Từ Tam Tài học thuyết hợp tụ đến Kitô giáo, đạo của tương lai

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 3460 | Cật nhập lần cuối: 10/21/2016 11:02:49 AM | RSS

Từ Tam Tài học thuyết hợp tụ đến Kitô giáo, đạo của tương laiNgay từ những thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của Platon thuyết, với sự gia nhập của một số nhà trí thức được nhào luyện trong thứ tư tưởng đó. Học thuyết Platon chủ trương trần gian là phản ảnh của Siêu việt, dù đây là thứ ảo phản ảnh. Để phản ảnh siêu việt, mỗi sự vật chỉ phản ảnh được một phần, một khía cạnh vô cùng nhỏ bé, cho nên phải một số vô cùng lớn sự vật mới giãi sáng (mà cũng là che mờ) hết Siêu việt và Hằng tại. Do đó, rốt cuộc chỉ có Thiên, cái siêu việt và hằng tại, còn sự vật (Địa và con người hiện tượng) không đáng kể, biến cố lịch sử không quan trọng.

Cũng ngay từ thời đầu, Kitô giáo đã phần nào lây bệnh của các tôn giáo xung quanh, "tôn giáo huyền lễ", hay là religions à mystères. Các tôn giáo này chủ trương Hằng tại đã tiềm tàng trong hiện tại, và bằng một thứ nghi lễ bí mật diện lại công việc của thần thánh, thì lập tức công việc ấy thành là của bây giờ, và hằng tại thần thánh hiển lộ nơi đây. Cũng do đó mà Thiên chiếm hết chỗ của Địa, thần thánh chiếm hết chỗ của con người, và Hằng tại xóa mất lịch sử.

Tiếp đến là tác động của Manikê thuyết, vốn nguồn gốc Ba tư, cũng mang tới Giáo hội sự phân biệt quá đáng giữa thiêng liêng và vật chất, càng khiến chúng ta xa Địa và khinh rẻ trần gian. Thái độ khinh rẻ trần gian và thể xác trở thành trầm trọng nhất trong thời Trung cổ, suốt cho đến gần đây.

Cho đến gần đây, thần học và sống đạo Kitô giáo vẫn còn khó khăn trong việc hòa hợp đạo với đời, thiêng và tục. Và phản ứng ngày nay chống lại sự khinh rẻ thế tục đã đưa tới một dấn thân đến quên rằng mình thuộc Chúa Kitô, đi vào Địa đến từ chối cả Thiên vì yêu Địa.

Trong một bối cảnh trí thức như thế, sự làm quen với học thuyết Tam Tài hợp tự quả là một cứu vãn đối với chúng ta. Cái Nhân "âm dương chi giao, ngũ hành chi tú khí" và "quỷ thần chi hội" quả giúp ta đào sâu vào mầu nhiệm sáng tạo, nhất là mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh.

Quả thực, Thiên của chúng ta không thay thế sự vật (Địa), cũng không phải chỉ phản ảnh trên sự vật, mà đã thành vật vật chất (thành thịt), thành con người giữa hết mọi người.

Phải, Thiên Chúa đã đến, đã chết đi và sống lại hầu hợp lại những gì đã phân ly. Hà cớ sao ngày nay còn quá chia cách giữa Trời với Đất, giữa linh và chất, giữa tâm và vật, giữa khách và chủ, giữa đạo và đời, giữa thiêng liêng và thế tục?

Sự hợp tụ mà hiền triết Phương Đông đã sống thực là quý hóa. Nhưng để đưa nó tới sự hoàn mỹ và siêu thăng, thần thánh, vượt trên mọi khả năng suy tưởng của con người, thì chỉ có Thiên Chúa thành người, qua mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Ngài, mới thực hiện nổi cho chúng ta, cho tất cả mà thôi. Nếu quả thực Phương Đông không thấy cái gì hơn, cái gì "vượt xa" nơi Kitô giáo, thì hoặc vì họ chưa tìm hiểu đến nơi đến chốn, hoặc vì họ chưa thấy dấu chứng (témoignage, martyr) nơi Giáo hội hữu hình, nơi những người mang danh "chứng nhân" (mọi kẻ tin) là chính chúng ta đây. Hoặc vì chúng ta đã không sống thánh thiện để Thiên Chúa hiện ra trong đời sống ta. Hoặc vì chúng ta đã sống không nhập thế, nên trở thành xa lạ với đồng bào của chúng ta.

***

Dù sao chăng nữa, đứng trước Kitô giáo, Tam Tài thuyết còn có những thiết sót, và cần đến Kitô giáo, vừa để bổ túc cho, vừa nâng, thăng, siêu độ cho.

