Ủy Ban BAXH-HĐGMVN: Chuyến đi đến với người nghèo tại Ninh Bình

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 2984 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Hay tin khoảng 9 giờ ngày 29/4/2012 tại mỏ than Đầm Bùn do Công ty Sinh Phát Lộc khai thác trên địa bàn xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình xảy ra tai nạn làm 4 công nhân bị thiệt mạng, ngày 04/5/2012 Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Hội Đồng Giám Mục Viêt Nam và Ban Bác Xã Hội giáo phận Phát Diệm đã đến thăm và chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

Đoàn gồm có: Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến - nguyên Giám mục giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch UBBAX-HĐGMVN - trưởng đoàn; Cha Antôn Nguyễn Tâm Tư - Trưởng Ban BAXH giáo phận Phát Diệm; Cha Giuse Lê Đức Năng - quản hạt Vô Hốt, giáo phận Phát Diệm; và Cha Phaolô Nguyễn Xuân An.
 

8 giờ sáng chúng tôi có mặt ở Nhà Thờ Vô Hốt (Thị trấn Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể khởi hành vì mặc dù đã có địa chỉ các gia đình nạn nhân nhưng 3 gia đình nạn nhân họ Bùi thuộc xã Phúc Tuy, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm ngoài tầm biết của chúng tôi nên cần phải xác định rõ “tọa độ”. Chính vì thế, trước đó Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã tìm hiểu kỹ trên bản đồ, cẩn thận vẽ lại, và xác định hành trình.


Ủy Ban BAXH-HĐGMVN: Chuyến đi đến với người nghèo tại Ninh Bình

 

Sau một giờ bàn bạc, liên lạc, hỏi thăm và xác định “tọa độ”, đoàn khởi hành. Trên đường đến thăm gia đình anh Phạm Văn Hồng ở thôn Bãi Lóng xã Thạch Bình huyện Nho Quan (Ninh Bình), đoàn ghé thăm Nhà thờ Lạc Bình đang xây dựng, thuộc quyền cha Giuse Lê Đức Năng. Đây là công trình do cả giáo phận chung tay góp sức, tiến độ thi công khá nhanh. Cứ đà này, không bao lâu nữa giáo phận Phát Diệm có thêm một nhà thờ mới. Rảo một vòng quanh công trình, đoàn lên xe tiếp tục hành trình theo sự hướng dẫn của một giáo dân xứ Lạc Bình.


Ủy Ban BAXH-HĐGMVN: Chuyến đi đến với người nghèo tại Ninh Bình


Xe chúng tôi phải đi qua một quãng đường mà hai bên là rừng thông xanh với đồi và thung lũng, lâu lâu mới có một ngôi nhà. Có đoạn đường dường như qua thung lũng, nên mất vài km không có sóng điện thoại. Nhờ có người bản xứ dẫn đường nên chúng tôi không khó khăn để đến nhà anh Hồng. Đó là ngôi nhà vừa xây chưa kịp hồ áo, nằm cách mặt đường không xa. Tuy đã đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng từ những hôm trước, nhưng bà con thân thuộc vẫn còn ở lại để làm lễ cho anh và chia sẻ với gia đình anh.

Sau khi tự giới thiệu là phái đoàn UBBAXH thộc HĐGMVN, Đức Cha Phó Chủ tịch UBBAXH-HĐGMVN đã thay mặt đoàn ân cần thăm hỏi, phân ưu, và chuyển tới gia đình món quà 10 triệu đồng, được trích từ quỹ Dự phòng chống thiên tai của UBBAXH-HĐGMVN. Thắp nén hương kính viếng người quá cố, từ giã mọi người, đoàn tiếp tục hành trình.

Rời gia đình anh Hồng lúc 10 giờ 15, khi mặt trời đã lên cao, thiêu đốt cả một miền rộng lớn, làm cho không khí oi ả, nhiệt độ lên tới 42 C khiến cho ngày hôm nay và mấy ngày trước trở thành cao điểm của mùa hè mà Bản tin Dự báo thời tiết đã cho biết: hiện tượng 50 năm mới gặp lại. Chiếc xe bảy chỗ lao đi dưới ánh nắng chói chang, để lại phía sau là những cánh đồng ngô bị héo khô vì nắng.
 

Ủy Ban BAXH-HĐGMVN: Chuyến đi đến với người nghèo tại Ninh Bình


Chúng tôi dừng lại ven đường để dùng bữa trưa tại gia đình một giáo dân quảng đại. Tranh thủ giờ giải lao chúng tôi hỏi đường bằng cách liên lạc với những người ở trong huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa bình), gần với các gia đình nạn nhân nhất.

