Tôn giáo của cư dân Nam Bộ: Cái nhìn tổng quan (1)

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3445 | Cật nhập lần cuối: 4/4/2019 3:57:47 PM | RSS

Tôn giáo của cư dân Nam Bộ: Cái nhìn tổng quan (1)1. CHỦ THỂ VĂN HOÁ VÙNG NAM BỘ

Không kể vùng thềm cao nguyên tiếp giáp Tây Nguyên, vùng văn hoá Nam Bộ hôm nay là nơi sinh tụ của người Việt và đông đủ các đại diện của 53 tộc người thiểu số. Tất cả đều là những tộc người di dân đến đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 500 năm trở lại: di dân lớp trước là các tộc người Khmer, Việt, Hoa, Chăm; di dân lớp sau là các tộc người Việt, Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, Thổ… Các đợt di dân có tổ chức (1954, 1975) và di dân tự do (từ thập niên 1990) đã đưa dân số Nam Bộ lên tới 31.145.000 người, chiếm 36,3% tổng dân số toàn quốc, vượt xa đồng bằng sông Hồng (01.04.2009). Trong đó, miền Đông Nam Bộ có 13.985.000 người, chiếm 16,3% dân số toàn quốc; miền Tây Nam Bộ có 17.160.000 người, chiếm 20% dân số toàn quốc. Trong thập niên 1999-2009, miền Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ gia tăng dân số cao nhất nước: bình quân 3,2% mỗi năm, gần gấp ba lần so với tỷ lệ gia tăng dân số toàn quốc là 1,2% mỗi năm. Vào năm 2009, miền Đông Nam Bộ với ba trung tâm đô thị lớn là thành phố Hồ Chí Minh (7.162.864 dân), Đồng Nai (2.486.154 dân), Bà Rịa – Vũng Tàu (996.682 dân), cũng là khu vực có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất nước, với 57,1% dân số địa phương sống trong các vùng đô thị, gần gấp đôi so với tỷ lệ 30% dân số toàn quốc sống trong các vùng đô thị.

Do vậy, Nam Bộ là một vùng đất có đặc trưng đa tộc người rõ nét. Tuy nhiên, chủ thể văn hoá chính của toàn vùng vẫn là người Việt, tộc người đa số mà dân số ở Nam Bộ lên đến hơn 28 triệu người, chiếm khoảng 90% dân số của vùng. Những tộc người thiểu số có ảnh hưởng văn hoá đáng kể, chỉ có thể đóng vai trò chủ thể văn hoá chính bên cạnh người Việt ở cấp tiểu vùng, như người Hoa ở tiểu vùng văn hoá đô thị Sài Gòn, người Khmer ở tiểu vùng văn hoá Tây Nam Bộ.

Vào cuối thế kỷ XVI, người Việt đã có mặt ở miền Đông Nam Bộ, tiếp đó là Tây Nam Bộ. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, khi lãnh thổ Đại Việt dần dần mở rộng đến Bình Định (1471) và Bình Thuận (1693), di dân người Việt đến định cư trên đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ hầu hết đều có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ. Từ đó, vùng văn hoá Trung và Nam Trung Bộ đã hình thành trên cơ sở kế thừa các đặc điểm của văn hoá Bắc Trung Bộ và tiếp biến các đặc điểm của văn hoá Chăm. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, khi lãnh thổ Đại Việt tiếp tục mở rộng đến hết địa bàn Nam Bộ, thì di dân người Việt đến định cư trên đồng bằng Nam Bộ hầu hết đều có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng”, tức Quảng Bình – Quảng Trị – Quảng Đức – Quảng Nam – Quảng Ngãi, mà đông đảo nhất là bộ phận người Việt cư ngụ ở Nam Trung Bộ. Từ đó, văn hoá Việt ở Trung và Nam Trung Bộ đã mở rộng địa bàn đến Nam Bộ, tiếp biến thêm một số đặc điểm của văn hoá Hoa, văn hoá Khmer để hình thành vùng văn hoá Nam Bộ. Do đó, trong văn hoá của người Việt Nam Bộ, có các yếu tố của văn hoá Chăm, văn hoá Hoa, văn hoá Khmer. Từ cuối thế kỷ XIX, người Việt Nam Bộ đã giao lưu và tiếp biến văn hoá Pháp. Những năm đầu thời Pháp thuộc, người Việt nói chung và người Việt Nam Bộ nói riêng chống Âu hoá và cố gắng Việt Nam hoá ảnh hưởng của phương Tây. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, với phong trào Duy Tân – Đông Du, văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Nam Bộ nói riêng bắt đầu hội nhập với văn hoá phương Tây, thoát nhanh khỏi vòng ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Do đó, từ lúc này, trong văn hoá của người Việt Nam Bộ, những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng đậm nét. Những ảnh hưởng của văn hoá Việt ở Trung Bộ, văn hoá Chăm, văn hoá Hoa, văn hoá Khmer, văn hoá Pháp đều để lại dấu ấn rõ ràng trong trạng thái tôn giáo của của người Việt Nam Bộ hôm nay.

