Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3497 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chương năm: Tinh hoa tư tưởng Phật học và phương thức chấn hưng Phật Giáo của Huỳnh Phú Sổ


"Loài cầm thú còn hay biết ở.

Huống chi người nở bỏ tứ ân".

 

Hai câu thơ này, trích trong bài Giảng Giác Mê của Phật Thầy Tân An, viết trong thập niên 1850, đã cô động được tinh yếu của Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như Phật Giáo Hòa Hảo. Với hai ngọn cờ đạo Pháp và Dân Tộc, hay tu hành và yêu nước, đức Phật Thầy Tây An, cũng như Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, qua công thức "Học Phật Tu Nhân" đã kêu gọi tín đồ thực hành Tứ Ấn, như bổn phận căn bản của người tu hành và cũng là người công dân. Ai trả trọn bốn ân lớn, tức ân tổ tiên cha mẹ, ân quê hương, đất nước, ân tam bảo Phật, Pháp Tăng, và ân đồng bào, nhân loại tức là đã làm tròn bổn phận con người và có đủ điều kiện để tham dự Hội Long Hoa trong thời hạ ngươn, mạt pháp này.


Hãy mau học Phật tu nhân, hãy tích cực, dũng mãnh thực hiện hạnh Tứ Ấn để được Phật Trời cứu độ trong Hội Long sắp đến. Thật là một thông điệp hàm xúc, hấp dẫn và mạnh mẽ, một thông điệp giản dị,  đơn sơ, chất phác nhưng có khả năng thức tỉnh lớn lao, thức tỉnh khỏi tham, sân, si, danh, lợi, dục lạc thế gian, thức tỉnh khỏi vũng lầy sinh hoạt mê tín dị đoan đồng bóng, bùa ngãi, thức tỉnh trước cảnh khổ của nhân sinh và cảnh nô lệ ngoại bang.


Hai chữ Tứ Ấn vừa có đủ từ bi, trí tuệ, vừa có đủ đại lực đại hùng của đức Phật Thầy và của Huỳnh Giáo Chủ là đủ để đập vỡ những quan niệm phê bình Phật Giáo là ích kỷ, yếm thế, thụ động, yếu hèn, vô dụng. Tứ Ấn thật sự cao cả hơn, tích cực hơn mười điều răn của Thiên Chúa Giáo hay ngũ giới trong Phật Giáo. Tứ Ấn đưa mỗi con người vươn lên cao đến tổ tiên, tiền nhân, vươn lên cao đến tổ quốc, dân tộc, vươn lên cao đến Chư Phật, Bồ Tát, và vươn lên cao đến nhân loại trên khắp địa cầu.


Một nông dân chơn chất, thường là không biết chữ, ngay từ thế kỷ 19, trên đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa nhưng cô lập với thế giới bên ngoài, mà đã thấm nhuần, và không những thế, đã sống, đã thực hành Tứ Ấn và vươn đến những mức độ cao nhất của Tâm Thức và Bồ Tát Hạnh như thế, thì đó là một điều vĩ đại và mầu nhiệm. Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo không phải chỉ có thế...


Tuy chỉ được trình bày dưới những bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng tư tưởng của Huỳnh Phú Sổ là một cuộc cách mạng mạnh mẽ trong Phật Giáo và vẫn còn những giá trị thời đại, không những cho thế kỷ này, mà còn cho các thế kỷ sắp tới.

 

1. Phương pháp luận của Huỳnh Phú Sổ


Cũng giống như đức Phật, Huỳnh Phú Sổ đã bác bỏ ngay phương pháp luận của các triết gia thường đắm chìm trong những suy tư triết học của sự phân tích, lý luận về những vấn đề siêu hình, trừu tượng thuộc lãnh vực tư tưởng thuần lý. Và cũng giống như đức Phật, ông không mất thì giờ đề cập đến những vấn đề siêu hình về vũ trụ luận, về thế giới quan, về thân phận con người chung chung. ông đi thẳng vào những vấn đề thực tế, cụ thể của con người, của xã hội, của đất nước. Như các giáo chủ, các nhà hiền triết khác của đông Phương, ông trình bày một con đường, một đạo sống, không phải để lý luận, mà để áp dụng và thực hành trong đời sống hàng ngày. ông trực tiếp gởi một thông điệp cứu khổ và giải phóng con người. Và mạnh mẽ hơn đức Phật và các vị giáo chủ khác, ông còn mạnh dạn hô hào giải phóng đất nước, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, chống độc tài dưới mọi hình thức và thực hiện công bằng xã hội.

