Hiệp hành sống đức ái nhân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 492 | Cật nhập lần cuối: 10/6/2022 4:24:41 PM | RSS

1.Mở đầu

Hiệp hành sống đức ái nhânĐạo Cao Đài là một tôn giáo mới có mục đích, tôn chỉ, lập trường rõ ràng. Mục đích của Đạo Cao Đài là Thiên đạo giải thoát, thế đạo đại đồng. Thế đạo đại đồng thuộc về phần nhân sinh quan của Đạo Cao Đài cũng là tinh thần nhập thế. Thuật ngữ nhân sinh quan là chỉ hệ thống giáo lý Cao Đài đề cập đến thế giới nhân sinh và con người nhằm xác định vai trò của con người đối với xã hội, hướng đến tinh thần đại đồng, tức là xây dựng thế giới nhân hòa, nhắm đến mục tiêu nhân bản, an lạc và tiến bộ. Nói vắn tắt hơn là xây dựng thế giới đại đồng. Nói cụ thể hơn con người phải thấy nhau ở những điểm chung, đó là sự thương yêu. Vì tình thương là cội nguồn của hạnh phúc vĩnh cửu.

Trong giáo lý Cao Đài, thực hiện tình thương thuộc phạm trù tam công. Tam công là công quả, công trình, công phu. Công quả là giúp cho nhân sanh cả hai mặt tinh thần và vật chất. Công quả là thực hiện tình yêu thương đối với con người trong cuộc đời tu hành của người môn đệ Cao Đài.

Nói đến nhân sinh là nói đến một xã hội nhân loại phức tạp, vô cùng phức tạp, lồng trong đó nhiều cá thể khác nhau nằm trong quần thể gia đình, tôn giáo, quốc gia, chủng tộc. Tuy nhiên, cái mà con người không bao giờ có sự khác nhau, đó là dòng máu đang chảy trong tim của mỗi người. Chúng ta phải nhìn nhận mọi người đều có một quả tim, một linh hồn và một thể xác thuộc hàng thượng đẳng trong thế giới vạn vật. Con người phải nhìn nhận nhân sinh là chính mình, trong ý nghĩa đại thể mỗi người là nhân sinh cá biệt. Trong thế giới nhân sinh, dù người tu hay người thế tục, đều bị chi phối bởi cuộc sống trong kiếp sống con người, bị bó buộc vào vòng lẩn quẩn thường nhật trong gia đình, quốc gia. Trong xã hội diễn ra biết bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau: khóc cười, được mất, vinh nhục, sang hèn, mạnh được yếu thua, hạnh phúc và đau khổ. Đứng trước những cuộc đời khác nhau như vậy, thử hỏi đâu mới thật là chân hạnh phúc. Hạnh phúc có phải là yên vui riêng cho bản thân mình. Thánh giáo Cao Đài dạy: “Hạnh phúc vĩnh cửu là vô ưu, vô phiền não. Chính trong cái chỗ vô ưu, vô phiền não sẽ chứa đựng một bầu trời bát ngát bao la. Những sự việc giả tạm chỉ là lớp áo của hạnh phúc, có chăng nữa cũng theo thời gian mà phôi pha đi mất (1). Như vậy hạnh phúc thực sự chính là giải thoát những phiền não và cống hiến cho cái chung, cho cộng đồng. Đề tài “Hiệp hành sống đức ái nhân” cho một định hướng tốt đẹp cùng chung tay nhau thực hiện.

2.Ý nghĩa của hiệp hành sống đức ái nhân

- Hiệp: chung tay nhau làm một việc gì đó.

- Hành: Hành động, thực hiện, hành trình.

- Ái: yêu, thương yêu người và vật.

- Nhân: người ( 人 ), nhân còn chỉ lòng nhân ái ( 仁 ). Nhân là yêu thương người và vật. Chữ nhân gồm bộ thủ nhân (亻) và bộ thủ nhị (二). Chữ nhân 仁 tức là nói đến phẩm chất đạo đức trong mối quan hệ con người với nhau.

Đức Khổng Tử dạy yêu người là ái nhân 愛人. Có lần Ngài Tử Cống hỏi: “như có người rộng rãi bố thí cho dân, có thể giúp đỡ mọi người thì sao? Có phải là người nhân không? Khổng Tử đáp: “Sao gọi là nhân thôi, phải là bậc Thánh chứ!”.

Mạnh Tử khuyên vua Lương Huệ Vương. Vua hỏi: “Có thuật gì làm lợi cho nước tôi?”. Mạnh Tử đáp: “Vua hà tất nói lợi, chỉ có nhân nghĩa mà thôi”.

