Tin là gốc Đạo, là Mẹ sanh ra các công đức

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 580 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Bước chân ban đầu trên lộ trình giác ngộ, hành giả khởi hành từ bệ bước niềm tin. Từ niềm tin ta hun đúc thành đức tin. Đức tin, xét về chủ thể, chúng ta có đức tin với Phật, Pháp, Tăng - tin vào chơn lý. Rồi từ đức tin ta khởi lòng quy ngưỡng, mới hạ thủ công phu tu hành. Đức tin xét về đối tượng khách thể, tức là ta tu, kiến tạo tâm đức đủ để mọi người tin tưởng ta.

Nói đơn giản hơn, ta kiến tạo đức tin để tinh tấn tu hành, ta tin để tu và khi đã tu, ta phải làm sao cho mọi người tin tưởng vào sự tu hành chân chánh của ta. Bấy giờ ta trở thành đối tượng để mọi người khởi lòng tin. Đấy đích thực là phạm trù tự giác, giác tha, giác hành viên mãn của Nhà Phật.


TIN ĐỂ TU

Tám con đường Chánh Đạo đi về nẻo giải thoát, thì con đường dẫn nhập là Chánh kiến. Chánh kiến là xem xét, thấy đúng theo sự thật, nhận chân được thật tướng muôn pháp. Điều nầy vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì nếu thiếu Chánh kiến thì chúng ta sẽ bị lệch lạc, sa đà, và với tầm nhìn sai chắc chắn không có đích về cho đúng.


      Vậy tin để tu, hẳn nhiên phải dựa vào tinh thần Chánh Kiến trước tiên.


Tin là gốc Đạo, là Mẹ sanh ra các công đức


Niềm tin hay đức tin phải được xây dựng bằng chất liệu trí tuệ. Sự sáng soi của tâm trí mới sua tan mây mù tà kiến, định hình được hơn thiệt, đúng sai, trước khi khởi lòng tin tưởng hành trì. Về điểm nầy, Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ đặc biệt dạy khuyên cặn kẽ:


… Có đức tin (tin về thần quyền) mà thiếu lòng lành thì rất dễ bị tà thần cám dỗ, bọn tăng đồ lợi dưỡng gạt lường. Bởi những kẻ ấy thường hay bày ra cúng kiến để chuộc tội, hoặc bắt buộc ta thờ kính một cách phiền phức làm cho lòng u tối của ta càng ngày càng u tối thêm.Có lòng lành mà thiếu đức tin vào công việc từ thiện của mình thì lòng ấy thường hay thối chuyển vậy.Vậy đồng thời với đức tin và lòng trí lành phải đi cập luôn luôn… Người có tâm nếu không tập suy gẫm cho mở trí thì hay dễ bị lường gạt. Người có trí mà vô tâm thì hay xảo trá. Nên trí và tâm người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai để lấy tâm chủ trì mọi việc, lấy trí mà phán xét mọi việc trước khi sắp đưa cho tâm chủ trì. Được như thế chắc chắn ta học đạo mau thành công đắc quả. Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta cũng vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào. Cũng đừng thấy người thờ Phật rồi vội vã lập bàn thờ Phật, mà chưa hiểu ông Phật như thế nào và tại sao phải thờ kính đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác, nhạo chê hủy báng và cũng rất uổng cho cái công trình thành kính lễ bái của ta vậy. Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ, học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm phán đoán kỹ càng: Chừng  hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy, thầy ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả.


        Cũng với tinh thần trên, trong Khế Kinh Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã để lời dạy: “Bất tri phật, tự vị tín Phật, kỳ tội thượng quá ư báng Phật giả(chẳng biết ta mà nói là tin ta, tội ấy còn hơn hủy báng ta).


Kiến tạo niềm tin qua Kim Ngôn của Đức Phật và Đức Thầy, ta nhận thấy tinh thần đức tin Phật Giáo quả là rất duy lý phù hợp với tính tự chủ độc lập theo quan niệm thời đại.


Thông qua lý trí, mọi diễn biến của cuộc đời, mọi vần xây của thế sự, hay trước những tin đồn, trước dư luận hoang mang của quần chúng, ta có được sự trầm tỉnh và nhận thức chuẩn mực. Tinh thần Chánh Kiến hơn lúc nào hết sẽ hỗ trợ ta xây dựng đức tin trong sáng lành mạnh. Ta hãy nghe lời Đức Huỳnh Giáo Chủ cảnh tỉnh:


Đừng bạ đau tin bướng nghe càng làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.  (Quyển 5)


Và tất nhiên với niềm trí tin mới đưa hành giả đến bến bờ giải thoát khổ đau mê đắm.


Đức tin cho thân phận một người tu không phải là ngẫu hứng, chợt dấy lên bất ngờ rồi sau đó biến mất. Đức tin phải là một thực tại của đời sống mỗi người tu. Thực tại ấy nó nâng cấp từng bước đi đến hoàn thiện công hạnh.


