Vị Hoàng Đế

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 621 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Vị hoàng đế nước đó là một vị anh quân tốt lành và đầy khôn ngoan, trị nước rất khéo léo. Hồi còn thanh xuân, ngài đã sống một cuộc đời bôn ba mạo hiểm, ba chìm bảy nổi. Người ta còn thuật lại những hành vi hung hãn, tàn bạo của ngài thời đó. Nhưng từ ngày lên ngôi báu, ngài đã thay đổi hẳn nếp sống, và người ta chỉ thấy toàn những điều tốt nơi ngài. Nhưng khi mất cái thú ưa mạo hiểm, ngài cũng mất luôn cả niềm vui. Từ ngày đăng quang, không một ai thấy ngài mỉm cười bao giờ.


Một hôm, nhà vua tới hang đá vị ẩn sĩ, mang theo vài người hộ giá. Tới nơi, họ dựng lên cho nhà vua một cái lều kết bằng thân cây cách hang đá một quãng. Trong lều xếp một lớp lá khô làm nệm, trên trải tấm áo khoác của nhà vua. Góc lều để một số thực phẩm dự trữ. Tự tay nhà vua đóng lên vách một tượng Thánh Giá bằng ngà. Xong xuôi, nhà vua đã cho họ ra về, còn ngài ở lại trên núi một mình.


Chiều đến, ngài đi về phía hang đá.

- Thưa cha, nhà vua lên tiếng, ý trẫm muốn sống một thời gian trong cô tịch. Trẫm muốn ăn chay cầu nguyện như cha. Nhớ lại những lỗi lầm trẫm đã phạm hồi còn trai tráng, trẫm thấy lương tâm cắn rứt. Trẫm thèm khát một sự bình an, trẫm đi tìm nó giữa loài người nhưng không được. Có lẽ nơi đây trẫm sẽ tìm thấy.


- Muôn tâu Đức Vua, ở đây cũng không hơn gì nơi khác, nhưng bình an phải ở tự trong lòng người.


- Phải rồi, cha nói có lẽ đúng, nhà vua vừa nói vừa ngắm nhìn gương mặt vị ẩn sĩ khả kính. A, trẫm sẵn sàng trả bất cứ giá nào để trẫm cũng được bình an. Dù có phải nhường lại một nữa ngai vàng cũng cam.


- Bình an không thể mua bằng tiền tài! Cho dù cả một quốc gia cũng không thể đánh đổi được, ẩn sĩ trả lời.


Nhà vua không hỏi thêm điều gì nữa, ngài trở về lều với một vẻ trầm ngâm.

Đêm ấy và cả những đêm sau nữa, ẩn sĩ nghe thấy nhà vua trằn trọc hàng giờ trên nệm lá, lẩm nhẩm đọc kinh xen lẫn với lời nài van khẩn thiết thốt ra tự đáy lòng thống hối.


Ban ngày nhà vua đi lang thang trong rừng, chỉ ăn một chút lương khô, quả dại và uống nước suối từ những mỏm đá phun ra. Chiều đến, ngài trở về lều mệt mỏi và cũng vẫn chán nản như buổi sáng lúc ra đi. Ngài ném mình xuống ổ lá, nhưng giấc ngủ vẫn lẩn trốn ngài như mọi đêm trước.


Một buổi chiều ngài trở lại gặp ẩn sĩ. Ngài nói :

- Xin cha nghe lời thú tội của trẫm.


Rồi không đợi trả lời, nhà vua quỳ gối, mắt nhìn xuống đất bắt đầu thú tội. Chắc chắc là những tội rất nặng! Vì hơn một lần ẩn sĩ vô tình đưa tay lên làm dấu Thánh Giá. Từ lâu sống trong cô tịch, ẩn sĩ đã quên những vực thẳm vô tình, của tàn bạo và hận thù mà con người có thể rơi vào. Ông phải choáng váng và không còn lấy làm lạ tại sao nhà vua ban ngày không được nghỉ ngơi, và phải trằn trọc thâu đêm.


