Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (16)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2703 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chương tám: Nội dung Phật Pháp của Phật Giáo Hòa Hảo.


Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ một nội dung Phật pháp rất gần gũi, rất trung thực, đến độ phải nói là thống nhất và hợp nhất, với Phật giáo nguyên thủy mà đức Phật đã giảng dạy cho các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Đó là con đường trung đạo, tam nghiệp, tứ diệu đế, tự vô lượng tâm, tứ ân, ngũ giới, lục độ, bát chánh đạo, thập thiện, thập nhị nhân duyên. Ðây cũng là nền tảng giáo lý và nội dung Phật pháp của PGHH.


Đạo Phật là đạo giác ngộ, chủ đích của đạo Phật không gì khác hơn là đưa con người từ cõi mê mờ, đau khổ, đến cõi giác ngộ, an lạc. Và đức Phật, có nghĩa là đấng giác ngộ, đã vì lòng từ bi lân mẫn, thương xót chúng sanh mà chuyển pháp luân đánh thức người mê, khai ngộ cho tất cả mọi người đều được giác ngộ như chính đức Phật. Trong bài thơ Chuyển Pháp Luân, Huỳnh Phú Sổ đã trình bày rõ chủ đích của đạo Phật, đồng thời cũng là sứ mạng của chính ông:


"Lòng thương lê thứ đáo Ta Bà

Thừa chuyển pháp luân dụng khuyến ca

Cảnh tỉnh người mê về cõi ngộ

Dạy răn kẻ tục vượt mê hà".


Để mở đầu, ông đã giới thiệu cho tín đồ biết Phật là ai. Khác với sự thêm thắt, huyền hoặc, tôn sùng sai lạc sau này, coi Phật như một đấng thần linh, ông đã đưa Phật trở về đúng con người thật mà chính Phật đã tự giới thiệu khi Ngài còn tại thế: Ngài là một vị giác ngộ và là một vị "thiên nhân sư" (Thầy của người và trời), nghĩa là một vị đạo sư chỉ bày con đường và phương pháp giác ngộ cho chúng sanh.


Trong bài "Phật Là Gì?", Huỳnh Phú Sổ đã viết như sau, trong năm 1942, khi ông 23 tuổi:

"Phật giả là giác giả (Người giác ngộ). Giác giả là Tỉnh giả (Người tỉnh thức).

Khi đức Thích Ca thành Phật thì Ngài nói pháp tứ dế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung đạo cho người hành theo.


Đường Trung đạo của Phật:


1. Không trưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung sướng thái quá thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí đạo tối tăm, không thể đạt huệ được.


2. Không nên hành xác hay ép xác thái quá như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ hay sanh bịnh hoạt nhiều, người mà đa mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cõi, nhọc mệt, trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học đạo đặng.


Nên người biết đạo chẳng ép xác thái quá, mà cũng chẳng để nó sung sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong được đạo Pháp.


Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình.


Điều cần yếu là phải:

Làm Hết Các Việc Thiện,

Tránh Tất Cả điều độc ác,

Quyết Rửa Tấm Lòng Cho Trong Sạch".

 

Nếu được nghe bài thuyết pháp này của một thanh niên Việt Nam 23 tuổi nói về đức Phật và con đường Trung đạo, gần 2.500 năm sau khi Phật nhập diệt, thì chắc đức Phật cũng rất hoan hỉ, vì nói rất gần gủi với những gì Phật đã nói và đi vào được ý chính của vấn đề.


Sau bài Phật là gì? Trên đây, Huỳnh Phú Sổ viết tiếp bài "Chư Phật Có Bốn đại đức," giản dị, ngắn gọn một cách phi thường và đi vào chủ đích, cốt tủy của đạo Phật một cách rất bình thường, cũng như giảng dạy lý do và mục đích của việc niệm Phật:

 

"Từ Bi Hỷ Xã"


Chư Phật có bốn đại đức. Vậy ta niệm danh hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:


1. Đức từ: Phật đối với chúng sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo lắng đến, hết lòng dìu dắt, dạy dỗ, không nở để chúng sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não.


2. Đức bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghé bỏ, lại thương xót không cùng.


3. Đức hỉ: Thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn bã.


4. Đức Xã: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm, lầm lỗi, chẳng còn vướng vúi chi với cuộc danh lợi, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng sanh lòng luyến ái.

 

Vậy ta nên niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta đắc được bốn đức ấy.


Ta cũng nên bố thí, nhẫn nhục, trì giới để độ tham, sân, si.


Còn phương pháp niệm Phật là để trừ cái vọng niệm của chúng sanh, vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt, vì cái vọng niệm về việc thế trần ấy mà không cho cõi lòng an lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên hay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng sanh. Cho nên khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình dục còn đâu mà nẩy sinh ra được?


Nên Niệm Phật Là Niệm Cái Bản Lai Thanh Tịnh Của Phật Trong Lòng Của Mình Nương Theo đó Mà được Thanh Tịnh Và Chẳng Còn Trược Nhiễm Trần Ai.


Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác, cũng gọi là tịnh tam nghiệp".

 

Một trong những người giảng Phật Pháp được coi là trung thực, đầy đủ và hay nhất trên thế giới là đại đức Naraga Maha Thera, tác giả The Buddha and His Teachings (đức Phật và Phật Pháp), cũng không thể giảng về tứ vô lượng tâm và ý nghĩa của việc niệm Phật dễ hiểu hơn, súc tích hơn.


Cái hay, cái sâu sắc và cũng là cái thực tế của Huỳnh Phú Sổ là ông dạy niệm Phật nhưng nói rõ niệm Phật không phải là niệm Phật Thích Ca hay Phật Di Lặc ở đâu đó trong vũ trụ, đế tán dương, ca ngợi các Ngài, mà niệm cái bản lai thanh tịnh, cái Phật tánh, của Phật, ngay trong tâm mình. đồng thời, cũng mặc nhiên nói rõ niệm Phật không có hiểu quả bao nhiêu nếu không tu thập thiện, bỏ thập ác. Cũng như giảng về tứ vô lượng tâm, ông cũng nói rõ là làm sao để mình có thể có được bốn đức từ, bi, hỉ, xã đó và phải bố thí, trì giới để diệt tham, sân, si.


Tu là diệt lòng tham, là sửa đổi tâm tánh, ngôn ngữ, hành động của mình. Nhiều Phật tử, vì từ căn bản không biết Phật là ai, cứ tưởng Phật là thần linh vạn năng, rất thương chúng sanh nên cầu gì, xin gì là Phật đều cho, nên tha hồ cầu xin, tha hồ phát triển lòng tham vô tận của mình, hay vì không biết mục đích, ý nghĩa của việc niệm Phật, lạy Phật, cứ tưởng niệm Phật, lạy Phật là được Phật thương, Phật rước lên cõi Tây Phương Cực Lạc, chớ không lo làm lành, lánh dữ, tu nhân tích đức và phát triển cái tâm thanh tịnh, an lạc có sẵn trong lòng mình. Tu kiểu đó, và đây là cách tu của không ít Phật tử, thì càng tu càng tham, càng khổ và càng đọa.


Không những giảng về Phật, sự niệm Phật, Tam Bảo, Tứ Ấn, Tứ Vô Lượng Tâm, Huỳnh Phú Sổ còn giảng về Tam Nghiệp và Thập Thiện một cách đầy đủ, chu đáo, vì đây là thuộc phần luân lý, đạo đức xã hội hết sức căn bản và quan trọng của người Phật tử.


Tam Nghiệp Và Thập ác:

 

"Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. định luật ấy gồm vào một chữ đạo, đạo của con người kêu bằng "đạo nhân", và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết.


Muốn làm tròn nhân đạo, phải giữ vẹn tứ ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam Nghiệp và chừa Thập ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.

 

Mỗi người đều có ba nghiệp chướng sau đây:

Thân nghiệp: tội lỗi do thân xác gây nên.

Khẩu nghiệp: tội lỗi do miệng lưỡi gây nên.

Ý nghiệp: tội lỗi do ý tưởng gây nên.

 

Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:


Thân nghiệp sanh 3 điều ác:


1/ Sát sanh

2/ đạo tặc

3/ Tà dâm

 

Khẩu nghiệp sanh 4 điều ác:


1/ Lưỡng thiệt

2/ ỷ ngôn

3/ ác khẩu

4/ Vọng ngữ

 

Ý nghiệp sanh 3 điều ác:


1/ Tham lam

2/ Sân nộ

3/ Si mê

 

1/ Sát sanh: Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung chạ với thế giới hung tàn, bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.


Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hiềm, vì háo thắng... nghĩa là họ giết nhau vì sự lợi ích của một người, cùa một nóm người, của một đẳng cấp xã hội, của một quốc gia... đó là người đối với người.


Người đối với thú cầm sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín,... sát hại sanh vật cúng tế... vì sự vui thích... kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú vật làm tấm bia cho nhắm trong những lúc cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân loại vậy... Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế thần cúng thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên nhân các sự họa hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xẩy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền bồi các tội ác trước được.


Thế nên hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo... chẳng khá sát hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hàng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn.

 

2/ Đạo tặc: Câu "bần cùng sanh đạo tặc" cần phải là một câu chữa mình của bọn bất lương vô đạo. Những kẻ này ngày vẫn vơ đầu đường xó chợ, tối kiếm chỗ khoét vách đào tường, không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc. Lớp người cặn bã của xã hội này, sống ngoài vòng pháp luật, trốn nhủi trốn chui, phá rối an ninh của dân chúng, chuyên lo giết người cướp của, đoạt giựt tài sản lương dân, không nghĩ rằng phải tốn bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu giòng nước mắt mới làm ra được. Họ là giống sâu làm rầu nồi canh, là tội nhân gây ra nhũng tai biến trong những gia đình cần lao tiết kiệm, là nguyên nhân của sự nghèo, sự khó, họ phá hoại hạnh phúc của con người.


