Niệm Phật, pháp môn thù thắng
Khổ đau là sự thật mà bất luận giàu nghèo, sang hèn, có học không học, từ vị hoàng đế quyền uy đến kẻ khố rách áo ôm... đều không ai tránh khỏi! Đó cũng chính là lý do khiến thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý với quyền cao chức trọng, vợ đẹp con ngoan, một mình vào rừng sâu tìm nguyên nhân và con đường chấm dứt khổ đau. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ-đề, chứng đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bài pháp đầu tiên Phật tuyên thuyết cho bốn anh em Kiều Trần Như, những bạn đồng tu trước kia là Tứ Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo bốn chân lý tối thượng. Con người đã có thân thì khổ, có nguyên nhân đưa đến khổ, khả năng chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau, đạt Niết-bàn tịch tịnh. Quán chiếu chúng sinh căn cơ sai biệt, với tấm lòng từ bi, trí tuệ, Phật không ngừng nghỉ suốt 45 năm phương tiện khai tám vạn bốn ngàn pháp môn tu mở ra cho chúng sanh con đường giải thoát sinh tử luân hồi. Trong đó, niệm Hồng danh Phật A Di Đà cầu vãng sanh Cực lạc, pháp môn thù thắng bậc nhất! Đó chính con đường Tịnh độ với đại nguyện Đức Phật A Di Đà độ hết thảy những ai muốn sanh về Tây phương Cực lạc.
Thời đại ngày nay tiến bộ khoa học kỹ thuật thu hẹp khoảng cách trái đất nhưng con người đã không xích lại gần nhau, trái lại bất đồng ngày càng gia tăng. Phương tiện giao thông, truyền thông hiện đại đã chuyển tải thông tin, chia sẻ sinh hoạt con người trên khắp năm châu lục đến với mọi người. Nhưng bất đồng căng thẳng về quyền lợi, sắc tộc, tôn giáo trở nên ngày càng gay gắt. Chết chóc khổ đau không giây phút ngừng nghỉ trên thế giới. Lời Phật dạy hơn lúc nào hết trở thành giải pháp cho những bất đồng, bạo động mà hệ quả đưa đến mất mát khổ đau, đồng thời mở hướng cho mọi hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Giáo lý Phật được vận dụng vào mọi lãnh vực cuộc sống nhằm hóa giải căng thẳng, bức xúc, đem lại cuộc sống an vui, hạnh phúc. Ở nước ta mấy năm gần đây chùa, thiền viện, tịnh xá được xây dựng khắp nơi. Nhiều đạo tràng, khóa tu mở ra, sách báo, băng đĩa giảng pháp được ấn tống, phát hành rộng rãi tạo điều kiện cho mọi người tu tập làm lành lánh dữ nhằm đối trị những tiêu cực, bất an, khổ đau. Nhiều đạo tràng tu Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương được tổ chức khắp nơi. Pháp môn tu Niệm Phật thật ra có nguồn gốc từ thời Phật tại thế qua ba bộ kinh Phật thuyết gồm kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Đến đời Đông Tấn, ngài Huệ Viễn đại sư xướng xuất Tịnh Độ tông, là vị Tổ đầu tiên hoằng dương pháp môn Niệm Phật đặt nền tảng trên tư tưởng Đại thừa với ba bộ kinh trên cùng một phần kinh Hoa nghiêm và kinh Thủ Lăng nghiêm. Trong đó Phật Thích Ca đề cao thệ nguyện rộng lớn của Phật A Di Đà cứu độ hết thảy chúng sanh vãng sanh về Cực lạc với ba tiêu chí là Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là tin sâu vào nguyện lực của Phật A Di Đà; tin vào pháp môn Niệm Phật là thù thắng và tin mình có đủ khả năng và nghị lực để hành pháp môn Niệm Phật. Nguyện là phát tâm tha thiết mong được vãng sanh về Cực lạc. Hành là tinh tấn hành câu niệm “Nam-mô A Di Đà Phật”. Như thế, Tín, Nguyện, Hạnh là ba yếu tố căn bản để vãng sanh Tịnh độ. Đó cũng chính ý nghĩa lời Phật dạy trong kinh A Di Đà: “Không thể với một chút ít công đức phước duyên mà có thể vãng sanh về cõi đó”. Cho nên “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày... hoặc bảy ngày mà lòng không tán loạn thì người đó lúc lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ có mặt, người đó tâm thanh tịnh sẽ được sanh về Tây phương thế giới...”.