- Thưa cha, nhà vua nói sau khi đã thú tội xong, dám xin cha tha thứ tội lỗi, và ban phép cho trẫm quên được những lỗi lầm đã phạm. Đó là điều mà không một linh mục nào trong nước, sau khi đã thử làm mà được thành công.


Nhà vua càng cúi thấp xuống chờ đợi lời xá tội.


Nhưng ẩn sĩ làm thinh.


Bây giờ nhà vua khẩn khoản nài van. Ngài hứa sẽ làm tất cả những gì ẩn sĩ dạy. Ngài sẽ hạ mình xuống dù đến mức nào cũng được. Ngài sẽ hy sinh tất cả những gì ngài có, miễn sao được giải thoát khỏi ách tội lỗi.


Sau cùng ẩn sĩ cất tiếng :

- Tâu Bệ Hạ, không một người phàm nào có quyền tha tội cho Bệ Hạ, và cũng không ai có quyền cho phép Bệ hạ quên được hết tội lỗi, chỉ duy một mình Thiên Chúa có quyền đó mà thôi.


- Nhưng trẫm không nghe thấy Thiên Chúa, trẫm đã kêu van hết lời mà Người vẫn làm thinh không đáp lại.


- Tiếng nói của Thiên Chúa chỉ có thể nghe được trong thinh lặng. Nhà vua đã hy vọng là trong sa mạc sẽ nghe được tiếng Người. Nhưng thinh lặng phải ở ngay tự trong lòng chúng ta. Bệ Hạ có thể cùng vua David nhắc lại câu này : “Lạy Chúa, ngày ngày con kêu lên Chúa, mà Chúa không đáp lời con; đêm đêm con van nài, mà chẳng được ngơi nghỉ. Con kêu van hầu đã kiệt sức, miệng lưỡi con khô se. Và cũng xin nói điều này nữa : “con đã giữ lặng thinh, dù con khốn cùng khốn sở, con cũng không thốt ra lời”. Khi ấy có lẽ bệ hạ mới có thể nghe được tiếng Người, một tiếng nói không ở trong bão lốc nhưng ở trong tiếng thì thào êm dịu của cơn gió nhẹ. Và có lẽ nhà vua cũng mới có thể sung sướng mà kêu lên cùng vua David rằng : “Khi con kêu cầu, Chúa đã đáp lời con!”.


Vẻ suy tư, nhà vua đứng dậy cáo từ trở lại căn lều tranh.


Những tuần lễ lặng lẽ trôi qua. Cũng như trước, mỗi sáng nhà vua lại đi lang thang trong rừng và mỗi chiều ngài lại trở về lều, lả đi vì mệt… nhưng cái nhìn của ngài không còn là cái nhìn của một người tuyệt vọng, những nét trên gương mặt đã mất vẻ cứng cỏi. Và ban đêm ngài đã ngủ được.


Rồi một sớm tinh mơ, đạo sĩ thấy nhà vua đến trước cửa hang, từ giã để lên đường.


- Thưa cha, nhà vua lên tiếng, cha nói đúng. Trong sự khôn ngoan hạn hẹp, chúng ta chỉ biết kêu gọi liên lỉ mà không biết lắng nghe. Giờ đây trẫm đã nghe được tiếng Chúa trong thầm lặng và trẫm còn nghe thấy nữa. Nhưng đó không phải như tiếng loài người. Trẫm chỉ nhận thấy như một cảm xúc êm dịu là lỗi lầm của trẫm được tha thứ. Như thế có phải đúng như cha muốn nói không?


- Không phải ai ai cũng nghe thấy tiếng Chúa như nhau. Bệ hạ cảm biết như thế là đủ.


- Trẫm cũng thấy như thế là đủ rồi. Trẫm đã được giải thoát khỏi tội, và có thể quên được rồi. Giờ đây trẫm lại trở về với nhiệm vụ để cai trị quốc gia. Và lần đầu tiên, ẩn sĩ thấy nhà vua mỉm cười một nụ cười trong sáng và tươi vui của một người đã được cái họ tha thiết ước mong.

*

* *

Nhiều năm trôi qua, nhà vua trở lại tìm ẩn sĩ.