Bây giờ “hoa tiêu” của chúng tôi là ông Chánh trương giáo xứ Di Dân (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) thuộc hạt Vô Hốt, giáo phận phát Diệm. Xứ Di Dân cách thị trấn Nho Quan chừng 30 km. Con đường mà chúng tôi phải đi là quốc lộ 12B, đã xuống cấp, đang chờ để cải tạo và nâng cấp. Vì thế xe chúng tôi không thể đi nhanh được. Vượt qua thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn, Hòa Bình), đến ngã ba Xuất Hóa chúng tôi đón thêm hai thành viên nữa, đó là thầy Phó tế đang giúp xứ Mường Riệc và ông chánh trương của giáo xứ. Từ đây, trên chiếc xe Wave, họ là “hoa tiêu” của đoàn. Vì không phải là “thổ công” nên chốc chốc “hoa tiêu” lại phải dừng xe để hỏi thăm.  

 

Bò qua chặng đường bằng đất đồi, ngập nghềnh, khúc khuỷu và gian nan, chiếc xe liên tục nghiêng ngả, buộc mọi người phải bám chặt vào thành xe vì lắc lư. Cuối cùng chúng tôi cũng thở phào vì đã tới được gia đình nạn nhân thứ hai: anh Bùi Văn Chửng (1986).


Căn nhà sàn của gia đình anh Chửng làm trên đồi, cách đường không xa. Anh ra đi để lại người vợ trẻ và hai con nhỏ. Cháu lớn 5 tuổi, và cháu bé 3 tháng tuổi. Mặc dù các gia đình ở đây là dân tộc Mường, biết nói tiếng Kinh, nhưng thầy Phó tế vẫn giới thiệu chúng tôi với những người hiện diện bằng tiếng dân tộc. Đức Cha Giuse thay mặt đoàn thăm hỏi, phân ưu, chia sẻ với gia quyến và chuyển món quà 10 triệu đồng của UBBAXH - HĐGMVN. Sau đó, đoàn lên trên nhà thắp hương, kính viếng người quá cố, rồi từ biệt mọi người để tiếp tục hành trình đến thăm hai gia đình còn lại.


Nhờ hỏi thăm, chúng tôi được biết gia đình anh Bùi Văn Thức và gia đình anh Bùi Văn Quý ở cùng làng này, cách đó không xa. Lúc này, trên xe có thêm một người nữa để dẫn đường. Ông giới thiệu mình là người thân của cả ba nạn nhân họ Bùi. Họ là cháu nội, cháu ngoại và cháu rể của ông. Xe tiếp tục lên dốc, đường đất gập gềnh và khó đi. Phải là một chiếc xe khỏe với một tài xế cừ thì mới có thể vượt qua được con đường này. Tuy chiếc xe thuộc loại gầm cao, nhưng cũng phải chấp nhận bị chạm gầm mấy lần, dù bác tài đã rất cẩn thận lùi lại, tiến lên để chọn cách xử lý an toàn nhất. Thấy chúng tôi ái ngại, người dẫn đường chấn an: “Đường này mới sửa, được thế này là khá lắm rồi đấy. Trước kia, có nhiều chỗ cả xe máy cũng phải khiêng”. Chúng tôi hỏi: “vậy xe ôtô ra vào thế nào?” Ông trả lời: “xe này là đầu tiên”. “Thế hôm đưa các nạn nhân về bằng cách nào?” “Taxi một một!” Tôi hiểu ông muốn nói là mỗi xe chở một nạn nhân, nhưng khó hình dung với xe 4 chỗ, gầm thấp có thể đưa nạn nhân về tận nhà như thế nào.

Loay hoay vượt qua đoạn đường khó, bác tài dừng xe để chúng tôi vào thăm gia đình anh Bùi Văn Thức (1989). Xuống xe, tôi ngỡ ngàng về con đường: dốc và gồ ghề thế này mà bác tài lên được, quả là “tài”!


Lối đi nhỏ, bằng đất, dốc, và hầu như không có bậc, dẫn chúng tôi lên đồi. “Xóm” nhỏ này có bốn gia đình. Gia đình anh Thức ở cuối lối mòn, nơi cao nhất. Đó là căn nhà sàn, bằng gỗ, và sân là nền đất. Chọn nơi có bóng mát, gia đình kê tạm 2 chiếc bàn để tiếp chúng tôi. Sau khi thầy Phó tế giới thiệu, Đức Cha Giuse ân cần thăm hỏi, phân ưu và trao cho gia đình món quà 10 triệu đồng của UBBAXH – HĐGMVN. Vợ anh Thức mang áo tang màu trắng cùng với hai cháu nhỏ không xuống tiếp chuyện, nhưng đứng bên cửa sổ “trên nhà” nhìn xuống như quan sát. Ngay cả khi đoàn lên nhà để thắp hương kính viếng anh, chị và hai cháu vẫn là người đứng xa xa. Bàn thờ của anh được làm đơn giản, không có di ảnh. Khi mấy người cho chúng tôi xem ảnh anh chụp chung với gia đình và bạn bè, chị Thức đã không cầm được lòng mình, nước mắt tuôn rơi.

Trên lối mòn trở lại xe để đi tiếp, tôi tự hỏi: những ngày trời mưa, các gia đình ở đây có đi ra ngoài không? Và họ đi bằng cách nào?