 

2. Hình thức giảng đạo của Huỳnh Phú Sổ


Ông không lập thuyết, không đưa ra một ý thức hệ cũng không viết những bài diễn văn dài dòng, hoa mỹ. đặc biệt hơn tất cả giáo chủ, hiền triết khác, ông chỉ giảng đạo bằng thơ, thơ lục bát và các thể thơ đượm màu sắc dân tộc khác. Cũng không giống các thiền sư, giảng đạo bằng một số bài kệ, thường chú trọng vào những vấn đề chứng đắc tâm linh, ông cũng giảng đạo bằng những bài kệ nhưng là những bài kệ để áp dụng, để thực hành trong cuộc sống hàng ngày và tất cả mọi người, dù mù chữ thất học, cũng hiểu được, học thuộc lòng được và áp dụng được một cách dễ dàng. Nhắm đến đối tượng chính là nông dân, là quần chúng bình dân ở thôn quê nên tư tưởng và hình thức hoằng pháp của ông đã giản dị đến cực độ nhưng lại hữu hiệu vô cùng. Không mấy nông dân Việt Nam nào có thể đọc và hiểu được Tư Bản Luận của Karl Marx hay các kinh như Hoa Nghiêm, Lăng Già... nhưng bất cứ ai cũng có thể hiểu và thực hành những lời khuyên của Huỳnh Phú Sổ. Ông đã Việt hóa tư tưởng Phật Học một cách tài tình và bình dân hóa đạo Phật một cách thần kỳ, mà không đánh mất cốt tủy của nó là con đường thực hành sự giải thoát, giác ngộ ngay trong cuộc đời.

 

3. Đối tượng hoằng pháp


Khác với đức Phật hay các thiền sư, cũng khác với các nhà Phật Học hay các nhà cách mạng đương thời, Huỳnh Phú Sổ giảng đạo và truyền đạo cho một đối tượng chính và hầu như duy nhất (không kể một vài trường hợp ngoại lệ), đó là nông dân và quần chúng ở nông thôn, là thành phần bị bạc đãi, bị thua thiệt mọi mặt trong xã hội. Vào thập niên 30, 40, tình trạng nông thôn và đời sống nông dân Việt Nam thật là thấp kém, lạc hậu, ngay cả một tờ "nhật trình" (nhật báo), một máy thâu thanh cũng hiếm hoi, sách vỡ, trường học, kinh sách cáng hiếm hơn và số người biết đọc biết viết thật ít ỏi. Bị dìm trong tình trạng nghèo đói, thất học, bịnh tật, thiên tai, áp bức và đau khổ triền miên, đa số nông dân đắm chìm trong rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, đồng bóng, bùa ngãi.


Ánh sáng của văn minh và Phật pháp đã không đến để soi sáng, thăng hoa, về mặt dân trí cũng như đạo đức, cuộc đời thấp kém, tối tăm của họ. Với lòng từ bi bao la, với trí tuệ giác ngộ và viễn kiến chính trị xuất sắc, Huỳnh Phú Sổ đã thấy ở quần chúng nông dân này, không những là những chúng sanh đáng thương cần cứu độ, mà còn thấy ở họ một tiềm lực lớn lao cho công cuộc giải phóng đất nước. Ông đã đến với họ, trao tặng cho họ Phật pháp, đạo đức, niềm tin, lý tưởng và chuyển hóa họ thành một đoàn thể tu hành chân chính và thành một lực lượng ái quốc và cứu quốc.