Cũng như lần đầu, nhà vua leo lên con đường dốc chênh vênh, với vài tên cận vệ. Họ sửa sang lại túp lều đã hư nát cho nhà vua, rồi trở ra về. Đến chiều tối, cũng như lần trước, nhà vua lần tới hang đá.


- Thưa cha, vua lên tiếng, trẫm mệt mỏi hầu chết được. Không ai có thể biết được những điều một ông vua phải chịu đựng, những gánh nặng ông vua phải vác. Mọi sự : công việc, lo âu, phiền muộn đối với người thường chỉ có một phần, thì đối với người cầm quyền trị nước, nó còn tăng lên gấp đôi. Linh hồn trẫm bị gánh nặng đè lên hầu bẹp, chẳng bao lâu trẫm sẽ kiệt sức.


Ẩn sĩ không trả lời. Ông đăm đăm nhìn nhà vua vẫn tiếp tục nói :

- Không bao giờ trẫm quên được thời kỳ còn ở đây trong cô tịch, cùng với sự bình an trong tâm hồn. Trẫm muốn lại được lưu lại đây ít lâu. Có lẽ Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu xin tha thiết của trẫm mà cất gánh nặng đi, nếu không được tất cả thì ít là một phần, để trẫm lại có thể chỗi dậy mà tiếp tục dấn bước.


- Tâu Bệ Hạ, khi chúng ta phàn nàn với Thiên Chúa về gánh nặng của mình, thì cách đáp ứng tốt nhất của Người không phải là cất gánh đi.


- Thật vậy sao? Tuy nhiên trẫm cũng bằng lòng được Người đáp ứng như vậy, cho dù đó không phải là cách đáp ứng tốt nhất.


- Có lẽ Bệ Hạ sẽ bằng lòng, nhưng không lâu sau Bệ Hạ cũng sẽ nhận thấy là cách đáp ứng đó không giống như trước và rồi Bệ Hạ lại khao khát một cái gì khác.


- Cha thật là một người kỳ lạ, nhà vua nói. Nhưng xin hãy cho trẫm biết, theo ý cha, cách Thiên Chúa đáp ứng hay nhất là gì?


- Là Thiên Chúa dang bàn tay quyền năng của Người trên chúng ta và tăng cường đôi vai chúng ta để gánh nặng không còn quá nặng với chúng ta nữa. Bàn tay Ngài nắn lại lưng đã cong của chúng ta để mặc dầu sức nặng vẫn đè xuống, nhưng chúng ta vẫn có thể cất cao đầu mà tiến bước : đó là cách đáp ứng tốt nhất.


- Cha nói có lý : nhà vua trả lời với vẻ suy tư. Cách đáp ứng đó, thật ra, có thể so sánh với cách Thiên Chúa đã đáp ứng trẫm lần đầu tiên.


Nhà vua yên lặng giây lâu sau, rồi lại hỏi :

- Làm sao con người có thể nhận biết là bàn tay Chúa dang trên họ?


- Thiên Chúa không bó buộc ai, vị ẩn sĩ già trả lời. Bao lâu con người còn giẫy giụa và còn chiến đấu, bấy lâu họ chưa thể nhận biết được điều đó. Cần phải giữa yên lặng nội tâm để lắng nghe Lời Chúa, phải ngưng chiến đấu để biết chờ đợi sự trợ giúp, để cảm thấy bàn tay uy quyền của Thiên Chúa dang ra trên họ.


Nhà vua thôi không hỏi nữa, quay trở về lều với một vẻ suy nghĩ. Ngài sống đời cô tịch, và lần này, với thời gian qua đi, ngài thay đổi hẳn. Những buổi đi dạo trong rừng không còn là một sự lẩn tránh từ nơi này đến nơi nọ. Bây giờ nhà vua đã có thể dừng lại giây lâu để ngắm dòng suối quanh co róc rách, một bông hoa hay bụi cây bám vào kẽ đá để kiếm một chút mầu mỡ, hay ngắm một con chim tha mồi về tổ. Và lúc đi dạo, đôi khi ngài còn mỉm cười.


