Phát triển Đời sống Tâm linh theo Kitô giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5905 | Cật nhập lần cuối: 2/7/2016 4:39:33 PM | RSS

Xin cảm ơn Cộng đồng Tôn giáo Baha'i thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm với đề tài "Phát triển Đời sống Tâm linh", nhân "Tuần lễ Hòa hợp Tôn giáo Toàn cầu" do Đại Hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng.

Theo quan niệm dân gian, đời sống con người bao gồm các chiều kích thể lý, tâm lý, tinh thần và tâm linh. Nếu các nhà giáo dục trong xã hội nhắm đến việc xây dựng con người có tri thức và văn hóa, thì những nhà giáo dục tôn giáo lưu tâm nhiều hơn đến việc vun trồng con người trưởng thành về mặt tâm linh, tuy vẫn coi trọng việc giáo dục nhân bản cũng như tri thức.

Sinh hoạt của chúng ta hôm nay hiện thực sứ điệp của Đức Baha'u'llah, theo niềm tin Baha'i:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới phải hòa giải những dị biệt, tiến tới sự thống nhất và hòa bình hoàn hảo, chung sống dưới bóng Cây chăm sóc và thương yêu của Ngài” (Trích Thánh Thư của Đức Baha'u'llah, đoạn IV).

Đức Dalai Lama đã thuật lại kinh nghiệm sau đây trong bài nói chuyện về "Những bình diện tâm linh":

"Tôi gặp một tu sĩ Kitô giáo ở Monserrat, một trong những tu viện nổi tiếng của Tây Ban Nha. Tôi được biết vị tu sĩ này đã ẩn tu trên một quả đồi ở ngay phía sau tu viện. Khi tôi đến thăm tu viện, ông ra khỏi am thất và xuống đồi để gặp tôi. Tôi nhận thấy tiếng Anh của ông ta còn dở hơn tiếng Anh của tôi. Điều này làm cho tôi có thêm can đảm để nói chuyện với ông ta. Chúng tôi đối diện với nhau và tôi hỏi “trong mấy năm nay ngài làm gì ở trên quả đồi đó?”, ông ta nhìn tôi rồi trả lời “chiêm nghiệm về lòng từ bi và bác ái”. Khi nghe mấy lời này và qua ánh mắt của ông ta tôi hiểu được ý tưởng của ông. Tôi thực sự khâm phục con người này và những người giống như ông ta. Những cuộc gặp gỡ như vậy giúp tôi khẳng định rằng tất cả các tôn giáo của thế giới đều có tiềm năng sản sinh những người tốt, dù triết lý và giáo thuyết của các tôn giáo đó có khác nhau. Mỗi tôn giáo đều có thông điệp giá trị của mình để truyền cho mọi người"[1].

Anh chị em các Hội Thánh Tin Lành thường dùng lối nói "đời sống thuộc linh". Con người thuộc linh là người sống theo Thánh Linh. Thư Rôma 8,5-17 cho chúng ta sự phân biệt giữa một người sống theo xác thịt và một người sống theo Thánh Linh. Câu 5 và 8 chép: "Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh... Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh..." Đời sống "sống theo Thánh Linh" chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Đời sống ấy quan tâm đến sự làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, làm theo sự dạy dỗ của Ngài trong Kinh Thánh. Đời sống ấy xem luật pháp Đức Chúa Trời và nguyên tắc sống theo Kinh Thánh là quan trọng hơn những ý muốn, suy tính, lý luận của riêng mình. Cuộc chiến nội tâm của người tín hữu là cuộc đấu tranh giữa "những điều Thánh Linh muốn " và "những ham muốn của xác thịt". Con người "thuộc linh" để Thánh Linh làm chủ trong đời sống mình khước từ những ham muốn của bản ngã tội lỗi, để vâng phục ý muốn của Thánh Linh.

Đời sống Tâm linh theo đức tin Kitô giáo là cách sống theo gương Chúa Giêu Kitô hay nói cách khác, là làm cho sự sống của Chúa Kitô lớn lên trong cuộc đời mình. Thánh Phaolô tông đồ, người đưa Kitô giáo ra khỏi biên cương đất nước Do Thái, đã diễn tả lý tưởng sống của Kitô giáo như sau:

“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20)

Vì Chúa Kitô là "Đạo, là Sự Thật và là Sự Sống", nên nhờ Người tôi thống nhất đời sống của mình: từ phương diện thể lý, tâm lý, tinh thần đến tâm linh; thống nhất giữa tư tưởng, lời nói và hành động, hợp nhất hai mối tương quan, tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người chúng ta với nhau.

Đỉnh cao của đời sống Tâm linh Kitô giáo là sự hoàn thiện, mà qui chuẩn của sự hoàn thiện này, không phải là một ý thức hệ hay một chủ thuyết, nhưng là chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã mời gọi Kitô hữu sống theo chuẩn mực này:

"Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48).

Một cách tổng hợp, thánh Bonaventura (1221-1274), một nhà linh đạo Kitô giáo, nêu ra những thực hành cụ thể để phát triển đời sống tâm linh, hầu đạt được Thiên Chúa là nguồn Thiện Hảo và Hạnh Phúc. Đó là ba hành động: thanh tẩy đưa đến bình an, sáng soi đưa đến Chân lý, hoàn hảo đưa đến đức ái. Ba hành động này đưa chúng ta đến Chúa Cha, nguồn mạch bình an; đến Chúa Con, nguồn mạch Chân lý, đến Chúa Thánh Thần, lửa bác ái yêu thương. Ba hành động tương đương với ba con đường hay ba giai đoạn, đó là (1) Thanh đạo (2) Minh đạo và (3) Hiệp đạo (*).

Mỗi tôn giáo có những đường hướng và phương thức để phát triển tâm linh con người, nhưng chắc quý vị cũng đồng thuận với chúng tôi rằng sự tiến bộ tâm linh của mỗi tín đồ, dù thuộc tôn giáo nào, đều mang đến thiện ích và ảnh hưởng tích cực trên đời sống gia đình cũng như sinh hoạt xã hội.

Vì thế, trong bầu khí cận kề những ngày Tết Bính Thân này, anh chị em Công giáo chúng tôi nguyện chúc quý vị mỗi ngày mỗi hoàn thiện bản thân, qua việc phượng tự và phụng sự xã hội, theo niềm tin tôn giáo của mình. Nhờ đó, phát triển đời sống tâm linh của cá nhân cũng như cộng đồng, và góp phần tạo lập một mùa xuân tâm linh trên quê hương chúng ta.

Phát triển Đời sống Tâm linh theo Kitô giáo

Buổi tọa đàm tại Văn phòng HĐTT cộng đồng Tôn giáo Baha'i tại Tp.HCM

Ngày 2 tháng 2 năm 2016

Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn

Tổng Giáo phận Tp.HCM


[1] http://www.taberd75.com/linh%20tinh/DalaiLama/TamLinh.htm

Bài liên quan:

Cộng đồng TG Baha;i: Buổi tọa đàm liên tôn: "Phát triển đời sống tâm linh"