Khi Tạ Thu Thâu, một nhà cách mạng nổi tiếng (bị Việt Minh sát hại vào cuối năm 1945) hỏi: "Tại sao hầu hết các tín đồ của Giáo Chủ là nông dân thiếu học?", ông đã trả lời: "Trong một xã hội có nhiều thành phần người. Quý ông đã lựa chọn giới có học mà thâu nhận vào đảng và quý ông bỏ rơi đám người nông dân thiếu học. Quý ông bỏ họ, thì tôi phải cứu vớt họ, chớ không lẽ bỏ rơi luôn họ sao? Họ cũng là người Việt Nam, là chúng sanh, và tôi chắc họ sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc đấu tranh sắp tới. Chẳng khác nào quý ông đã lựa chọn chén kiểu chén sứ, bỏ mảnh sành nồi đất, thôi để tôi lo cho lớp người thất thế trong xã hội đó". Thật là một sự giải thích giản dị, sâu sắc và đầy đủ.

 

4. Phương thức cứu độ


Như hầu hết các vị giáo chủ, các nhà tiên tri, Huỳnh Phú Sổ đã xuất hiện khai đạo với lời báo động về những tai họa khủng khiếp sắp xẩy ra và kêu gọi mọi người hãy thức tỉnh, lo tu hành để được cứu độ. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế từ cuối thập niên 20 đã ảnh hưởng nặng nề trên đời sống nông dân và kéo dài nhiều năm sau đó, trận đệ nhị thế chiến bùng nổ và lan tràn khắp nơi trên thế giới làm mọi người phải giựt mình lo sợ. Nhưng Huỳnh Phú Sổ đã báo động và tiên tri về những điều sâu thẳm hơn và đánh động mãnh liệt hơn đối với nông dân miền Nam, đó là lời báo động về thời hạ ngươn và tiên tri về hội Long Hoa, hai điều này đã bàng bạc, âm ỉ trong tâm thức người dân Lục Tỉnh từ thời Phật Thầy với Bửu Sơn Kỳ Hương gần cả 100 năm trước đó, và không những thế, nó còn là niềm tin thần bí, nằm sâu kín trong đáy lòng của đại đa số quần chúng Việt Nam từ cả ngàn năm nay. Vì nó có liên hệ mật thiết đến Phật Giáo đại Thừa và Tịnh độ Tông, hay đúng hơn Phật Giáo nhân gian, là đích thực tín ngưỡng của đại đa số Phật Tử Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam.


Sau khi báo động, ông đã cứu độ bằng cách chữa bịnh, bằng "thuốc Phật" (là nước lã, hoa bưởi, lá chanh...) cho các người bị bịnh tật và đã thật sự chữa lành nhiều bịnh, kể cả những bịnh nan y. Việc chữa bịnh thần kỳ này đã gây được niềm tin cho dân chúng. Sau đó ông bắt đầu thuyết giảng đạo Phật, khuyên mọi người tu hành, bằng cách ăn hiền ở lành, tránh làm điều ác, tích cực làm việc thiện, giúp người cứu đời. Sau đó ông cho họ quy y nhập đạo, đoàn ngũ hóa họ thành một đoàn thể tu hành, đạo đức, trong một tôn giáo, và cuối cùng đoàn ngũ hóa cả hàng ngàn, hàng vạn tín đồ nông dân thành một đoàn thể cách mạng, ái quốc, trong một tổ chức chính trị và một lực lượng quân sự.


Huỳnh Phú Sổ đã đi xa hơn cả đức Phật Thích Ca, hơn cả Chúa Jesus, hơn cả nhà tiên tri Mohammed... Có thể nói ông là Thích Ca Mâu Ni Việt Nam, là Jesus Christ Việt Nam, là Mohammed Việt Nam... cho một giai đoạn lịch sử đặc thù Việt Nam và trong một không gian đặc dị Việt Nam. Và dù đi vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, ông vẫn là một con người tôn giáo, một giáo chủ.