Thời gian thấm thoát trôi qua, nhiều tuần, rồi nhiều tháng, cho đến một buổi sáng kia, nhà vua nai nịt gọn ghẽ, đến trước hang đá, từ giã ẩn sĩ để lại lên đường.


- Thưa cha, một lần nữa cha lại có lý. Trong thời gian vừa qua, trẫm sống trong chờ đợi. Toàn thể thiên nhiên đã nói với trẫm : “Đấng hằng năm vẫn làm cho sa mạc hồi xuân, xanh tốt và làm cho các thú vật được sinh sôi, cũng mang sức mạnh của đời sống lại cho nhà vua”. Quả thật Thiên Chúa đã dang bàn tay của người trên trẫm. Trẫm sẽ trở lại sống với loài người. Những ưu tư, phiền muộn, công việc bộn bề đang chờ đợi trẫm. Mọi chuyện sẽ vẫn như cũ, tuy nhiên cũng lại khác xưa. Lưng trẫm đã được uốn thẳng và đôi vai có thể vác nặng được.


- Phải rồi, chúng sẽ có thể mang nổi gánh nặng, ẩn sĩ xác nhận.


- Những thù địch của trẫm vẫn tiếp tục từ phía đông phía tây dồn dập kéo đến. Nhưng từ nay cánh tay trẫm sẽ đủ sức cầm gươm.


- Chắc chắn như vậy, ẩn sĩ xác nhận.

- Phận sự của một quân vương thật lớn lao, nhà vua nói tiếp, là duy trì công lý và bình an trong nước, trừng phạt và chống lại điều ác, khuyến khích điều thiện, là làm thế nào cho mỗi công dân có thể sống an bình và đạt được công lý. Cha có tin rằng trẫm sẽ chu toàn được phận sự đó không?

Đạo sĩ lắc đầu trả lời :


- Tâu Bệ Hạ, công việc mà Bệ hạ vừa nói đó không phải là phận sự của duy một người. Nó lưu truyền qua mọi thế hệ. Nó đã khởi sự từ trước khi Bệ Hạ ra đời, và khi mãn phần, Bệ hạ sẽ truyền nó lại cho người kế nghiệp. Nhưng nếu Bệ Hạ làm cho công việc đó thực hiện mau chóng hơn; thì là đầy đủ bổn phận rồi.


- Trẫm thấy thế làm đủ, nhà vua lặp lại.


Rồi ngài xuống núi. Ẩn sĩ để ý thấy dáng đi của nhà vua quả quyết và nhẹ nhàng như dáng đi của một thanh niên. Mắt ngài không nhìn xuống đất nhưng nhìn xa về phía trước để tiến bước.

* * *

Vài năm sau, nhà vua đau nặng. Biết là không qua khỏi, nhà vua sai sứ giả đến triệu ẩn sĩ vào cung. Ẩn sĩ chống gậy xuống núi. Đi qua đâu cũng thấy dân chúng lo lắng buồn bã, xầm xì về cái tin nhà vua sắp băng hà. Người ta thắp nhiều nến để cầu nguyện cho nhà vua.

Vừa tới cung điện, ẩn sĩ được dẫn ngay vào yết kiến. Tựa trên chiếc gậy, đạo sĩ đứng bên long sàn, nhà vua ra dấu chào đạo sĩ.

- Thưa cha, nhà vua nói với giông yếu ớt, đã hai lần trong đời trẫm, khi lâm cơn khốn cùng, trẫm đều cầu cứu đến cha. Giờ đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối, vì trẫm sắp từ giã cõi đời.

- Dạ phải, ẩn sĩ chỉ đáp gọn như thế.

- Quặn người lại vì lo lắng đến tội lỗi đã là kinh khủng; bị gánh lo âu phiền não đè trĩu, và cảm thấy mình sắp kiệt sức cũng là kinh khủng. Nhưng kinh khủng hơn cả, theo trẫm nghĩ, có lẽ là phải chết.

- Bệ hạ còn nhớ chăng ngày mà cơn khủng khiếp đầu tiên rời bỏ bệ hạ?

