Nén tâm nhang cho một người anh: Phaolô Nguyễn Văn Quý (1951-2011)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2232 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Chiều ngày 16.09.2011, Ban Mục Vụ Đối thoại liên tôn (MVĐTLT) TGP Tp. HCM chúng tôi đến tạm biệt một thành viên, bác Phaolô Nguyễn Văn Quý, được Chúa gọi về lúc 21g đêm thứ Năm 15.09.2011. Hai linh mục, hai nữ tu và sáu anh chị em chúng tôi tụ họp tại một căn nhà nhỏ nằm sát vách chùa Bát Nhã. Mắt ai cũng mây giăng giăng mờ lối…


Chúng ta làm giờ cầu nguyện với Lời Chúa như một cuộc đối thoại với Chúa và với nhau. Giờ cầu nguyện diễn ra thật êm đềm và thong thả. Đến khi về nhà, tôi mới thấy thâm thúy và thấm thía, nên xin thuật lại với ước mong: thắp lên một nén tâm nhang tưởng nhớ bác Phaolô và giới thiệu đôi nét về một “con người Đối thoại Liên tôn” của Giáo phận.


Khi đến phúng viếng tại nhà tang quyến, chúng ta sống ba mối tương quan. Tương quan thứ nhất: đối thần, cầu xin Chúa cứu rỗi và đưa linh hồn người từ trần về Nước Trời. Hai tương quan còn lại: đối nhân. Chúng ta đến với người đã khuất do quan hệ khi còn tại thế, người ấy đã để lại những kỷ niệm, những dấu ân tình trong đời mình; đến để tạm biệt, để tiễn đưa, để nhìn mặt lần cuối… Còn một tương quan nữa, là đến với thân nhân người đã khuất theo tinh thần của Thánh Phaolô: “Vui với người vui và khóc với người khóc”.


Nén tâm nhang cho một người anh: Phaolô Nguyễn Văn Quý (1951-2011)


Chúng tôi cùng với hiền thê và hai người con gái của bác Quý hàn huyên đàm đạo bên ấm trà. Chuyện nối chuyện, hồi ức về người thân càng thêm sâu:


- Nhà con năm lên ba tuổi rời đất Bắc theo cha mẹ vào Nam và định cư tại nhà này, thuộc Giáo Xứ An Phú (Bác gái kể). Nhà con có anh trai, em trai và mấy cô em, nhưng không phải tất cả đều được rửa tội từ nhỏ, đó là trường hợp của anh ấy. Đến khi quen với con (năm 1975) thì anh ấy học Đạo và lãnh bí tích Rửa Tội rồi mới cưới nhau (năm 1976).


- Nghe nói, sau khi gặp thành viên của Ban lên thăm ở bịnh viện về thì bác hôn mê luôn không nói gì nữa? Dạ thưa vâng ạ! Vậy ba người nói với bác chuyện gì?


- Dạ, có chị nói: “Bác Quý khôn quá, đợi đến lúc vàng cao giá rồi mới lấy vàng ra đeo khắp người” (da của bệnh nhân đã vàng ra rồi)! Mọi người cùng cười kể cả người đang vác thập giá cũng phải quên đau để cười.


Có người khác khoe với bác Quý: “em vừa viết xong bài thơ về ‘Chữ Tín” cho Nhịp Cầu Tâm Giao số 6, nhưng bác đang mệt nên em nói ý thôi, rồi đợi đến khi có báo sẽ đọc cho bác nghe nhé” - “ừ”. (người ấy nói tiếp:) Em nghĩ mình có lỗi với vũ trụ, vạn vật, thiên nhiên vì mình đã góp tay tàn phá thủng tầng không trung, làm trọc rừng, săn diệt thú… trong khi mình với họ là anh em mà! Vậy thì phải xin lỗi và tái lập lại sự hài hòa giữa mình với thiên nhiên, vạn vật. “ừ” - Lời xin lỗi thứ hai là với anh chị em đồng loại, vì chính tính tham, sân, si của mình thể hiện qua những hành động: gian dối, lừa đảo, trắng đen bất phân, vô tâm đến độ tàn nhẫn… đã làm tăng thêm đau khổ cho nhiều người trong xã hội. Vậy mình cũng phải xin lỗi mọi người và tái lập lại tương quan huynh đệ với tha nhân. - “ừ được, được”.


