Duy tuệ thị nghiệp

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2783 | Cật nhập lần cuối: 11/16/2018 3:07:20 PM | RSS

Duy tuệ thị nghiệpMục đích của các tôn giáo hiện hữu trên đời này không gì hơn là để phụng sự cho nhân loại bằng trí tuệ và tình yêu thương. Kỷ niệm Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 -1898) - Một nhà văn hóa sáng ngời của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, một học giả tiên phong, chuyên tâm nghiên cứu học thuật, sáng lập nền báo chí Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc khai sáng văn học nước nhà là nhân duyên cho hội nghị các tôn giáo hôm nay bàn về chữ Trí trong đời sống.

Đúng như những lời nhận định về Petrus Trương Vĩnh Ký: “Chúng ta kính trọng ông - một nhà bác học, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách vừa có chân tài. Lịch sử chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận công lao của Trương Vĩnh Ký với tư cách người đi tiên phong trong cuộc chuẩn bị sự canh tân cho đất nước” (1); “Tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký gọn trong 3 từ: Bác học, Tâm thuật và Khiêm tốn” (2) và lời nhận định của: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn” (3)...

Tưởng niệm Petrus Ký cũng là dịp bàn đến chữ trí trong đời sống. Khi đề cập đến một số tôn giáo là đề cập đến Niềm Tin tuyệt đối vào Thượng đế, như đạo Kitô và đạo Tin lành là đức tin Thiên Chúa, đối với Hồi giáo thì Thiên kinh Qur'an là biểu trưng cho lời phán của đấng Allah toàn năng, đạo B’Hai cũng nhằm thể hiện sự hiểu biết và tôn thờ Thượng đế. Tôn chỉ của Đạo Nho là Trung dung với quan điểm Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể; Đạo Cao Đài hướng đến Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt; đạo Hòa Hảo thì chuyên về Học Phật – tu nhân, còn nói đến đến Đạo Phật là đề cập đến vấn đề “duy tuệ thị nghiệp”.

Trên thực tế, tôn chỉ của đạo Phật chính là tâm từ bi và trí tuệ. Tâm từ bi chính là tình thương yêu vô tận tạo nên năng lượng vũ trụ. Không trải nghiệm tình thương rộng lớn thì không thể có trí tuệ, còn sự trưởng dưỡng trí tuệ chính là để ta có thể sống với tình thương yêu chân thực diệu kỳ. Chư Phật và chư bồ tát là sự hiện thân tuyệt vời của Trí tuệ Bát Nhã. Trong bài viết này chỉ xin được bàn sơ qua về khái niệm về trí tuệ nhà Phật.

Trí tuệ (Sanskrit: Prajnã, Pali: Jnãna), là một thuật ngữ Phật học, có tần số xuất hiện cao trong các kinh, luận hay trong các tác phẩm viết về Phật giáo. Trí tuệ thường được xem như một danh từ chung nhưng thật ra giữa Trí và Tuệ có nhiều sự khác biệt.

Nghĩa thông thường nhất của Trí, đó là năng lực nhận thức của con người đối với tất cả những sự vật và hiện tượng trên bình diện hiện thực, là khả năng phân biệt và đoán định được phải trái, đúng sai, chánh tà.

Tuệ hay huệ là một khái niệm trung tâm rất quan trọng trong Phật giáo, chỉ cho năng lực nhận thức không phải do suy luận mà có, ở đây, huệ chỉ cho năng lực trực nhận được tính Không, là khả năng nhận ra được thực tướng của sự vật và hiện tượng. Tuệ ở đây đồng nghĩa với Bát Nhã, với Giác Ngộ. Khi nói “đạo Phật là đạo của Trí tuệ” chính là Trí Tuệ được xét ở phương diện này.

Trí Tuệ được hiểu theo nghĩa là Nhận thức được Thực tướng Vô ngã của các pháp – bằng sự tích tập tư duy, bằng sự rèn luyện của ngôn ngữ sẽ không thể đạt đến. Muốn tìm cầu Trí Tuệ bằng con đường này, hành giả phải tự thân trải nghiệm qua quá trình tu chứng của mình.