Cơ hàn đói khó, thay vì phải làm lụng như những người khác mưu cuộc sống còn, họ gây cái lỗi này rồi đến cái lỗi khác, phạm tội này rồi tới tội nọ, tạo chẳng biết bao nhiêu chuyện bất lành cho nhân chủng. Lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt, những kẻ ấy dầu họ không bị luật hình của loài người phân xử, song cơ Trời cũng sẽ báo ứng đến những hành vi đen tối, nếu họ không chịu ăn năn chừa lỗi, sửa tánh tu thân, bỏ thói vô nghì lánh điều phi nghĩa.

 

3/ Tà dâm: "Muôn việc lành, hiếu thuận đứng đầu, ngàn việc dữ, tà dâm đứng trước". Sách sử thường bảo như thế. Lần dở xem sử sách, thời thấy tội ác ấy làn diễn khắp nơi, từ trào nội đến thứ dân, từ trong gai đình đến kẻ xa người lạ. Nó là mầm gây ra biết bao thảm trạng. Gương của vua Tế với vợ Thôi Tử?, An Lộc Sơn với Dương Quý Phi há chẳng còn lưu niên hậu thế? Giàu ỷ của, hiếp dâm kẻ khó, quan ỷ quyền cưỡng bức đám dân hèn. Gian phu dâm phụ, từ xưa đến nay luôn luôn đều có.


Muốn tránh sự bại hoại nền luân lý nước nhà, muốn giữ gìn tiếng tăm của gia thế, phải đừng để dục tình lôi cuốn, bắt chước gương xưa trau dồi lòng hiếu trung trinh tiết.

 

4/ Lưỡng thiệt: đứng đầu các tội ác do miệng lưỡi gây ra, ác lưỡng thiệt này đã làm duyên cớ cho những sự hiểu lầm nhau, những sự cãi vã, gây gổ, sanh oán sanh thù. Sự phải của người thì bớt, sự quấy của người thì thêm, cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh, phá tan sự đoàn kết, tình thân yêu giữa nhân loại. Nó cũng là nguồn cội của bao nhiêu bất hòa, hiềm khích.


Để giải trừ những tai vạ ấy, phải giữ cho lời nói mình được thành thật, chánh đáng, được vậy trong hương đảng mới bớt rầy rà, ngoài xã hội không điều xích mích và mình cũng không còn chịu ác cảm, tránh sự miệt khinh của kẻ khác.

 

5/ Ỷ ngôn: Nói đến tội này tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chưởi dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài xỉ người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sựkhôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát.


Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng tại họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lầm lỗi hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội lỗi.

 

6/ Ác khẩu: Những tiếng thề thốt lỗ mãng, chưởi mắng tục tằn làm ra tội này. Con chưởi mẹ, mắng cha, không kể luân thường thảo hiếu, mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn, hiếp đáp xóm chòm cô bác. Mở miệng ra chưởi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng thần thánh. Tối ngày kêu réo Phật Trời, mời thỉnh Long Cung, làm thêm tội lỗi càng thêm chồng chất.


Hãy bỏ những tiếng tục tằn thô lỗ, làm cho đời sống được êm dịu thanh bai hơn. đối với cha mẹ phải có lễ độ, với gia đình, với bà con cô bác, với xóm chòm quen thuộc, lời nói mình phải đoan trang nghiêm chỉnh. đối với con cái trong nhà, không nên nói những điều ác đức, phải dùng lời nói dịu dàng hiền hậu dạy dỗ chúng.

 

7/ Vọng ngữ: Thêm thừa huyển hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chữa, giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra, ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy các điều phải của họ. Khoe khoan tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.

Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tành nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ trêu. Chẳng nên tráo chước với người, bỏ tiếng xảo ngôn và phải dùng lời chơn chất.

 

8/ Tham lam: Tánh tham lam đã làm cho loài người phải chịu bao nhiêu điều thảm khổ: chiến tranh, cướp bóc, giết người... tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế... Những sự ấy đã xô đẩy con người vào chẳng biết bao nhiêu cuộc chiến đấu ác liệt, gây nên những thảm họa tầy trời. Những tấn tuồng giặc giã, cướp của sát nhơn, những vụ hối lộ, tham ô, những vụ tranh thế giành quyền đã làm cho nhân sanh điêu linh trong vòng tai nạn khốc hại. Cái tham ấy cũng đã làm cho con người đau buồn hận khổ, phải khóc đứng than ngồi, phải liều mình tự sát chỉ vì sự ham muốn không được thực hiện. Người ta quyên sinh vì tình yêu, vì lợi quyền, vì thất trận... Những cuộc cấu xé lẫn nhau, những vụ nồi da xáo thịt, những vụ tương sát tương tàn, những điều hung hăng bạo ác cũng do sự tham lam mà ra cả. Ngày giờ nào loài người diệt được tánh tham lam của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ. Vả lại, ở đời phải có những lúc thăng trầm chìm nổi, c&