Hoàn cảnh ra đời của Hệ Phái Khất Sĩ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3148 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Hoàn cảnh ra đời của Hệ Phái Khất SĩPhật giáo du nhập vào Việt Nam đã hơn 2.000 năm, từ đó đến nay trải qua bao sự thăng trầm theo lịch sử, có những lúc Phật giáo Việt Nam ở vào thời kỳ vàng son như thời Lý Phật giáo là Quốc giáo, nhưng cũng có những lúc lặng chìm trong xã hội như thời Nguyễn, thời thuộc Pháp. Bởi vì không phát triển, Phật giáo cần được chấn hưng dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Khất sĩ. Theo chúng tôi, có 2 nguyên nhân chủ yếu:


1. Ngoại nhân


a. Về kinh tế xã hội

Bối cảnh lịch sử Việt Nam trước cách mạng tháng tám năm 1945 là nước thuần nông với nền nông nghiệp lạc hậu. Trong khi đó, lại chịu sự đô hộ của thực dân Pháp hơn tám mươi năm khiến nền kinh tế của Việt Nam thời kỳ này rất khó khăn, đời sống của mọi người cực khổ nên họ muốn hướng về đời sống tâm linh để tìm nguồn an lạc nơi nội tâm. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện những tôn giáo mới nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng.

 

b. Về hoàn cảnh địa lý


Vùng đất mới Nam bộ Việt Nam được khai pháp vào triều Nguyễn (thế kỷ XVII). Trước Cách mạng Tháng tám năm 1945 miền này tuy còn hoang vu, rậm rạp, nhiều thú dữ, thiên tai lụt lội… gây nên sự khó khăn cho người dân ở đây. Ngược lại, nơi này đất đai màu mỡ do hai con sông Tiền và sông Hậu bồi đắp phù sa, vùng đồng bằng Nam bộ ít đồi  núi cản trở, giao thông đường bộ dễ dàng, đường thủy cũng rất thuận lợi vì hệ thống sông ngòi nhiều. Bởi thế, từ khoảng thế kỷ XVII trở đi nhiều thành phần cư dân từ các nơi khác đến Nam bộ sinh sống và họ đã mang theo các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo góp phần cho sự hình thành và xuất hiện nhiều tôn giáo mới thêm phần phong phú và đa dạng.


Trên đây là những nguyên nhân từ bên ngoài xã hội tác động, ảnh hưởng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành Hệ phái Khất sĩ. Không những thế, từ trong nội tình Phật giáo Việt Nam cũng tác động rất nhiều đến sự xuất hiện Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam.

 

2. Nội nhân


a. Phật giáo Việt Nam suy yếu


Từ khi Pháp đặt chân lên đất Nam Kỳ cũng là lúc người Việt Nam chịu nỗi đau mất nước, “Phật giáo thời bấy giờ cùng chung số phận ấy, đã bị mất chủ quyển dân tộc, giáo quyền đạo Phật bị chà đạp trắng trợn hơn bao giờ hết (các Sư phải nộp thuế thân, phải đi lính cho thực dân Pháp, chẳng được tự  truyền đạo như bên Thiên Chúa v.v…). Tình trạng khốn đốn của Phật giáo buổi này chẳng khác nào đóng cửa để chờ chết vì chẳng còn hệ thống (đoàn thể) tổ chức như trước kia, nguyên do thực dân Pháp cố tình cắt đứt sự tổ hợp của Phật giáo buổi này, chúng sợ dân ta trá hình là Phật giáo để rồi chống đối chúng nên mọi hình thức của Phật giáo bị chúng làm tê liệt cả. Trong Tăng giới thời này chẳng biết làm gì hơn trước sự dòm ngó theo dõi của thực dân nên sự sống hết sức là rời rạc vô tổ chức”- Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam (Vân Thanh, giấy phép số 929/72/PTUVK SALP/TP ngày 27.6-1974, trang 189 – 190).


