Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2137 | Cật nhập lần cuối: 12/10/2016 5:55:28 AM | RSS

(Tiếp theo)

II. Đối thoại liên tôn giáo trong lịch sử Việt Nam

1. Trong mười chín thế kỷ trước đạo Cao Đài

Trong lúc ở phương Tây tiếng nói đối thoại liên tôn giáo có cơ hội cất lên muộn màng thì tại Việt Nam, từ rất sớm trong lịch sử đã có tinh thần hòa đồng tôn giáo. Tiếng nói đối thoại liên tôn giáo trong phạm vi Tam Giáo ở Việt Nam đã được ghi lại không ít trong sách sử từ xưa truyền lại mà sau đây là một số trường hợp tiêu biểu. [1]

a. Viên Chiếu (999-1091)

Thiền sư Viên Chiếu sống dưới đời Lý, thế danh Mai Trực, thuộc đời thứ bảy dòng thiền Quán Bích (Việt Nam). Khi được hỏi về ý nghĩa của Phật và Thánh (Nho), thiền sư đáp:

Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh.

晝則金烏照 / 夜來玉兔明.

(Ngày thì mặt nhựt sáng soi

Đêm về vằng vặc khung trời ánh trăng.)

Thiền sư ngụ ý bảo tuy ứng dụng của Phật và Thánh (Nho) trong đời khác nhau, nhưng đều nhằm đem lại cho đời ánh sáng (giác ngộ). Để làm rõ ý này, thiền sư cho ví dụ: Ban ngày cần ánh sáng mặt trời (kim ô: quạ vàng), còn ban đêm cần ánh sáng vầng trăng (ngọc thố: thỏ ngọc).

b. Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258)

Nhà vua tên thật là Trần Cảnh, quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định sau này). Mang tinh thần hòa đồng tôn giáo, trong bài “Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm”, vua viết:

Vị minh nhân vọng phân Tam Giáo

Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.

未明人妄分三教 / 了得底同悟一心.

(Chưa ngộ, người lầm lẫn phân biệt Tam Giáo

Hiểu rõ gốc rồi cùng ngộ một tâm.)

Trong bài “Giới Sát Sinh Văn”, vua nêu lên chỗ tương đồng của Tam Giáo về mặt hành thiện:

“Sách Nho dạy làm điều nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn giới cấm sát sinh…”

c. Hương Hải (1631-1718)

Thiền sư thế danh là Tổ Cầu, người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (sau là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông làm tri phủ Triệu Phong (sau là tỉnh Quảng Trị), rồi tu ở cù lao Chàm (Quảng Nam), hiệu Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải.

Trong một bài thơ, thiền sư viết: Nguyên lai Tam Giáo đồng nhất thể. 原來三教同一体. Như vậy, thiền sư khẳng định Tam Giáo cùng một bản thể, nghĩa là cùng một nguồn gốc phát sinh.

Trong bài “Lý Sự Dung Thông”, thiền sư Hương Hải cũng dùng hình ảnh xe, thuyền của Mâu Bác để so sánh hai khía cạnh phương tiện và công dụng của Tam Giáo trong đời. Thiền sư kết luận Tam Giáo ví như ba cỗ xe cùng đi đến một đích.

Đối chiếu cặp phạm trù Tam Cương, Ngũ Thường (của Nho) với Tam Nguyên, Ngũ Khí (của Lão), và với Tam Quy, Ngũ Giới (của Phật), thiền sư có bài thơ như sau:

Trong nơi danh giáo có ba

Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân

Đạo thời dưỡng khí an thần

Thuốc trừ tà bệnh, chuyên cần luyện đan [2]

Thích độ nhân miễn tam đồ khổ [3]

Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương

Nho dùng Tam Cương, Ngũ Thường

Đạo gìn Ngũ Khí, giữ giềng Ba Nguyên

Thích giáo nhân Tam Quy, Ngũ Giới

Thể một đường xe phải dụng ba.

d. Quý Đôn (1726-1784)

Ông tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê làng Duyên Hà (hay Diên Hà), huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông làm quan đời Hậu Lê, lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trong Kiến Văn Tiểu Lục, quyển IX: Thiền Dật, Lê Quý Đôn đã bày tỏ lòng tôn kính Tam Giáo bình đẳng. Đối với một số nhà Nho thiển cận có óc phân biệt Tam Giáo, ông khuyến cáo như sau:

“Đạo giáo của họ Phật, họ Lão thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hệ lụy đến sự vật, đấy cũng là đạo giáo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân; đến những lời bàn luận sâu rộng về đạo đức, về hình thần, không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà Nho chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên không?”

e. Ngô Thì Sĩ (1726-1780)

Làm quan đời Hậu Lê, ông là cha của Ngô Thì Nhậm, nhạc phụ của Phan Huy Ích. Ông tự là Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong Tiên Sinh, đạo hiệu Nhị Thanh Cư Sĩ. Năm 1760, chùa Tam Giáo (làng Kim Bảng) được trùng tu, ông làm bài văn bia nêu lên quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:

