Đừng xem Đức Phật, Gandhi như là tượng thần - Hãy thực nghiệm những lời dạy của họ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 663 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Sulak Sivaraksa là người đề xướng chính về ‘Phật giáo nhập thế’ ở Thái Lan. Là một nhà hoạt động nổi tiếng hơn 30 năm, ông đã nối kết công việc của những nhà trí thức nhiệt tình cũng như những người dân thường lại với nhau, thành lập nhiều tổ chức phi chính phủ, và sáng tác hơn 60 đầu sách. Sulak Sivaraksa đã hai lần được đề cử cho giải thưởng Nobel vì Hòa bình vào năm 1993 và 1994, đã đoạt được giải thưởng Right Livelihood (một giải Nobel xen kẽ) vào năm 1994. Nhà báo Meenakshi Shedde ở Mumbai đã có cuộc trò chuyện với ông, bài được đăng trên Time of India, và sau đây là đoạn trích dẫn từ cuộc phỏng vấn đó.

 

1a.jpg


Meenakshi Shedde: Ông có nghĩ rằng những tôn giáo lớn của thế giới cần phải tự canh tân để có được nhiều ảnh hưởng trong thời đại lắm rối ren này không?


- Sulak Sivaraksa: Tất nhiên mỗi một tôn giáo phải quay trở lại với chính giáo lý nguyên thủy của mình và tự làm cho giáo lý ấy trở nên ứng hợp hơn trong thời đại ngày nay. Ví dụ, tôi thuộc về ‘trường phái Phật giáo nhập thế’ như đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt Nam, truyền bá. Nhiều Giáo hội Phật giáo ở phương Tây khuyến khích tín đồ của mình tu tập thiền định để được bình an cái tự ngã và rút lui khỏi xã hội. Nhưng theo Thiền sư Nhất Hạnh, nếu bạn không hòa nhập vào xã hội thì bạn không thật sự thực hành giáo lý Phật giáo mà đang thoát ly thực tế; Phật giáo của chúng tôi không chỉ hành động cho lợi ích riêng mình mà còn cho tất cả chúng sanh. Như vậy, bạn có thể đạt được an tịnh bên trong, nhưng vẫn hành động vì công bình xã hội, vì môi trường và bất bạo động.


Vì sao Phật giáo vẫn tiếp tục rất sống động bên ngoài Ấn Độ thay vì ngay nơi nó khởi nguyên?


- Những người thuộc đạo Hindu nỗ lực để xóa bỏ văn hóa Phật giáo khỏi đất nước này, thậm chí họ còn cho rằng Đức Phật là hiện thân của Vishnu. Sức mạnh của Phật giáo là sự bình đẳng đối với mọi người, bao gồm cả nam lẫn nữ, điều mà những người thuộc đẳng cấp của Hindu không thể chấp nhận được. Ở Ấn Độ, tôi thấy có hai thành phần Phật giáo, giới tân Phật giáo của Tiến sĩ Ambedkar, và giới Phật giáo Tây Tạng. Giới tân Phật giáo dường như quá khích, chủ yếu chống đối hệ thống giai cấp của đạo Hindu. Đa số người họ, cũng như giới Phật tử ở Thái Lan hiện nay, không hiểu nhiều về Phật giáo, nhưng tôi có nhiều hy vọng đối với số người này. Phật giáo là sự hiểu biết chính mình, hiểu rõ tham, sân, si của mình và biết cách để thắng vượt chúng; Phật giáo là một tôn giáo thực tiễn, không chủ trương việc oán ghét kẻ thù bên ngoài mà là chinh phục kẻ thù trong nội tâm. Có rất nhiều người bị đàn áp trong đất nước này, và Phật giáo tập trung vào những phương cách bất bạo động để loại trừ những nguyên nhân khổ đau cho họ. Thành phần Phật giáo thứ hai là người Tây Tạng; Đức Dalai Lama và những vị lãnh đạo tâm linh khác của Tây Tạng đã có nhiều ảnh hưởng đối với người dân Ấn Độ.


Ông thấy có chỗ gặp gỡ nào giữa Phật giáo và đạo Hindu không?