Thời gian này bên Trung Quốc vào cuối đời nhà Thanh (1616 – 1911), tình hình Phật giáo ở Trung Hoa cũng suy đồi rất nhiều, một phần do người xuất gia và tín đồ tại gia ít hiểu giáo lý cao siêu của đạo Phật, một phần do mê tín dị đoan đã thâm nhập một cách trầm trọng vào chốn thiền môn. Một số học giả Trung Hoa có tinh thần quốc gia nhận thấy ảnh hưởng của văn minh Tây Âu bắt đầu phát triển trong nước khiến cho phong  trào bài trừ mê tín dị đoan xuất hiện, nhân đây phải làm một cuộc thanh lọc trong nền văn minh Đông phương nhằm giữ lại những cái hay và bỏ đi những cái dở. Sau khi tìm xét, họ đồng tán dương giá trị chân chính cao siêu của Phật giáo và đề xướng phong trào “Chấn hưng Phật giáo” ở Trung Hoa. Người có công và ảnh hưởng lớn nhất của phong trào này là Đại sư Thái Hư, Ngài là một bậc Cao tăng thạc đức học rộng hiểu nhiều và rất hăng hái với việc hoằng dương chánh pháp.


Phong trào “Chấn hưng Phật giáo Trung Hoa” những năm đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng tới đất nước láng giềng Việt Nam. Vào khoảng năm 1920 tại nước ta đã khởi lên một phong trào chấn hưng Phật giáo, lúc đầu chỉ là những cố gắng lẻ tẻ của một số vị Cao tăng thạc đức trong nước như miền Bắc có các Sư cụ Vĩnh Nghiêm (Thanh Hạnh), Tế Các (Phan Trung Thứ), Bằng Sở (Dương Văn Hiển); miền Trung có các Ngài Tâm Tịnh, Huệ Pháp, Phước Huệ; miền Nam có quý Hòa Thượng Khánh Hòa, Huệ Quảng, Khánh Anh v.v… Đối với Phật giáo Việt Nam vùng Nam Bộ “vì hoàn cảnh thúc giục trong xứ Nam Kỳ Lục tỉnh còn lại một số Tăng giá tiền bối có thực học thực tu tìm đủ mọi phương châm để duy trì mối đạo” – Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam (tác giả: Vân Thanh).


Riêng phong trào “Chấn hưng Phật giáo Bắc Tông (Phật giáo Đại thừa)” vào thập niên hai mươi, ba mươi của thế kỷ XX do Tổ Khánh Hòa và thiền sư Thiện Chiếu lãnh đạo đã tác động mạnh mẽ đến Phật tử, nhà chùa với sự ra đời những hội Phật giáo, tạp chí như “Hội nghiên cứu Phật học và tờ tạp chí Từ Bi Âm ra đời ở Nam Kỳ vào tháng giêng năm 1932. Rồi sau đó tháng 6 năm 1933 tờ nguyệt san Viên Âm ra đời ở Huế làm cơ quan nghiên cứu của Hội Phật học Trung Kỳ, tháng 11 năm 1934 tới phiên Hội Phật học Bắc kỳ được thành lập do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu và Nguyễn Năng Quốc đứng đầu, năm sau Đuốc Tuệ ra đời làm cơ quan tuyên truyền cho Hội ấy” – Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử (Trần Văn Giàu, NXB TP.HCM 1993, trang 228). Nhưng thật tiếc thay, khi phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đang lên thì trận Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ và sau đó là chiến tranh Việt – Pháp làm gián đoạn hoạt động của các Hội Phật học trong cả nước.


