Bước chân đạo hạnh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1848 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Những bước chân đạo hạnh trên lộ trình “học Phật tu Nhân”, người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) phải làm tròn nhân đạo và không thể thiếu sự làm phước, nhìn lại chính mình, sống dưới ánh sáng hằng giác …


TRÒN ĐẠO LÀM NGƯỜI


Đức Thầy dạy: “Rán tu Nhân đạo cho tròn mới hay”.

Bởi vì theo quan điểm của Ngài: “Làm người chưa vẹn khó hòng thảnh thơi”.


Là một con người mà tư cách không đáng một đồng xu, thì làm sao nên ngôi Tiên Phật. Thế nên trình độ tu tập của người PGHH theo giáo lý “học Phật tu Nhân” là con đường dẫn đến quả vị thành Tiên thành Phật. Nhưng trước tiên phải làm được người hiền.

“Tu là tu Phật tu Tiên

Tu cho rõ biết chữ hiền ra sao”


Nhân đạo là đạo làm người là nền tảng phải có đủ vững vàng để xây dựng lâu đài đạo hạnh Phật Tiên. Đây là một nhận thức nằm lòng, một quan điểm thiết thực khả thi của người PGHH. Bước chân đạo hạnh bình dị, hành trang đủ đẹp mình, đẹp nhà, đẹp người và đẹp xã hội nhơn sanh.


“Người mong cầu quả Phật; thành tựu hay không là ở nhân cách. Nhân cách thành tựu thì quả Phật thành tựu”. Lời trên là của ngài Thái Hư Đại sư, một cao tăng Trung Hoa cận đại (1889 - 1947).


Chữ “Phật” trong chữ Hán viết gồm chữ “nhân” là người, và chữ “phất” là rứt bỏ.


Một người mà dứt bỏ mọi tham đắm mê nhiễm của tham, sân, vọng tưởng thì ánh sáng tuệ tâm rực rỡ, tháo bỏ vòng ràng buộc của vạn pháp, tức thời thành Phật.


Thành Phật, từ con người, một con người tròn đạo.

Nhân đạo vẹn tròn thì Phật đạo cũng đạt thành, ấy là các lý tương ứng như Phật.

 

LÀM PHƯỚC

 

Người ta hay phân chia tu Phước và tu Huệ. Thực ra Phước Huệ đâu có tách rời. Tu Phước là điều kiện của tu Huệ, tu Huệ là điều kiện của tu Phước. Thử xét, nếu ta không có sự sáng suốt của trí tuệ thì làm sao nhận ra tính chân thật và tạm giả của muôn pháp thế gian. Và lấy gì làm bản dừng cho lòng đắm si mê, nhắm mắt chạy theo giả ảnh phù du của pháp hành thế gian. Rồi làm sao mà làm phước được? Chưa nói đến, khi làm phước mà không đủ trí huệ thì có khi không được phước mà chỉ được tội. Bởi việc làm phước bị tính ngu muội của vô minh nó dẫn đi theo mê lộ sai lầm.


Tu Phước, nói đơn giản là làm phước, tức là khởi lòng chia sẻ những gì của mình có đến mọi người với tinh thần từ ái sớt chia từ vật chất đến tinh thần. Ta có, mới chia sớt cho người được, lý ưng là thế. Đằng này, trong túi không có một đồng xu mà gặp người xin tiền ta chỉ cho toàn miễng sành sắt vụn thì người ta nhờ cậy được gì? Do đó, tu Phước làm phước trước tiên là ta phải có phước. Điều này không thể khác hơn được!


“Ai mà muốn được phước duyên,

Nghe lời khuyến thiện lòng liền phát tâm”


Muốn tu Phước phải hành thiện, phải thanh lọc tâm hồn, sống an lạc hạnh phúc. Bởi phước là điều may mắn, an lạc, hạnh phúc vui tươi.

Muốn tu Phước, trước phải trí hiền tâm đức. Muốn làm phước cho người trước phải làm phước cho mình.


Như lời Lục Tổ dạy:

“Muốn toan ra độ thế,

Phương tiện phải sẵn sàng”


Người xưa dạy:

“Nhân thân bất độ hà nhân độ”

Giúp mình không được thì làm sao giúp người. Bước đạo hành này không thể nào không thấu đáo cẩn trọng.

 

QUAY TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH


“Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (trở lại chính mình mà thành đạo, có niềm vui nào lớn cho bằng).

Mạnh Tử


Chương thứ nhất sách Trung Dung có viết: “… Cái dục học giả ư thử, phán cầu chư thân nhi tự đắc chi, dĩ khử phù ngoại dụ chi tự, nhu sung kỳ bản nhiên chi thiện” (Muốn các học giả quay về tìm ở chính mình mà tự đắc đạo, để trừ khử đi tư dục của những cám dỗ bên ngoài, mà làm cho đầy cái tính thiện vốn có của mình).


Đạo hạnh Nho gia: “Tĩnh tọa thường tri kỷ quá! Nhàn đàm mạc luận nhơn phi”. Đạo người quân tử ngồi yên thường tự xét lỗi mình, rồi nhàn không nói chuyện quấy thiên hạ.


Đức Thầy tôn kính để lời giáo huấn:

“Chuyện người chớ móc chớ moi

Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình”


“Ai ai hãy rán xét mình,

Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài”.