Người Hoa Nam Bộ có nguồn gốc chủ yếu từ các tỉnh, huyện ở duyên hải Giang Nam, Trung Quốc: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Khách Gia. Do quê quán khác nhau và nhập cư vào những thời điểm khác nhau, người Hoa ở Nam Bộ là một tộc người không thuần nhất về văn hoá và ngôn ngữ. Những người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XVII-XVIII, được gọi là “người Minh Hương”, thì phần nhiều con cháu đã trở thành người Việt, đóng góp vào văn hoá Việt nơi đây những yếu tố đặc thù của văn hoá người Hoa. Còn những người Hoa mà trước đây gọi là “người Đường” và hiện nay vẫn còn giữ nguyên ngôn ngữ, văn hoá, ý thức tộc người, thì chủ yếu là con cháu của di dân người Hoa đến Nam Bộ vào thế kỷ XIX-XX. Họ không tự gọi mình là người Trung Quốc, người Hán, người Hoa, mà là “Thoòng Dành” (tiếng Quảng Đông) hoặc “Từng Nán” (tiếng Triều Châu), tức là “người Đường”. Người Việt Nam Bộ thì gọi chung tất cả những người Hoa cộng cư là “người Tàu”, “Cắc Chú” (Khách Trú). Hiện nay, Nhà nước và giới khoa học Việt Nam gọi chung tất cả người gốc Hán định cư ở Việt Nam là “người Hoa”, phân biệt với “Hoa kiều” là những người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam nhưng không nhập tịch Việt Nam. Ở Nam Bộ, người Hoa là một tộc người thiểu số có trình độ kinh tế – xã hội phát triển và tương đối đông dân, với khoảng 750.000 người trên tổng dân số 823.071 người Hoa (1/4/2009), tập trung ở 3 tỉnh thành: thành phố Hồ Chí Minh (414.045 người), Đồng Nai (95.162 người), Sóc Trăng (64.910 người), và rải rác ở khắp các tỉnh thành còn lại.

Người Khmer Nam Bộ cũng là một tộc người thiểu số có trình độ kinh tế – xã hội phát triển và tương đối đông dân. Người Khmer Nam Bộ có tộc danh tự gọi là “Khêmară?” hoặc “Khmer”. Người Việt Nam Bộ thường gọi những người Khmer cộng cư là “người Thổ”, “người Miên”. Người Chăm và các tộc người bản địa Đông Nam Bộ thì gọi người Khmer là “Kur”. Hiện người Khmer có dân số 1.260.640 người (1/4/2009), cư trú tập trung ở 5 tỉnh: Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh, 31,5% dân số Khmer cả nước), Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6% dân số toàn tỉnh, 25,2% dân số Khmer cả nước), Kiên Giang (210.899 người), An Giang (90.271 người), Bạc Liêu (70.667 người), và rải rác ở khắp các tỉnh thành khác của vùng Nam Bộ.

Ngoài ba tộc người trên, nói tới văn hoá Nam Bộ cũng cần phải nhắc tới người Chăm, một cộng đồng tuy không đóng vai trò chủ thể văn hoá chính nhưng cũng góp phần làm tăng tính đa dạng văn hoá của vùng Nam Bộ. Người Chăm ở Nam Bộ tự gọi mình là “Chăm”. Còn người Việt thường gọi người Chăm là “Chàm”, “Hời”. Người Chăm ở Nam Bộ có khoảng 33.000 người trên tổng dân số 161.729 người Chăm (1/4/2009), cư trú tập trung ở An Giang (14.209 người), thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), và rải rác ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang…

2. TÔN GIÁO CỦA CÁC TỘC NGƯỜI NAM BỘ

2.1. Khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo

“Tín ngưỡng” là một khái niệm phổ thông đồng thời là một thuật ngữ thường gặp trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam. Cách hiểu và cách sử dụng khái niệm này thường không thống nhất.