b. Thể hiện tính đặc sắc


Trong thời kỳ Pháp thuộc ở Nam bộ Việt Nam trước khi Hệ phái Khất sĩ ra đời (1944), Phật giáo có chiều hướng suy yếu và nơi đây đã tồn tại nhiều tôn giáo, tông phái khác nhau như Phật giáo Nam tông (Phật giáo Nguyên thủy), Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài v.v… Riêng Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ gồm có hai: 1/ của người Khơ Me và 2/ của người Kinh. Phật giáo Bắc tông được truyền tới Nam bộ vào thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635). Ngoài ra còn có các nhóm của người Hoa từ Trung quốc di dân đến vùng Nam bộ làm ăn mang theo Phật giáo Bắc tông, đạo Cao Đài chính thức ra đời ở Tây Ninh năm 1926, Phật giáo Hòa Hảo (bắt nguồn từ đạo Phật với những cải tiến cho phù hợp với tín đồ) do Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập tại An Giang năm 1939. Nhìn chung, tại Nam bộ xuất hiện và tồn tại nhiều tôn giáo mang tư tưởng của Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo. Tuy có nhiều mối đạo mới nhưng phần lớn các đạo này chủ yếu dạy lớn người cư sĩ những điều cơ bản như ăn chay, tin luật nhân quả, làm thiện tích đức v.v… Những đạo mới này ra đời đã tạo được lòng tin và thu nhận nhiều tín đồ ở Nam Bộ, nên khi Hệ phái Khất sĩ ra đời với tiêu chí “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP” nâng cao hơn về mặt tu tập, giải thoát và đức Tổ sư Minh Đăng Quang không muốn Phật giáo phân chia Nam -Bắc tông mà lập nên Giáo phái Khất sĩ Phật giáo Việt Nam nên được rất nhiều người tìm hiểu, học hỏi và Phật giáo Khất sĩ tất nhiên cũng có những đặc sắc của riêng mình.

 

TIỂU SỬ ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG


Phật giáo Khất sĩ trên đất nước Việt Nam chính do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Tiểu sử của Ngài có thể chia thành ba thời kỳ:

 

1. Thời kỳ niên thiếu


Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, ra đời lúc 10 giờ tối ngày 26 (Ngày Tân Tỵ) tháng 9 năm 1923 (Quý Hợi), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).


Thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu (mất ngày mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968, thọ 75 tuổi), thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Nhàn. Từ bao đời gia đình song thân có nề nếp ăn ở theo đạo thánh hiền, tu nhân tích đức được người đương thời khen ngợi là gia đình hiền lương nhân nghĩa. Gia đình ông bà có tất cả năm người con, Ngài là út. Đối với bốn anh chị trước, cụ bà đều thọ thai sinh nở bình thường, riêng Ngài cụ bà mang thai đến 12 tháng mới khai hoa. Ngài sinh được mười tháng (ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý 1924) thân mẫu bị bịnh tim và qua đời (hưởng thọ 32 tuổi). Từ đó, được cô Út đem về nuôi 1 tháng, bác dâu thứ tám đưa về nuôi thêm 1 tuần, rồi Ngài được gởi về quê ngoại. Bà ngoại nuôi đến 3 tuổi, năm ấy thân phụ có kế mẫu Hà Thị Song và được kế mẫu tiếp tục nuôi dưỡng.


Năm lên bảy, được cụ ông cho lên thị xã Vĩnh Long học cùng các anh. Lúc ấy, tuy Ngài còn nhỏ nhưng Ngài rất có lòng từ như khi trời nắng thân phụ cho tiền đi xe kéo, xe ngựa nhưng không nỡ đi vì thương người, xót vật. Đến năm thi Tiểu học người anh thứ năm thi rớt nên mượn khai sinh của Ngài đi học, còn Ngài mượn khai sinh của Lý Hườn (cha mẹ của Lý Hườn là Lý Tắc và Trần Thị Hóa, từ đây về sau Ngài có tên Lý Hườn). Theo người chị Ba của đức Tổ sư hiện nay còn ở Vĩnh Long cho biết đức Tổ sư học đến bằng Thành chung (tương đương lớp 9 hiện nay).


Tuy sinh trưởng ở một làng quê nhưng Ngài có trí thông minh khác thường, ngoài giờ học ở trường, về nhà chú ý xem coi lịch sử các danh nhân cùng những kinh sám, truyện, sự tích v.v… Xem đến đâu đều nhớ hết cùng luận giải phê phán có phương pháp rõ rệt. Ngài có lòng thương người, từ lúc nhỏ ăn chay theo cha, niệm hương cúng Phật mỗi tối. Lòng từ bi thương người thương vật và lòng kính ngưỡng đạo Phật của đức Tổ sư từ đó phát hiện rõ rệt.


