Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (21)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3876 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chương chín: Hình thức tín ngưỡng của Phật Giáo Hòa Hảo


Nội dung giáo lý Huỳnh Phú Sổ giảng dạy chính là đạo Phật căn bản và nguyên thủy. Nhưng ông đã đi xa hơn, vươn tới Phật Giáo đại Thừa với giáo lý Học Phật Tu Nhân mà Tứ ân là nền tảng. Có thể nói, ông chủ trương không gì khác hơn là Học Phật đạo và Hành Bồ Tát đạo. Tất cả những ai hiểu rõ đạo Phật đều thấy được những tư tưởng Phật học rất trong sáng, giản dị chan hòa trong tất cả bài thuyết pháp của ông. Và ông, ngoài đặc tính nhấn mạnh thuyết Tứ ân, không đưa ra những tư tưởng Phật học gì mới.


Có nhiều lý do giải thích: thứ nhất là trình độ tín đồ nông dân của ông khó hấp thụ những tư tưởng cao hơn, thứ hai hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước không cho phép những người yêu nước thiết tha, quyết liệt như ông chìm đắm trong những tác phẩm triết lý xa vời, thứ ba là ông xuất hiện trên đời quá ngắn ngủi, chỉ 27 năm, và chỉ truyền đạo chưa đến bảy năm, thật ra, nếu chỉ tính những hoàn cảnh cho phép ông thuyết giảng một cách tương đối tự do thì chưa đến một năm. Thứ tư là truyền thống Việt Nam nặng về cái tâm hơn là lý trí nên ông chú trọng sáng tác các bài thơ chở đạo để đi sâu và ở lại bền vững trong muôn lòng hơn là những tác phẩm siêu hình chỉ một số nhỏ trí thức là có đủ khả năng để học hỏi, nghiên cứu.


Tuy nhiên, nhiều người đã coi Phật giáo Hòa Hảo như một nền Phật giáo cải cách, một nền Phật giáo đặc thù Nam Bộ, một nền Phật giáo có tính thời đại chính là ở hình thức tín ngưỡng của PGHH mà Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ. đây quả thật là một cuộc cách mạng, không những trong Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới, mà còn là một cuộc cách mạng trong lịch sử tôn giáo của nhân loại.


A. PGHH là một tông phái Phật Giáo thuần túy tu hành tại gia

 

Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, độc đáo. Nói đến tôn giáo, là nói đến giới tăng lữ. Nói đến Thiên Chúa giáo La mã mà không nói đến Giáo Hoàng, các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Linh Mục, một giai cấp độc quyền trung gian giữa "Thượng đế" và các con chiên, là chưa nói đến gì cả. Ngay cả Tin Lành, tự thân là một cuộc cách mạng tôn giáo, cũng không thể thiếu các mục sư. Phật giáo là tôn giáo có một đoàn thể tăng lữ độc thân sớm nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại và cũng là tôn giáo khai phóng nhất, tự do nhất, bình đẳng nhất, thế nhưng vẫn không thể thiếu một tầng lớp tu sĩ, là các tăng ni, hay gọi chung là tăng già.

 

Trải qua 25 thế kỷ, trong Phật giáo đã xuất hiện hàng chục tông phái khác nhau, chủ xướng những quan điểm tu tập không giống nhau nhưng dù khác biệt từ giáo lý đến nghi lễ, không một sự phân nhánh và phát triển nào của Phật giáo lại đi ra ngoài cái thông lệ là lấy giới tăng sĩ xuất gia làm cái chủ lực và tầng lớp lãnh đạo. Dù về mặt tư tưởng, đã xuất hiện rất sớm kinh Duy Ma Cật, đề cao tột đỉnh một vị cư sĩ, có trình độ Phật học và chứng đắc vượt xa tất cả đại đệ tử của đức Phật, nhưng về mặt tôn giáo, vẫn chưa xuất hiện nổi một tông phái lớn và tồn tại lâu dài, mà trong đó chỉ có cư sĩ mà không có tăng sĩ. Huỳnh Phú Sổ và PGHH là một tông phái Phật giáo rất đặc biệt  không những của PGVN mà còn của Phật giáo thế giới, và suốt 2.500 năm lịch sử Phật giáo mới xuất hiện một tông phái đặc biệt do cư sĩ sáng lập, quy tụ được 3 triệu tín đồ và tồn tại gần 60 năm, kế bị sự cấm đoán nghiệt ngã của bạo quyền.

 

Huỳnh Phú Sổ ra đời trong hoàn cảnh suy vi, thoái hóa trầm trọng của Phật giáo Việt Nam và hình ảnh người tăng sĩ là một hình ảnh tiêu cực, thấp kém trong xã hội. Việc ông cạo đầu xuất gia làm tăng sĩ và cải cách Phật giáo dưới hình tướng của một tăng sĩ là việc ông có thể làm dễ dàng. Và thật sự cuộc đời ông đã sống như một tăng sĩ: độc thân, không tình ái nam nữ, ăn chay trường, và dành tất cả cuộc đời cho việc hoằng pháp, độ sinh.

