Bangladesh xây dựng tu viện Phật giáo tại Lâm Tỳ Ni

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 324 | Cật nhập lần cuối: 9/30/2020 10:33:42 AM | RSS

Bangladesh xây dựng tu viện Phật giáo tại Lâm Tỳ NiCuối tháng 7 vừa qua, cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina chủ trì đã thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác kiến thiết một tu viện Phật giáo của Bangladesh tại Nepal, giữa lãnh đạo nước này và Quỹ Phát triển Lâm Tỳ Ni (Nepal).

Công trình nói trên được khởi xướng từ ý nguyện và kế hoạch đệ trình của Đại sứ Bangladesh tại Nepal Mashfee Binte Shams cùng Thư ký lãnh sự Asit Baran Sarkar. “Chúng tôi chia sẻ và trao đổi với Bộ Tôn giáo về mong muốn xây dựng một ngôi tu viện của Phật giáo Bangladesh tại Nepal, nằm trong phạm vi quản lý của Quỹ Phát triển Lâm Tỳ Ni”.

Tọa lạc tại quận Rupandehi, tỉnh 5 của Nepal, Lâm Tỳ Ni - một trong những thánh tích gắn liền với Đức Phật lịch sử, là miền đất thiêng liêng có sự kết nối tâm linh mạnh mẽ với Phật tử khắp nơi trên thế giới. Địa điểm xây dựng tu viện tại Lâm Tỳ Ni được xác lập và thống nhất ngay sau khi Chính phủ Bangladesh truyền đạt mong muốn này. Và tất cả các quy trình, thủ tục hành chính của dự án được tiến hành thông qua Đại sứ quán Bangladesh và các ban ngành hữu quan ở quốc gia sở tại - Thư ký nội các Khandaker Anwarul Islam cho biết, theo bdnews24.com.

Song song đó, Quỹ Phát triển Lâm Tỳ Ni cũng đồng thuận và phê duyệt các hoạt động xây dựng cũng như sinh hoạt tôn giáo sau khi khánh thành tu viện, theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao Bangladesh. Được biết, tổng kinh phí xây dựng công trình khoảng 6 triệu USD.

Mới đây, thông qua trang fanpage của mình, Hãng tin Atish Dipankar News đã chia sẻ một video về quy hoạch xây dựng tu viện. Theo đó, tu viện Bangladesh đầu tiên trên đất Phật Nepal có thiết kế dựa trên mô hình tu viện Sompura Mahavihara (Paharpur, quận Naogaon) - được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII, là trung tâm Phật giáo lớn của khu vực Nam Á, Di sản văn hóa thế giới của Bangladesh. Kiến trúc sư trưởng kiêm nhà thiết kế thuộc Sở Kiến trúc quốc gia Bangladesh Asifur Rahman Bhuiyan đảm trách thiết kế công trình.

Đồng thời, tu viện Mahavihara từng là trung tâm giáo dục, đào tạo có diện tích 11ha, đầy đủ các tiện ích sinh hoạt với 180 phòng lưu trú được xây dựng bao quanh khuôn viên thờ tự trung tâm. Theo ghi nhận của lịch sử, tu viện được nhiều tu sĩ và Phật tử Tây Tạng tôn kính, chiêm bái suốt nhiều thế kỷ (từ thế kỷ IX - XII). Đây cũng là nơi học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới Atisha Dipankara Srijnana (982-1054) từng lưu trú nhiều năm.

Hiện tại, Lâm Tỳ Ni hội tụ sự có mặt của nhiều ngôi cổ tự; trong đó có chùa Maya Devi, được giới khảo học cổ xác định có nhiều liên hệ nhất với sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các văn tự ghi chép hiện hữu xung quanh di tích Trụ đá Asoka cũng cho thấy căn cứ xác chứng đây là nơi Đức Phật đã Đản sinh. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và tôn giáo quan trọng này, Lâm Tỳ Ni chính thức được Tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 1997.

Những năm gần đây, Chính phủ Bangladesh đã triển khai nhiều chương trình quảng bá di sản văn hóa Phật giáo quốc gia ra khu vực và thế giới. Năm 2015, Bangladesh phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO), lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển bền vững, toàn diện các Cung đường hành hương & Di sản Phật giáo ở Trái tim Phật giáo Nam Á” tại thủ đô Dhaka, trong chuỗi chương trình tiếp thị du lịch tâm linh. Sự kiện là diễn đàn mở, đối thoại hướng đến giải pháp phát triển bền vững, thúc đẩy các lộ trình du lịch văn hóa Phật giáo xuyên biên giới tại khu vực Nam Á và châu Á Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Đại sứ Mashfee Binte cũng xúc tiến nhiều hoạt động ngoại giao Phật giáo, thúc đẩy quan hệ song phương Bangladesh - Nepal. Thông qua việc xây dựng tu viện Phật giáo ở Nepal, lãnh đạo hai nước tin tưởng và hy vọng hệ thống di sản văn hóa Phật giáo của Bangladesh sẽ được kết nối chặt chẽ và sâu rộng hơn với đất nước Nepal, tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ mới với các quốc gia trong vùng.

Trần Trọng Hiếu / Báo Giác Ngộ
(theo The Buddhist Door)
Nguồn: giacngo.vn