Năm 15 tuổi (1938), Ngài qua Nam Vang tìm thầy học đạo, gặp thầy Lục tà Keo (vị thầy bùa phép người Miên), ở với thầy được 3 năm. Sau đó thấy lối tu của thầy không thích hợp nên trở về quê (1941) ở với thân phụ thêm vài tháng nữa rồi lên Sài Gòn làm nhà hàng của người Nhật, sau đó làm cho hãng xà phòng Việt Nam. Tại đây, có ông Lục tà Keo (là thầy của ông chủ nhà hàng) thường lui tới nhà ông chủ hãng muốn kết duyên với cô con gái trong nhà đang tuổi cập kê lại có nhan sắc. Ông chủ hãng rất lo sợ (vì ông Lục tà Keo có nhiều vợ, tính lại ham nữ sắc), lại thấy cậu thanh niên Thành Đạt thông minh, đỉnh ngộ, nhân hậu, xứng đáng là nơi để cho con gái gởi thân nên mới nhiều lần nài nỉ Ngài để gả con gái (vì Ngài không có ý định lập gia đình). Cậu Thành Đạt vì muốn cứu giúp người con gái thuần lương, không nỡ để cô ta sa vào tay người thiếu đức nên về quê thưa qua cùng thân phụ, thân phụ chối từ vì sợ gia đình mình không môn đăng hộ đối so với người, nhưng ông chủ hãng vẫn quyết định gả con. Được một năm, ngày 23 tháng Giêng năm Quý Mùi 1943 hạ sinh bé Kim Liên, đứa bé khó nuôi nên được 1 tháng tuổi đem về gửi cho người chị Ba ở Vĩnh Long nuôi dưỡng. Chị Ba nuôi cháu được 2 tu, ông cụ đem cháu về nuôi vài tháng nữa thì cháu ngã bệnh rồi mất. Sau vài tháng sinh con, cô Kim Huê thọ bệnh qua đời, Ngài ở nhà một thời gian lo hương khói rồi quyết chí đi tu.

 

2. Thời kỳ hành đạo


Năm 1943 (21 tuổi), Ngài thật sự xuất gia giải thoát, khởi hành từ Vĩnh Long dấn thân vào vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc) huyền bí, đi vào hang ẩn tu, đồng thời nghiên cứu về cách tu học của hai phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Sau thời gian ở núi Thất Sơn, đến mùa xuân năm 1944 (22 tuổi) xuống núi qua đất Hà Tiên định lần sang Phú Quốc rồi tiếp tục đến các nước học đạo truyền giáo, nhưng vừa đến Mũi Nai (nay thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) đã trễ tàu, Ngài tìm đến những hòn đá cao nơi thanh vắng ở bãi biển ngồi tham thiền bảy ngày đêm quán sát lý nhân duyên. Vào một buổi chiều, sau khi thấy những chiếc thuyền đánh cá bấp bênh trên mặt nước với những làn sóng biển dồn dập tụ tán, Ngài chứng đạt lý VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ, nhận ra cảnh khổ trầm luân của kiếp sống ở đời như cảnh người ngư dân nhấp nhô trồi hụp trên mặt biển. Ngài ngộ đạo với lý “Thuyền Bát Nhã” và bắt đầu ngược dòng đời cứu độ chúng sanh.


Sau khi đắc đạo (1944), vào một buổi chiều Ngài trở về nhà với hình dáng người tu khoác bộ đồ nâu sồng, sau khi chào cha mình xong Ngài nói “Tôi đắc đạo rồi” và trú tạm ở nhà, mấy hôm sau đi về tu ở vùng núi Thất Sơn. Một hôm, có bậc hiền sĩ từng chu du khắp nơi tìm thầy học đạo thấy Ngài đầy đủ oai nghi đạo hạnh liền thỉnh về trụ tại ngôi chùa Linh Bửu thuộc làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Cũng như ngài Lục tổ Huệ Năng xưa đắc đạo rồi mới thọ giới sau, tại đây Ngài đối trước ngôi Tam Bảo tự phát nguyện thọ giới Sa Di (10 giới) và nghiêm mật hành trì giới luật y bát khất thực. Thỉnh thoảng Ngài ra thành thị cùng đi đến viếng thăm các vị Đại sư đương thời như HT. Thiên Thai ở Bà Rịa, HT. Huệ Nhựt phái Thiền để dung hợp thêm kinh nghiệm tu tập và phổ hóa chúng sanh. Hai năm sau (1946), cũng tại chùa Linh Bửu Ngài phát đại nguyện thọ Cụ túc Tỳ kheo 150 giới và hành Tứ y pháp Trung đạo:

  1. Người tu khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp đọc giới bổn thì được ăn tại chùa.
  2. Người tu khất thực chỉ lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
  3. Người tu khất thực chỉ nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.
  4. Người tu khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có cúng thuốc đường dầu thì được dùng.