 

Tuy nhiên ông đã không xuất gia tu tại một ngôi chùa mà xuất hiện như một cư sĩ, một Phật tử tại gia thuyết pháp ngay tại nhà và dấn thân vào đời như một nhà ái quốc, một chiến sĩ cách mạng. đặc biệt là dù mang hình tướng cư sĩ, nhưng tâm thức và hạnh nguyện của ông là tâm thức và hạnh nguyện của một tăng sĩ: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào... Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha. đền xong nợ nước thù nhà. Thiền môn trở gót Phật đà nam mô..." Việc giữ nguyên hình tướng cư sĩ đã cho ông một không gian hành hoạt vô giới hạn, đi từ một "giáo chủ", một vị tổ của một tông phái Phật giáo, đến vai trò chủ tịch một Mặt Trận kháng chiến, linh hồn sáng lập một chính đảng và tư lịnh tối cao của một lực lượng quân sự.

 

Do việc ông là cư sĩ và đã tạo nên một nền Phật giáo cải cách, mới lạ, cấp tiến, vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, quen thuộc của Phật giáo nên đã không có sự tham gia của tăng ni v các tín đồ của ông đều là những Phật tử tại gia. Nhưng không vì thế mà ông bài bác sự xuất gia, trái lại ông đã viết về hạng Phật tử xuất gia một cách rất trân trọng, ca ngợi, tán dương chư tăng, ni đúng với hình ảnh tăng già thời đức Phật, như ông đã viết trong cuốn Những điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền:

 

"Đạo Phật từ xưa đến nay luôn luôn phân làm hai hạng người:

1) Hạng xuất gia,

2) Hạng tại gia.

Hạng xuất gia gồm có các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương, bè bạn, dựa thân vào cửa thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh già lam, trau luyện đức lành, dồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh, thập phương nghe để quay đầu hướng thiện quy y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhân loại đại đồng. đó là hạng người dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi".

 

Một cách ngắn gọn, ông đã tóm lược đầy đủ và xuất sắc lý tưởng, phẩm  hạnh, đạo đức, đời sống của người xuất gia. Và dù thực tế thời đó không được tốt đẹp, cao cả như thế, đa phần hạng xuất gia, do thất học, không được giáo dục, huấn luyện nghiêm túc, đầy đủ, đã trở thành những ông thầy cúng thấp kém. Nhưng cái hay của Huỳnh Phú Sổ là ông chỉ ca ngợi cái hình ảnh cao đẹp, chớ không đã kích thực tế tiêu cực của giới tăng sĩ. ông đã rất sáng suốt không tạo sự bất hòa, xung khắc, xa cách giữa tăng sĩ và cư sĩ. ông chú trọng vào quần chúng nông dân, đánh thức họ, chuyển hóa họ thành những Phật tử gương mẫu, phục tùng, tôn kính ông như là giáo chủ, nhưng vẫn tôn kính chư tăng, ni.

 

Sau khi ca ngợi chân thành người xuất gia, ông cũng ca ngợi nhiệt liệt người tại gia và khơi dậy tinh thần ái quốc, tinh thần trách nhiệm, đối với tổ quốc, đồng bào, xã hội và gia đình, cũng như khơi dây tinh thần đạo đức, hướng thiện và lý tưởng giải thoát, giác ngộ của người Phật tử tại gia. Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có ai viết về người Phật tử tại gia, một cách tôn kính, yêu thương và chứa chan hy vọng như Huỳnh Phú Sổ đã viết, cũng như chưa ai nói đến tâm trạng của người tại gia một cách chính xác, đầy đủ như ông đã nói:

 

"Hạng tại gia gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông, tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni cô đặng. Tuy nhiên họ cũng sẵn sàng hoan nghênh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật Nhân Quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ đức Phật, phát nguyệt quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát. đây là hạng người học Phật tu Nhân.

Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu Nhân vậy".


Chỉ trong một trang giấy, ông đã trình bày một cách súc tích, đầy đủ, chính xác những đặc tính của tứ chúng, tức bốn hạng đệ tử của đức Phật, là hạng xuất gia tăng (tỳ kheo) và ni (tỳ kheo ni) cùng hạng Phật tử tại gia, bao gồm cả thiện nam (ưu bà tắc) và tín nữ (ưu bà di).

 

Không có tăng, ni xuất gia là một đặc điểm lớn của tông phái PGHH và không xây chùa chiền là một nét đặc thù lớn của tông phái này.