Tạo được niềm tin với Phật Pháp âu cũng là một phước duyên. Người có được niềm tin với Phật, với Thầy sẽ khôn ra, sáng ra, sẽ hạnh phúc tuyệt vời. Bởi giáo pháp là chân lý tuyệt đối, tuy là lẽ thật rất thật, nhưng vi diệu thâm huyền đâu dễ dàng lãnh hội, đâu rẻ giá cả tin. Hãy phóng tầm nhìn vào hiện trạng xã hội với cuộc sống văn minh vật chất hiện nay, chúng ta sẽ thấy niềm vinh hạnh khi ta có được đức tin Phật Pháp.


ĐỨC TIN VỚI CHÍNH MÌNH – LÒNG TỰ TIN


Khi đã trọn niềm tin vào chân, thiện, mỹ - Giáo lý tuyệt vời. Tin Đức Phật, Tin Đức Thầy, điều kiện tiếp theo không thể thiếu là lòng tự tin: Đức tin với chính mình. Ta có lòng tự tin thì con đường tu mới có cơ thành đạt. Ta hãy thử hình dung trong bất cứ phương diện nào của cuộc đời, khi thiếu lòng tự tin, có thể thành tựu khả quan không? Chắc chắn là không. Trên bước hành trình tu niệm lòng tự tin nó lại rất cần thiết, bởi hành trình ấy nó đâu dễ dàng, nó đòi hỏi hành giả phải trả giá đắt lắm, do đó không thể dễ xuôi, phải kiên định vững tin mới mong hiển đạt.


Lòng tự tin nâng tinh thần ta vững chãi giúp ta mạnh dạng tiến bước, nó xua đuổi con ma rụt rè e ngại, ma giải đãi lần lữa hẹn thời.


Đức tự tin không phải niềm tự hào, ngã mạn cống cao, mà nó được dựng nên bởi tính thực tế tự kiểm điểm mình để biết mình. Biết mình, một đức tánh không thể thiếu trên đường tu thân lập mạng.


Thầy Tử Sản, một bậc hiền sĩ có chí lớn tài cao, đời sống thanh bạch nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc. Một hôm có người con gái gõ cửa xin ngủ trọ qua đêm. Tử Sản từ chối rằng:


- Nhà tôi không có ai, đêm hôm cô nam quả nữ e không tiện, xin cô hỏi ở nhờ nhà người khác.


Cô con gái nói:


- Người là danh sĩ há không biết chuyện Ông Liễu Hạ Huệ ôm người con gái vào lòng mà không động đó sao? Tôi là tôi, ông là ông, thanh giả tự thanh, tục giả tự tục, có gì đâu mà không tiện?


Tử Sản rằng:


- Ngài Liễu Hạ Huệ ôm con gái vào lòng không động, Ông làm được, còn tôi tự biết không được, nên xin từ chối. Ông Huệ được tiếng trong sạch, thì tôi cũng được trong sạch vậy.

 

Tin là gốc Đạo, là Mẹ sanh ra các công đức

Cái tinh thần tự biết mình nó nằm trong đức tự tin mình. Tự tin mình vì tự biết mình nên thầy Tử Sản vẫn được tiếng thanh cao.


TU ĐỂ TẠO NIỀM TIN CHO ĐỜI


Đức tin, chiều hướng tiếp theo là đức độ tu niệm đủ làm nên uy tín cho hành giả vững chân trên vị trí, và sáng đức trên hành trì.


Mọi đức hạnh từ ngôn ngữ, việc làm, tư tưởng được minh bạch khả kính, để  mọi người khi nhìn vào đặt hết lòng kính tin mà thừa vâng tu niệm. Ấy là hành giả đã làm nên công đức vừa độ mình, vừa độ người, để công hạnh giác hành viên mãn.


Đức Thầy dạy:


Mình đã gặp con thuyền Bát Nhã

Có lý nào ích kỷ tu thân”.


Với tinh thần tự độ, độ tha, mình đã tin để tu, tâm nguyện lúc nào cũng muốn mọi người như mình tin vâng quy ngưỡng. Do đó, cái đức tánh gây ấn tượng đẹp về mình cho tha nhân nhắm vào, tin tưởng hướng tu, bằng cái tâm vô hành vô ngã, đức tính ấy cao trọng biết là dường nào.


Đức tính ấy tối ư cần thiết, giúp hành giả thời thời quán xét tự thân, để tự khẳng định mình, mà tiến bước vững vàng trên nẻo về an vui hạnh phúc.


Qua nhận xét, bàn luận về đức tin, ta càng hân hoan và cúi đầu kính mộ kim ngôn phát ra từ kim khẩu của Phật: “Tin là gốc đạo, là mẹ sanh ra các công đức” (Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Hiền Thủ Bồ Tát).



Tin là gốc Đạo, là Mẹ sanh ra các công đức
                                                                                                                                                                                   Pháp luận Thường Như

Nhịp Cầu Tâm Giao 6, NXB Phương Đông (09.2011), tr. 65-70.