Niềm vui theo Công giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3389 | Cật nhập lần cuối: 5/24/2023 10:40:28 PM | RSS

Niềm vui nhìn từ lăng kính Thánh Kinh


Sống trong cuộc đời, ai cũng mong cầu hạnh phúc và tìm kiếm niềm vui. Có niềm vui là có nụ cười. Niềm vui đi với tiếng cười, nhưng cũng có lúc ngược lại: “Ngồi buồn mà trách ông xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” (Nguyễn Công Trứ), bởi vì “cuộc vui ngắn chẳng tày gang” (Truyện Kiều). Phải chăng đó là số phận trần gian của nhân vật có tên là “niềm vui”?! Có lẽ thế, nên con người đã đi tìm niềm vui trong các tôn giáo. Chúng ta vừa nghe chia sẻ tâm tình hoan lạc trong Phật giáo và Cao đài. Bây giờ là đôi nét phác hoạ về “niềm vui theo Công giáo” nhìn từ lăng kính Thánh Kinh.

Niềm vui được đọc thấy trước hết trong tên của 4 cuốn sách viết về cuộc đời Đức Giê-su. Những cuốn sách này có tên là “Tin Mừng”. Đến với chúng ta trong cuộc sống có tin tức, tin giật gân, tin buồn, tin vui, tin mừng... “Tin Mừng” là (những) cuốn sách kể lại cuộc đời của Chúa Giê-su và cũng đồng nghĩa là cuốn sách loan truyền tin vui. Thánh Mác-cô mở đầu tác phẩm của mình bằng câu: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.” (Mc 1,1) Vậy “Tin Mừng” đó là gì? –Là cho con người biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ trần gian, để họ tin vào Người, để hoán cải và được cứu rỗi. Nếu nói tổng quát, chỉ cần 1 từ “Tin Mừng” là đủ tóm cả quan niệm “niềm vui” theo Công giáo! (bài thuyết trình xin được kết thúc ở đây!?).

1. Niềm vui của Thiên Chúa

Niềm vui tạo dựng

Thiên Chúa, một mình Ngài tự hữu và viên mãn, vĩnh hằng. Nhưng Thiên Chúa vui thích thông ban sự sống và hạnh phúc thần linh cho vũ trụ và con người khi tạo dựng nên chúng (St 1-2). Niềm vui của Thiên Chúa là được nhìn thấy mọi loài hiện hữu: “Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11). Tác giả Rick Warren thích thú về điểm này: Bạn được tạo dựng cho niềm vui của Thiên Chúa. Giây phút bạn được sinh ra trên trần gian, Thiên Chúa có mặt ở đó như một nhân chứng vô hình đang mỉm cười nhìn bạn chào đời. Người muốn bạn sống, và việc bạn chào đời mang cho Người niềm vui lớn lao. Người đâu cần phải tạo dựng bạn, nhưng Người chọn tạo dựng bạn cho niềm vui riêng của Người. Bạn hiện hữu cho lợi ích của Người, cho vinh quang, cho mục đích và cho niềm vui sướng của Người.

  • Niềm vui cứu độ

Niềm vui của Thiên Chúa là tìm kiếm và cứu chữa: Như mục tử đi tìm chiên lạc, như người đàn bà tìm đồng bạc bị mất, như người cha mong chờ đứa con trở về (Lc 15). Thiên Chúa “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7.10; Mt 18,12-14), và vì niềm vui này mà Thiên Chúa “mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,23). Vì thế, sứ điệp đến từ Thiên Chúa là một tin vui! Ta nghe vang vọng âm thanh ấy từ lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en cho Đức Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,27). Thiên Chúa ban Người Con duy nhất để cứu con người khỏi trầm luân. “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Chính Đấng Ki-tô ấy đã “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10)… Đức thánh cha Phan-xi-cô đã cảm nhận rằng “niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ!”, khi ngài diễn giải ba dụ ngôn trong chương 15 của Tin Mừng Lu-ca.