Đã làm một con người, chưa là thánh thiện tất nhiên còn nhiều lỗi lầm - lo nói chuyện người thì đâu còn thì giờ thấy biết lỗi mình mà tu mà sửa?! Vả lại, có khi lắm lời phê phán lỗi người, xem kỹ lại lỗi lầm ấy chính mình cũng đã từng phạm lỗi. Hay biết đâu, mình đâu có chắc là sẽ không phạm lỗi như người! Mà dẫu cho mình không có phạm lỗi như thế, nhưng mình lấy tư cách gì mà bình phẩm người ta trong khi mình cũng chẳng trọn vẹn gì?! Ai dám cam đoan rằng: “Tôi không còn phạm lỗi”!


Lo xét nét lỗi mình, chơn thành tu sửa thì chứa nhóm đức hạnh thanh cao, từng bước hoàn thiện lấy mình.


Lo móc moi, đàm luận phê phán lỗi người thì vẩn đục tự tâm, sanh oán hờn phiền não; tổn đức hao phước, ngày một mẻ mòn, ám u tâm đức …


Hai việc được thua, hai điều hơn thiệt rõ ràng là kẻ tu hành lẽ đâu ta không cảm nhận được?


Bàn luận như trên là trong phạm vi “quay lại chính mình” trên phương diện tự xét.


Trên phương diện tự xử, bài học “quay lại chính mình” có một giá trị xác đáng thiết thực trên bước đường tu niệm.


Vì ý thức lầm lạc, chúng ta xây dựng thành trì bản ngã quá kiên cố. Cái ta và cái của ta sừng sững như núi Thái Sơn, nó khiến cho mọi người đều mang họ đỗ tên thừa! Trong mọi sự mọi việc, xảy ra trong đời, mình thường đùn đẩy trách nhiệm, không tự nhận phần lỗi lầm, cứ một mực đỗ thừa tại này tại nọ. 1001 chữ tại được chúng ta hợp lý hóa cho mình, và cứ như thế ngày một rối ren, ngày một phiền não lu bu và đổ vỡ. Hệ quả của các pháp dua mị bản ngã, ích kỷ tư tâm nó đánh mất mảnh đất bình an hạnh phúc. Ngã mạn, tham đắm sanh giận hờn oán trời trách người, dệt thành màn vô minh cứ theo thời gian mà dầy đặc thêm.


Hãy lặng lòng trầm tĩnh, niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật trở lại tự tánh thanh tịnh, nhìn thẳng vào mọi sự việc xảy ra trong đời liên quan đến mình. Thường thường, mọi việc bất an, mọi điều ngang ngửa, mọi rối ren xảy đến đều từ chỗ chính tâm mình chưa đủ Từ, đủ Bi, đủ Hỷ, đủ Xả mà thành ra có chuyện, ta hoàn toàn lãnh lấy phần trách nhiệm mà sám hối sửa trao ăn năn cải hóa. Không phải tại ai cả, đều là tại mình hoàn toàn, nếu ta có một cuộc quay về chính mình sẽ lặng yên mà thấy, chân thành mà nhận biết.


Từ cái thấy biết chơn thật xuất phát từ tự tánh (giác ngộ) Bồ Đề ấy, chúng ta mới có cơ sửa trao, cải thiện mà hoàn mãn công hạnh.


Công việc này nó đòi hỏi một nội lực đủ mạnh để đánh tan bản ngã dua mị, nội lực ấy hùng dũng dám nhìn thẳng thắn vào mọi pháp hành, mà chuyển hóa.


Luận giảng thì nghe đơn giản mà thật sự nó không giản đơn chút nào. Công cuộc quay trở lại chính mình cũng có nghĩa là vô hiệu hoá cái tiểu ngã muôn đời của chính mình như lời nhắn nhủ của Đức Thầy: “Hãy tìm hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật, hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ”.


Chỉ có quay lại chính mình, xét mình mới biết mình mê ở đâu, để chuyển mê khai ngộ. Và, có trở lại chính mình mới tu tập hiệu quả mà kiến tạo từng bước chân đạo hạnh thanh cao, thiện mỹ.


SỐNG VỚI ÁNH SÁNG HẰNG GIÁC


“Học vấn chi đạo vô tha: Cầu phóng tâm nhi dĩ hỷ” (Sự học vấn không có gì khác, tìm cái tâm mình đã mất mà thôi).

(Sách Mạnh Tử: Cáo Tử Thượng, 11)


Cổ Đức để lời dạy:

“Bất úy tham sân khởi

Duy khủng tự giác trì”

(Người tu không sợ tánh tham sân si nổi lên, chỉ sợ tánh tự giác chậm).


Tự tánh giác là ánh sáng hằng giác, cái trí tuệ sáng soi vốn có tự xưa nay của mỗi người mà vì đám mây mù mê vọng nó bị ẩn khuất tối tăm làm cho những bước chân đi trên nẻo đường đầy gió bụi “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.


Phải sống trong chánh niệm là sống với ánh sáng hằng giác trong mọi cảnh. Nếu không may gặp tai nạn hay bệnh tật, ốm đau thì càng nên gia tâm niệm Phật, để cho ánh sáng tuệ giác hướng về Lạc Quốc không bị tắt.


Trong cuộc sống, dù gặp cảnh bất xứng ý nghịch lòng đối mặt với sự lừa dối, hủy nhục, bạc đãi vẫn giữ vững niềm an lạc, lấy tâm trong sáng mà đối đãi lại. Trên lộ trình chí tâm tìm đạo giải thoát thì phải tự mở lòng, giải mã mọi bí ẩn và khúc chiết tự cõi lòng bằng chìa khóa của thương yêu, Từ Bi Trí Tuệ, một mực lo làm lợi ích cho mọi người để xả ly mọi ích kỷ riêng tư, phá vỡ mọi chấp trước nặng nề nó vốn là cái nhân đưa ta vào mê lộ luân hồi đau khổ.


Thường Như

Hương Sen 26

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn