Ý nghĩa ăn chay trong Phật giáo (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 753 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tôi rất do dự khi đề cập đến chủ đề này, vì thật ra đã có rất nhiêu sách vở, bài viết về vấn đề ăn chay. Lật trở lại chủ đề này, tôi có cảm giác như đẩy một cánh cửa đã mở rộng, vì vậy tôi chỉ ước mong có thể đóng góp thêm một vài ý kiến về ý nghĩa của ăn chay, giới hạn trong một vài quan điểm Phật giáo mà thôi.


Ăn chay không phải là một đặc thù của đạo Phật, nhiều tôn giáo khác cũng chủ trương ăn chay, chẳng hạn như đạo Jain của Ấn độ. Nhiều người không Phật giáo, hoặc không theo một tôn giáo nào cả nhưng họ ăn chay rất nghiêm túc, trong số này có nhiều người Tây phương. Trái lại một số người Phật giáo lại ăn thịt cá. Vậy thực sự ý nghĩa của việc ăn chay  theo tinh thần Phật giáo là gì?


Phần thứ nhất của bài sẽ đề cập lướt qua vấn đề ăn chay dưới khía cạnh hiểu biết khoa học. Tiếp theo, phần thứ hai sẽ nêu lên vài quan điểm đại cương về ăn chay theo kinh sách Phật giáo và các học phái Phật giáo khác nhau. Phần thứ ba sẽ lạm bàn về ăn chay một cách cởi mở hơn.


1. Ăn chay dưới khía cạnh khoa học


Con người là một sinh vật ăn chay hay ăn thịt? Khoa học cho ta biết một cách minh bạch rằng từ nguyên thủy con người là một sinh vật ăn hoa quả, rễ, lá, củ và thân thực vật. Răng người không phải là răng dùng để ăn thịt, không có nanh nhọn và dài. So với kích thước của thân thể, ruột người quá dài, trung bình18m, đó là đặc tính của sinh vật ăn cỏ, vì ruột dài giúp đắc lực hơn vào việc hấp thu chất dinh dưỡng thấp trong thực vật.


Tổ tiên loài người sống trên cây, sau đó thích ứng với đời sống dưới đất, từ đó bắt đầu ăn thêm côn trùng bắt được dưới những tảng đá, trong cỏ hay hóc cây…. Khoa học gọi lối ăn này là lối ăn tạp, có nghĩa là ăn bất kể thứ gì. Vì phải canh chừng nguy hiểm, tức những sinh vật hung dữ ăn thịt, tổ tiên con người phải tập đứng nhón trên hai chân để nhìn thấy xa hơn, và để tránh nguy hiểm, phải tập chạy bằng hai chân, vì chạy bằng hai chân sẽ nhanh hơn là bằng bốn chân. Đó là một vài lý do trong số rất nhiều lý do khác thúc đẩy sự tiến hoá của giống người.

Khi tổ tiên con người dần dần biết đứng trên hai chân, vị trí của đầu đối với xương sống cũng thay đổi, giúp cho sọ phát triển dễ dàng hơn về phía sau, tạo cho con người có bộ óc lớn hơn. Từ bộ óc phát triển, con người biết dùng đá đẻo, cung tên…để làm khí cụ săn bắt những thú vật lớn và khôn lanh hơn những loại côn trùng hay sinh vật nấp dưới các tảng đá hay hóc cây, lối ăn tạp cũng biến đổi đi, con người bắt đầu ăn thịt nhiều hơn.

Tiếp tục trên dòng tiến hoá, con người biết tạo ra những dụng cụ càng ngày càng tinh xảo, bắt được và giết được những con thú to lớn và hung dữ hơn. Trong số những dụng cụ tinh xảo đó gồm có súng đạn và bom nguyên tử ngày nay. Nhưng những khí cụ nguy hiểm này không còn dùng để săn bắn nữa, vì thú vật trở nên quá ngây ngô và khờ khạo so với con người. Những khí cụ ấy con người dùng để giết lẫn nhau trong mục đích tranh giành và bảo vệ miếng ăn ; mặc dù các nước hùng mạnh, sản xuất được các khí giới này, đã dư thừa thực phẩm.

Cũng nhờ vào bộ óc, con người sáng chế ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ gồm nhiều loại khác nhau và càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Con ngươi biết suy nghĩ rắc rối hơn và trừu tượng hơn, biết dùng những hình ảnh và biểu tượng để diễn đạt suy tư của mình, biết sáng chế ra văn chương, thi phú, và…triết học. Con người biết tìm ra mọi thứ thức ăn đủ loại và ăn không chừa một thứ gì, sáng chế ra thật nhiều món ăn thật cầu kỳ.

Nhưng đồng thời, nghiên cứu khoa học và thống kê y khoa, một sản phẩm của con người, lại cho biết những người ăn chay có sức khoẻ tốt hơn, ít bịnh tật hơn, nhất là các bịnh về tim mạch và ung thư, và những người ăn chay sống lâu hơn những người ăn thịt. Đây là những gì y khoa đã khẳng định. Nhờ vào những hiểu biết khoa học, rất nhiều người Tây phương ăn chay để tránh bớt ô nhiễm cho thân xác và hạn chế bớt sự tàn phá của môi sinh, bớt hấp thu vào cơ thể những độc tố và sức dinh dưỡng dư thừa từ thịt mỡ của thú vật. Những bài viết về ăn chay theo chiều hướng này rất nhiều, lại kèm thêm những chứng minh bằng thống kê, bằng những giải thích về y khoa, phân tính về sinh hoá, sinh lý học v.v…


2. Ăn chay theo kinh sách nhà Phật và các Học phái Phật giáo


Tại sao phần lớn những người Phật giáo lại ăn chay? Phật có bảo thẳng ta phải ăn chay hay không? Những lời nói đó của Phật được ghi chép trong kinh sách nào? Những kinh sách đó có đích thực hay không? Và thắc mắc cuối cùng được một vài bài viết nêu lên là Phật có…ăn chay hay không?


Phần trình bày dưới đây không có chủ đích trả lời trực tiếp các câu hỏi vừa nêu lên. Một quan điểm khẳng định có thể kéo theo những tranh luận bất tận, chẳng hạn như trường hợp nhiều sách vở và bài viết, cả trong và ngoài Phật giáo, đã từng đưa ra những quan điểm khác nhau. Tác giả các bài viết ấy, tùy theo trường phái, học thuyết, xu hướng hay sự hiểu biết cá nhân, đã đưa ra những ý kiến ít hay nhiều khác biệt. Tôi chỉ nêu lên và khai triển một vài khía cạnh của các vấn đề trên đây mà thôi, người đọc tự tìm lấy những câu giải đáp cho chính mình, bất kể là câu giải đáp đó theo chiều hướng này hay chiều hướng khác, một câu giải đáp thích nghi cho mỗi người.

Thật sự, ăn chay đã bắt đầu từ thời kỳ của Phật, kể cả trước đó nữa với lối tu khổ hạnh và đạo Jain (thế kỷ thứ VI trước Tây lịch). Trước cả thời kỳ Phật giáo Bắc tông được tái lập và bành trướng vững chắc vào thế kỷ thứ II, ăn chay do Đạo Phật chủ trương cũng đã được phổ biến rộng rải trong dân gian ngay từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch, bằng cớ là Đại đế A-Dục (Asoka, 304-232 trước TL) ăn chay, cấm giết hại thú vật và khuyên dân chúng ăn chay.


Kinh sách nhà Phật thật phong phú, nhưng vấn đề khuyến cáo trực tiếp và chi tiết về việc ăn chay không thấy đề cập đến nhiều, có thể việc này là một điều quá đương nhiên đối với người tu Phật hay chăng? Kinh sách chỉ thường xuyên nhắc đến việc cấm sát sinh. Nhưng nếu nhìn theo một khía cạnh khác, ta cũng không thể chờ đợi và căn cứ một cách đơn giản và duy nhất vào kinh sách để chọn cho ta cách xử thế với chính ta và môi sinh chung quanh ta. Ta không thể tự ghép mình theo kinh sách một cách từ chương. Kinh bảo thế nào thì làm thế ấy, không bảo thì thôi, ta tự do làm gì thì làm. Ta cũng thấy cái tại hại của một vài truyền thống mà người tín đồ tự buộc chặt vào những tín điều bất di dịch.


Theo thống kể có 58 000 bộ kinh ghi chép những lời giảng huấn của Phật. Con số khá lớn, dù cho Phật đã thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm liền. Đó là chưa kể đến kinh sách bị mất mát, chẳng hạn như hàng triệu quyển kinh đã bị người Hồi giáo đốt sạch ở thư viện tại Vườn nai Lộc Uyển (Sarnath); ngày nay thư viện chỉ còn sót lại một nền gạch mà thôi. Có tất cả ba lần kết tập kinh điển, lần thứ nhất một năm sau khi Phật nhập diệt tại thành Vương Xá (Rajagrha). Lần thứ hai được tổ chức tại Vệ-xá-li (Vesali), 110 năm sau khi Phật nhập diệt. Trong lần kết tập thứ hai đã thấy có những bất đồng ý kiến giữa các nhà sư, nói chung có hai hệ phái khác nhau. Lần kết tập thứ ba, còn rắc rối hơn nữa. Theo kinh điển tiếng Pa-li (Nam tông) thì lần kết tập thứ ba xảy ra tại Hoa-thị-thành (Pataliputra), vào năm 137 sau khi Phật nhập diệt. Theo các học phái Bắc tông thì lần kết tập thứ ba được tổ chức chậm hơn, tức vào năm 160, sau ngày Phật nhập diệt. Theo các tài liệu Bắc tông, địa điểm kết tập cũng không phải ở Vệ-sá-li mà xảy ra ở Ja-lan-đa-ra (Jalandhara, vùng Cachemire ngày nay). Trong lần kết tập thứ ba, đã thấy xuất hiện 18 hệ phái và có bốn ngôn ngữ khác nhau được xử dụng để ghi nhớ những lời giảng huấn của Phật. Có thể là trong lần kết tập thứ ba này, Tam tạng kinh: Kinh Luật, Kinh Tạng và Kinh Luận đã bắt đầu được ghi chép bằng chữ viết (?), nhưng không có dấu tích chính xác nào lưu lại. Theo các học giả Tây phương, kinh điển Nam Tông ghi chép bằng chữ viết xuất hiện chắc chắn vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch cho đến giữa thế kỷ thứ I sau Tây lịch; kinh sách Bắc tông được ghi chép từ giữa thế kỷ thứ I trước Tây lịch, và kéo dài đến thế kỷ thứ VI đối với một vài kinh sách xuất hiện muộn. Nói như thế để hiểu rằng trên phương diện kinh sách ghi chép bằng chữ viết, không thể khẳng định được là kinh sách Nam tông hay Bắc tông lâu đời hơn hay đích thực hơn.Trước đó, Tăng đoàn gồm c&aa