Bệnh nhân cười :

- Không bao giờ trẫm quên được. Đó là ngày trẫm nghe được tiếng Thiên Chúa trong thâm tâm.

- Làm thế nào một người tội lỗi như bệ hạ, lại có thể nghe được tiếng Thiên Chúa trong thâm tâm? Ẩn sĩ hỏi lại.

- Ta đã học biết không những kêu van Thiên Chúa, mà còn lắng nghe tiếng Người trong thinh lặng, nhà vua trả lời.

Và ngài nhắm mắt lặng thinh như sống lại giây phút mà ngài gọi là phép lạ đầu tiên trong đời mình.

- Xin hỏi bệ hạ một câu nữa, ẩn sĩ tiếp. Bệ hạ còn nhớ cái ngày mà sự khiếp đảm lần thứ hai rời khỏi bệ hạ?

- Điều này nữa, không bao giờ trẫm quên. Chính lúc đó là lúc trẫm cảm thấy Thiên Chúa dang bàn tay quyền năng trên trẫm.

- Mà làm thế nào mà một tội lỗi cả thể như bệ hạ, sức lực kiệt quệ, lại có thể cảm thấy bàn tay toàn năng Thiên Chúa đặt trên mình? Ẩn sĩ hỏi lại.

- Ta đã học biết, không những làm việc và chiến đấu nhưng còn chờ đợi và ở yên trong an bình. Và một lần nữa, nhà vua nhắm mắt như muốn đi sâu vào nội tâm để sống lại những giây phút ngài đón nhận phép lạ thứ hai Thiên Chúa đã ban trong đời mình.

Bấy giờ ẩn sĩ cất cao giọng, thong thả và long trọng nói :

- Tâu bệ hạ, bệ hạ đã được nghe thấy tiếng Thiên Chúa vĩnh cửu, đã được cảm thấy bàn tay của Người đặt trên mình. Giờ đây bệ hạ sắp được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người.


- Chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa, bệnh nhân nhắc lại, và trong cái nhìn đã dại đi, lại ánh lên một niềm hăng hái mới mẻ. Chiêm ngưỡng Thánh Nhan… A, một mối sợ hãi cuối cùng cũng sẽ mất đi, không còn nữa.


Im lặng một lát, nhà vua lại hỏi :

- Thưa cha, phải làm thế nào để được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chua?


- Chỉ khi ở trong yên lặng tuyệt đối, ẩn sĩ đáp, khi cái nhìn của chúng ta không còn ngó vào bên trong, để ngắm nhìn chính mình, hay nhìn về phía dưới nơi những sầu thương tang tóc, hay nhìn về phía trước, về một tương lai còn đang ao ước hay sợ sệt, nhưng chỉ nhìn lên, hướng về Chúa thôi. Khi ấy chúng ta chiêm ngưỡng được Thiên Chúa.


- Yên lặng tuyệt đối, nhà vua thầm thì, người ta có thể đạt tới được không?


- Ở đời này thì không, tâu bệ hạ. Trong trần thế này, thật không được, vì cái nhìn của chúng ta khi thì nhìn xuống, khi thì nhìn vào trong hoặc về phía trước; chỉ duy trong sự chết, chúng ta mới đạt tới yên lặng tuyệt đối mà thôi.


-Thế thì trẫm muốn chết, nhà vua nói.


Và ngài phái sứ giả đi khắp trong nước để ra lệnh thôi cầu nguyện và thôi làm lễ cầu bình phục cho mình. Ngài muốn chết và nếu thần dân ai có thương mến ngài thì đừng làm phật ý ngài.


Trong cung thất, suốt cả ngày và đêm hôm đó rất yên tĩnh, một sự yên lặng thẳm sâu đi trước cái chết. Khi bình minh xuất hiện, nhà vua ra đi bằng an. Cái nhìn của ngài hình như chìm vào cõi xa xăm, và một nụ cười sáng rạng ngời trên gương mặt của ngài.

 

 

Nguyên tác: Ebba De Pauli

 

L’ERMITE, Delachaux et Niestlé/Paris, 1966, tr. 4-13.

 

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...