Tuy nhiên, Phật giáo cũng cần có tri thức để đi vào cuộc đời với mục tiêu là chuyển hoá tâm thức cho tất cả chúng sanh, như trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, phần Đệ Ngũ Giác Ngộ có đoạn: “Quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ”. Điều này thể hiện qua việc khuyến tấn và vận dụng Ngũ minh (Nội minh, Y phương minh, Công xảo minh, Thanh minh và Nhân minh) trong hoằng dương Phật pháp là một minh chứng hùng hồn của ứng dụng tri thức trong quá trình tìm cầu trí tuệ siêu việt.

Con đường nhận thức của Phật giáo có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thuộc về Tri và giai đoạn sau thì thuộc về Ngộ. nghĩa là Trí và Huệ. Giai đoạn Tri được thiết lập trên cơ sở của tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận; giai đoạn Ngộ được biểu đạt bằng sự thể hiện của Tuệ giác.

Người có trí chỉ cho một hạng người rất uyên bác hiểu biết về tri thức và kinh điển, nhưng vẫn không xem là có trí tuệ, ví dụ như bác học, học giả, thậm chí những nhà thuần túy nghiên cứu Đạo Phật, uyên thâm trong các giáo điển nhưng chỉ là nghiên cứu, không có hành trì, trải nghiệm thực chứng. Như sự trình bày về diệu dụng của trí tuệ, nhưng chưa phát triển trí tuệ, do vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ hay có khả năng phân tích các lĩnh vực của thiền định nhưng lại không hành thiền.

Một hạng người khác, có lòng tin, hành trì theo những giới cấm trong Đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có trí tuệ được. Vì sao? Người ấy có đầy cả niềm tin nhưng vẫn bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy”. Mỗi khi bàn về niềm tin trong đạo Phật, người Phật tử có chánh kiến thường hay dẫn chứng những lời Phật trong bài Kinh Kalama (4).

Này các Kàlàmà, "Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng khi các ông tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: "Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này các ông, hãy từ bỏ chúng!

Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc!

Như vậy, đức tín trong đạo Phật là chánh tín được chuyển thành trí. Đạo Phật đặc biệt chú trọng đến trí tuệ. Người thực hành lời Phật dạy không gọi là học giả mà gọi hành giả. Người trí thức là người có được cái trí do ý thức, cái biết nhanh nhẹn, khéo léo ứng xử, so sánh phân biệt, đối chiếu rành rõ, khiến người nghe dễ nhận, dễ hiểu. Các học giả thường tìm tòi, thâu hoạch những tri thức, những cái hay, cái lạ sưu tập lại, tích lũy trở thành kiến thức của mình. Nhà bác học thì nghiền ngẫm, phát minh trong các lĩnh vực triết học, khoa học, đời sống… Như vậy những nhà trí thức, học giả và bác học là hiện thân cho tri thức. Đây là thứ trí thức thuộc Hữu lậu pháp, hay thế trí biện thông. Ngược lại người học Phật lấy trí tuệ làm gốc. Duy tuệ thị nghiệp có nghĩa là trong cuộc đời người tu Phật, trí tuệ Bát Nhã là đích đến cuối cùng.

Trí tuệ trong đạo Phật chia ra hai phần: một là trí tuệ hữu lậu, hai là trí tuệ vô lậu. Trí tuệ hữu lậu là gì? Là trí tuệ đạt được nhờ Văn, Tư, Tu. Văn tức là học. Học giáo pháp, những lời đạo đức chân thật từ lời Phật dạy. Chúng ta học để hiểu được con đường đi đến chân lý. Học để hiểu được những quy luật của vạn pháp trong cuộc đời. Đó là Văn. Tư có nghĩa là sự suy tư, nghiền ngẫm cho tới nơi tới chốn nhằm thấy rõ, hiểu tường tận vấn đề. Tu là ứng dụng, là việc tu hành sau khi đã có cái thấy, cái biết về chân lý theo lời Phật dạy. Nhờ đó, tâm không nhiễm, không dính mắc tất cả pháp sinh diệt bên ngoài. Nhưng việc tu học này còn ở trong sinh diệt nên gọi là trí tuệ hữu lậu, tức còn rơi rớt, luân hồi trong sanh tử.