“Lời khuyên về tịnh độ của nhà Phật, lời bàn về cảnh tiên của nhà Đạo, thuyết tích chứa điều lành có thừa điềm tốt của nhà Nho, thảy đều đúng cả. Đạo Phật chủ trương từ bi, Đạo gia thanh tịnh, Nho gia lấy thuyết nhân nghĩa, trung chính mở đường cương thường của Trời để dựng nên một trật tự cho người. (…) Nhập thế và xuất thế, tác dụng khác nhau mà thể tính thì cũng một. Tôi cho rằng đạo lý chỉ có một mà thôi. Tự do, sáng suốt, không có phân chia đạo nọ đạo kia vậy. Liễu ngộ chỉ có bản tính yên lặng, giữ lấy chỉ là tâm. Chỗ tịch diệt của Như Lai, chỗ hư vô của Lão Quân, chỗ không muốn nói của Phu Tử đều là gom cái tâm mình về chỗ chánh mà thôi.”

f. Phan Huy Ích (1750-1822)

Ông là con rể Ngô Thì Sĩ, em rể Ngô Thì Nhậm. Ông tự Chi Hòa, hiệu Dụ Am và Đức Hiên. Năm 1796, khi viết lời Tựa cho tác phẩm Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh (của Ngô Thì Nhậm), Phan Huy Ích bày tỏ quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:

“Giáo lý Thích Ca tuy nói là không tịch hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng lũy, thấy rõ chân như. Cho rằng ‘minh tâm kiến tính’ là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết ‘thành ý trí tri’ của nhà Nho ta, thật chẳng có gì là trái ngược.”

g. Trnh Tuệ (thế kỷ 18)

Trịnh Tuệ thi đậu Trạng Nguyên, làm quan Tể Tướng thời vua Lê chúa Trịnh. Ông xưng là Trúc Lâm Cư Sĩ. Trình bày quan niệm Tam Giáo một nguồn, trong bài “Tam Giáo Nhất Nguyên Thuyết”, có đoạn ông viết:

“Nhà Nho có Tam Tài, nhà Phật có Tam Thế, nhà Đạo có Tam Thanh, cũng chẳng khác gì trời có mặt trời, trăng, sao, như vạc ba chân, quan hệ mật thiết với nhau và không tách rời nhau được.”

(…)

“Cho nên Tam Giáo vẫn là một môn, ba dòng vẫn là một lý, vốn không phải như nước lửa, đen trắng, ngọt đắng có tính chất chống lại nhau… Thế mới biết Nho tức là Thích mà Thích tức là Nho. Đạo cũng là Nho mà Nho cũng là Đạo.”

Trịnh Tuệ kết luận:

Ai hay Tam Giáo bất đồng

Thích Ca, Lão Tử cùng dòng Nho gia.

h. Toàn Nht (1750?-1832?)

Thiền sư Toàn Nhật sống khoảng đời Tây Sơn. Thiền sư xem Tam Giáo vốn là một nhà (Tam Giáo nhất gia), tuy công dụng ở đời có khác nhưng lại hỗ trợ cho nhau trong việc giáo hóa, cứu độ, trị an dân chúng. Trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn, thiền sư viết:

Phép xưa gầy dựng roi truyền

Nho ra sửa trị đời nên thanh bình

Thích ra độ tử cứu sinh

Đạo ra tẩn diệt mị tinh yêu tà

Thánh hiền phân chế làm ba

Tam Giáo so lại nhất gia khác gì.

Thiền sư quan niệm Tam Giáo không thể thiếu một, vì thiếu một thì sẽ nguy hiểm. Tính bất khả phân ly này giống như chiếc vạc phải đủ ba chân, bầu trời phải đủ mặt trời, mặt trăng và các vì sao (Tam Quang), xã hội phải có Tam Cương. Thiền sư viết:

Cùng nhau tá trợ phò trì

Ra đời giáo hóa ích thì lợi dân

Cũng như vạc có ba chân

Trên trời thì có Tam Quang tỏ tường

Trong đời thì có Tam Cương

Nếu mà khuyết một ghê đường gian nguy.

Cuối cùng, thiền sư ví Tam Giáo như ba ngả đường tuy khác nẻo mà cùng dẫn về một đích điểm: “Đường tuy ba ngả cùng về một nơi.”

Những ý kiến như dẫn trên cũng được phô diễn trong tác phẩm Tam Giáo Nguyên Lưu Ký của thiền sư:

Cho nên Tam Giáo Thánh Nhân

Tùy cơ thuyết pháp, ứng thân cứu nàn

Hễ trời thì có Tam Quang

Đời có Tam Giáo ba giềng tương thân

Ví như cái vạc ba chân

Nếu mà khuyết một ngả nghiêng đâu còn

Vật trong vạc ấy chẳng toàn

Ắt là trút đổ chỉn liền hư hao

Nho gia tỏ rõ như sao

Chói lòa tinh đẩu ai nào chẳng hay

Đạo gia dường nguyệt tròn thay

Bắc nam ánh giải, đông tây sáng ngời

Thích gia ví tợ mặt trời

Đâu đâu soi thấu đời đời quang minh.

i. Giác Lâm (thế kỷ 19)

Tỳ kheo Giác Lâm sống dưới triều Minh Mệnh (trị vì 1820-1841), tu ở chùa Hồng Phúc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sư sáng tác Hồng Mông Tạo Hóa Chư Lục Bản Hạnh (gọi tắt Hồng Mông Hạnh), trong đó đã bày tỏ quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:

Ba đạo cây cối một nhà

Chi chi diệp diệp hằng hà vô biên

Những người thiểu học thất truyền

Ngỡ là Nho Giáo, Phật, Tiên khác dòng.

