mẫu hậu thất vọng."
Chẳng mấy chốc, nguồn tin xuất gia của hai vị thái tử đã đến tai của đức vua. Đức vua sửng sốt và tìm mọi cách ngăn cản.
Để độ vua cha, hai thái tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đã vận dụng thần túc thông, bay lơ lửng trên trời, lúc thì đi đứng nằm ngồi vô ngại, khi thì biến hiện lớn nhỏ và cũng có lúc ẩn hiện trong chớp mắt. Khả năng thần biến lạ kỳ này đã gây được niềm tín mộ nơi vua cha. Chứng kiến hiện tượng các con mình có thần biến, đức vua vừa thầm phục vừa vui mừng, ngẩng cao đầu lên và nói với một giọng từ ái:
-- Các con là đệ tử của ai? Ai là thầy của các con?"
Trong niềm hoan hỷ, cả hai vị thái tử đồng thanh thưa:
-- "Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí là thầy của chúng con. Ngài là bậc tuệ giác viên mãn, đang giảng kinh Pháp Hoa ở một trú xứ gần đây. Chúng con là đệ tử của người. Do tu tập dưới sự hướng dẫn của người mà chúng con có được khả năng hy hữu này. Nếu phụ vương muốn gặp người thì cha con mình cùng đi."
Trong niềm hân hoan tột độ, đức vua cùng hoàng hậu và hai vị thái tử chóng đến pháp hội. Sau khi nghe đức Phật tuyên nói chánh pháp, đức vua đã có được niềm tin bất động đối với đức Phật, đối với chánh pháp, đối với sự xuất gia giải thoát. Chẳng lâu sau, đức vua đã giao xã tắc cho người em rồi cùng hoàng hậu và hai thái tử xuất gia cầu Phật đạo. Do tinh tấn trau dồi đời sống đạo đức, thiền định và trí huệ, đức vua và hoàng hậu đã chứng được "Nhất thiết tịnh công đức trang nghiêm tam-muội." Sau khi thành tựu tam-muội này, vua Diệu Trang Nghiêm kính cẩn bày tỏ niềm hân hoan của mình trước đức Phật:
-- "Bạch Thế Tôn, hai thái tử của con đã vì con làm Phật sự, dùng thần thông biến hóa, xoay tâm tà của con, làm cho con an trụ trong chính pháp, đạt được niết-bàn giải thoát. Hai thái tử này là thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi thiện duyên cho con nên đã sanh vào hoàng gia làm thái tử vậy…"
II. Nội dung hiếu hạnh qua tích truyện trên
Thông qua câu chuyện lược trích trên, chúng ta nhận thấy rằng hiếu hạnh trong kinh Pháp Hoa nặng về báo hiếu tâm linh và đời sống đạo đức cho cha mẹ. Nó phát xuất từ một động cơ hiếu kính cụ thể, từ những việc làm có ý thức sâu sắc. Một người con hiếu thảo nên học hỏi theo gương hạnh báo hiếu này. Để đút kết thành những bài học cụ thể hơn, chúng ta có thể đưa ra vài nội dung chính của hiếu hạnh trong kinh Pháp Hoa như sau:
1. Người con hiếu là người sống đúng với tư cách của một người con trong gia đình
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ đơn thuần ở việc duy trì huyết thống giữa các thế hệ mà còn mang đậm tính luân lý và đạo đức xã hội. Một người con do đó là một tế bào trong một gia đình, được sanh ra và lớn lên trong sự đùm bọc và nuôi nấng của gia đình đó. Người con cần có bổn phận tôn kính và hiếu dưỡng cha mẹ. Trong cuộc sống hằng ngày, hiếu kính cha mẹ có thể được thể hiện qua nhiều hình ảnh khác nhau. Thái độ lễ phép, ánh mắt và nụ cười ái kính của người con đối với cha mẹ, vâng lời cha mẹ dạy, không ngỗ nghịch quấy rầy người khác, làm cha mẹ vui lòng, hoan hỷ, giúp cha mẹ làm các công việc nội trợ trong gia đình, góp phần chung lo đời sống gia đình, và khi cha mẹ đau ốm, con cái phải lo lắng thuốc thang, trông nôm thận trọng v.v… được xem là các biểu hiện của lòng hiếu kính cha mẹ thiết thực.
