Ý thức về cái chết

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1240 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

“Tất cả mọi người đều chết, nhưng chẳng có ai chết cả”, ấy là câu tục ngữ của người Tây Tạng. Đức Phật  từng dạy: “Giống như người thợ dệt đã dệt đến đoạn cuối cùng của sợi chỉ, đời sống của con người cũng thế”.


Chết, là mẫu số chung mà mỗi sinh vật là những hằng số. Chết, là cái gì rất thật, nhưng cũng rất khó chấp nhận. Có ý thức về cái chết, tức là ta có ý thức về sự sống, vì sống và chết là hai mặt của một thực tại, một hiện pháp bất khả ly.


KHÔNG Ý THỨC ĐƯỢC CÁI CHẾT, TA SẼ KHÔNG TẬN DỤNG TOÀN VẸN CUỘC SỐNG.


Hãy dừng lại và tỉnh táo tư duy về sự sống, nhận diện cho tinh tường tính chất vô thường của mọi hiện tượng, ta sẽ có được nhận thức về  cái chết, là một sự kiện tất nhiên, là như thật, không một vật gì đứng y nguyên một chỗ trong sự vận hành lạnh lùng của thời gian. Như Đức Thầy đã ý thức bổn đạo:

“Ngày đến, đến đi đâu kéo ngược

Năm về, về mãi chẳng ngừng ngang.

Tuổi già thân yếu đa sầu cảm

Tóc bạc mình ve lắm rộn ràng…”

(Tỉnh Bạn Trần Gian)


Hay:

“Thiều quang thắm thoát dường tên.

Mắc vòng sanh tủ có bền được đâu”

(Hoài Cổ)


Nhìn  thẳng vào hiện tượng chết, phân tích được cái chết, làm chúng ta bớt sợ hãi và chúng ta hiểu được giá trị thật quý giá của kiếp sống này. Và khi chúng ta chấp nhận được cái chết như là một quá trình của sự sống, lúc ấy ta sẽ bình thản hơn khi cái chết đến. Cũng từ nhận thức ấy, chúng ta khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn trong từng nhịp sống của cuộc đời. Ta sẽ yêu  sâu sắc cuộc sống của mình, của mọi sinh vật và sẽ tận dụng tối đa, hiệu quả khoảnh khắc sống ấy để sống trọn vẹn và có ý nghĩa hơn!


NHỮNG BẤT LỢI KHI TA CHE DẤU CÁI CHẾT, CỐ NÉ TRÁNH HAY VÔ TÂM, THIẾU Ý THỨC VỀ CÁI CHẾT.


Người thiếu ý thức về cái chết sẽ thiếu ý thức về cuộc sống; sống bê tha và không có ý nghĩa gì cả. Họ không phân biệt được thế nào là hạnh phúc hay khổ đau; không biết được giá trị hiện hữu của hôm nay.


Ngạn ngữ có câu: “Quân bất Kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi” (Chàng thấy chăng nước sông Hoàng Hà chảy ra biển không bao giờ trở lại). Cho nên, có nhận thức được định luật vô thường, ta mới biết trân quý những phút giây hiện tại bởi thời gian trôi qua không bao giờ trở lại cũng như người ta không thể tắm hai lần trên một dòng nước. 


CÓ SỰ SỐNG NẦY, TỨC LÀ TA CÓ LẦN ĐÃ CHẾT:


Có một lúc nào đó, ta lặng lòng suy gẫm, trước khi cha mẹ sanh ta ra, ta là ai? Ở đâu? Vì lẽ gì mà đến đây? Đến để làm gì? Ngày mai đi về đâu?


Câu trả lời chắc chắn còn bỏ ngỏ … Có thể nói rằng, trước khi sanh ra, đã hơn một lần ta đã có chết đi. Thế thì chết là một điệp khúc bất tận trên lộ trình luân hồi vô định. Rõ là không có gì mới lạ, rất quen thuộc kia mà! Cái chết vốn không còn lạ lẫm, sao chúng ta cứ lấm lét hãi hùng kinh sợ?


Sự chết hiện diện trong sự sống. Khoa học phát hiện sự biến đổi vật lý của mỗi tế bào sống theo từng sát na thời gian. Tế bào nầy hủy diệt, tạo điều kiện cho tế bào khác phát sinh, cứ thế liên tục không ngừng. Rõ ràng ta đang sống nhưng cũng đang chết vậy! Sống một ngày, một tháng, một năm, có nghĩa là ta đã chết một ngày, một tháng, một năm… đó là sự thật, rất thật. Như vậy, đâu phải đến lúc liệm vào áo quan đưa ra nghĩa địa mới gọi là chết! Con người ta lần chết với tháng ngày, điều này không ai chối cãi được!


NHỮNG NGƯỜI HAY NÓI KHÔNG SỢ CHẾT, LẠI LÀ NHỮNG NGƯỜI RẤT SỢ CHẾT. TẠI SAO TA SỢ CHẾT?


Lý do nào khiến chúng ta cố che dấu cái chết, không muốn nhắc đến dù chỉ một lần? Đơn giản là vì chúng ta không đủ tư duy đúng đắn về thực hữu (sự chân thật vốn có của vạn pháp). Chính cái thiếu hiểu biết của tuệ giác làm nên nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời sống về sự chết.


Tại sao ta sợ chết? Ấy là vì ta muốn sống. Lý do nào khiến ta muốn sống? Ấy vì sự bám víu không sáng suốt của tham đắm dục vọng. Có khi ta cũng biết qua phân tích và học hỏi, rồi ta đinh ninh mình không còn sợ chết, và gân cổ lý luận: chết có gì mà sợ!… Nhưng thực tế, khi chạm mặt với sự chết ta vẫn không đủ bình tĩnh và nỗi kinh hòang vẫn ám ảnh ta. Bởi vì cái biết ấy không phải là cái biết thật của giác tri (Trí Huệ Bát Nhã).


Vậy, muốn thật biết để được bình an thanh thản trước cái chết, chúng ta cần trải qua một quá trình công phu tu tỉnh. Hy sử dụng Chỉ để Quán và từ Quán để Chiếu. Tùy thuộc vào sự giác ngộ mà ta có được cái Tuệ Tri, cái Trí huệ ví như thanh kiếm báu đủ năng lực chém phăng nỗi sợ hãi ám ảnh suốt đường dài vô định của sống và chết.


Có ý thức được cái chết, là có ý thức được sự sống, hay ngược lại.


Biết sống là sống đẹp, sống có ý nghĩa và tất nhiên sẽ bình an khi đối mặt cái chết.


Trần gian là quán trọ. Là một cõi đi về.


“Một cõi đi về”, khi lữ khách trần gian có ý thức về sự sống, khi đã có ý thức vế cái chết. Bằng ngược lại thì, trần gian là cõi có đi, mà đường về thì xa thẳm mù khơi.


Thường Như

Nguồn: phatgiaohoahao.org.vn