Thật là lầm lẫn lớn lao nếu nhìn ông chỉ như là một nhà ái quốc, một nhà cách mạng hay một nhà chính trị. Hơn tất cả hình tướng này, ông, trong bản chất và trong thật chất, là một nhà Phật học và một lãnh tụ Phật Giáo.


Cũng vậy, Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo, những sự thể hiện có màu sắc chính trị, xã hội, quân sự, tranh đấu, chỉ là sự biểu hiện nhất thời của một giai đoạn lịch sử đặc biệt cuốn hút tất cả tiềm lực dân tộc vào cuộc đấu tranh sinh tử giải phóng dân tộc khỏi sự xâm lăng và ách thống trị của ngoại bang.


Trước Huỳnh Phú Sổ 700 năm, đã có thiền sư Tuệ Trung trực tiếp cầm quân giết giặc, bảo vệ tổ quốc trong cuộc kháng chiến vẻ vang chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ... Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ và các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chỉ tiếp nối truyền thống ái quốc và anh hùng này mà thôi.

 

5. Tinh hoa tư tưởng Huỳnh Phú Sổ


Tư tưởng của Huỳnh Phú sổ chính là tư tưởng Phật Giáo. ông đã tuyên bố rõ: "đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tự trung thành của đức Phật Thích Ca Mâu Ni".


- PGHH chính là đạo Phật, là một tông phái Phật giáo được chấn hưng. đó là sự thật thứ nhất.

- Phật Giáo Hòa Hảo là sự tiếp nối hiện đại của Bửu Sơn Kỳ Hương, đó là sự thật thứ hai.

- Và sự thật thứ ba là Phật Giáo Hòa Hảo là một sự thể hiện thời đại của Phật Giáo Việt Nam trong hoàn cảnh đặc thù của đồng bằng công Cửu Long.


Những tác giả có thẩm quyền về Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều tự nhận mình là Phật Giáo và họ khẳng định họ là Phật Giáo Hòa Hảo, chớ không không phải là Hòa Hảo (và họ rất bất bình nếu bạn chỉ gọi họ là Hòa Hảo). Trong tác phẩm có thẩm quyền nhất về PGHH là cuốn Phật Giáo Hòa Hảo Trong Giòng Sinh Mệnh Dân Tộc, tác giả Nguyễn Thành Nam đã xác định rõ ràng, minh bạch như sau: "Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo chính là đạo Phật, bắt nguồi từ tinh hoa cốt tủy của giáo thuyết mà đức Thích Ca đã khởi truyền từ trên 25 thế kỷ trước đây". Khẳng định nguồn gốc lịch sử và giáo lý từ đức Phật, Phật Giáo Hòa Hảo tự coi mình như một bộ phận của Phật Giáo Việt Nam, tông phái mới của Phật Giáo, và bác bỏ mọi quan niệm cho rằng Phật Giáo Hòa Hảo là "một tôn giáo mới" hay là "đạo Phật canh tân".


Tác giả Thành Nam giải thích luận điểm này như sau: "Một vài tác giả Tây Phương đã viết rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức Phật Giáo canh tân, tương tợ như phong trào cải cách Luther và Calvin đối với Cơ đốc Giáo, ở thế kỷ 16 Tây Lịch. Theo quan điểm PGHH thì sự so sánh này không đúng... Martin Luther (1483-1546) và Jean Calvin 1509-1564) là hai nhà thần học chủ trương cải cách, bất đồng với tòa thánh La Mã một số vấn đề như hệ thống giáo quyền, hình thức thờ phụng, lễ nghi. Nhưng vấn đề quan trọng họ đặt ra là thẩm xét lại sự diễn dịch giáo lý Cơ đốc. Riêng Luther nêu lên 95 luận đề đòi thảo luận với tòa thánh La Mã.


PGHH không hề đặt vấn đề thẩm định lại giá trị thuyết Thích Ca. Do đó, PGHH đối với Phật đạo không là một phong trào cải cách như Luther hay Calvin. Những đặc điểm trong giáo lý PGHH, nếu nói là canh tân, thì chỉ canh tân về mặt "dụng" chớ tuyệt đối không thay đổi gì về mặt "thể". Chỉ có sự cải tiến, hay đúng ra thích nghi hóa phương thức hành đạo với cuộc sống, mà không hề có sự tranh cãi, xét lại hay canh tân nào về mặt giáo thuyết phật đạo. Cho nên trên phương diện chính danh, PGHH không phải là một "tôn giáo mới" hay một đạo Phật canh tân. Về mặt tổ chức, PGHH mới xuất hiện từ 1939. Nhưng về mặt giáo lý, PGHH không phải là một tín ngưỡng mới hay tín ngưỡng cải cách. Giáo lý PGHH chính là đạo Phật".

 

Như vậy tác giả bác bỏ hoàn toàn và mạnh mẽ sự so sánh PGHH với sự nổi loạn chống lại Vatican và các giáo hoàng Thiên Chúa Giáo La Mã phóng đảng, sa đọa, ham mê quyền lực của Luther, một sự ly khai tôn giáo đưa đến sự hình thành của Tin Lành, một tôn giáo mới thách đố cả về mặt giáo lý lẫn cơ cấu, tổ chức, sinh hoạt giáo hội của Thiên Chúa Giáo La Mã.


Tác giả Thành Nam còn đưa ra những đặc tính của Phật giáo để bảo vệ quan điểm PGHH chỉ là một tông phái mới của Phật giáo truyền thống:

"Phật đạo không giáo điều cố định, mà luôn luôn sinh động dung hợp. Du nhập quốc gia nào, Phật giáo không hề gặp sự kháng cự của các nền đạo giáo tư tưởng đã sẵn có trong nước đó. Suốt tiến trình truyền bá đạo Phật đến nay, đã không thấy xẩy ra cuộc chiến tranh nào phát sinh bởi lý do truyền giáo... Trong các điều kiện tương đồng về văn hóa xã hội, như tại các quốc gia á Châu, Phật đạo thích nghi và hòa hợp với văn hóa và bản chất dân tộc, để trở thành một nền đạo Phật mang sắc thái đặc thù của dân tộc ấy, mà vẫn giữ được yếu lý căn bản của Phật giáo. đạo Phật du nhập Việt Nam mang sắc thái đạo Phật Việt Nam, tất nhiên có sự khác biệt với đạo Phật ấn độ, đạo Phật Tây Tạng, đạo Phật Trung Hoa, đạo Phật Nhật Bổn... về mặt pháp môn, sinh hoạt, nghi lễ, kiến trúc, y trang... Nhưng kinh điển và nguyên lý vẫn là Phật đạo mà đức Thích Ca đã truyền bá... Tôn giáo xuất hiện với sứ mạng cải tạo xã hội và con người. đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, khi tới miền đất mới khai mở, tức miền Nam Việt Nam, tất nhiên phải có những đặc thái để thích ứng với bối cảnh xã hội và lịch sử, cũng như tâm lý và trình độ quần chúng nơi đây.


Căn cứ trên lập luận này, PGHH không phải là một đạo Phật canh tân, mà chính là một tông phái Phật đạo mang một số đặc tính thích nghi với bối cảnh xã hội và lịch sử từ đó tổ chức này xuất hiện. Bối cảnh lịch sử là một nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp thống trị. Bối cảnh xã hội là đời sống bất công trong đó lớp nông dân là giai tầng xã hội chịu thiệt thòi và yếu kém nhất. quần chúng nông thôn trình độ chất phác, căn cơ thiển bạc, không thể lãnh hội ý nghĩa khó hiểu của thiên kinh vạn quyển. Bởi vậy đạo Phật truyền bá trong bối cảnh này phải phù hợp với dân tộc tính, đáp ứng tâm lý và trình độ đại chúng nông thôn".

 

Thật là rõ ràng PGHH không những là Phật giáo chân chính mà còn là một mô hình tuyệt hảo của tinh thần thích nghi, dung hợp của đạo Phật và của lịch sử truyền bá, phát triển Phật giáo trên thế giới.