Ở mức độ thông thường, một người con làm tròn các bổn phận như vậy được xem là hiếu kính cha mẹ. Tuy nhiên, hiếu kính như vậy thôi vẫn chưa đủ. Người con hiếu theo kinh Pháp Hoa còn phải phát huy đời sống đạo đức bản thân và hướng dẫn cha mẹ trở về chánh pháp, như hai thái tử ngoài việc làm tròn bổn phận của mình trong vương triều, không một lần làm phật lòng phụ vương và mẫu hậu, còn tìm cách hóa độ vua cha.
2. Người con hiếu thảo là người con sống đúng với chánh pháp
Vâng lời và hiếu kính cha mẹ là một điều tốt. Biết học hỏi và tự trau dồi nhân cách và đạo đức bản thân là điều tốt hơn. Biết tìm đến đời sống chánh pháp, tôn kính tam bảo, tu tập đạo đức và thiền định để xây dựng đời sống an lạc và hạnh phúc cho bản thân là điều tốt hơn nữa. Người con như vậy thật xứng đáng cho gia đình và làm sáng danh cha mẹ.
Sống với chánh pháp, người con phải biết tập tành hạnh lợi tha, biết tôn trọng sự sống của loài người và muôn vật, biết tôn trọng tài sản của người khác, biết tôn trọng hạnh phúc lứa đôi của người khác, biết sống với lời lẽ từ ái, chân thật và có ích, biết giữ gìn sức khỏe không tham đắm rượu che,?cờ bạc, hút sách, biết dứt trừ các tánh nóng nảy, tham lam và ngu muội. Song song người con hiếu thảo còn phát triển và trang trải tình thương đến với kẻ khác bằng tinh thần lẫn vật chất, với một thái độ rộng lượng, hoan hỷ và tự nguyện. Ngoài ra, người con hiếu còn biết gần gủi, học hỏi cái hay của những người có đạo đức, biết thân cận bạn xấu để giúp đỡ và cải hoán. Thực hành đời sống bình dị, chất trực, tạo ra của cải bằng đôi tay và khói óc khôn ngoan, lương thiện và có đạo đức.
Nói chung, người con hiếu thảo nên noi gương hai thái tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn sống đời sống thanh tịnh, thực hành các pháp toàn thiện (ba-la-mật), phát triển các tâm cao thượng, an trụ thiền định, để một mặt hoàn thiện nhân cách đạo đức bản thân, mặt khác hỗ trợ cho vua cha an trú vào chánh pháp.
3. Người con hiếu phải biết hướng cha mẹ về chánh pháp của Phật
Nếu như thái độ hiếu kính là hiếu hạnh về mặt tinh thần, hiếu dưỡng là hiếu hạnh về mặt vật chất và cả hai thuộc về báo hiếu thế gian thì việc hướng dẫn cha mẹ trở về sống với chánh pháp của đức Phật được xem là hiếu hạnh cao hơn và hoàn thiện hơn, thuộc phạm vi xuất thế gian.
Thông thường, cha mẹ có cái nhìn đúng đắn hơn con cái. Do đó, lời dạy của cha mẹ nên được con cái noi theo. Chính vì thế mà người ta thường nói "con không nghe cha mẹ trăm đường con hư." Đây là lối giáo dục đặt cha mẹ vào vị thế không thể sai lầm. Thực tế thì vấn đề có khác. Có nhiều bậc cha mẹ không có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống. Cũng có nhiều bậc cha mẹ có đời sống buông thả, đánh mất tư cách và đạo đức. Do đó, không nhất thiết làm con phải tuân phục cha mẹ, nếu lời cha mẹ dạy không phù hợp đạo đức và luật pháp xã hội, nhất là chánh pháp của đức Phật. Đó là lý do tại sao đức Phật dạy những người con hiếu thảo phải ý thức và có trách nhiệm hướng dẫn cha mẹ trở về với chánh pháp.
Trong những trường hợp nếu cha mẹ có nếp sống đạo đức thấp kém, niềm tin đối với chánh pháp ít ỏi, tấm lòng vị tha quá nhỏ bé v.v… thì người con có hiếu phải tìm mọi cách để thuyết phục và hướng cha mẹ trở về đời sống cao thượng. Nếu cha mẹ chưa có niềm tin đối với tam bảo thì khuyến khích cha mẹ tin Phật, pháp, tăng. Nếu cha mẹ thiếu giới hạnh thì khuyên cha mẹ sống đời đạo đức. Nếu cha mẹ có nhiều tánh cách xấu như tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ thì giúp cho cha mẹ trở nên rộng lượng, vị tha và vô ngã. Nói chung, bổn phận làm con không chỉ tuân thủ một chiều ở những lời dạy của cha mẹ mà còn phải tác hưởng tốt và hoàn thiện cha mẹ, nếu cha mẹ không bằng mình về phương diện nhận thức, đạo đức và trí tuệ.