Tóm lại, Phật gọi là từ bi, Tiên gọi bác ái, Thánh gọi là nhân ái và công bình, Cao Đài gọi là tình thương. Hiệp hành sống đức ái nhân là cùng chung hiệp nhau đem tình thương đến cho mọi người.

2.1Yêu thương là bản chất của con người

Thương yêu người, vạn vật là bản chất của con người. Đức Chí Tôn dạy: “Thầy thường nói với các con rằng: các con là cơ thể của sự thương yêu, mà sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giới.

Có yêu thương nhân loại mới hòa bình, càn khôn mới an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa. Sự thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.” (2)

Như vậy, thương yêu chính là bản chất của con người, là Thượng Đế tính, là cái sẵn có trong con người, giúp con người đạt đạo và hạnh phúc vĩnh hằng.

Đức Cao Triều Phát dạy tuổi trẻ một cách cụ thể hơn về lòng thương yêu: “Hỡi các em, các em hãy nhận thức trách nhiệm của mình. Hãy nhìn thẳng vào hoàn cảnh để cương quyết bắt tay vào việc hoằng giáo độ đời. Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời.” (3)

Ở một đoạn khác, Ngài nhắc nhở người tuổi trẻ Cao Đài hãy thắp ngọn đuốc sáng vào chỗ tối, hãy san bằng hầm hố chông gai, hãy sưởi ấm nơi lạnh lùng băng giá. Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác, hãy lấy làm hãnh diện khi xả thân cho tha nhân. Hãy tràn ngập hoan lạc trong sự cao thượng. Đó là bổn phận của thanh thiếu niên mà Thượng Đế ban trao. Giờ chỉ còn bắt tay nhau hành động.

2.2Cống hiến cho cộng đồng là một sứ mạng

Con người xuống thế gian, bước vào đời là đã có sứ mạng đối với đời và với đạo. Trong tôn giáo sứ mạng càng quan trọng hơn đó là hướng dẫn nhân sanh tiến hóa tâm linh. Tuy nhiên, điều lưu ý là phải biết tập hợp những cá thể thành sức mạnh để làm những việc hữu ích và thiết thực cho nhân sanh. Tất cả mọi sự khác biệt nhau không cần thiết, quan trọng là kết hợp thành một khối chung, đồng tương quan, đồng sinh hoạt, đồng tiến bước. Những làn sóng tư tưởng thánh thiện, cộng với ý chí hành động thực tế giúp cho cộng đồng nhân loại. Thánh giáo Cao Đài dạy: “Con người không thể tách rời xã hội nhân sinh, xã hội nhân sinh đã dính liền với đời sống từng cá nhân. Đã tự nhận là một nhân thế trong cuộc đời, phải chấp nhận mọi sự chung đụng sinh tác trong khối đại thể nhân sinh” (4). Như vậy, sứ mạng của con người trong thế giới nhân sinh là gì? Đó là con người phải góp từng bàn tay, khối óc, mọi thứ có thể để xây dựng tòa lâu đài xã hội an bình, hạnh phúc, tiến bộ. Xóa bỏ những dị biệt của từng xã hội con người, để nhận chung một xã hội chủ thể duy nhất, đó là một xã hội nhân loại. Trong đó sự tác động của tinh thần và vật chất vẫn song song trong đời sống nhân loại.

Vật chất luôn chi phối con người, đó là sống ăn mặc ở của con người trong kiếp sinh tồn hiện hữu. Tự bó chặt vào đời sống thường nhật, nào kinh tế gia đình, kinh tế xã hội, kinh tế quốc gia, nhân loại, đương nhiên sẽ vô cùng phúc tạp, đẩy đưa con người vào cuộc đấu tranh tình, tiền, danh, lợi xô đẩy con người vào hang thẳm vực sâu. Thế con người phải làm gì?

Các em hãy vui tươi lên, đặt trọn niềm tin ở ngày mai sáng lạng, miễn là các em giữ được tư tưởng đạo đức, hành động trong sạch, ý hướng xây dựng một xã hội lương thiện. Thượng Đế sẽ hộ trì những phần tử nào phục vụ cho Ngài trong đức háo sanh và bảo tồn” (5). Như vậy cống hiến cho xã hội là một sứ mạng không thể từ chối.