 

Đã có những thời đại, Phật giáo suy đồi vì giai tầng tăng lữ được ưu đãi quá đáng, nên nhiều người đã xuất gia mà không được tuyển chọn và giáo dục kỹ càng, cuối cùng đã trở nên một tập thể quá đông, quá ô hợp, thiếu phẩm chất đạo hạnh và trí tuệ của tăng già chân chính. Cũng đã có những thời đại, mọi tiềm lực trong nước bị phung phí vào việc  xây chùa, đúc tượng, trong khi đó việc xây dựng đường sá, cầu cống, mở mang hệ thống giáo dục và y tế bị xao lãng.

 

Cũng có những thời đại nội dung Phật học, Phật pháp và bản chất trí tuệ, giác ngộ của đạo Phật bị lu mờ, thay vào đó là sự phô trương các hình tướng, hình thức, sự hưng thịnh của việc lễ bái, cầu xin và sự lan tràn của nạn mê tín dị đoan. Vào các thập niên đầu của thế kỷ 20, cũng như cho đến những năm cuối cùng này của thế kỷ, Phật giáo Việt Nam đã chịu cả ba thứ "pháp nạn" này: tăng, ni thiếu phẩm chất, chùa chiền không còn là trung tâm tu dưỡng tâm linh và Phật giáo bị thoái hóa, trở thành một tôn giáo mê tín, tầm thường, thấp kém, như các tôn giáo khác.

 

Thay vì thờ lạy, cầu xin Thượng đế, Chúa Trời, Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, v.v... Phật tử thờ lạy, cầu xin chư Phật, Bồ Tát. Thay vì tin ở thiên đàng, địa ngục, Phật tử tin ở Tây Phương Cực Lạc và các cảnh giới địa ngục.

 

Hình ảnh đức Phật lịch sử có thật, là Phật Thích Ca, như một đạo sư, một vị Thầy, bị lu mờ và biến mất. Thay vào đó là hình ảnh của đức Phật A Di đà, một đức Phật thần thoại, chưa bao giờ có thật trong lịch sử, được tôn vinh thành một thứ thượng đế toàn năng, có khả năng cứu độ nhiệm mầu, chỉ cần thành tâm nhiệm danh hiệu Ngài là được về cõi Tây Phương Cực Lạc, một thứ thiên đàng nhiều vui thú.

 

Bất chấp luật nhân quả, luân hồi. Và từ đó người Phật tử trở thành những "con chiên", nghĩa là những con cừu, ngoan ngoãn, dễ bảo, lười biếng.

 

Họ không còn là những đứa con tinh thần của đức Phật, vì họ không còn thực hành lời dạy của Ngài là hãy dũng mãnh tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình tinh tấn tu học để ngộ nhập tuệ giác Phật, nghĩa là tự mình giác ngộ và trở thành Phật. Họ cũng không còn là đệ tử của các vị Bồ Tát, đi vào cõi khổ đau để cứu khổ ban vui, mà chỉ mong trốn chạy thế giới đau khổ để an hưởng trong cõi Cực Lạc. đúng là "càng tu càng phát triển lòng tham" và "càng tu càng tự chứng tỏ mình là người mê tín".

 

Huỳnh Phú Sổ, trước tình trạng suy đồi toàn diện của Phật giáo, đã cố gắng tạo một hình thức tôn giáo mới cho đạo Phật, giản dị hơn, trong sáng hơn, hợp thời hơn. Không quy hướng về giới tăng lữ, ông lấy người Phật tử tại gia làm trung tâm và xây dựng mỗi tín đồ thành một người tu hành chân thật, không bị nô lệ trong danh sắc hình tướng.

 

Không xây dựng thêm chùa chiền mới nhưng ông đã thật sự xây dựng nhiều ngôi chùa nhất trong lịch sử Phật giáo VN: mỗi mái nhà của tín đồ là một ngôi chùa, mỗi gia đình Phật tử là một "tăng thân" tu học. ông đưa đạo Phật đến tận mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi mái nhà.

 

Mỗi người tự trực tiếp thực hành đạo Phật trong mỗi giây phút của cuộc đời mình, không cần trung gian của tăng, ni và không cần hình tướng của chùa chiền, hình tượng, chuông mõ.

 

Đây là hướng đi tất yếu của nền Phật giáo thời đại và của mọi tôn giáo trong thế kỷ 21 sắp tới. Bởi vì, như đức Phật đã khai mở và vinh danh Con Người, như là những cá thể độc đáo, tự do và mầu nhiệm, cách đây 25 thế kỷ, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị, giáo dục,  văn hóa, xã hội ngày nay và trong tương lai gần sẽ tôn vinh đến tuyệt đỉnh con người, và cho mỗi cá nhân quyền năng vô hạn để tự chủ, tự lựa chọn, tự khẳng định, tự thăng hóa và tự giải phóng.

 

Lê Hiếu Liêm 

Nguồn: phatgiaohoahao.net


------------------------------------------------------------

Bài liên quan:

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (1)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (2)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (3)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (4) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (5)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (6) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (7) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (8)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (9) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (10)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (11)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (12)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (13) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (14) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (15) 

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (16)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (17)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (18)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (19)

Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ và Phật giáo thời đại (20)