  • Nghịch lý của niềm vui Thiên Chúa

“Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được!” (Pascal) Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài ban niềm vui, những niềm vui bất ngờ nhất, khó lý giải nhất: “Người làm cho đàn bà son sẻ thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà.” (Tv 113,9). Còn Lc 6,20-23 nói về “Các mối phúc thật”: “Phúc” là điều may mắn, điều mang lại những sự tốt lành lớn (trái với hoạ). Vậy thì “Các mối phúc thật” của Đức Giê-su là niềm vui lớn lao cho những công dân Nước Trời. Nhưng Vương Quốc này được trình bày như sự đảo lộn các tình thế hiện tại: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

2. Niềm vui của con người

2.1. Trong Kinh Thánh

  • Hạnh phúc của con người là được hưởng niềm vui của Thiên Chúa: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21.23); và niềm vui đó là niềm vui hướng thượng (Lc 10,20).

  • Niềm vui được tái tạo

Ít-ra-en sống trong hy vọng chờ đợi Thiên Chúa ban niềm vui ngày cánh chung. Bấy giờ sẽ rộn rã niềm vui cứu thế mà I-sai-a đã loan báo, hoang địa sẽ nhảy mừng, trời xanh sẽ reo vui, địa cầu sẽ hoan hỉ, tù nhân được phóng thích sẽ về Si-on reo hò sung sướng để cảm nếm niềm vui vĩnh cửu… vì Đức Chúa sẽ biến Giê-ru-sa-lem thành “niềm vui” và dân Ngài thành “hoan lạc” để Ngài được vui thoả và để ban cho mọi người niềm hân hoan bất tận, cũng như Giê-ru-sa-lem sẽ được tiếp rước Đức Chúa trong hân hoan (Is 9,2; 35,1; 44,23; 49,13; 35,9; 61,7; 65,14; 66,10; Dcr 9,9).

  • Niềm vui được thánh hoá

Con người vui mừng vì nhận được sự sống thần linh từ Thiên Chúa (Ga 20,22) để “Thầy ở trong Cha và anh em ở trong Thầy” (Ga 14,16-20). Phép rửa sẽ làm cho người tín hữu được ngập tràn niềm hân hoan trong Thần Khí: “Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỉ.” (Cv 8,39; 16,33-34). Thần Khí sẽ tuôn đổ niềm vui cho người tín hữu dù trong cơn gian nan hay trong những thử thách đen tối nhất (Cv 5,41; 13,52). Niềm vui là hoa trái của Thần Khí (Gl 5,22).

  • Niềm vui được tha thứ

Không phải vui vì là người công chính không cần ăn năn sám hối (Lc 15,7), nhưng hạnh phúc vì nhờ tâm tình sám hối ngay lành mà được thứ tha: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.” (Tv 32,1-2). Đó cũng là tiền đề khuyến khích người Công giáo năng lãnh bí tích Hoà giải.

  • Niềm vui cần được chia sẻ

A-dam ở trong vườn E-đen, ông đặt tên cho mọi loài và sở hữu mọi thứ nhưng niềm vui của ông không trọn vẹn vì ông “không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20). Khi Đức Chúa tạo thành người đàn bà từ cái xương sườn của A-đam và dẫn đến cho ông, ông đã vui sướng reo lên: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23). Khi bà Ê-li-sa-bét được Đức Ma-ri-a chia sẻ niềm vui cưu mang Đấng Cứu Độ thì “đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc’” (Lc 1,41-42). “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57-58)… Con người vui mừng vì nhìn thấy công việc của Thiên Chúa như người bạn của chú rể vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng (Ga 3,29).