Trí tuệ vô lậu là trí tuệ có được trên cơ sở tu tập Giới, Định, Tuệ. Giới là phương tiện ban đầu để câu thúc, đừng cho tâm chúng ta phóng túng. Từ Giới sanh Định, từ Định sanh Tuệ. Đức Phật đã thấy trong chúng ta sẵn có tánh giác, không cần tìm kiếm ở bên ngoài mà phải phản quan (nhìn lại mình) cho tâm được an định, tức là những ý thức lăng xăng lắng xuống hết, bấy giờ tánh giác sẽ hiện ra tròn đủ, không cần tìm kiếm ở đâu xa. Khi chúng ta xoay trở vào trong, dẹp bỏ những lăng xăng của ý thức, gọi là định. Từ định này sẽ hiện ra trí tuệ chân thật của chính mình, đó cũng chính là tánh giác của chúng ta. Đó là cái trí sẵn có, không do vay mượn bên ngoài. Trí nầy khi phát sáng toàn triệt, không còn một chút cáu bợn vô minh phiền não che ngăn, thì gọi đó là trí huệ cứu cánh, tức là Phật quả vậy.

Trí tuệ là chơn tâm Phật tánh của mình. Chính do bỏ quên chân tâm nên ta trở thành kẻ khờ dại ngu si, đi trong luân hồi muôn kiếp. Khi nào ta có thể trở lại với cái chân tâm của mình thì dòng luân hồi sẽ chấm dứt. Như đức Phật Bổn Sư Thích Ca tọa thiền dưới cội Bồ-đề, sau 49 ngày đêm thì Ngài giác ngộ đắc quả Vô thượng Bồ đề, có nghĩa là thành Phật nhờ tâm an định tuyệt đối nên trí tuệ bừng sáng, nghĩa là Ngài đã thể nhập trí tuệ Bát Nhã.

Phương châm của đạo Phật là “duy tuệ thị nghiệp”. Đạo Phật còn được gọi là đạo của sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức ấy giúp chúng sanh thấy được tánh vô ngã trong thực thể của các pháp và giúp chuyển hóa các nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời.

Câu chuyện sau đây là một dẫn chứng. Một người phụ nữ bất hạnh tìm đến lão Thiền sư nơi thâm sơn mong được Ngài chỉ dạy cho bí quyết nhân sinh hạnh phúc. Lão thiền sư trang nghiêm trong tư thế kiết già, khung cảnh tĩnh lặng chỉ còn nghe tiếng suối chảy róc rách và tiếng lá khô xào xạc.

Thiền sư hỏi: “Xin hỏi đạo hữu, điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất là gì?”. Người phụ nữ chau mày suy nghĩ, rồi chắp tay đáp: “Bạch thiền sư, con u mê không hiểu Ngài đang muốn hỏi điều gì?”

Thiền sư mỉm cười, ôn tồn giảng giải: “Ta hỏi đạo hữu về điều mà đạo hữu đang xem trọng nhất, vì điều đó quyết định đạo hữu có được hạnh phúc của kiếp nhân sinh hay không?

- Người xem trọng danh tiếng, thể diện, sĩ diện của bản thân, thì sẽ bực tức, oán hận khi có ai đó hạ nhục, coi thường mình. Người xem trọng gia tài, lợi lộc, thì khi bị mất mát tiền của sẽ đau như cắt từng khúc ruột, tranh đấu mãi khiến thân thể hao mòn. Người xem trọng sắc đẹp, thì ắt sinh lo buồn ủ rũ khi nhan sắc tàn phai theo năm tháng. Người xem trọng tình cảm nam nữ, thì không tránh khỏi thất tình khi bị hờ hững, phản bội. Người xem trọng và sống hệ lụy tình cảm thân quyến, thì như ngọn cỏ trước gió, hễ người thân gặp phải chuyện gì thì chính mình cũng không gượng dậy được. Không biết là con xem trọng nhất điều gì trong số những điều đó?”
Người phụ nữ như bừng tỉnh ngộ. Cô nhận ra mình đang xem trọng và ôm giữ tất cả những điều thiền sư vừa nói. Thì ra, những cái ấy chính là nguyên nhân cho nỗi bất an đeo đẳng suốt cuộc đời cô.