Rồi được đức Phật A Di Đà ứng mộng chứng minh thọ ký cho Ngài với pháp danh Minh Đăng Quang. Có y pháp đầy đủ rồi, từ Linh Bửu tự Ngài hành đạo thuyết pháp khắp nơi, gót chân hành đạo rộng ra từ nơi này đến nơi khác. Hình ảnh một nhà Sư không nhà cửa, không quyến thuộc, không bạc tiền, mỗi sáng đầu trần chân không, thân đắp mảnh y vàng tay ôm bình bát đất khất thực hóa duyên, với nguyện “Nối truyền Thích Ca chính pháp” sống đời phạm hạnh giải thoát theo Phật Tăng xưa:

Một bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Muốn thoát đường sinh tử

Xin ăn ngày tháng qua.

(Âm: Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Dục cùng sinh tử lộ

Khất hóa độ xuân thu)


Năm 1947 Ngài thâu nhận người đệ tử đầu tiên là thầy Từ Huệ. Năm 1948 giáo pháp Khất sĩ đến Sài Gòn, sau đó giáo hóa nhơn sanh khắp cả hai vùng Tây Nam Bộ. Suốt mấy năm hoằng pháp độ sanh, Ngài kêu gọi Tăng đồ tinh tấn hành trì giới luật và “nên tập sống chung tu học”, khuyến khích mọi người cùng chung xây dựng cõi đời an lạc đạo đức, “Phật tử khắp miền Nam nước Việt không ai mà không tán thán cái đức độ, cái giới hạnh của một tu sĩ thanh xuân đứng trên thí trường chỉnh đốn Tăng già” – Vĩnh Long xưa và nay (Huỳnh Minh – NXB Cánh Bằng năm 1967 trang 288). Trong thời gian hành đạo Ngài viết bộ Chơn Lý gồm 69 tiểu luận là kho tàng pháp bảo vi diệu cho mọi người.

 

3. Thời kỳ thọ nạn và vắng bóng


Chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954) tại tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), Ngài qua lại dưới bóng tàng cây bả đậu với vẻ suy tư. Sau khi tập trung các đệ tử lại ân cần dạy bảo về sự tu học và mở mang mối đạo, đêm hôm ấy Ngài từ giã các đệ tử để đi tu tịnh tại núi “lửa”, các đệ tử xin theo nhưng Ngài không đồng ý. Sáng mùng 1 tháng 2, sau khi cùng với Trưởng Lão Giác Thủy (80 tuổi) và tiêu Sadi Giác Pháp (14 tuổi) đến tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), Ngài cho mời ông cụ thân sinh và chị Ba lên dặn dò:


-   Tôi sẽ tu tịnh ở núi “lửa” …, ông cụ và cô ở nhà ráng lo ăn chay, niệm Phật tu hành.

-   Ông đi bao lâu mới về?

-   Rất lâu, nhưng không thể nói trước được.

-   Ông đi lâu quá như vậy khi về làm sao nhìn?

-   Hãy giữ gìn quyển Chơn Lý để sau này còn nhìn được tôi, cô nhớ buôn bán thứ gì cũng được nhưng không được mua sanh, bán tử. Thôi ông cụ và cô ở lại mạnh khỏe

(Theo lời chị Ba của đức Tổ sư kể lại)


Ngài nhìn cha và chị với vẻ mặt đăm chiêu và buồn buồn rồi lặng lẽ quay đi… Đến trưa, sau khi ân cần dặn dò chư đệ tử, Ngài cùng đoàn qua Cần Thơ, nhưng đến Cái Vồn (huyện Bình Minh) có lệnh giữ đoàn lại và đưa vào tổng hành dinh của Trung tướng Tư lệnh Trần Văn Soái (Năm Lửa) rồi… Ngài vắng bóng đến ngày hôm nay.



Trích trong cuốn “Tìm hiểu về Hệ phái Khất Sĩ” của Đại đức TS. Thích Giác Duyên