3.Hiệp hành sống đức ái nhân

Thánh giáo dạy: “Những của cải tiền tài vật chất đem sử dụng vào lãnh vực xã hội từ thiện đạo đức rất có ích lắm chư đạo hữu. Đó là của cải đem gởi nhà băng trên thượng giới, trộm không cắp, cướp không giựt, hỏa hoạn, bom rơi không thiêu huỷ được. Đã vậy mà một vốn đến trăm ngàn lần lãi suất” (6).

Như vậy, cùng nhau cống hiến cho xã hội có nhiều cách. Có thể cống hiến bằng tài năng, sức lực, tâm lực, của cải vật chất. Sự cống hiến dầu nhỏ bé hay lớn đến mấy đi chăng nữa đều có giá trị và ý nghĩa. Tuy nhiên, mỗi cá nhân tự phát cũng tốt, chi bằng cùng góp tay nhau thành một tập thể càng tốt hơn. Câu chuyện sau đây cho thấy vật chất là một trong yếu tố quyết định đời sống con người. “Một vị vua minh quân sẽ đem lại sự ấm no cho bá tánh”.

Câu chuyện được trích trong Thánh giáo sưu tập của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Một vị đạo hữu khi còn ở thế gian sự nghiệp giàu có. Khi mất đi để lại người đời sau những lời dạy vô cùng ý nghĩa. Theo đạo sĩ thì tài sản, sự nghiệp thế gian là giả tạm, vô thường. Sau đây là lời kể của đạo sĩ khi về đàn giáng cơ: “Có một ông vua nhân lúc thái bình di giá dạo khắp hoàng thành để thăm dân chúng. Vua nhìn thấy cảnh an cư lạc nghiệp, giàu có của dân, trong lòng rất mừng nhưng lại nảy ra một ý tham. Dân đã giàu có là nhờ ở sự cai trị của vua, thì vua phải chia bớt phần giàu có của dân để sung vào công khố. Nghĩ vậy, vua liền ra chiếu chỉ, mỗi nhà giàu phải nộp cho triều đình một phần ba của cải. Trong lúc dân chúng xôn xao bàn tính để nộp tài sản cho nhà vua, thì có một anh thương buôn giàu có sốt sắng đem hết cả sản nghiệp tài sản của mình mà nộp hết cho nhà vua. Vua lấy làm lạ cho triệu anh ấy vào để nhận một phần ba tài sản thôi. Anh thương buôn cứ xin nộp hết. Vua hỏi lý do, anh ấy liền trả lời: “Tâu bệ hạ, đây là một dịp may cho hạ thần gởi gắm sự nghiệp tài sản để rảnh rang, vì của này chưa thật là của hạ thần mà là của năm nhà: hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, sung công và cuối cùng là thê tử tiêu phá gây tội lỗi. Dầu hạ thần có giữ được bao lâu cũng không khỏi về tay một trong năm nhà đó, nên hạ thần xin dâng hết cho bệ hạ để khỏi khổ công gìn giữ và khổ sở khi mất nó. Cúi xin bệ hạ thâu hết cho. Vua nghe tâu, trầm tư suy nghĩ liền giác ngộ, bãi bỏ việc thâu thập của dân.” (7)

Qua câu chuyện trên thì của cải vật chất luôn dời đổi, không bền vững, quan trọng người nắm giữ nó sử dụng theo chiều hướng tốt hay xấu. Thánh giáo dạy: “Nếu các em mỗi ngày có một chút suy tư trong chốn bùn đen nước đục, ngõ hẻm đường cùng, những cảnh nghèo hèn thiếu thốn hoặc ở các vỉa hè, phố chợ, những kẻ đói rách lang thang, hoặc nơi chốn rừng thiên nước độc. Phút suy tư ấy liền thực hiện ngay một việc làm nhỏ vừa với sở năng, sở hữu của các em. Đồng thời các em chung hợp lại trong tinh thần đó, tấm lòng vị tha đó để tổ chức những cuộc thăm viếng đồng bào, đạo hữu nào bất hạnh cô đơn.” (8)

Tình thương xuất phát từ tâm của mỗi người, nhưng có sự thể hiện khác nhau, chiều hướng khác nhau. Do đó cần tổ chức thành tập thể để cùng nhau thực hành sống đạo. Những việc làm cụ thể như cứu trợ khi bị thiên tai, ủng hộ bệnh viện, ủng hộ trẻ mồ côi, người neo đơn, khuyết tật. Ngoài ra, cần tổ chức những buổi cầu nguyện chung. Mở quán đọc sách, lập thư viện cho các học sinh nghèo và cấp học bổng. Mở tiệm ăn, hoặc quán bán đồ ăn thức uống lành mạnh để trích phần trăm cho việc xã hội là tạo việc làm cho người thất nghiệp. Mở mái ấm tình thương cho trẻ em không nơi nương tựa. Xây ngôi tam bảo, ủng hộ người tu hành, …

Mỗi người một viên sỏi sẽ lấp đầy hố sâu khổ nạn của chúng sanh. Càng nhiều tấm lòng yêu thương con người sẽ xây dựng cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc, xóa bớt mặt tối của trần gian.