“Nam-mô A Di Đà Phật” câu niệm đặt vào tâm trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi ở mọi lúc, mọi nơi… cho đến tâm không tán loạn như một đối tượng để định tâm, đề mục để trụ tâm nhằm kiểm soát vọng tâm, chế ngự tâm tham dục phiền não. Nhờ thế lúc lâm chung mới phát khởi được chánh niệm tỉnh giác với câu niệm Phật, là cận tử nghiệp dẫn dắt tâm thức về Tây phương Cực lạc. Con người từ vô lượng kiếp huân tập tham ái chấp thủ sâu dày, không thể một sớm một tối rũ bỏ được. Vì vậy, dù theo pháp môn nào, việc tinh tấn hành trì Giới, Định, Tuệ là không thể thiếu. Thông qua tu tập Giới, Định, Tuệ và nhất tâm niệm Phật phiền não không có điều kiện phát khởi, quả báo khổ đau sẽ được chuyển hóa. Và văn tư tu là điều kiện tối yếu để kiến lập trí tuệ, chiếc gươm kim cương dập tắt vô minh, cắt đứt tham ái, chấp thủ. Tu niệm Phật là pháp môn diệu dụng bậc nhất nhưng cũng như các pháp môn Thiền, Mật để chóng đạt mục tiêu hành giả phải có quyết tâm cao, tinh tấn hành trì. Niệm Phật là chánh hạnh, trong khi hành vi hay việc làm vun bồi phước đức, tự lợi lợi tha là trợ hạnh. Trợ hạnh và chánh hạnh viên dung mới là hành trang sanh Tịnh độ. Trong đạo Phật, từ bi và trí tuệ là hai yếu tố đặc thù, thiếu một trong hai khác nào con chim mất đi một cánh không thể bay lên được. Do đó, để đạt mục tiêu trong tu học Phật đạo, lý sự luôn phải viên dung. Hiểu đúng và nắm vững Chánh pháp mới thực hành đúng, đồng thời có tinh tấn hành trì rèn luyện lý thuyết được sáng tỏ, Chánh pháp mới trở thành hiện thực sinh động, việc tu học mới đạt hiệu quả. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy tu niệm Phật đặt nền tảng trên ba thứ phước. Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, không sát hại sinh vật. Thứ hai thọ trì tam quy giữ ngũ giới. Thứ ba phát bồ-đề tâm thương xót muôn loài chúng sanh, tin sâu nhân quả. Ngày nay không ít người hiểu không thấu đáo Phật pháp nói chung, pháp môn Tịnh độ nói riêng, nhầm tưởng cho rằng tu Niệm Phật dễ, ai cũng mau chóng đạt được. Từ nhận thức đó, nhiều người năm thì mười họa mới tranh thủ đến đạo tràng, tu “thời vụ” năm bảy ngày; miệng niệm Phật mà tâm để đâu đâu, âm thanh niệm Phật phát ra từ miệng khác nào cái loa; tay lần xâu chuổi mà tâm mải rong chơi… Câu niệm chưa dứt, vọng tưởng đã khởi lên kéo theo phiền não, khác nào lấy đá chặn cỏ. Bỏ đá cỏ mọc lại làm sao có định lực để đối trị vọng tâm, nhổ tận gốc cái ngã để vãng sanh Tây phương Cực lạc? Tu niệm Phật là con đường tắt phù hợp với con người thời đại căn cơ chậm lụt nhiều âu lo bận rộn, nhưng để đạt mục tiêu đòi hỏi đáp ứng các tiêu chí trên cũng có nghĩa phải hành tứ vô lượng tâm và thập thiện. Nhiều người cả đời không làm một việc thiện dù nhỏ, chia sẻ giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn nói chi bố thí cúng dường. Chờ đến lúc lâm chung thỉnh chư Tăng, Ni hay mời đạo tràng đến hộ niệm cầu vãng sanh Tây phương! Người hấp hối nằm đó với