Câu chuyện lại chuyển về hồi ức lúc bác Quý vừa trở thành Kitô hữu lại được gia đình kể tiếp: Anh ấy giỏi Anh văn và toán nên năm 1976, đã cùng với Cha Chánh xứ mở ra những lớp dạy kèm cho giới trẻ, song song với việc chia sẻ Đạo lý… Vậy mà, kết quả thật đáng nhớ: về Đạo thì lập được Xứ Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể mà bác Quý là Đoàn Trưởng tiên khởi, về đời thì các em học thêm với bác đều tốt nghiệp lớp 12 và thi đậu vào đại học hết.


Nhà con được cái là khéo tay, nhà ông nội có nghề đúc đồng thương hiệu ĐẠI LỢI, nhưng nhà con không kịp học. Đến sau này anh ấy tự mày mò học nghề, làm từng công đoạn vẽ, làm phôi, nấu đúc … phần lớn ảnh tượng anh ấy làm nay còn được lưu giữ tại nhà thờ An Phú và nhà thờ Thánh Gia. Cha Phanxicô cũng khẳng định thêm “Hiện nay tại văn phòng ĐTLT có hai tác phẩm làm bằng đồng của bác Quý, là hình khuôn mặt Đức Mẹ Việt Nam (Mẹ đội khăn mỏ quạ) và logo của Ban”.


Một người trong Ban lại kể tiếp nội dung cuộc trò chuyện cuối cùng với bác Quý ở bịnh viện: “Con nói với bác rằng, bác là người có cuộc đời may mắn, vì trước khi biết Chúa, bác đã được tiếp cận với Đạo Phật, với triết lý Phương Đông, Khổng, Mạnh … lại cũng đã tu tập thiền. Sau khi biết Chúa, bác lại càng xác tín vào những thực tại siêu nhiên hơn. Vậy đối với một nhân sinh bình thường, thì ai cũng cầu sống, cầu tồn tại trên cõi đời này. Vì những điều họ thấy được hữu hình với muôn vẻ gấm hoa của nó khiến cho người ta an tâm và không muốn rời xa. Nhưng đối với những người có cảm thức đức tin, có kinh nghiệm về thực tại siêu nhiên rồi thì sống cũng được mà chết thì đúng là về nơi mình hằng mong ước rồi”.


Bác nói: “Tớ bây giờ thì khỏe rồi, tớ bình an lắm, đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, sống hay chết cũng được”. Nói xong, tiếp đến là phần thi giữa hai anh em xem “bụng ai to hơn?”…


Khi mọi người đã tới đủ, chúng tôi đến gần quan tài cầu nguyện chung.


Cha Trưởng Ban mở lời: khi được giao phụ trách việc Mục vụ ĐTLT, tôi biết bác Quý qua sự giới thiệu rất nhiệt tình của Cha Lưu (Ông Quý ấy là đúng người đúng việc đấy) … Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn lòng trí chúng ta …


Cha bày tỏ tiếp: Bác Quý có tâm tình mến yêu Đức Mẹ đặc biệt, hai lần bác tặng kỷ vật cho Ban đều nhắm ngày kính Đức Mẹ. Bác được lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân lần sau cùng vào thứ bảy và được Chúa gọi vào đúng ngày lễ Đức Mẹ sầu bi (nhớ người Mẹ đồng cảm với Con trong cuộc khổ nạn dưới chân thập tự). Chúng ta cùng Đức Mẹ và bác cảm tạ Chúa đã dẫn đưa bác trọn hành trình làm người Kitô hữu qua bài “Magnificat”…


Nén tâm nhang cho một người anh: Phaolô Nguyễn Văn Quý (1951-2011)


Tiếp đến, đại diện anh chị em, anh Phó Ban chia sẻ về người vừa “nằm xuống”:


Kính thưa hai Cha, hai Soeurs, thưa tất cả mọi người, cảm nghiệm của con về bác Quý là Bác Quý - một con người “vừa kịp – vừa đủ”


Về đời sống tâm linh: bác đã có dịp tiếp cận với Đạo Phật để tu tập đời sống và rồi bác lại được làm con của Chúa để có thể tiếp cận với thực tại siêu nhiên và vững bước tiến về.