  • Chiều kích cộng đoàn của niềm vui

Niềm vui Ki-tô giáo một biểu hiện hợp đoàn: Mời bà con “chung vui” khi tìm lại được con chiên lạc và đồng bạc bị mất (Lc 15,6.9), dụ ngôn tiệc cưới…

  • Các biểu hiện của niềm vui

Ngợi khen (“Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…’” [Lc 10,21]), ca hát (“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”), chúc tụng (“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en”; đoàn môn đệ vui mừng lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy [Lc 19,37]), kêu lên-reo lên (A-đam, Ê-li-sa-bét), nhảy lên (Gio-an Tẩy Giả)…

Tóm: các chữ diễn tả “niềm vui” được trích dẫn ở phần trên là: rộn rã, vui cười, nhảy mừng, hoan hỉ, reo hò, sung sướng, hoan lạc, nhảy lên, kêu lớn tiếng, vui mừng nhảy múa, hớn hở vui mừng, vui sướng reo lên, niềm vui vĩnh cửu,… (khi vui, ACE thường diễn tả bằng động tác nào???)

2.2. Trong đời thường

Tử đạo: Người tín hữu, nhất là thời trung cổ, sẵn sàng vui lòng dâng hiến mạng sống để làm chứng cho Chúa; nhận các bí tích; hành hương; tiếp kiến; lời kinh giờ lâm tử (xin chết lành…); lời ca (Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười…)…

3. Minh họa

3.1. Thánh Phanxicô

  • Niềm vui của Phanxicô:

…Sau khi trả lại đồ đạc cho cha mình, Phan-xi-cô rời khỏi dinh giám mục ra đi, lòng vui như hoa nở. Chàng tiến thẳng vào rừng. Chàng cần sống trong cảnh vắng lặng để tìm lại bình tĩnh cho tâm hồn sau một cuộc kịch chiến và cũng để tận hưởng niềm vui của ngày được chính thức tấn phong làm Hiệp sĩ Chúa Ki-tô. Nhịp theo bước chân đi chàng ca hát tán tụng tình yêu không bến không bờ của Thiên Chúa. Tiếng hát vang rộn cả một góc rừng. Bỗng từ một bụi ậm xông ra ba anh cướp, chộp ngay lấy chàng nhạc sĩ hát rong. Ba anh cướp nghe tiếng hát tưởng gặp được món hời, không ngờ lại vớ phải một anh chàng điên, vỏn vẻn có manh áo cũ. Bực mình, ba anh cướp gạn hỏi:

- Mày là ai? Đi đâu mà nghêu ngao như thế?

Phanxicô trả lời không chút sợ hãi:

- Tôi là sứ thần Vua Cao Cả, phụng mệnh đi ca hát Tình Thương.

Như để trả thù vì bị mắc lầm, ba anh cướp đánh cho Phanxicô một trận tơi bời và đẩy mạnh chàng xuống một rãnh sâu ven rừng, rồi bỏ đi. Phanxicô mình mẩy xây xát vì gai góc, sau một hồi lâu mới bò lên được khỏi rãnh. Rồi như không có việc gì xảy ra, chàng lại vừa đi vừa hát. Lời tán tụng Chúa vang khắp mọi nẻo rừng…

Huấn ngôn 20:

Phúc thay người tu sĩ chỉ tìm niềm vui thú và hoan lạc trong những cuộc đàm thoại đạo đức và những công việc thánh thiện của Chúa, và nhờ đó, trong niềm vui mừng và hân hoan, họ giúp người khác yêu mến Thiên Chúa. Vô phúc cho người tu sĩ ham thích những câu chuyện phù phiếm và trống rỗng để làm cho thiên hạ cười cợt.