Người dẫn đường cho chúng tôi biết nhà anh Bùi Văn Quý (1989) ở cách đây không xa. Tuy nhiên, chiếc xe cũng phải vất vả lắm mới có thể “bò” tới được gần nhà anh. Đó là căn nhà được làm nơi heo hút, cuối con đường nhỏ, xa láng giềng. Người dẫn đường kể: “căn nhà này anh Quý mới dựng. Chính anh đã bỏ công sức đập và phá đá để tạo mặt bằng dựng nhà”. Nếu như gia đình anh Chửng, anh Thức có nơi dành riêng đun nấu, thì gia đình anh Quý vẫn còn “giữ được truyền thống” với cái bếp ở trên nhà. Phải để ý mới thấy bên cạnh bếp có mấy kẹp cá khô. Trên bếp có một gác nhỏ để mấy củ sắn khô. Căn nhà trống trải, không có buồng, chẳng có kho, và cũng không có tủ.

Trong khi những người thân của anh Quý tiếp chúng tôi ở trên nhà, vợ anh Quý không mặc áo tang ngồi ở xa bên cửa sổ, lặng lẽ cho cháu bé 3 tuổi uống sữa. Cùng với lời thăm hỏi, động viên, Đức Cha Giuse trao cho gia đình 10 triệu đồng của UBBAXH – HĐGMVN, sau đó thắp hương kính viếng người quá cố. Bàn thờ của anh bày đơn giản, sát với mái nhà bằng phi-bờ-rô-xi-măng. Có người giải thích: lợp nhà bằng chất liệu này tuy nóng, nhưng an toàn, không cháy. Sau này tôi còn biết thêm một lý do nữa: vì cọ rất đắt.

Từ giã gia đình anh Quý, chúng tôi ra xe trở về, lúc này là 15 giờ, trời vẫn nắng như đổ lửa. Những người ở đây tiễn chúng tôi bằng những ánh mắt nhìn qua ô cửa sổ. Họ chỉ cho chúng tôi con đường khác để về, “gần hơn, dễ đi hơn, chỉ khoảng một cây số là tới đường Hồ Chí Minh”. Nghe vậy, chúng tôi mừng lắm. Nhưng có đi mới biết một cây số của bà con ở đây nó dài bao nhiêu, đi mãi mà chưa hết con đường đất, chưa thấy đường Hồ Chí Minh. Cuối cùng, ai nấy trong chúng tôi đều vui mừng vì con đường trải nhựa hiện ra trước mặt. Nhưng, đó không phải là đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi thầm nghĩ rằng: hình như với bà con ở đây cứ đường trải nhựa là đường Hồ Chí Minh?!


Thầy Phó tế và ông chánh trương xứ Mường Riệc lại tiếp tục làm “hoa tiêu” cho tới ngã ba Xuất Hóa thì chia tay chúng tôi. Vẫn là con đường 12B xuống cấp, khó đi, nhưng ai nấy không còn ái ngại nữa, phần vì chúng tôi đã hoàn thành hành trình, phần vì cảm thông với sự nghèo khó và tang thương của các gia đình, và nhận thấy mình vừa làm được một việc ý nghĩa. Chúng tôi có chung một thắc mắc và cũng là trăn trở: vào mùa đông giá buốt, với cái rét căm căm như cắt vào da thịt, những gia đình này - đặc biệt là gia đình anh Quý - sẽ làm gì để chống lại khi căn nhà quá trống trải? Đây là một trong các lý do để “cái bếp” tồn tại trên nhà của gia đình anh.

Sau khi đưa ông chánh trương xứ Di Dân về nơi đã xuất phát, nhờ cha quản hạt Vô Hốt chỉ đường, xe chúng tôi tránh được phần còn lại của đoạn đường 12B, về tới Vô Hốt lúc 17 giờ. Từ Phúc Tuy về Vô Hốt khoảng 60 km, nhưng chúng tôi phải mất 120 phút cho hành trình.

Đức Cha Giuse chia tay chúng tôi. Ngài trở về Sở Kiện, chúng tôi xuôi về Phát Diệm, kết thúc một ngày trọn cho hành trình bác ái, đến với gia đình các nạn nhân. Có đi, tôi mới hiểu thế nào là làm bác ái. Có đi, tôi mới biết được còn rất nhiều hoàn cảnh cần được nâng đỡ, xẻ chia; còn rất nhiều cuộc đời chưa biết ngày mai sẽ dựa vào đâu để đứng lên. Nhờ chuyến đi tôi mới thấy rằng cánh đồng truyền giáo rộng lớn, cần nhiều nhà truyền giáo, và việc truyền giáo cũng đầy những khó khăn. Cần nhiều lắm những tấm lòng quảng đại, những vòng tay dang rộng, những bàn tay mở ra để chia xẻ và nâng đỡ anh chị em mình.


Phát Diệm, ngày 7/5/2012
LM. Paul Nguyễn Xuân An

Nguồn: caritasvietnam.org

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...