Trong thực tế, có một số người sử dụng khái niệm “tín ngưỡng” để chỉ những hình thức sơ khai của tôn giáo, tương ứng với các hình thức tôn giáo nguyên thuỷ, thí dụ: “tín ngưỡng phồn thực”, “tín ngưỡng vật linh”. Trong trường hợp này, khái niệm “tín ngưỡng” được hiểu như những hình thức tiền thân của “tôn giáo”.

Một số người khác lại sử dụng khái niệm “tín ngưỡng” thay thế cho khái niệm “tôn giáo”, thí dụ: “tự do tín ngưỡng”, “tín ngưỡng dân gian”. Trong trường hợp này, khái niệm “tín ngưỡng” tương đương với khái niệm “tôn giáo”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, “tín ngưỡng” là lòng tin vào tôn giáo và các lực lượng siêu tự nhiên nói chung. Theo đó thì “tín ngưỡng” là một yếu tố cấu thành “tôn giáo”. Chẳng hạn, theo học giả Đào Duy Anh (1957: 283), tín ngưỡng là “lòng ngưỡng mộ, mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”. Hoặc theo nhà văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh (2011: 16), “tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn hơn là niềm tin, ngưỡng vọng vào ‘cái thiêng’, đối lập với cái ‘trần tục’, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm tin, nhưng ở đây là niềm tin của tín ngưỡng là niềm tin vào ‘cái thiêng’. Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất con người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm”.

Thay cho khái niệm “tín ngưỡng”, trong tôn giáo học hiện nay, có xu hướng thống nhất sử dụng khái niệm “tôn giáo”. Theo đó, “tôn giáo” được hiểu là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, sùng bái các thần linh và những hình thức nghi lễ thể hiện sự tin tưởng và sùng bái ấy. Như vậy, “tín ngưỡng” là bộ phận quan trọng của “tôn giáo”, là cơ sở hình thành tôn giáo và nằm trong “tôn giáo”.

Trong khi đó, ở phương Tây, giới nghiên cứu tôn giáo chỉ sử dụng khái niệm “religion” (tôn giáo), chứ không dùng khái niệm “belief” (niềm tin, đức tin, tín ngưỡng) để chỉ “tôn giáo” hay những hình thức “tôn giáo sơ khai”.

Do tình hình đó, lựa chọn của chúng tôi là vận dụng cách hiểu của tôn giáo học. Theo đó, “tín ngưỡng” là lòng tin vào tôn giáo và các lực lượng siêu tự nhiên nói chung, là yếu tố cơ bản cấu thành tôn giáo; còn “tôn giáo” là hệ thống những quan niệm, lòng tin vào các thần linh và những hình thức nghi lễ thể hiện các quan niệm và lòng tin ấy.

2.2. Tiêu chí phân loại tôn giáo

Ngày nay, sự hình thành các tôn giáo hiện đại và sự dung hợp các tôn giáo nội sinh và ngoại sinh khiến cho bức tranh tôn giáo và sự phân loại tôn giáo trở nên phức tạp.

Các công trình nghiên cứu tôn giáo thường phân chia các tôn giáo thành 3 loại: tôn giáo nguyên thuỷ, tôn giáo dân tộc, tôn giáo thế giới.