“Bạch thiền sư, cảm tạ ngài khai thị. Vậy con phải xem trọng nhất điều gì thì mới có hạnh phúc của nhân sinh đây?”

Thiền sư mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: “Thứ duy nhất mà đạo hữu nên bảo vệ trên đời này chính là đời sống tâm linh, trí huệ và đạo đức. Người có trí huệ thì không hốt hoảng khi mất tiền của, vì tiền của xét cho cùng chỉ là phương tiện, mà phương tiện thì có thể dễ dàng tìm lại đươc, và dẫu có mất đi không hao tổn đến đức hạnh của anh ta. Người ấy cũng không bực tức khi bị sỉ nhục, không thất vọng khi bị lạnh nhạt, không bất an khi gia đình có chuyện chẳng hay, không lo buồn theo năm tháng vì hiểu rõ rằng sỉ nhục, lạnh nhạt, hoạn nạn và tuổi già…đó là những thứ nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân, dù chúng có xảy ra cũng không động đến được đời sống tâm linh trí tuệ. Do vậy, người ấy sẽ chấp nhận tất cả những thăng trầm thịnh suy của đời sống, vì bản chất của thế giới hiện tượng xưa nay vốn là như thế. Người có trí tuệ sẽ sống bình an giữa những biến động, được mất, vô thường, như vậy chẳng phải người có một nội tâm vững chãi và hạnh phúc hay sao?

Như vậy, ta có thể khẳng định, trí tuệ chính là chân lý, chân lý chính là trí tuệ. Chân lý có ở đức Phật, đức Chúa, có trong mỗi chúng ta. Khi ta quay về chân tâm và sự hoàn thiện đạo đức thì chân lý lập tức xuất hiện chẳng phải mong cầu.

Đức Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo” (5) nghĩa là từ tâm sinh ra vạn pháp. Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy: “Phật trong nhà chẳng phải tìm xa” (6) nhằm nhắc nhở chúng ta nên quay về với chân tâm mà hóa giải đi tâm độc tham sân si trong cuộc sống. Cũng như thế Chúa đã dạy: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ” (7) và “Không phải cứ “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là vào được nước Trời” (8).

Đặc biệt là lời cầu nguyện vượt thời gian chính là câu Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô với lời dạy các tín đồ hãy tha thứ và yêu thương, hãy buông xả để hạnh phúc đã trở thành pháp hành thiết thực nhất.

Giữa cuộc sống quá nhiều biến động, tu tập hướng đến trí tuệ là sự chánh niệm, thiền tập và tu dưỡng thân tâm với tâm từ bi vô lượng. Nhờ đó, chúng ta mới có thể quay về nguồn cội, quay về với chân lý của sự giác ngộ hay của các đức tin cao cả đang ngự trị trên thế gian này.

Ni sư Hương Nhũ
Giảng viên Học viện PGVN tại TPHCM

__________________________
Chú thích:

(1) Giáo sư Nguyễn Hữu Tá nhận định nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Petrus Trương Vĩnh Ký.

(2) Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hoè, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1889, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung (Trung học). Về nước ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Ông từng làm Hội trưởng hội Trí Tri, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ trước năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong chính phủ cách mạng lâm thời. Ông là Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp Việt Nam lâm thời (1946).

(3) Vương Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng của Việt Nam.

(4) Kinh Tăng Chi Bộ III – Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Anguttara Nikaya, tập I, trang 539-43).

(5) Kinh Hoa Nghiêm.

(6) Cư Trần Lạc Đạo Phú - Thế kỷ XIII.

(7) Phúc âm thánh Ma thêu đoạn 9 câu 13:

(8) Phúc Âm Mat thêu đoạn 7, câu 21- 29,