Trước hết, Tam Tài thuyết chưa đặt vấn đề con người tự nhiên và siêu nhiên. Hiền triết Phương Đông có thể được mạc khải, và sống trong ân sủng siêu nhiên, nhưng đó là nhờ Chúa Kitô: "Ngoài Chúa Kitô, không có cứu độ". Phải, chỉ có con người siêu nhiên khi đó là con người thành một với Chúa Kitô, được Kitô hóa do ân sủng của Ngài. Con người siêu nhiên ấy mới là công dân của Nước Trời siêu nhiên, mai ngày thành Trời mới Đất mới, không còn là cái Địa tầm thường này nữa.

Con người của Tam Tài thuyết cũng chưa nếm cái nhục làm tôi mọi cho Tội và Sự Chết. Và do đó, nó là con người kiểu mẫu, con người Proton, chứ không phải con người hiện sinh của Việt Nam và Trung Quốc, từ bao xưa sống đói khát, chịu hà hiếp và bóc lột, từ bao xưa vẫn sống xa mẫu người quân tử dù tôn kính nó. Con người thực của chúng ta đã là con trâu bị cột, bất lực trước một gánh cỏ non tươi, tuy phơi bày trước mắt mà xa xôi cửa miệng.

Con người thật của Trung Quốc và Việt Nam, tuy nhìn ra cái Nhân cao đẹp của Proton, nhưng không có con đò ngang của Thánh giá và Phục sinh Chúa Kitô để có thể vượt đến cái mẫu người "quỷ thần chi hội" đáng lẽ phải là Escanton, tức của tương lai, chứ không phải của ban đầu, không phải của vườn Eden, của Hoàng kim thời đại, của thời đại Toàn tạo (Ấn Độ) và Đế trị (Trung Quốc).

Chính nhờ biến cố kép của Đấng mà nơi mình quả thực có Thiên Địa Nhân hợp tụ này, mà thời gian có một hướng đi, thực tại mang một ý nghĩa. Con người tin trong hy vọng, hướng về ngày Chúa đến, là con người sống hết mình cái hiện tại này, nhưng không bằng lòng với hiện tại, vì thấy hiện tại, dù tiến đến đâu, vẫn còn xa vời một vực một trời với cái xã hội và đời sống lý tưởng của tương lai cuối cùng, tương lai cánh chung. Cho nên, hắn đối nghịch với hiện tại trong một thứ biện chứng nó kích hắn vọt tới luôn luôn về Ngày Chúa trở lại, ngày Chúa thiết lập Vương quyền trên toàn thể sự vật và giống người. Do đó, kẻ tin thật cũng là người thật yêu tiến bộ. Kẻ tin thật là người thực lòng xây dựng trần gian (chứ không xuất thế) mà vẫn siêu thoát đối với trần gian. Phải, tương lai của loài người lại vượt trên loài người, tương lai của trái đất là siêu trái đất, và tương lai của lịch sử là Hằng tại siêu lịch sử.

Phải, tuy thực hiện trong thời gian mà tiến trình cứu độ vẫn khác biệt với lịch sử trần gian.

Nếu tất cả các quan niệm trần tục về lịch sử đều không phù hợp với tiến trình cứu độ. Quan niệm "lịch sử luân hồi", tức "Retour éternel", khiến lịch sử không hứa hẹn gì mới mẻ cho tương lai, quan niệm ấy vốn nghịch với Đạo vốn là của hy vọng và tương lai, một tương lao cuối cùng hoàn toàn mới mẻ, một thứ "sáng tạo từ hư vô" nhờ vào cái Chết và Phục sinh của Chúa Kitô. Quan niệm lịch sử đường thẳng, tuần tự như tiến trong thời gian, với sự tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tổ chức xã hội, được coi như đang xây đắp dần tương lai cuối cùng, hạnh phúc sung mãn của nhân loại, quan niệm ấy cũng không phù hợp với tiến trình cứu độ vốn đi qua chặng đường Thánh giá cần thiết, và tiến trình xây dựng một "Vương quốc của Ta không thuộc trần gian".

Quả thực, thời đại cánh chung là thời đại của chúng ta, kể từ khi Chúa đã phục sinh, và tương lai cánh chung ở ngay tại đây, lúc này, nhưng phía trước, liền ngay phía trước. Cái điểm tới cuối cùng còn gần hơn hay gần kém là tùy ở cách sống của mỗi người và mỗi xã hội. Với luật gia biết trả lời: "Luật (Maisen) quy về yêu Chúa yêu người", Chúa đã tuyên bố: "Anh không còn xa nước Thiên Chúa đâu!".

Hoàng Sỹ Quý
Trích "Thuyết Tam Tài và mẫu người Kitô giáo".
Tài liệu nghiên cứu nội bộ tu sĩ, tr. 30-33

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...