– Tôn giáo nguyên thủy: là những tôn giáo ra đời trong thời kỳ nguyên thủy, bắt nguồn từ những quan niệm sơ khai của con người về bản thân mình và thiên nhiên bao quanh, thể hiện niềm tin bản năng của con người đối với các lực lượng siêu tự nhiên. Trong xã hội đương đại, phần lớn các hình thức tôn giáo nguyên thủy chỉ còn là dấu vết:

* Tô tem giáo (totemism): là sự tôn kính có tính chất mê tín đối với một vật tổ; sự thờ phụng bất cứ vật thể nào có thật hay tưởng tượng. Thuật ngữ “totemism” bắt nguồn từ khái niệm “totem” chỉ một hình ảnh thô sơ, như một con chim hoặc thú, được thổ dân Indian Bắc Mỹ sử dụng như một danh hiệu biểu tượng của gia đình hoặc thị tộc. Đây là hình thức tôn giáo cổ xưa nhất, thể hiện niềm tin vào mối quan hệ gần gũi, huyết thống giữa một cộng đồng người (thị tộc, bộ lạc) với một loài động thực vật hoặc một đối tượng nào đó. Tô tem giáo thể hiện hình thức nhận biết đầu tiên về mối liên hệ của con người với các hiện tượng xung quanh. Chẳng hạn: một bộ lạc tồn tại được nhờ săn bắt một loài động vật nào đó, dẫn đến xuất hiện một ảo tưởng về mối quan hệ giữa loài vật đó với cộng đồng người săn nó, và cuối cùng con vật này trở thành tổ tiên chung của họ.

* Ma thuật giáo (shamanism): là loại tôn giáo từng thịnh hành trong tất cả các tộc người Ural-Altai (Tungusic, Mongol, Turkish), và vẫn còn tồn tại ở một số vùng Bắc Á. Thuật ngữ “shamanism” bắt nguồn từ khái niệm “shaman” chỉ một thầy phù thuỷ chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến ma quỷ và đặc biệt là vong linh tổ tiên. Đây là biểu hiện của việc người nguyên thủy tin vào khả năng tác động đến tự nhiên bằng những hành động ma thuật như cầu khấn, phù phép, thần chú… Nhờ các biện pháp ma thuật, người nguyên thủy cố gắng tác động đến những sự kiện và làm cho nó diễn ra theo ý mình mong muốn. Về sau, ma thuật trở thành một thành tố quan trọng không thể thiếu được của các tôn giáo phát triển. Việc thờ cúng của bất kỳ tôn giáo nào cũng phải có ma thuật (cầu nguyện, làm phép…). Tàn dư của ma thuật là các hiện tượng bói toán, tướng số ngày nay.

* Bái vật giáo (fetishism): là loại tôn giáo xuất hiện vào lúc mới hình thành tôn giáo và sự thờ cúng. Thuật ngữ “fetishism” bắt nguồn từ khái niệm “fetish” chỉ vật thần, vật thờ hoặc điều mê tín, tôn sùng quá đáng. Bái vật giáo đặt lòng tin vào những thuộc tính siêu nhiên của các vật thể như hòn đá, gốc cây, bùa, tượng… Họ cho rằng có một lực lượng siêu nhiên, thần bí trú ngụ trong vật đó. Bái vật giáo là thành tố tất yếu của sự thờ cúng tôn giáo. Đó là sự thờ cúng các tượng gỗ, cây thánh giá… hoặc lòng tin vào sức mạnh của các lá bùa…

* Vật linh giáo (hylozoism): còn gọi là vật linh luận, một học thuyết triết học cho rằng vật chất sở hữu các loài sinh vật và cảm giác, hoặc vật chất và sự sống không thể tách rời. Thuật ngữ “hylozoism” bắt nguồn từ khái niệm “hylic” chỉ đặc tính vật chất hoặc đặc tính thuộc về vật chất, gắn liền với vật chất. Đây là hình thức tôn giáo xuất hiện muộn hơn, khi tư duy trừu tượng của con người phát triển, hình thành những khái niệm trừu tượng. Trên cơ sở đó, con người đã hình thành khái niệm về linh hồn, là cái trừu tượng trú ngụ bên trong cơ thể con người và vạn vật. Khi cơ thể mất đi, linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại. Lòng tin ở linh hồn là cơ sở hình thành nên quan niệm về cái siêu nhiên. Theo đó, bên cạnh thế giới thực tại còn có thế giới siêu nhiên, bao gồm các thần linh, các vong hồn, động vật, thực vật, các đối tượng do tưởng tượng mà ra và không khác biệt gì lắm so với thế giới thực tại. Thế giới siêu nhiên ấy thống trị thế giới thực tại, vì vậy con người trong thế giới thực tại cần phải kính sợ, thờ cúng thế giới siêu nhiên.

