Đối thoại liên tôn và Tương quan giữa Kitô hữu và Phật tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1988 | Cật nhập lần cuối: 4/18/2016 10:35:40 PM | RSS

Vào tháng chín năm 1994 ở Luân Đôn, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã hướng dẫn cuộc Hội Thảo John Main: đó là cuộc gặp gỡ hằng năm nhằm mục đích khai triển đời sống nội tâm để tưởng nhớ linh mục Biển Đức John Main mà cha Bede Griffiths đã có lần nói về ngài là vị linh hướng quan trọng nhất trong Giáo Hội ngày nay.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và Dom John Main đã gặp nhau hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1980 tại nhà thờ Chính Tòa Công giáo ở Montréal, tỉnh bang Québec, Canada. Tại đó, người ta đã xin cha John Main đón tiếp vị thủ lãnh Tây Tạng với tư cách là người tu sĩ anh em, trong buổi tối khai mạc cuộc gặp gỡ liên tôn.

Trong những cuộc hội họp chuẩn bị cho buổi chiều hôm đó, tôi nhớ lại cha John Main đã mạnh mẽ biện hộ là phải đưa vào chương trình một khoảng thời gian quan trọng cho việc chiêm niệm trong thinh lặng. Những vị lãnh đạo tôn giáo có mặt vào buổi chiều tối cầu nguyện liên tôn đó, từ Đức Tổng Giám Mục cho đến pháp sư người thổ dân châu Mỹ, đã phát biểu những tâm tình chứng tỏ tình thân hữu và đọc lên những lời kinh tuyệt vời.

Nhà thờ Chính Tòa tối hôm đó tràn ngập lời ca, lời xướng kinh cùng với những mỹ thuật rực rỡ của văn hoá Kitô giáo. Những người tổ chức đã lo lắng về đề nghị giữ 20 phút thinh lặng trong một buỗi lễ với tầm vóc rộng lớn như thế. Nhưng cha John Main đã khẩn khoản yêu cầu và cuối cùng ngài đã được mọi người đồng ý.

Sau buổi lễ, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã tìm gặp vị tu sĩ Biển Đức đón tiếp ngài để nói lên lời cảm kích biết bao đối với sự kiện bất thường là ngài được thiền định trong một ngôi thánh đường Công Giáo. Chứng kiến cuộc nói chuyện giữa họ, tôi nhận ra một sự tương thân tương ái lớn lao nối kết hai vị.

Những lời trao đổi giữa họ chỉ có tính cách bình thường, nhưng tôi có cảm giác họ đã thăm dò một cuộc đối thoại thâm sâu hơn, có tính cách thinh lặng hơn. Kế đó cha John Main đã mời Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma tới thăm viếng cộng đoàn bé nhỏ Biển Đức vừa mới thành lập cạnh trung tâm thành phố Montréal, chuyên về thực hành và quảng bá đường lối chiêm niệm theo truyền thống Kitô giáo.

Vào thời điểm đó, chúng tôi ở ngoại ô thành phố trong một ngôi nhà nhỏ, sống giữa một cộng đoàn mở rộng gồm nhiều giáo dân quanh vùng. Đó là một lối sống đời tu ở chốn thị thành theo đường hướng múc lấy nguồn sinh lực trong truyền thống tâm linh Kitô giáo.

Tôi phân vân không biết Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma sẽ nghĩ gì? Chắc hẳn ngài sẽ hình dung đến những đại tu viện thời Trung Cổ. Khi thư ký của ngài đã nói chen vào là tiếc thay thời khóa biểu của ngài đã dày đặc nên không cho phép ngài nhận lời mời được, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào.

Nhưng rồi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma xoay về phía người thư ký và nói với một giọng cương quyết - tuy vẫn ngọt ngào - là ngài quyết định nhận lời mời và phải dàn xếp để đưa cuộc thăm viếng đó vào thời khóa biểu của ngài. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhấn mạnh như thế và ngài đã thành công. Cha John Main và Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhìn nhau, mỉm cười và chia tay.