Nói chung, người con hiếu nên học theo hai thái tử đã khéo léo vận dụng thần thông để thuyết phục cha mình, từ chỗ tin vào ngoại đạo, trở về sống trong chánh pháp của đức Phật. Sự kiện hai thái tử phải vận dụng thần thông để cảm hóa cha mẹ cho thấy rằng việc hóa độ cha mẹ trở về con đường chánh pháp không phải là chuyện dễ, mà đòi hỏi nhiều cam nhẫn, khôn ngoan và khéo léo; bằng không thiện chí đó có thể trở nên phản tác dụng.
4. Người con hiếu còn là thiện tri thức của cha mẹ
Hiếu thảo theo đạo Phật nói chung, theo kinh Pháp Hoa nói riêng, không chỉ cúc cung cha mẹ món ngon vật lạ, mà còn phải biết dâng cho cha mẹ các thức ăn chánh pháp và kính tặng cha mẹ các tài sản thánh. Dâng cho cha mẹ các thức ăn chánh pháp và tài sản thánh là cách báo hiếu cha mẹ mang ý nghĩa cao thượng nhất và đạo đức nhất. Trong trường hợp này, người con hiếu thảo đã trở thành một người bạn tốt, một thiện tri thức của cha mẹ trên đường tu tập chân lý của đức Phật. Con sống trong chánh pháp, cha mẹ cũng sống trong chánh pháp. Con cái và cha mẹ sẽ cùng trưởng thành trong chánh pháp. Tất cả các thành viên trong gia đình như vậy đã trở thành một tổ hợp của chánh pháp. Tổ hợp như vậy còn là một giao thoa, cộng hưởng của an lạc và giải thoát. Cha mẹ lúc bấy giờ đã trở thành Phật trong gia đình và gia đình bấy giờ đã trở thành một tịnh độ thực tiễn. Người con hiếu do đó là người con mang hạt nhân chánh pháp cho gia đình, biến gia đình trở nên thánh thiện, cha mẹ và con cái đều mang "gen" của tuệ giác và trí dũng. Đó chính là mẫu người con lý tưởng mà kinh Pháp Hoa đã giới thiệu cho chúng ta, như vua Diệu Trang Nghiêm đã tán thán hai người con ruột của mình:
"Bạch Thế Tôn, hai người con của con đã vì con làm Phật sự, dùng thần thông biến hóa, xoay tâm tà của con, làm cho con được an trụ trong Phật pháp, được niết-bàn giải thoát. Hai thái tử này là thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi thiện duyên cho con nên sanh vào hoàng gia làm thái tử vậy."
* * *
Nói tóm lại hiếu hạnh trong kinh Pháp Hoa nhằm xác định việc báo hiếu về tinh thần và đạo đức cho cha mẹ là cần thiết và quan trọng hơn hết trong các cách báo hiếu trong đạo Phật. Để làm việc đó, người con hiếu trước nhất phải làm tròn bổn phận làm con, sống đời đạo đức và trí tuệ. Kế đến người con hiếu còn phải vận dụng nhiều phương cách để hướng dẫn cha mẹ trên con đường tu tập chánh pháp của đức Phật. Để làm việc đó, người con có thể đóng vai trò của một vị thiện tri thức gương mẫu và tiên phong trước cha mẹ mình. Sự hiệu quả trong tu tập chánh pháp của bản thân sẽ trở thành chất xúc tác tốt cho việc chuyển hóa cha mẹ, giúp cha mẹ vững tin noi theo con đường chân lý của đức Phật. Người con bấy giờ không chỉ là người bạn đạo mà còn là người hướng đạo cho cha mẹ, để cùng cha mẹ sống an lạc và giải thoát trong chánh pháp của đức Phật. Hiếu thảo như vậy đã trở thành hành trang cho những người con hôm nay và mai sau, để xây dựng tịnh độ tại nhân gian, trong đó các bậc cha mẹ là các đức Phật trong nhà.
Thích Nhật Từ
Kỷ yếu Vu-lan, Chùa Giác Ngộ
Nguồn: quangduc.com