Học viện PGVN tại TP.HCM: Từ quá khứ đến hiện tại

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2933 | Cật nhập lần cuối: 5/8/2016 10:12:01 PM | RSS

Trước mỗi thành tựu, điều quan trọng nhất là nhìn lại lịch sử - con đường đã đi qua, quán sát thực tại để dự hướng tương lai, GN xin giới thiệu bài tóm tắt của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM về Học viện, từ nguồn gốc đến dự hướng phát triển.

Nguồn gốc và phát triển

Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (Học viện) hiện có 12 khoa bao gồm các khoa Pāli, Sānskrit, Phật học Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo, Triết học Phật giáo, Phật học tiếng Anh, Phật học tiếng Trung, Hoằng pháp, Công tác xã hội, Sư phạm mầm non, và Đào tạo từ xa. Quá trình phát triển của Học viện có thể được tóm tắt qua các giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1 (1983-1997): Kế thừa Đại học Vạn Hạnh (1964-1975), trường đại học tổng hợp đào tạo đa ngành khoa học và nhiều thành phần xã hội, Học viện được khai sinh với tên gọi là Trường Cao cấp Phật học VN. Quan hệ hợp tác chủ yếu của Học viện trong giai đoạn này là liên kết giáo sư và giảng viên với các trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, Đại học Sư phạm về một số môn học được các bên quan tâm. Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa I và khóa II của Học viện phần lớn đều trở thành lãnh đạo của các Ban Trị sự Tỉnh Thành hội và Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Học viện PGVN tại TP.HCM: Từ quá khứ đến hiện tại

Trưởng lão HT.Thích Minh Châu trao bằng tốt nghiệp cho Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa III
- Ảnh: Võ Văn Tường

Giai đoạn 2 (1997-2005): Vào năm 1997, Trường Cao cấp Phật học VN cơ sở II tại TP.HCM được chính thức đổi tên thành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM. Trong giai đoạn này, Học viện đào tạo được 2 khóa cử nhân Phật học. Quan hệ ngoại giao quốc tế và quốc nội của Học viện ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và đào tạo của Học viện ở quy mô của một trường đại học Phật giáo.

Giai đoạn 3 (2006-2016): Kể từ niên học 2006 của khóa VI trở đi, Học viện thay đổi chương trình học niên chế với mỗi năm hai học kỳ thành hệ thống tín chỉ (course-credit/ unit) theo hệ thống giáo dục tiên tiến và phổ quát trên thế giới. Việc tuyển sinh diễn ra năm hai lần. Số lượng sinh viên ghi danh thi tuyển sinh và theo học ngày càng nhiều, sau mỗi khóa, đã làm cho Học viện trở thành trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới.

Các thành tựu nổi bật

Hợp tác quốc tế: Học viện có quan hệ hợp tác với một số trường đại học trên thế giới. Với Ấn Độ, có Đại học Mumbai, Đại học Nalanda. Với Nepal, có Đại học Phật giáo Lumbini. Với Trung Quốc, có Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Kiến, Viện Khổng Tử . Với Đài Loan, có Đại học Phật Quang. Với Thái Lan, có Đại học Mahachulalongkorn, Đại học Mahamakut. Hàng năm, Học viện tổ chức hoặc đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia và quốc tế, thu hút nhiều học giả khắp nơi trên thế giới tham dự.

Thành tựu đào tạo: Học viện là cơ sở đào tạo cử nhân và sau đại học về Phật học có uy tín trong và ngoài nước. Ngoài đào tạo trong nước, Học viện cử nhiều giảng viên đi học cao học và tiến sĩ tại các nước phát triển. Từ khóa đầu chỉ hơn 50 Tăng Ni sinh, ba khóa trở lại đây, số lượng Tăng Ni sinh tăng trưởng từ 500 đến 700 vị, cho thấy các thế hệ Tăng Ni trẻ nâng cao ý thức về việc phát triển “văn tuệ”, tức trí tuệ do học rộng hiểu nhiều về Phật pháp.

Công bố khoa học: Học viện đã xuất bản tạp chí Thế Giới Phật Giáo và xuất bản Tùng Thư Phật Giáo. Là một trong những trường Phật học dẫn đầu về Phật học tại VN, hàng năm các giảng viên của Học viện đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước.

Phát triển cấp học

Trong vòng vài năm tới, Học viện nhấn mạnh đến việc phát triển cấp đào tạo từ thạc sĩ thành tiến sĩ Phật học. So với thế giới và các nước trong khu vực, do các giới hạn của luật pháp VN, nước ta nằm trong danh sách thiểu số của các nước chưa có chương trình tiến sĩ Phật học.