– Tôn giáo dân tộc: là những tôn giáo phổ biến trong nội bộ một tộc người, một quốc gia, như đạo Do Thái (Israel), đạo Hindu, đạo Jaina (Ấn Độ), đạo Khổng (Trung Quốc), đạo Thần (Nhật Bản), đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo (người Việt), đạo Bà Chăm, đạo Bà Ni (người Chăm), v.v.

– Tôn giáo thế giới: là những tôn giáo phổ biến ở nhiều tộc người và quốc gia trên thế giới, lớn nhất là đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, đạo Chính Thống, đạo Tin Lành, đạo Phật Bắc Tông, đạo Phật Nam Tông.

Một cách phân chia khác là chia các tôn giáo thành 2 loại: tôn giáo thờ cúng nhiên thần, tôn giáo thờ cúng nhân thần.

– Tôn giáo thờ cúng nhiên thần: loại tôn giáo thờ cúng các thần linh có nguồn gốc tự nhiên, như Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ của người Việt, thần Lửa, thần Nước, thần Gió, thần Rừng của người Gia-rai.

– Tôn giáo thờ cúng nhân thần: loại tôn giáo thờ cúng các thần linh có nguồn gốc xuất thân là con người, như các thần Thành Hoàng của các làng quê Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, Quốc tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Kho của người Việt Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, thần-vua Po Klong Kirai, thần-vua Po Rome của người Bà Chăm.

Một cách phân chia khác nữa là chia các tôn giáo thành 2 loại: tôn giáo đa thần, tôn giáo độc thần.

– Tôn giáo đa thần: loại tôn giáo thờ cúng nhiều thần linh khác nhau, và không có thần nào giữ vai trò tối thượng đối với các thần linh. Đây là loại tôn giáo ra đời trong xã hội chưa phân chia giai cấp, chưa hình thành chế độ quân chủ, như tôn giáo đa thần của các tộc người Tây Bắc – miền núi Bắc Trung Bộ, các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên.

– Tôn giáo độc thần: loại tôn giáo chỉ thờ cúng một thần linh, hoặc thờ cúng nhiều thần linh khác nhau nhưng trong đó có một thần linh giữ vai trò tối thượng. Đây là loại tôn giáo ra đời trong xã hội đã phân chia giai cấp, đã hình thành chế độ quân chủ, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Chính Thống, đạo Tin Lành.

Do tiêu chí phân loại khác nhau, các kết quả phân loại được đề cập trên đây rất không thống nhất và trùng lắp.

Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi chọn lựa 2 tiêu chí phân loại: nguồn gốc hình thành và đối tượng thờ cúng.

Theo tiêu chí nguồn gốc hình thành, có thể phân chia các tôn giáo ở Việt Nam thành 2 loại:

(1) Các tôn giáo nội sinh: bao gồm các tôn giáo nguyên thuỷ, các tôn giáo dân tộc, các tôn giáo thờ cúng nhiên thần, các tôn giáo thờ cúng nhân thần. Các tôn giáo nội sinh phần lớn là tôn giáo đa thần, ngoại trừ một vài tôn giáo nội sinh bắt nguồn từ những tôn giáo ngoại sinh, như Cao Đài, Hoà Hảo…

(2) Các tôn giáo ngoại sinh: bao gồm các tôn giáo thế giới, một số tôn giáo thờ cúng nhiên thần, một số tôn giáo thờ cúng nhân thần. Các tôn giáo ngoại sinh bao gồm cả hai loại tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần.

Theo tiêu chí đối tượng thờ cúng, có thể phân chia các tôn giáo ở Việt Nam thành 2 loại:

(1) Các tôn giáo đa thần:

– Các tôn giáo thờ cúng nhiên thần: nghi lễ phồn thực, thần Nông, Tứ Pháp, Mẫu Tam Phủ, Mẫu Tứ Phủ, Liễu Hạnh Thánh Mẫu, Thánh Tản, Tứ Bất Tử, Ngũ Hành Nương Nương, Mười Hai Bà Mụ, Ông Tơ Bà Nguyệt, Thổ Công, Táo Quân, Bà Chúa Xứ, Cá Ông (người Việt); tô tem giáo, vật linh giáo (các tộc người Tây Bắc – miền núi Bắc Trung Bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên); Thành Hoàng Bổn Cảnh, Sơn Thần, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thổ Địa – Thần Tài, Ngọc Hoàng, Mẹ Phật Mẫu Diêu Trì, Ông Thiên, Cửu Thiên Huyền Nữ, Hà Bá – Thuỷ Long, Ông Tà (người Việt Nam Bộ); Ngọc Hoàng, Phước Đức Chánh Thần, Thiên Quan Tứ Phước, Môn Thần, Thổ Địa Bản Gia, Táo Quân (người Hoa); Preach Khe, Neak Ta (người Khmer); v.v