thân đau nhức, tâm hôn mê tán loạn làm sao phát khởi được cận tử nghiệp tốt, năng lực cảm ứng đâu để tiếp cận nguyện lực Phật A-Di-Đà. Tấm vé “thanh tịnh” đâu để lên máy bay về Cực lạc thế giới và hành trang đâu để làm cư dân Tây phương? Pháp môn tu niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc có cơ sở trên tinh thần Đại thừa nên câu niệm Phật là cần thiết (chánh hạnh) còn trợ niệm chỉ tạo duyên nhằm nhắc nhở người sắp qua đời nhớ lại việc thiện họ đã làm trong quá khứ (trợ hạnh)! Để được tiếp độ vãng sanh Tây phương, người tu học thông qua câu niệm Phật nhất tâm bất loạn để có thanh tịnh tâm phát sinh định lực tương ưng nguyện lực Phật A Di Đà. Nghe đơn giản nhưng hành thật không dễ. Thông thường không mấy người muốn vãng sanh ngay vì ai dám tin chắc được về Tây phương Cực lạc! Nên dù có thế nào ai cũng muốn kéo dài sự sống hoặc tái sanh cảnh giới tốt đẹp hơn. Vì vậy chờ đến cận kề cái chết mới niệm Phật làm sao niệm? Hay trông cậy người khác cầu cho mình thì liệu có khả thi? Thiếu ba tiêu chí Tín, Nguyện, Hạnh thì hành trang đâu để vãng sanh? Do đó để hóa giải nghiệp quá khứ, người tu học phải tinh tấn nhất tâm niệm Phật (chánh hạnh) kết hợp hành trì giới, định, tuệ (trợ hạnh), thanh tịnh hóa tâm thức tạo định lực… phiền não không có duyên phát khởi quả báo khổ. Tuy chưa đoạn tận vô minh phiền não nhưng do phát khởi Tín, Nguyện, Hạnh mà dự phần vãng sanh về Tây phương Cực lạc quốc độ!
Thời đại ngày nay con người đang đối mặt với bao hiểm họa từ thiên tai, chiến tranh khủng bố, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… đe dọa sự tồn vong trái đất, cái nôi sự sống của muôn loài. Nguyên nhân? Do tham ái có nguồn gốc từ vô minh tức thiếu hiểu biết về nhân quả nghiệp báo luân hồi. Cho rằng chết là hết, con người có thể làm bất cứ hành vi, việc làm mà bất chấp hậu quả tác hại đến sự sống và an toàn của muôn loài trong đó có con người, dẫn đến hệ quả con người mãi trầm luân trong khổ đau sinh tử luân hồi. Do đó Tịnh Độ tông ngày nay là pháp môn diệu dụng. Niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” là phương tiện chuyển nghiệp thù thắng, lối đi tắt tối thắng nhằm thanh tịnh hóa tâm thức. Tâm hành giả bình thế giới bình, trên cơ sở đó tịnh hóa xã hội bằng chính tâm thức tỉnh giác mỗi người. Như vậy, tu niệm Phật cầu vãng sanh không có nghĩa chạy trốn thế gian, ngược lại tinh thần Đại thừa với tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả và thập thiện, hành giả trải lòng từ bi thương yêu đến muôn loài. Lúc lâm chung tâm thức thanh tịnh “đồng thanh tương ứng” với nguyện lực rộng lớn Phật A Di Đà phóng quang tiếp độ và Thánh chúng Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Lặc dang tay đón. Tự lực tha lực đầy đủ đề huề đồng quy Cực lạc khác nào trẻ thơ về nhà có mẹ hiền dắt tay cùng các anh chị đi bên cạnh còn sợ gì lầm đường lạc lối!
(Tham khảo: Phật học phổ thông - Thích Thiện Hoa)
Võ Văn Lân
Nguồn: giacngo.vn