Thế nhưng tại sao hầu hết các tác phẩm về  lịch sử Phật giáo Việt Nam đều không đề cập đến PGHH?


Tại sạo các giáo hội Phật giáo từ thập niên 30 đến 90 ngày nay đều không bao gồm PGHH?


Tại sao đa số tăng, ni, tín đồ Phật Giáo Việt Nam đều không cảm nhận và công nhận PGHH là một bộ phận của PGVN và các tín đồ PGHH là những đạo hữu thân thiết ruột thịt cùng chung một tôn giáo và tín ngưỡng?

 

Nguyên do một phần là suy khi Huỳnh Phú Sổ ra đi đã không có những đại đệ tử tiếp tục xiển dương tư tưởng Phật học của ông và phát triển Phật giáo như một tông phái của đạo Phật. Một phần khác là sự thiếu hiểu biết và ngộ nhận về PGHH và một phần khác nữa là quả thật PGHH đã có những sự thích nghi, cải tiến và phát triển hết sức cấp tiến, mạnh dạn và mới mẻ khiến cho những người quen thuộc với đạo Phật truyền thống từ 2.000 năm nay tại Việt Nam, và nhất là Phật giáo trong giai đoạn suy vi bị Tàu hóa nặng nền sau thời đại Lý Trần, nghĩa là suốt gần 600 năm nay, đã cảm thấy xa lạ và tưởng nó không phải là đạo Phật.


Trong khi có thể PGHH còn là Phật Giáo Việt Nam hơn cả Phật Giáo Việt Nam "truyền thống" (thật ra là Phật giáo lai căng Trung Hoa) như ta thường hiểu. Ta sẽ thấy rõ vấn đề quan trọng này, vừa liên quan trực tiếp đến PGHH, vừa ảnh hưởng sinh tử đến Phật Giáo Việt Nam, khi nắm vững tư tưởng Phật học của Huỳnh Phú Sổ, cũng như giáo lý, sinh hoạt, tổ chức của PGHH.


Qua các tác phẩm của Huỳnh Phú Sổ, đạo Phật được trình bày một cách giản dị, trong sáng, thích hợp mọi tầng lớp dân chúngh và thích nghi vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày, bất cứ ai cũng có thể hiểu và ứng dụng. ông đã Việt hóa Phật giáo, thời đó cũng như cho đến ngày nay, vẫn còn mang nặng ảnh hưởng lai căng, lện lạc của Phật Giáo Tàu trong thời suy đồi (thời nhà Thanh) mà hầu hết các danh tăng Việt Nam hiện đại đều cảm thấy sự nguy hại và ra sức loại bỏ, chấn chỉnh.


Ông cũng làm cho Phật giáo trong sáng hơn, truyền thống hơn, nguyên thủy hơn, gần với đạo Phật thời đức Phật còn tại thế, bằng cách triệt để tách rời, bài trừ những mê tín dị đoan và hình tướng phù phiếm, nhảm nhí, như những dây leo tầm gởi, bám chặt và bán đầy cây Bồ đề Phật Giáo. Bứt bỏ, đốn ngã đám cây, cỏ ngoại đạo này, cây Bồ đề có vẻ thưa thớt, trơ trụi, không còn um tùm, sầm uất như trước, nhưng đó thật là cây Bồ đề. (Theo ý trong băng giảng kinh Pháp Hoa của HT Từ Thông) Phật Giáo Hòa Hảo chính là cây Bồ đề đã được dọn sạch rừng cây leo chùm gởi che phủ nó. Và Phật giáo Việt Nam, thời đó cũng như ngày nay, chính là cây Bồ đề đang bị rừng cây chùm gởi mê tín dị đoan, danh sắc, hình tướng che phủ. Những người không hiểu biết tường tận, quen thuộc với nền Phật giáo đa thần hóa, nhân gian hóa, tưởng đó là nền Phật giáo chân chính và coi PGHH là không phải Phật giáo. Tôi khẳng định PGHH là Phật giáo Việt Nam ngang tầm, bình đẳng, không sai khá