4. Kết luận

Tài sản vật chất là vật ngoài thân, nhưng nó quyết định rất lớn đối với cuộc sống con người. Người xưa nói “có thực mới vực được đạo”. Câu nói này cho thấy muốn đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người thì tài sản vật chất có giá trị nhất định, phải biết chia sẻ nhau là điều quan trọng. Điều đó được khẳng định qua Thánh giáo: “Nói thẳng vấn đề, hãy đại đồng kinh tế xã hội nhân loại, thương nhau chia bảy sớt ba, có thương yêu thời sự tiến bộ, vui lòng hiệp nhứt” (9). Nói đến vật chất, người tu hành thường ít quan tâm, cho đó là điều không đáng nói. Tuy nhiên, muốn xóa bớt nỗi khổ đau của con người, thì mỗi người chung tay nhau hành động. Người càng sống đức ái nhân thì càng ít lệ thuộc vào tiền bạc vật chất, dễ dàng cho thật nhiều mà không cầu sự trả lại. Nếu mọi người đều được hưởng ngũ phúc tam đa thì xã hội bớt đi những người đau khổ (ngũ phúc là giàu, sang, sống lâu, khỏe mạnh, yên ổn. Tam đa là ba cái nhiều, một là nhiều phúc, hai là nhiều tuổi, ba là nhiều con trai). Tiền của vật chất tuy là như đất bụi, nhưng đôi khi cũng là giọt nước hồi sinh trong cơn cấp tử của con người. Hãy hiệp hành sống đức ái nhân.

Dụng vật chất thế đồ luyện chí, Đem tinh thần đạt lý siêu mầu, Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên,
Hòa đồng vạn thể, hiệp huyền chơn cơ, Vạn vật thảy nương nhờ thời tiết,
Thời tiết hòa hàn nhiệt giao thông, Cỏ cây sắc thắm hương nồng,
Người vui tương hiệp, vật đồng tương sanh. Từ cá thể lập thành xã hội,
Xã hội thành các khối liên bang, Chung tay xây đắp giang sang,
Cái vui thiên hạ, mình an phận mình. Đem vũ trụ làm tình mặc khải,
Lấy non sông làm đại gia đình, Ngũ hồ, tứ hải đệ huynh,
Kho trời vô tận chính mình Phật Tiên.
(10)

Với phương châm thực hành sống đức ái nhân đưa đến một xã hội đại đồng:

Còn một phương châm duy nhất Phải có tài, có đức, có nhân Chung tay gầy dựng tinh thần
San bằng bể hận, san bằng hố hoang, Người lãnh đạo vẹn toàn hướng đạo, Bậc tín đồ hoài bão nhân hòa,
Một tầm tay với chẳng xa
Nhiều tay kết lại, giăng ra đại đồng
. (11)

Hội thảo chuyên đề “Hiệp hành sống đức ái nhân”
ngày 17.09.2022.
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Giáo sĩ Hồng Mai

__________________________

Chú thích:

(1) Đạo học chỉ nam, chương 4.

(2) Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh ngôn hiệp tuyển, ngày 12/12- Kỷ Tỵ (11.01.1930).

(3) Ngọc Minh Đài, 29 tháng chạp Bính Ngọ (08.02.1967).

(4) Đạo học chỉ nam, chương 4.

(5) Ngọc Minh Đài, Đô Thống Quản Địa Thần, 01/04 Kỷ Dậu (16.05.1969).

(6) Minh Lý Thánh Hội, Vạn Hạnh Thiền Sư, 01/11 Tân Hợi (18.12.1971).

(7) Thánh giáo sưu tập, Chơn Thường Đạo Sĩ, 15/06 Giáp Dần (02.08.1974).

(8) Thánh giáo sưu tập, 15/12 Giáp Dần (26.01.1975).

(9) Đạo học chỉ nam, chương 4.

(10) Đạo học chỉ nam, chương 4.

(11) Thánh giáo sưu tập, 15/08 Canh Tuất (15.09.1970).