Về tài năng bản thân: với những tài hoa, tri thức, khả năng, nỗ lực và cả những điều không làm được … bác được vừa đủ để có thể cống hiến cho mọi người và cho Giáo Hội.


Về đời người: như một người bình thường, nếu không sống theo bậc tu trì hay độc thân giữa đời thì lấy vợ. Nhưng khi lập gia đình thì bác cũng là một con người vừa đủ: có vợ, có con, có cháu đầy đủ. Như vậy cũng là vừa đủ cho một con người với các trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm ông.


Về trải nghiệm cuộc đời: bác đã sống như người khỏe mạnh, lại cũng từng bị bịnh, đi chữa bịnh, khỏe rồi lại đi học ở Trung tâm Mục Vụ… và đặc biệt là bác có cơ hội cùng vác thập giá với Chúa, để hiểu Chúa hơn khi bác phải trải qua ba ngày đau đớn tột cùng vì bạo bịnh. Thế cũng là vừa đủ hiểu sinh-lão-bệnh-tử và Chúa đối với bác.


Tất cả những cái vửa đủ - vừa kịp trên làm cho bác sống trọn vẹn một kiếp người, lại cũng rất vừa đủ - vừa kịp để về với Chúa.


Rồi đại diện gia đình được mời bộc bạch đôi lời. Cô trưởng nữ chia sẻ với cộng đoàn và nói với bố những tâm tư chưa thốt thành lời trước đây:


Kính thưa Quý Cha, quý Soeurs và tất cả mọi người, bố con là một người rất nghiêm khắc. Con xin kể một câu chuyện xưa đã gây sốc rất mạnh đối với con. Hồi ấy con làm giáo lý viên và bố buộc con phải đi lễ mỗi ngày. Một hôm con kẹt việc riêng nên không đi lễ được. Tối về, bố con la con gay gắt và chất vấn lý do con không về đi lễ. Con trả lời: “con bị kẹt xe”. Nhưng Bố lại bảo: “giờ ấy không thể nào bị kẹt xe được, vậy con đã đi đâu?”. Cuối cùng bố bắt con phải đi vào gặp cha xứ để xưng tội … và hứa từ nay không tái phạm. Con ức lắm và cảm thấy mình bị o ép phải thực hiện theo ý ngài... Sau này bố con mới giải thích: “con làm thế nào thì làm nhưng không được bỏ lễ”. Khi lớn khôn, con mới hiểu ra rằng bố thương, lo lắng và hết tâm hướng dẫn mình như thế nào, và đời con được như ngày hôm nay đều nhờ bố hết.


Nén tâm nhang cho một người anh: Phaolô Nguyễn Văn Quý (1951-2011)


Cha Phanxicô nói: tuy xác thân bất động, nhưng chúng ta tin rằng Bác Quý đang nghe những lời chia sẻ của chúng ta và của cháu đây, nghe bằng cái Tâm, vì chết không phải là hết, nhưng là một sự biến đổi. Chúng ta cùng hát bài “Sự sống thay đổi chứ không mất đi …” Sau cùng, chúng ta dâng lên Mẹ Maria những tình cảm và nỗi lòng của mỗi người, với ý hướng được “Xin Vâng” với - và như Mẹ Maria….


*   *  *

Trời vào Thu, tháng chín năm nay, Ban MVĐTLT đang chuẩn bị cho ngày gặp gỡ liên tôn 27/10 và sinh nhật lần thứ hai của ban (5/12). Biến cố xuất hành của bác Phaolô Nguyễn Văn Quý-“Người anh đáng kính tài hoa, nhưng thật bình dị”, làm chúng tôi bâng khuâng đượm buồn về tình cảm, nhưng đồng thời, trong mỗi người như được tiếp thêm một xung lực tín thác vào Thiên Chúa mạnh hơn. Có phải bác Quý đang hoạt động ngầm đấy không? Dám lắm! Vì bác ấy xem tẩm ngẩm mà…


Hẹn gặp nhau trên Nước Trời, bác Quý ơi! Từ nay trong sổ Gia Phả Ban MVĐTLT TGP, có ghi thêm một Phaolô thứ hai sau tên Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

 

BVHH

Nguồn: tgpsaigon.net