Một Tăng sĩ trẻ bảo vệ luận án tiến sĩ triết học với kết quả xuất sắc

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 707 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Sáng 24.12.2011 tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, ĐĐ.Thích Không Nhiên (NCS. Đoàn Văn An) đã bảo vệ luận án Tiến sĩ đề tài “Tư tưởng triết học trong kinh Kim Cương” với kết quả xuất sắc.

 

DSC_7987_resize.JPG

 ĐĐ.Thích Không Nhiên trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

 

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên là các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành thuộc các Học viện, Trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội, do PGS.TS. Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học làm Chủ tịch Hội đồng. Hơn 50 đại biểu là chư Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, pháp hữu và thân hữu của ĐĐ.Thích Không Nhiên đã đến dự.

 

DSC_7989_resize.JPG

 

Sau phần thông tin về nguyên tắc và chương trình của buổi bảo vệ luận án tiến sĩ chính thức, công bố hồ sơ khoa học của NCS, tác giả luận án đã trình bày kết quả nghiên cứu luận án Luận án của mình trước Hội đồng và đã trả lời các câu hỏi chất vấn của các giáo sư, tiến sĩ trong Hội đồng cũng như đại biểu quan tâm đến đề tài này.

 

Theo đó, luận án đã khảo sát, phân tích và cung cấp một cái nhìn tổng quan về bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội Ấn Độ từ thế kỷ III trước TL đến cuối thế kỷ II sau TL; làm rõ các tiền đề tư tưởng có tác động trực tiếp đến sự ra đời của phong trào Phật giáo Đại thừa, sự hưng khởi của trào lưu văn học Bát-nhã, trong đó có kinh Kim Cương.


Luận án đã đưa ra được một cái nhìn hệ thống khi tiếp cận kinh Kim Cương từ phương diện triết học, qua việc phân tích, làm rõ những nội dung triết học cơ bản trong bản kinh này, như vấn đề Bản thể luận, Nhận thức luận, Mẫu người lý tưởng và triết lý nhập thế.


Từ những phân tích về nội dung triết học trong kinh Kim Cương, đặc biệt là về mẫu người lý tưởng và triết lý nhập thế, luận án đã bước đầu chỉ ra những ảnh hưởng của kinh Kim Cương đến việc hình thành một đặc điểm nổi bật trong Thiền học Việt Nam thời Lý – Trần, đó là tinh thần nhập thế.


Từ những kết quả đạt được, luận án đặt cơ sở ban đầu cho các khảo cứu chuyên biệt về triết học trong kinh Kim Cương và các kinh điển Đại thừa nói chung; đặt cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu Thiền học thời Lý – Trần.

 

DSC_8004_resize.JPG

ĐĐ.Thích Không Nhiên chụp hình lưu niệm
với các vị Giáo sư, Tiến sĩ trong Hội đồng chấm luận án tiến sĩ

 

Các giáo sư, tiến sĩ phản biện cũng như thành viên Hội đồng chấm luận án, giáo sư hướng dẫn khoa học cho tác giả luận án đều đánh giá cao thái độ làm việc nghiêm túc, say mê, cẩn thận, trung thực, khách quan, khoa học của tác giả luận án. 7/7 thành viên Hội đồng chấm luận án đã đồng thuận đánh giá luận án xuất sắc, có những đóng góp mới và có giá trị học thuật, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại chưa có nhiều công trình nghiên cứu tư tưởng các kinh điển quan trọng của Phật giáo gắn liền với thực tiễn lịch sử tư tưởng dân tộc.


DSC_8010_resize.JPG

Đại biểu tặng hoa chúc mừng


ĐĐ.Thích Không Nhiên đang làm Phật sự tại Thừa Thiên Huế, nguyên là cộng tác viên của Báo Giác Ngộ, có nhiều bài viết trên nguyệt san Giác Ngộ trước đây cũng như nhiều báo, tạp chí Phật giáo, các tạp chí chuyên ngành triết học trong nước.


Hoàng Độ

Nguồn: giacngo.vn