– Các tôn giáo thờ cúng nhân thần: gia tiên – tổ tiên, Thành Hoàng, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Lý Bát Đế, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Kho, Bà Thiên Hậu, các anh hùng dân tộc, các tổ nghề (người Việt); Tổ tiên nhân loại (Cửu huyền trăm họ), Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, Trần Thượng Xuyên, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Công Hớn, Thầy Thím, Quan Thánh Đế Quân, Ông Bổn (người Việt Nam Bộ); Po Klong Kirai, Po Rome (người Bà Chăm); v.v.

– Một số tôn giáo dân tộc: Một số tôn giáo thờ cúng thiên thần hoặc nhân thần có phạm vi phổ biến rộng lớn, trở thành tôn giáo dân tộc, như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành Hoàng, thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương của người Việt; thờ cúng tổ tiên, phi bản của người Tày; các tôn giáo Bà Chăm, Bà Ni, thờ cúng tổ tiên, thần làng, thần đất, thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm; v.v.

Các tôn giáo đa thần có cả hai nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh. Một số tôn giáo độc thần có nguồn gốc ngoại sinh đã tích hợp với các thần linh bản địa để chuyển thành tôn giáo đa thần, như trường hợp Bà Chăm (gốc Bà La Môn giáo), Bà Ni (gốc Hồi giáo) của tộc người Chăm.

(2) Các tôn giáo độc thần:

– Một số tôn giáo dân tộc: Cao Đài, Hoà Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trường hợp các giáo phái, hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Huỳnh Đạo (An Giang), đạo Ông Trần (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), đạo Dừa (cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre), v.v., cũng được xếp vào nhóm này.

– Các tôn giáo thế giới: Phật giáo Bắc Tông, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo Nam Tông, Hồi giáo Islam. Trường hợp Phật giáo được một vài người cho là “tôn giáo vô thần” vì không suy tôn một Thượng đế tối cao, cũng được tạm xếp vào nhóm này. Trường hợp Đạo giáo và Nho giáo là hai tôn giáo hưng thịnh trong thời kỳ trung đại, thì nay không còn là tôn giáo ở Việt Nam, chỉ còn để lại một số tàn dư trong phong tục và nghi lễ.

Các tôn giáo độc thần phần lớn có nguồn gốc ngoại sinh, được dân tộc hoá ở những mức độ khác nhau.

Phân loại tôn giáo theo tiêu chí đối tượng thờ cúng cũng là lựa chọn của một số nhà nghiên cứu về tôn giáo Việt Nam. Chẳng hạn, theo nhà văn hoá dân gian Ngô Đức Thịnh (Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, 2012: 13), tín ngưỡng dân gian Việt Nam bao gồm 5 loại: (1) Thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia), tô tem giáo. (2) Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. (3) Tín ngưỡng vòng đời người: nghi lễ sinh đẻ (thờ Bà mụ…), nghi lễ cưới xin (thờ ông Tơ, bà Nguyệt…), thờ thần bản mệnh, tang ma và thờ cúng người chết. (4) Tín ngưỡng nghề nghiệp: tín ngưỡng nông nghiệp (nghi lễ phồn thực, Tứ pháp, thần Nông…), thờ Thánh sư (tổ nghề thủ công), thờ Thần tài (nghề buôn), các tín ngưỡng của ngư dân (thờ cá Ông, thờ Cô Bác…). (5) Tín ngưỡng thờ Thần (đạo thờ Thần): đạo Mẫu, Đức Thánh Trần, Tứ Bất Tử, thờ các anh hùng dân tộc.

(còn tiếp)

GVC.TS. Lý Tùng Hiếu
(Trích Thời sự Thần học, số 64, tháng 5/2014, tr. 187-211)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...