Năm pháp thực hành của cư sĩ: (5) Xa lìa say nghiện

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 131 | Cật nhập lần cuối: 12/17/2022 6:46:09 PM | RSS

Năm pháp thực hành của cư sĩ: (5) Xa lìa say nghiệnXa lìa say nghiện là giới thứ năm mà hàng Phật tử phát nguyện giữ gìn.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:

- Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.

Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử lìa rượu, bỏ rượu. Người ấy đối với việc uống rượu, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ năm mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])

Xa lìa say nghiện là giới thứ năm mà hàng Phật tử phát nguyện giữ gìn. Thời Đức Phật giới này có tên Không uống rượu, đối tượng trọng tâm cần xa lìa là các loại rượu, chất gây say nghiện mạnh nhất thời bấy giờ. Ngày nay, những chất gây say nghiện có rất nhiều, đó là các loại ma túy, chất kích thích đều không được dùng.

Không ít người vừa ngụy biện, vừa khỏa lấp rằng say rượu rồi có lúc tỉnh chứ say các thứ khác đôi khi cả đời hoặc thậm chí đến kiếp sau cũng chưa tỉnh. Tuy nhiên, Đức Phật đã chỉ ra rằng chính say sưa nghiện ngập là nguyên nhân chủ yếu để tạo ra vô vàn tội lỗi, hệ lụy nên cần xa lìa, từ bỏ.

Trong bối cảnh xã hội tràn ngập tiệc tùng, bia rượu như hiện nay thì việc giữ gìn trọn vẹn giới thứ năm có thể nói là rất khó. Nhiều người mạnh dạn dùng các thức uống khác ngoài bia rượu trong các lễ lạt tiệc tùng dần được cảm thông và chấp nhận. Những ai tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông hay giữ gìn sức khỏe nên nói không với rượu bia được xem là có lối sống lành mạnh, văn minh.

Đức Phật cũng có linh động cho phép dùng thuốc rượu với điều kiện trước khi sử dụng phải thông báo cho đại chúng biết, sau khi hết bệnh thì chấm dứt không dùng. Ngày nay, một số chất kích thích được chỉ định của thầy thuốc nhằm hỗ trợ trị bệnh cũng được phép dùng.

Giới luật quy định “một giọt bia rượu cũng không được thấm vào môi” tuy có vẻ khắt khe nhưng có tác dụng ngăn chặn mạnh mẽ ngay từ lúc mới manh nha. Bởi ma lực của say nghiện, phê pha vốn không cưỡng nổi nên nghiêm khắc ngay từ đầu sẽ có tác dụng tích cực và hiệu quả hơn.

Say nghiện là một thứ đam mê tội lỗi nên không vì vui một lát mà đánh mất mình. Tâm trí mụ mị, sức khỏe hao tổn, tật bệnh tăng thêm, thói xấu nảy sinh, pháp lành khó được, đường ác dễ vào là tác hại của say nghiện. Hiểu biết rõ ràng về những hệ lụy của say nghiện nên người đệ tử Phật quyết tâm, mạnh mẽ từ bỏ, xa lìa các chất say nghiện.

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn