Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3068 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


Chương II: Tư-tưởng Phật Học của Thiền-Sư Thích Thiện Chiếu


A/ Cuộc đời và hành trạng của Thiền Sư Thích Thiện Chiếu


Cuộc đời cũng như tư tưởng của thiền sư Thích Thiện Chiếu thật là lạ lùng, độc đáo. Theo cuốn Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển ba, của Nguyễn Lang, thì ông sinh năm 1898 ở Gò Công, tên đời là Nguyễn Văn Sáng, có lúc thì tên Nguyễn Văn Tài, bí danh là Xích Liên (bông sen đỏ). Ông gần gủi với Phật Giáo từ khi ông tám tuổi qua ông nội là thiền sư Huệ Tịnh, trú trì chùa Linh Tuyên, tỉnh Gò Công. Thiện Chiếu tinh thông chữ Nho khi còn nhỏ và cũng đọc được sách bằng tiếng Pháp. Năm 21 tuổi ông lên Sài Gòn học thêm và đến năm 28 tuổi, năm 1926, ông làm trú trì, thật ra thì làm giáo thọ có lẽ đúng hơn, chùa Linh Sơn tại Sài Gòn. Ông đọc được nhiều "tân thư"của Trung Hoa, sách Pháp ngữ nên ngoài Phật Học, ông là một trong những tăng sĩ hiếm hoi lúc đó biết rõ tình hình chấn hưng Phật Giáo tại Trung Hoa, các tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa và tình hình thế giới. Là một thanh niên trí thức tinh thông Hán học, Phật học lại biết thêm tân học, xuất thân từ một gia đình Phật Giáo có ông nội là thiền sư Huệ Tịnh rất tinh thâm Nho học nên ông đã dễ dàng tạo những quen biết thân tình, có tính cách tri kỷ, với các danh tăng đương thời như Tổ Khánh Hòa, sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, thiền sự Trí Thiền, cố vấn của Hội Phật Học này. ông là một trong những người đi đầu, nhiệt tình nhất hăng hái nhất, tích cực nhất, trong phong trào chấn hưng, hiện đại hóa và thống nhất Phật Giáo Việt Nam cận đại. Tấm lòng của ông đối với đạo Phật đang suy đồi, đen tối thật là thiết tha. Và đồng thời tấm lòng ông đối với đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, dày xéo, thật là sôi nổi, cuồng nhiệt.


Năm 25 tuổi, năm 1923, ông đã sát cánh với thiền sư Khánh Hòa, cùng với các danh tăng đương thời như Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải, thành lập Hội Phật Giáo đầu tiên của Việt Nam là Hội Lục Hòa Liên Hiệp, ông đã đi khắp Nam, Trung, Bắc để vận động thành lập một hội Phật Giáo toàn quốc. Ông đóng góp đắc lực vào việc xây dựng những cơ sở hiện đại đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam trong việc hệ trọng là đào tạo tăng tài và hoằng pháp như Thích Học đường và Phật Học Thư Xã năm 1928, cả hai cơ sở này đều đặt trụ sở ở chùa Linh Sơn nơi ông làm giáo thọ. Năm 1929 ông cùng Tổ Khánh Hòa vận động mua cho Thư Xã bộ Tục Tạng Kinh 750 tập.


Ông cũng góp phần quan trọng trong việc xuất bản tờ báo Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam là tờ Pháp âm, số ra mắt ngày 13-08-1929. Chính ông sau đó ra tạp chí Phật Học thứ nhì tại Việt Nam, và hết sức mới lạ, so cả với bây giờ, là tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Có lẽ tờ bào này đã gieo những hạt nhân cho giới thanh niên trí thức, cư sĩ cũng như tăng sĩ đương thời, từ đó hình thành Tổ Chức Gia đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Tổ Chức Gia đình Phật Tử Việt Nam (nhưng tờ báo vừa ra đã bị Thực Dân Pháp đóng cửa). Chắc hẳn ông cũng là một trong những nguyên nhân xúc tác việc thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học nhưng là một thanh niên trí thức yêu nước cuồng nhiệt, ông chắc hẳn đã hết sức bất bình khi Hội này mời Thống đốc Nam Kỳ làm hội trưởng danh dự và Hội bị những phần tử thân Pháp khuynh loát. Không những Thiện Chiếu mà người sáng lập ra nó là Thiền Sư Khánh Hòa cũng phải thất vọng và ra đi: ông rút về chùa Long Hòa, tổ chức một Phật Học đường lưu động lấy tên là Liên đoàn Phật Học Xã và thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh, cuối cùng giấc mơ của Tổ Khánh Hòa được thực hiện: Phật Học đường Lưỡng Xuyên (Lưỡng Xuyên có nghĩa là "hai con sông", sông Tiền Giang và sông Hậu Giang) được chính thức khai mạc vào cuối năm 1934. (Nguyễn Lang, sđd, t 59).