Tôi tin rằng sự thành công của các học viên thạc sĩ khóa đầu trong lễ tốt nghiệp 2015 sẽ mở ra triển vọng, để Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm cho phép Học viện đào tạo tiến sĩ Phật học tại đất nước có 2.000 năm lịch sử đồng hành với dân tộc, góp phần phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Chỉ khi nào Học viện có cấp đào tạo tiến sĩ Phật học, Học viện mới thực sự trở thành cơ sở đào tạo Phật học đẳng cấp khu vực và là nơi tu học nội trú, là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật cho hàng Phật tử VN nói riêng và quốc tế nói chung. Sự thành tựu của Phật sự này không những góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc giáo dục Phật giáo để lại cho con cháu đời sau, mà còn là nơi đào tạo ra những tu sĩ VN đầy đủ giới đức, tâm đức và tuệ đức để phục vụ cho đạo pháp và dân tộc.

Xây dựng cơ sở mới tại Lê Minh Xuân

Vào ngày 4-11-2012, lễ đặt đá xây dựng Học viện được trọng thể diễn ra tại ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, với sự tham dự của lãnh đạo Giáo hội và chính quyền các cấp, đánh dấu bước ngoặt chuyển mình của Học viện.

Sau hơn 3 năm nỗ lực và quyết tâm, Hội đồng Điều hành đã xây dựng hoàn tất tòa hành chính, tòa học đường, tòa Tăng viện, tòa Ni viện, chính điện tạm và khu nhà bếp. Mỗi tòa chính gồm năm tầng, mỗi tầng gồm 500m2, đáp ứng tạm thời nhu cầu tu học ngày càng gia tăng của Tăng Ni sinh viên với tổng kinh phí 168 tỷ đồng, do sự phát tâm đóng góp tịnh tài của chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử khắp nơi.

Dự hướng phát triển giai đoạn 2

Việc hoàn thành giai đoạn 1 cơ sở Lê Minh Xuân đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển cơ sở vật chất, mở ra hướng đi khả thi, phát triển tương lai trong việc đào tạo Tăng Ni trên toàn quốc, có đủ khả năng kế thừa và xiển dương Phật pháp.

Học viện PGVN tại TP.HCM: Từ quá khứ đến hiện tại

Học viện trao bằng Tiến sĩ Danh dự đến các học giả, nhà hoạt động xã hội có nhiều công trình giá trị,
đóng góp thiết thực cho công cuộc hoằng dương Chánh pháp và phát triển văn hóa - Ảnh: Bảo Toàn

Hiện tại, Học viện mới xây dựng các hạng mục quan trọng cho giai đoạn 1 trên 6ha đất. Diện tích đất hơn 17ha còn lại sẽ là nơi mà Hội đồng Điều hành sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng trong vài năm tiếp theo, bao gồm: Hội trường 2.000m2 với sức chứa 3.000 người, với các tiện ích cho hội thảo quốc tế; Chánh điện 1.800m2 với sức chứa 2.500 người làm lễ cùng một lúc; Tòa thư viện lớn với sức chứa 1 triệu đầu sách; Khu nhà khách quốc tế gồm 150 phòng, tiêu chuẩn 3 sao; Các tòa building dành cho các khoa: khoa học xã hội và nhân văn, khoa khoa học tự nhiên, khoa quản trị và giáo dục v.v…

Khi toàn bộ công trình xây dựng cơ sở Lê Minh Xuân được hoàn tất, thì đây là nơi tu học Phật học nội trú lớn nhất nước, đồng thời là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật, nhằm giúp hàng ngàn Tăng Ni sinh viên có thể sống đời đạo đức và trải nghiệm tâm linh hài hòa giữa các truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa.

Nền giáo dục Phật học nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của hạnh phúc là hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện thiền định và hoàn thiện trí tuệ. Qua giáo dục đạo đức, người học Phật rèn luyện nhân cách, phẩm chất cao quý, trở nên vị tha, sống tôn trọng luật pháp và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mình và người. Ngoài ra, người tu học Phật được hướng dẫn kỹ năng phát triển trí tuệ, gồm trí tuệ do học Phật, trí tuệ do thẩm nghiệm Phật pháp và trí tuệ do thực tập thiền định. Khi hoàn thiện 3 phương diện giáo dục giới - định - tuệ nêu trên, người tu học Phật có thể kết thúc khổ đau, góp phần xây dựng một xã hội tràn đầy an vui, hạnh phúc và phát triển bền vững.

HT. Thích Giác Toàn
Nguồn: giacngo.vn