Tam tuệ - Tam vô lậu học

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 271 | Cật nhập lần cuối: 4/20/2022 9:08:46 PM | RSS

Tam tuệ - Tam vô lậu họcNhân Đại giới đàn Thiện Hoa, tổ chức từ 15-20/04/2022 tại thiền viện Thường Chiếu và thiền viện Linh Chiếu, Giác Ngộ trân trọng giới thiệu bài viết của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Tăng Ni là những người đã xuất gia, nên biết ý chí của người xuất gia cao vót tột cùng, chứ không phải tầm thường. Bởi chí nguyện quá lớn, con đường quá dài, người ý chí tầm thường không thể đảm đương nổi. Vì vậy Tăng Ni phải lập chí thật vững mạnh, thật cương quyết. Dù khó khăn trở ngại đến đâu, cũng vững bước không dừng, không lui sụt. Muốn thế, quý vị phải tu học đầy đủ Tam tuệ học và Tam vô lậu học.

Tam tuệ học là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Văn tuệ là gì? Sau khi xuất gia rồi Tăng Ni phải học kinh điển. Nhờ học kinh điển chúng ta mới mở sáng trí tuệ. Nếu không học kinh điển thì không mở sáng trí tuệ được. Đức Phật đã dạy: “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh pháp”. Chúng ta có sẵn ngọn đuốc nhưng chưa cháy, nếu không thể tự đốt được thì phải mồi với ngọn đuốc Chánh pháp của Phật.

Học tức là đem cây đuốc chưa cháy của mình mồi với cây đuốc đã cháy của Phật, để cây đuốc của mình được cháy sáng. Nhờ học Phật chúng ta mới hiểu được lẽ thật, thấy được cái gì là hư dối, cái gì là chân thật. Đó là bước đầu của người mới vào đạo, gọi là Văn tuệ.

Tư tuệ là sau khi học, chúng ta phải đem hết tâm trí của mình suy nghiệm, nghiền ngẫm nghĩa lý mình đã học, để được thấm nhuần hơn. Nhờ tư tuệ, trí tuệ chúng ta càng ngày càng tăng trưởng. Trí tuệ tăng trưởng thì mê lầm giảm, cho tới không còn mê lầm nữa, là chúng ta được giác ngộ viên mãn.

Tu tuệ là ứng dụng những gì chúng ta đã hiểu từ lời Phật tổ dạy vào đời sống tu hành. Như khi biết thân này không ra gì, thì người ta có chê cười, mình không giận. Đó là bớt sân, bớt chấp. Bớt chấp tức là bớt si. Đó là tiến tu. Cho nên muốn được Tu tuệ, chúng ta phải Tư tuệ cho chín chắn.

Như vậy, tam tuệ học giúp chúng ta tiến tu trên con đường giải thoát. Nhờ tam tuệ mà chúng ta phá được phiền não. Phá được phiền não rồi thì tiến lên tu ba môn giải thoát. Ba môn giải thoát là Giới, Định, Tuệ. Ba môn giải thoát này sẽ giúp chúng ta ra khỏi nhà tam giới.

Tại sao phải Giới? Bởi vì Phật dạy giới luật là hàng rào ngăn chặn, không cho mình rơi vào tội lỗi. Giới thường được giải nghĩa theo chữ Hán là Phòng phi chỉ ác. Phòng là ngừa, chỉ là chặn đứng. Ngừa những lầm lỗi, chặn đứng những điều tội ác, đó là giới. Người tu phải giữ giới thì tâm mới yên định. Nên Giới là phương tiện đầu để tiến lên giải thoát.

Giữ giới tâm được định, nên nói từ Giới sanh Định. Tâm vọng tưởng là nhân luân hồi sinh tử, nếu tâm này dừng lặng thì nhân luân hồi sanh tử cũng chấm dứt. Nhờ Định mà phát Tuệ. Trí tuệ này là trí vô sư. Trí vô sư chính là căn bản trí, tức trí sẵn ở nơi mình. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, trí này mới hiện ra, chứ không phải tìm kiếm ở đâu xa, cũng không phải nhờ ai đem đến.

Văn, Tư, Tu là trí hữu sư. Nhờ thầy dạy là Văn, suy gẫm lời thầy lời Phật dạy là Tư, ứng dụng tu là Tu. Ba tuệ học còn trong phạm vi của trí tuệ hữu sư. Tiến lên chúng ta học Giới để bảo vệ tâm mình không tạo tội lỗi. Từ Giới bước qua Định, tâm lặng xuống, chỗ này không còn cái học hữu sư nữa. Như vậy bảo sở của chúng ta rất xa mà cũng rất gần. Rất xa vì phiền não còn đầy dẫy. Rất gần vì nó ở ngay nơi mình, chứ không ở nơi nào khác. Nếu ngay nơi mình, chúng ta tu được Giới, Định, Tuệ thì Phật hiện ra liền. Cho nên Đức Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật, chỉ tại mình không chịu làm thôi.

Tôi nhắc nhở bao nhiêu đó cũng đủ để Tăng Ni suy gẫm và biết mình phải làm gì rồi. Mong tất cả cố gắng thực hiện hoài bão lớn lao nhất của đời mình, cố gắng tinh tấn tu hành. Ý thức rõ được bổn phận của mình, nỗ lực không thối chuyển, tôi tin chắc Tăng Ni sẽ đạt được mục đích cứu kính của mình là giác ngộ viên mãn.

Hòa thượng Thích Thanh Từ/Báo Giác Ngộ
Nguồn: giacngo.vn