Tương quan giữa khoa học và Tôn giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1996 | Cật nhập lần cuối: 11/16/2018 3:12:17 PM | RSS

Kính thưa Quý vị,

Tương quan giữa khoa học và Tôn giáoThay mặt cho Cộng đồng Tôn giáo Baha'i Việt Nam tôi xin có lời chào trân trọng và đoàn kết đến tất cả quý vị lãnh đạo các tôn giáo cùng các tín hữu của các cộng đồng. Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau trong tinh thần yêu thương và hòa hợp giữa các tôn giáo qua sáng kiến tổ chức Ngày Hội ngộ Liên tôn mà Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm. Đây là một diễn đàn giúp chúng ta cùng nâng tầm nhìn về tất cả chúng ta đều là tôi con của một Đấng Cha chung – Đấng Thượng Đế và nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là anh em trong một gia đình – Gia đình nhân loại. Đức Baha'u'llah, Đấng Giáo tổ của Tôn giáo Baha'i đã dạy: “Trái đất chỉ là một quốc gia và nhân loại là công dân của quốc gia đó”.

Theo yêu cầu của Ban Tổ chức, Cộng đồng Tôn giáo Baha'i trình bày cùng Quý vị chủ đề: “Tương quan giữa khoa học và tôn giáo”.

Kính thưa Quý vị,

Đức Abdul-Baha dạy: Một nguyên lý chính yếu trong Giáo lý của Đức Baha’u’llah là tôn giáo phải là nguyên nhân sự thống nhất và hoà hợp giữa loài người, rằng nó là hào quang tối cao của Thượng Đế, là lực đẩy của cuộc sống, là nguồn cội của danh dự và tạo thành cuộc sinh tồn vĩnh cửu. Tôn giáo không có khuynh hướng khơi dậy sự đối nghịch và hận thù, hoặc trở thành nguồn gốc của sự bạo tàn và bất công.

Ngoài ra, tôn giáo phải phù hợp với lý trí và tương thích với những kết luận của khoa học. Vì tôn giáo, lý trí và khoa học là những thực thể; vì vậy, ba thứ này, đều là thực thể, phải tương thích và hoà hợp. Một vấn đề hoặc nguyên lý có tính chất tôn giáo khoa học phải thừa nhận. Khoa học phải công bố nguyên lý ấy có giá trị, và lý trí phải chuẩn nhận nó để nó có thể khơi dậy niềm tin. Tuy nhiên, nếu giáo lý, không phù hợp với khoa học và lý trí, thì rõ ràng nó là mê tín. Đấng Thượng Đế của nhân loại đã ban cho chúng ta năng lực lý trí để nhờ đó chúng ta phát hiện bản thể sự vật. Làm sao con người có thể chấp nhận một cách chính đáng loại phát biểu nào không phù hợp với các tiến trình của lý trí và các nguyên lý của khoa học. Chắc chắn một phương hướng như thế không thể khơi dậy niềm tin và tín ngưỡng thực sự.

Cho nên chúng ta có nguyên lý Baha'i là “tôn giáo phải đi đôi với khoa học và lý trí”.

Đức Baha'u'llah dạy rằng các Đấng Tiên tri hay là các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế, là các Đấng mang Ánh sáng của thế giới tâm linh như mặt trời mang ánh sáng của thế giới vật chất. Giống như mặt trời vật chất chiếu sáng trên trái đất, làm tăng trưởng và phát triển tất cả các sinh vật, vầng “Thái dương Chân lý”, Đấng “Biểu hiện của Thượng Đế”soi sáng thế giới linh hồn và tâm hồn, giáo dục tư tưởng, đức hạnh và tính tình con người”

Tất cả các Đấng Biểu hiện Thiêng liêng này đều là một. Các Ngài đều phụng sự một Đấng Thượng Đế duy nhất, truyền giảng cùng một chân lý, thiết lập các cơ cấu như nhau và phản chiếu cùng một thứ ánh sáng. Sự xuất hiện của các Ngài là liên tục và gắn kết nhau; mỗi Đấng đã thông báo và ngợi ca Đấng đến sau Mình, và tất cả đều đặt nền móng thực tại. Các Ngài khuyên dạy dân chúng yêu thương nhau và biến thế giới loài người thành tấm gương về Ngôi Lời của Thượng Đế. Vì vậy, những tôn giáo thiêng liêng do các Ngài thiết lập đều có chung một nền tảng.

Đức Baha'u'llah phán: “Đây là Chánh Đạo bất biến của Thượng Đế, trường tồn trong quá khứ, trường tồn trong tương lai”.

Đức Abdul-Baha dạy: “Tôn giáo là ánh sáng của thế giới, là sự tiến bộ, thành đạt và hạnh phúc của con người đến từ sự tuân tùng những giáo luật qui định trong các Thánh Kinh”

Về tương quan giữa tôn giáo và khoa học, Đức Baha’u’llah đã nhấn mạnh chỉ có một tôn giáo. Tôn giáo là tôn giáo, khoa học là khoa học. Tôn giáo phát hiện và nhấn mạnh những giá trị lần hồi được tiết lộ qua Mặc khải thiên thượng; khoa học là công cụ qua đó trí tuệ con người tìm tòi và có thể tạo ảnh hưởng ngày càng chính xác hơn trên thế giới hiện tượng. Tôn giáo xác định những mục tiêu phục vụ quá trình tiến hoá; khoa học giúp thành đạt những mục tiêu ấy. Hợp chung lại, tôn giáo và khoa học tạo thành hệ thống tri thức kép của nhân loại, thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh.

Nền văn minh có hai loại: văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Khoa học tiến bộ đã giúp cho nền văn minh vật chất phát triển, còn nền văn minh tinh thần phát triển nhờ vào tôn giáo.

Đức Abdul-Baha dạy: “Nền văn minh vật chất giống như cây đèn, trong khi nền văn minh tinh thần là ánh sáng của cây đèn đó.” Cây đèn dù hoa mỹ đến đâu nếu không phát ra ánh sáng thì cũng là vô dụng. Nếu nền văn minh vật chất và tinh thần trở nên hòa hợp thì chúng ta sẽ có cả ánh sáng lẫn cây đèn và kết quả sẽ là hoàn hảo.

Giáo lý Baha'i phát biểu“Dù thế giới vật chất tiến xa như thế nào, nó không thể thiết lập hạnh phúc của nhân loại. Chỉ khi nào nền văn minh vật chất và tinh thần được liên kết và cộng tác thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc. . .vì nền văn minh vật chất tốt và xấu phát triển cùng nhau và luôn chung bước.”

Chân thánh cám ơn sự theo dõi của Quý vị!

Nguyễn Đình Thỏa
Hội Đồng Tinh Thần TG Baha’i