2. Trong đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài ra đời ở Việt Nam vào những năm 20 thế kỷ 20. Tôn giáo này từ khi mới hình thành đã chủ trương Vạn giáo nhất lý (Mọi tôn giáo chung một nguyên lý) và đề cao Tam Giáo một nguồn, không phân biệt. Chính vì thế, trên bàn thờ của đạo Cao Đài, chẳng những Tam Giáo có mặt mà Kitô Giáo cũng được tôn thờ, cho nên trong Cao Đài có khái niệm Tứ Giáo. Đạo Cao Đài tổng hợp mọi đường hướng tôn giáo kim cổ đông tây lại thành năm con đường tu hành của nhân loại và gọi là Ngũ Chi Đại Đạo, gồm có: Nhân Đạo (con đường tu để làm Người), Thần Đạo (con đường tu để làm Thần), Thánh Đạo (con đường tu để làm Thánh), Tiên Đạo (con đường tu để làm Tiên), Phật Đạo (con đường tu để làm Phật).

Hòa đồng tôn giáo trong Cao Đài là một giá trị tự hữu và hằng hữu. Điều đó cũng cho thấy bản sắc và tôn chỉ của đạo Cao Đài. Vì thế giáo lý Cao Đài có câu:

Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý

Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài

Không còn chia biệt Đông Tây

Không còn phái nọ, chi này Phật Tiên.[4]

Ở Sài Gòn, đầu năm 1965 ra đời một tổ chức với tên gọi Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam; từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước thì đổi tên là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo và dùng cho tới nay. Với trụ sở hiện thời đặt tại số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM, Cơ Quan này không phải là một thánh thất và cũng không thuộc một Hội Thánh Cao Đài nào cả, nên không thâu nhận tín đồ. Thành viên của Cơ Quan là người đạo Cao Đài đến từ các thánh thất khác nhau.

Sở dĩ nhắc tới tổ chức này ở đây là vì Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đã có một quá trình thực hành đối thoại liên tôn giáo trong nhiều năm. Tuy nhiên, Cơ Quan không dùng khái niệm “đối thoại liên tôn (giáo)” mà dùng khái niệm “tôn giáo đối chiếu” (comparative religion).

Thật vậy, khởi sự vào năm 1978, Cơ Quan thành lập Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo, sinh hoạt đều đặn vào mỗi chiều thứ Bảy, từ 16 đến 18 giờ. Hội Đồng gồm có tám ban: Ban Bà La Môn Giáo, Ban Baha’i, Ban Cao Đài Giáo, Ban Kitô Giáo, Ban Lão Giáo, Ban Nho Giáo, Ban Phật Giáo, và Ban Thông Thiên Học (Theosophy). Lại thêm ban thứ chín gọi là Ban Đối Chiếu Và Tổng Hợp. Các ban phân công nhau mỗi tuần trình bày một đề tài tự do, mục đích chia sẻ một số tri thức căn bản trong mỗi tôn giáo. Trong năm 1978 đã thực hiện được hai mươi hai đề tài tự do về Bà La Môn, Baha’i, Cao Đài, Kitô, Lão, Nho, Phật, và Thông Thiên Học.

Nhưng đáng kể là ngoài hai mươi hai đề tài tự do, Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo đã thực hiện ba vòng đối chiếu về ba chủ điểm: (a) Giải Thoát; (b) Niết Bàn Hay Thiên Đàng; (c) Con Người. Hội Đồng cũng đối chiếu các giáo lý và tổng hợp xong đề tài Vạn Giáo Nhất Lý.

Cũng với phương hướng đối chiếu giáo lý như vậy, mấy năm kế tiếp Hội Đồng tổng hợp thêm các đề tài như: Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể, Con Đường Phản Bổn Hoàn Nguyên, Phục Hồi Nhân Bản, v.v…

(Còn tiếp)

Huệ Khải

Trích "Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài", tr. 7-16

-----------------------------

Bài liên quan:

Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài (1)

Chú thích:

[1] Các dẫn chứng trong phần này được mượn lại từ: Huệ Khải, Tam Giáo Việt Nam: Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 67-78.

[2] Luyện đan: Ám chỉ việc tu thiền.

[3] Tam đồ khổ: Cái khổ khi hồn người chết phải đi vào ba đường dữ để chịu hình phạt đền bù tội lỗi. Đó là: Hỏa đồ (bị lửa thiêu đốt); Huyết đồ (bị sát hại và đổ máu); Đao đồ (bị dao kiếm đâm vào cơ thể).

[4] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Ất Tỵ (1965). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 84.