- Hindu giáo và Phật giáo có rất nhiều cái chung và đạo Hindu đã hỗn hợp rất nhiều giáo lý Phật giáo vào triết học của nó. Nhiều sáng kiến, giống như Arya Samaj và giáo lý của Vivekananda, đã cố gắng làm cho đạo Hindu có thể tồn tại. Ví dụ, dù được đào tạo trong hệ thống của Arya Samaj, Swami-Agnivesh không những thực hành thiền quán (Vipassana) mà còn hội nhập vào công tác xã hội; ông ta đã để hết tâm trí vào những sự kiện có liên quan đến công việc buôn bán sức lao động, lạm dụng sức lao động của trẻ em và phụ nữ. Hội Hòa bình Gandhi cũng đã và đang làm vô số việc cho nhân dân lao động. Tin tưởng giáo lý bất bạo động, Gandhi là cái mắt xích chính giữa hai tôn giáo này. Giá như chính đất nước Ấn Độ có thể học được cốt lõi giáo lý của Gandhi và Đức Phật, thay vì xem các Ngài như là những tượng thần. Bất hạnh thay, các bạn đã có thể tách Gandhi ra khỏi Ấn Độ. Gandhi vẫn rất có giá trị ở Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, nơi mà mạng lưới quốc tế của Phật giáo nhập thế đang hoạt động. Thay vì thiền định, tín đồ của chúng tôi đã nằm xuống trên đường ray để ngăn cản đoàn tàu lửa của Mỹ chở vũ khí đến Nicaragua. Một người trong số họ đã mất một cái chân nhưng người ấy không có nóng giận, vì cảm giác được rằng mình chỉ mất một cái chân, trong khi ấy nhân dân Nicaragua mất cả tính mạng.


Có thể làm điều gì để khiến cho mọi người và các chính phủ cảm nhận được tầm quan trọng của lòng yêu thương?


- Giáo dục và những phương tiện thông tin đại chúng ngày nay đang làm gia tăng lòng tham, ganh ghét và lừa dối. Trái lại, giáo dục phải gắn con tim và khối óc liền lại với nhau rồi truyền trao cho con người. Như nhận thức của người phương Tây, ánh sáng khoa học dạy bạn trở nên khôn ngoan, nhưng không khiến bạn trở nên tốt đẹp. Điều quan trọng hơn nữa là bạn phải thắp sáng con tim. Phật giáo dạy cho bạn nghĩ đến khổ đau mà bạn chưa thấy; nhận thức được rằng chúng ta đã giết cá trước khi ăn; nhận thức được những hậu quả về môi trường của việc giết cá trên bình diện rộng lớn; nhận thức được hậu quả của việc phá bỏ rừng ôn đới để trồng cỏ khô cho súc vật ăn rồi giết chúng nhắm vào mục tiêu sản xuất thịt hàng loạt. Bạn sẽ không phải là một Phật tử chân chính nếu bạn tham gia vào những việc làm này.


Trong những năm qua ông đã thấy có những thay đổi gì đối với người dân?


- Giai cấp trung lưu, những người vốn chỉ để tâm đến tiền bạc và địa vị, đang bắt đầu quan tâm đến người nghèo và môi trường. Người nghèo và giới trung lưu đã ngồi lại với nhau trong những hoạt động ở Thái Lan, Indonesia và những nơi khác.


Tuy nhiên, tại sao lại có nhiều sự khác nhau trong phương cách mà Phật giáo được ứng dụng tại châu Á?


- Tôi đưa ra một sự phân biệt giữa Phật giáo với chữ “P” viết hoa và Phật giáo với chữ “p” viết thường. Tích Lan là Phật giáo với chữ P viết hoa, nơi mà chính phủ dùng Phật giáo như là một công cụ cho quyền lực, do vậy có nhiều tu sĩ Phật giáo đã nói rằng phải loại trừ những người Tamil. Thái Lan thì không hoàn toàn thuộc vào hai loại này. Một số Tỳ-kheo Thái đã ký hợp đồng với nhà vua, tư hữu nhiều xe cộ và những tài sản khác. Trong những quốc gia Phật giáo, tầm quan trọng chỉ diễn ra ở con người lên mặt đạo đức thì không đủ tốt. Tôi thuộc về Phật giáo với chữ “p” không viết hoa, Phật giáo của bất bạo động, thực tế và nhắm đến loại trừ nguyên nhân của khổ đau. Nhưng chúng ta lại có quá nhiều tượng Phật được sơn thếp bằng vàng. Tôi nghĩ rằng Đức Phật hẳn sẽ bối rối khi Ngài hiện diện ở đó; may mắn thay vì Gandhi chưa được tạc bằng vàng…


Xin cám ơn ông.


Hương Vân chuyển ngữ (Theo Time of India)

Nguồn: giacngo.vn