  • “Niềm vui trọn vẹn”:

…Vậy, thế nào là niềm vui đích thực? Này nhé, cha đi từ Pêrudia về, mãi tới đêm khuya mới về tới nhà. Lúc này là mùa đông, đường lầy lội và trời lạnh rét. Nước mưa đông cứng ở gấu áo cha và quất vào đôi chân, làm rách da chảy máu. Mình mẩy lấm lem, tê cóng, cha đến trước cửa nhà. Sau khi cha đã gõ cửa và kêu van hồi lâu mới có anh nọ ra hỏi: “Ai đấy?” Cha trả lời: “Tôi là Phanxicô đây!” Anh ấy liền quát: “Cút đi! Giờ này không phải là lúc để đi ra ngoài; mày đừng vào đây". Cha nài nỉ, anh lại đáp: “Cút đi! Đồ ngớ ngẩn và dốt nát! Đừng đến với chúng tôi nữa. Chúng tôi đã đông đảo và được như thế này rồi, không cần đến mày nữa đâu!” Cha vẫn đứng trước cửa và van nài: “Vì lòng yêu mến Chúa, xin cho tôi trú chân đêm nay”. Anh ấy liền đáp: “Không được đâu! Hãy lại nhà các thầy dòng Thập tự mà xin”. Cha nói thật với con rằng: nếu cha vẫn giữ được lòng kiên nhẫn và không tức tối, thì đó mới là niềm vui đích thực, nhân đức đích thực và phúc cứu độ cho linh hồn.

3.2. Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận
Niềm vui theo Công giáo

Khi trong lòng ngập tràn niềm vui Thiên Chúa, người tín hữu sẽ có được bình an, vui tươi và truyền cảm hứng đến cho người khác. Đức hồng y Phanxicô Xaviê. nói rằng trong những năm tháng tù đày, những người quản trại rất “thắc mắc và ngạc nhiên về thái độ vui cười, thân thiện của tôi đối với họ.”…

Và đây là một hài hước sâu sắc của ngài về “niềm vui sống đạo”: Tôi chọn Chúa Giêsu vì tôi yêu các “khuyết điểm” của Ngài”:

1. Chúa Giêsu kém trí nhớ (về lời xin của anh gian phi)

2. Chúa Giêsu không biết làm toán (về 100 con chiên)

3. Chúa Giêsu không sành luận lý (v/v đãi khách ăn)

4. Chúa Giêsu không biết kinh tế tài chánh (làm vườn nho giờ thứ 11)

5. Chúa Giêsu làm bạn với kẻ tội lỗi (Matthêu, Dakêu)

6. Chúa Giêsu thích ăn uống tiệc tùng (Mt 11, 19; Lc 5, 33)

7. Chúa Giêsu không giữ luật Do-thái (không rửa tay, làm việc ngày sa-bát)

8. Chúa Giêsu như điên cuồng (bị chế nhạo ở toà Philatô, gọi môn đệ rồi loan báo mình sẽ chịu chết)

9. Chúa Giêsu phiêu lưu (trao quyền cho Phêrô)

10. Chúa Giêsu có những lời giảng dạy xem ra mâu thuẫn (Lc 6,20-22; 9,24…)

Kết Luận

Qua một vài trích dẫn còn thiếu sót và những dẫn giải chưa đầy đủ, xin tạm kết luận như sau:

  1. Niềm vui của Thiên Chúa là tạo dựng, cứu chuộc và đưa con người - thậm chí là cả vũ trụ - về ở với Ngài.

  2. Niềm vui của người Công giáo là được Thiên Chúa tạo dựng, cứu chuộc và cuối cùng được ở với Ngài và với anh chị em, thậm chí là với mọi thụ tạo (như khi ở vườn E-đen).

Tài liệu tham khảo

Kinh Thánh Cựu – Tân Ước

Điển ngữ thần học Thánh Kinh

Niềm vui sống đạo (Đức hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận)

Sống có định hướng (Rick Warren, Lm. Minh Anh dịch)

Niềm vui trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca (luận văn, Đặng Đình Sĩ)

Lm. Stephen Nguyễn Xuân Dinh, OFM (28.9.2013)

--------------------------

Chú thích:

(1) Rick Warren, “Sống có định hướng”, Lm. Minh Anh dịch, tr. 81

(2) http://vi.radiovaticana.va

(3) ĐNTHTK, T.4, 1976, tr. 428

(4) “Niềm vui sống đạo”, tr. 132