Tịnh giới - chất liệu quyết định tư cách người xuất gia

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 832 | Cật nhập lần cuối: 5/22/2018 9:16:04 AM | RSS

Tịnh giới - chất liệu quyết định tư cách người xuất giaTrong bộ Đại phẩm (Maha Vagga), khi đề cập đến quyết định của Đức Phật khai mở chân lý cho số đông, có ghi rằng: “Như trong một ao sen, giữa những cọng sen xanh, sen trắng, sinh ra trong nước, vươn lên về phía ánh sáng mặt trời - lên ngang tới mặt nước. Sau cùng, những cọng sen khác, vượt cao hẳn lên, không bị nước làm ướt hoa.

Cũng thế, khi bậc Giác ngộ nhìn vào thế gian, Ngài thấy nhiều người có con mắt trí chỉ bị che mờ bởi một lớp bụi dày; Ngài trông thấy nhiều người có trí nhặm lẹ và nhiều người khác có trí nặng nề, nhiều người khó dạy, nhiều người dễ dạy; và biết bao nhiêu kẻ sống trong sợ hãi, nghĩ tới cái chết, tới những sai lầm của mình”.

Với quán sát như thế, Đức Phật đã gạt bỏ những khó khăn để quyết định khai thị chân lý tối thượng cho mọi người, “cánh cửa vĩnh cửu mở rộng cho tất cả”.

Với quyết định đó, bánh xe Chánh pháp đã được Đức Thế Tôn vận hành, Tăng-già theo đó được hình thành, đạo Phật hiện hữu ở cuộc đời, vượt qua ngoài biên giới Ấn Độ, du nhập nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, miền văn hóa khác nhau.

Dù ở trong môi trường hoàn cảnh lịch sử như thế nào, Tăng-già, trên nguyên tắc là một cơ thể nhất thống, thể hiện đúng như Pháp, như Phật, là Pháp, là Phật, là biểu hiện sống động nhất của đạo Phật, con đường tỉnh thức.

Có thể nói, ảnh dụ hồ sen mà Đức Thế Tôn đã quán sát, cho thấy sự khích lệ lớn lao về khả tính hướng thiện và hướng thượng của chúng sinh, với tuệ giác và tâm từ bi của Đức Phật - Bậc đã Giác ngộ hoàn toàn.

Ngài đã chỉ ra rằng, tỉnh thức và giác ngộ không phải là đặc quyền của một đấng toàn năng nào, như một số tôn giáo khác, mà ai cũng có thể đạt được, nếu thực hành có tịnh giới, nỗ lực thực hành thiền định và trau dồi trí tuệ.

Với người xuất gia, dường như ai cũng một lần đọc tụng kinh Di giáo - những lời dạy cuối cùng trước khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn và cảm nhận được sự thống thiết mà Ngài đã để lại đặc biệt cho Tăng-già.

“Này các Thầy Tỳ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các Thầy phải trân trọng và tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là Đức Thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời cũng không khác gì tịnh giới ấy”.

Hơn hai ngàn năm trăm năm qua, thông điệp ấy vẫn luôn được đề cao và có ý nghĩa xuyên suốt như sợi chỉ đỏ để nhận định về tình hình Phật giáo là thịnh hay suy, qua các hoàn cảnh lịch sử, nền văn hóa khác nhau.

Thọ giới và nỗ lực giữ gìn tịnh giới, đối với người xuất gia chính là giữ gìn mạng sống của mình. Giới pháp không phải là phẩm bậc theo quan niệm xã hội thông thường mà là sự sống, tịnh giới là chất liệu làm nên nhân cách của người tu. Có tịnh giới thì mọi việc làm đều mang ý nghĩa phụng sự trong tinh thần làm việc Phật.

Một người khi đã thọ giới mà không giữ tịnh giới, xem như chỉ mang hình thức xuất gia, nói như Đức Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ HĐCM GHPGVN đương nhiệm, đó chỉ là “người ở chùa”, chứ không phải là người tu hành.

Đó cũng là thông điệp mà HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM muốn gửi gắm đến tất cả những người cầu thọ giới pháp trong Đại giới đàn Trí Tịnh PL.2561 do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại Việt Nam Quốc Tự và 6 điểm truyền giới khác trên địa bàn Thành phố.

Thích Pháp Hỷ
Nguồn: giacngo.vn