Trong thời gian này, thiền sư Thiện Chiếu cư trú ở chùa Hưng Long, Chợ Lớn. ông không những bất mãn với những cư sĩ quan chức của Pháp như ông Trần Nguyên Chấn, người chủ chốt của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, ông còn bất mãn với sự cổ hủ, lạc hậu và bảo thủ của Phật Giáo và của đạ đa số tăng sĩ đương thời, kể cả với Thiền Sư Khánh Hòa. ông viết những bài báo nóng bỏng, sôi động, đả kích mạnh mẽ tình trạng Phật Giáo và Phật Học đương thời, đồng thời bỏ công sức viết và tự xuất bản khoảng mười cuốn sách Phật Học, đa số đều gây chấn động và những cuộc tranh luận sôi nổi.


Cuối cùng, vừa bất đắc chí với giới tăng già và tình trạng bảo thủ, lạc hậu của Phật Giáo, vừa thất vọng vì thấy phật Giáo bất lực không giải quyết được vấn đề xã hội và đất nước, và vừa do tấm lòng ái quốc chống Pháp, chống Thực Dân cuồng nhiệt, nên ông cởi áo tăng sĩ, bỏ chùa Hưng Long trở về cuộc đời cư sĩ và ở nhà một người bạn cư sĩ ở Gò Vấp. Năm 1936, ông về Rạch Giá tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong hàng ngũ Phật Giáo, theo một khuynh hướng tiến bộ, hoàn toàn khác biệt với các sinh hoạt Phật Giáo đương thời. Tại đây ông cùng thiền sư Trí Thiền lập Hội Phật Học Kiêm Tế, lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở. Hội ra tạp chí Tiến Hóa năm 1938.


Hội Phật Học Kiêm Tế không những chỉ là hội nghiên cứu và truyền bá Phật Pháp (Phật Học) mà còn là hội cổ võ và thực hành kinh bang tế thế nữa (Kiêm Tế). Hội thành lập một cô nhi viện Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam, cứu trợ nạn nhân bảo lụt ở Rạch Giá. Như con người Thiện Chiếu, tạp chí Tiến Hóa tuyên bố không những "tuyên truyền"cho Phật Học mà còn "truyên truyền cho bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui". Không những thế, những học thuyết nào có tính cách từ bi bác ái đều được Tiến Hóa công nhận là Phật Pháp. Tiến Hóa chủ trương một đường lối triệt để cách mạng, vô cùng mới mẻ và táo bạo và gây sóng gió trong giới tăng già, có người quy kết Tiến Hóa là Cộng Sản và thân Nhật nhưng Hội Phật Học Kiêm Tế được nhiều người ủng hộ trong đó có danh tăng Trí Thiền (Cố Vấn Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học). ông đã làm giấy cúng hết tài sản chùa cho Hội như là sự bày tỏ cụ thể và triệt để sự ủng hộ của ông. đường lối cách mạng cấp tiến của những người lãnh đạo Hội Phật Học Kiêm Tế biến chùa Tam Bảo thành một trung tâm quy tụ những nhà ái quốc chống Pháp như cử nhân Hán học Vũ Ngọc Hoành, một cán bộ của Phong Trào đông Kinh Nghĩa Thục, đưa chùa Tam Bảo trở thành một chiến khu bí mật chống Pháp. Cuối năm 1939 chùa Tam Bảo bị đóng cửa, Thực Dân Pháp tố cáo trong chùa có chứa vũ khí và chế tạc đạn, thiền sư Trí Thiền và nhiều người khác bị bắt và bị đày đi Côn đảo. ông, một cao tăng vì yêu nước chống Pháp, đã hy sinh trong nhà tù Côn đảo. Trong vụ bố ráp chùa Tam Bảo, thiền sư Thiện Chiếu là lý thuyết gia của nhóm, chính ông đã đem tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa truyền bá tại đây, đã may mắn trốn thoát. Từ đó ông không còn sinh hoạt trong hàng ngũ Phật Giáo và thoát ly theo hẳn con đường kháng chiến chống Pháp.


Ông tham gia phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa do đảng Cộng Sản đông Dương phát động ở Hốc Môn, Bà điểm. Năm 1942, ông bị mật thám Pháp bắt được, đày đi Côn đảo. ông bị Thực Dân Pháp tra tấn đến bại xuội. Sự tra tấn, tù đày dã man của Thực Dân chỉ làm con người đại hùng đại lực của ông thêm sắc đá, cứng rắn và kiên định trong lý tưởng cách mạng. Mặc khác ở Côn đảo gần 9/10 tù nhân chính trị là tù nhân Cộng Sản nên có lẽ trong thời gian tù đày này, ông đã tham gia vào đảng Cộng Sản đông Dương. Sau cách mạng tháng tám năm 1945, ông trở về đất liền tiếp tục hoạt động. Năm 1954 ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1956 ông qua Trung Hoa làm trưởng tổ ban phiên dịch của nhà Xuất Bản Ngoại Văn ở Bắc Kinh. Năm 1961 ông trở về Hà Nội làm ở Viện Triết Học. Năm 1965 ông về hưu trí và mất ở Hà Nội ngày 6/7 âm lịch năm 1947, thọ 74 tuổi. (NL, sđd, t 64-76).


Con người tăng sĩ và cư sĩ Thích Thiện Chiếu trong thời gian còn mang lý tưởng phụng sự Phật Giáo và Dân Tộc, lấy thời điểm ông làm giáo thọ chùa Linh Sơn, Sài Gòn, năm 1926, đến khi chùa Tam Bảo, Rạch Giá bị Thực Dân Pháp càn quét năm 1939, chỉ trong 13 năm, ngoài vô số hoạt động hăng hái, tích cực nhất trong giới Phật Giáo thời đó và ngoài những bài báo bốc lửa, vũ bão, ông đã viết và xuất bản hơn 10 tác phẩm, tác phẩm nào cũng giá trị, mới lạ và sôi nổi, đó là các tác phẩm: Phật Học Vấn đáp, Phật Hóa Tân Thanh Niên, Cái Thang Phật Học, Phật Học Tổng Yếu, Phật Pháp là Phật Pháp, Tranh Biện, Tôn Giáo, Tại Sao Tôi Cám ơn đạo Phật và các công trình dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật Giáo Vô Thần Luận của Thái Hư.


Kể từ năm 40 trở đi, khi ông tham gia Nam Kỳ Khởi Nghĩa và thoát ly trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, và ông không còn sinh hoạt trong hàng ngũ Phật Giáo, cho đến khi ông mất năm 74, tổng cộng 34 năm, không thấy ông để lại tác phẩm gì. Có lẽ trong thời gian tập kết ra Bắc, ông cũng như những người kháng chiến yêu nước khác, Phật Giáo hay không Phật Giáo, đã hoàn toàn vỡ mộng và đã bị kềm chế, không thể hoạt động gì và cũng không thể viết lách, sáng tác gì cả.


Được biết trong thời gian ở miền Bắc ông đã tỏ ra bất mãn với chế độ. ông thất vọng và đau đớn vì những người đồng chí mới của ông - những người Mác Xít – đã đàn áp, bóp nghẹt Phật Giáo. Nhưng dù sao phần đời của ông, hiến dâng cho lý tưởng giái phóng dân tộc, từ năm 1940 trở đi, đã thuộc về dân tộc, về lịch sử và tôi cúi đầu khâm phục, không phê phán, trước sự hy sinh cao quý, vĩ đại, của ông và của thế hệ ông cho sự nghiệp kháng chiến cứu quốc khỏi ách thống trị tàn ác của Thực Dân Pháp, trong một hoàn cảnh lịch sử bế tắc và mù mịt. ở đây, ta chỉ nhìn lại và phê bình tư tưởng Phật Học của ông, từ năm 1923, khi ông cùng thiền sư Khánh Hòa lập Hội Lục Hòa, cho đến năm 1939 khi tất cả đồng chí Phật Giáo của ông trong Hội Phật Học Kiêm Tế, tăng sĩ cũng như cư sĩ, đã bị quân xâm lăng bắt giữ, tra tấn, tù đày.


Ông Thích Thiện Chiếu, con người yêu đạo Pháp thiết tha và con người yêu quê hương sôi nổi đã hòa nhập làm một bất khả phân ly. Ở ông, con người lý tưởng lý thuyết sâu sắc nhưng bốc lửa và con người hành động, dấn thân kiên trì, cuồng nhiệt cũng là nhất quán và không thể tách rời. Phật Giáo Việt Nam có hàng chục ngàn tăng, ni và hàng triệu, triệu Phật Tử, thế nhưng 70 năm qua đã có mấy tăng sĩ hay cư sĩ Việt Nam chịu khó viết hơn 10 cuốn sách? và đã có mấy ai có một cuộc đời tuổi trẻ hào hùng, đáng sống như ông?


Trình bày và phê bình tư tưởng Phật Học của Thích Thiện Chiếu cũng có nghĩa là trình bày và phê bình tư tưởng Phật Học của những đồng chí cùng thời với ông.


Tôi vừa hổ thẹn, vừa hãnh diện khi làm công việc này. Hổ thẹn vì tư tưởng của Thích Thiện Chiếu và của một số tăng sĩ, cư sĩ thời đó còn táo bạo hơ là tư tưởng của chính tôi ngày nay, và hãnh diện vì, từ lâu tha thiết với việc hiện đại hóa Phật Giáo, tôi không ngờ cách đây 6, 7 chục năm mà Phật Giáo Việt Nam đã có những tư tưởng mới lạ, tiến bộ như thế và những con người tài giỏi cấp tiến và xứng đáng như thế. Tuy nhiên, trong hàng ngũ Phật Giáo Việt Nam, chỉ có một số ít chấp nhận tư tưởng cấp tiến của Thích Thiện Chiếu. Hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam quả thật vừa là một di sản vô giá, vừa là một gánh nặng ngàn cân.


Lê Hiếu Liêm

Nguồn: phatgiaohoahao.net