Chúa nhật kế tiếp, vài giờ sau khi cảnh sát Canada khám xét toàn diện trung tâm, đoàn xe limuzin của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã dừng lại trước tòa nhà của cộng đoàn tu trì. Ngài đã cùng với chúng tôi ngồi chiêm niệm vào lúc ban trưa trong phòng chiêm niệm bé nhỏ của chúng tôi. Tiếp theo, ngài đã ăn trưa với chúng tôi. Cũng theo lệ thường, chúng tôi ăn trong thinh lặng. Sau bữa ăn, chúng tôi có một cuộc nói chuyện ngắn ngủi, rồi cha John Main và Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã rút lui để trò chuyện riêng tư với nhau.Trước khi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma ra đi, chúng tôi biếu ngài một cuốn “Luật dòng Thánh Biển Đức” và ngài đã tặng lại cha John Main dải lụa trắng theo truyền thống Tây Tạng để tỏ lòng tôn kính. Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma ra về và cha John Main tiếp tục công việc đặt nền móng xây dựng Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo. Và họ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa sau buổi chiều mùa thu năm 1980 đó.

Giữa lần gặp gỡ đó và lời mời vào năm 1993, nhiều việc đã xảy ra. Cha John Main đã qua đời năm 1982 vào lứa tuổi năm mươi sáu, trong khi Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô giáo vừa mới hình thành. Nhưng giáo huấn về chiêm niệm Kitô giáo của cha đã bắt đầu lan rộng trong Giáo Hội. Trong những năm kế tiếp, các bài học thiêng liêng này tiếp tục phát triển và chúng nuôi dưỡng cùng củng cố đời sống nội tâm của một số lớn Kitô hữu. Hai mươi lăm trung tâm đã mọc lên và hơn một ngàn nhóm nhỏ hàng tuần gặp gỡ nhau ngõ hầu hỗ trợ việc thực hành chiêm niệm của mỗi cá nhân. Những nhóm đó ở rải rác trên một trăm quốc gia.

Trung tâm quốc tế của Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới đã được thành lập ở Hoa-Kỳ nhân cuộc hội thảo vào năm 1991 ở New Harmony, Indiana, do cha Bede Griffiths hướng dẫn. Cha Griffiths là một tu sĩ Biển Đức và là người đi tiên phong trong vấn đề đối thoại liên tôn bắt đầu ở Luân Đôn. Những cuộc hội thảo trước đó được điều khiển bởi nữ chuyên viên Phạn ngữ là cô Isabelle Glover, triết gia Charles Taylor, nhà bình luận văn chương Robert Kiely, nhà tâm lý học thuộc dòng Thánh Giuse là nữ tu Eileen OHea, học giả John Todd, sáng lập viên cộng đoàn “L’Arche” – chuyên trách những người khuyết tật là ông Jean Vanier, và nhà thần học kiêm học giả dòng Tên là cha William Johnston.

Đáp lại lời mời của chúng tôi, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã ngỏ đôi lời vắn tắt là ngài còn nhớ cuộc gặp gỡ của ngài với cha John Main mười ba năm trước và ngài sung sướng thấy cộng đồng lớn mạnh khắp thế giới. Ngài cũng sung sướng và lấy làm hãnh diện được hướng dẫn cuộc hội thảo sắp tới. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của hai vị tu sĩ nhiều năm trước đây đã cung ứng cho chúng tôi một vận hội tuyệt vời. Chúng tôi đã nắm bắt vận hội đó như thế nào?

Nhiều lý do đã khiến chúng tôi đề nghị với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, người đầu tiên không phải Kitô hữu, điều khiển cuộc hội thảo. Cuộc gặp gỡ của ngài với Dom John Main tuy vắn vỏi nhưng cực kỳ quan trọng. Sự hội ngộ đó đã đưa ra ánh sáng sự cần thiết của việc triển khai cuộc “đối thoại giữa Kitô hữu và Phật tử” ở mức độ thâm sâu hơn, khả dĩ giúp mọi người có thể tiếp cận được nhờ vào đường lối chiêm niệm. Có cái gì đó dễ đánh động lòng người khi cùng nhau chia sẻ sự thinh lặng thâm sâu; điều gì đó mà ngôn từ có thể trao đổi cho nhau nhưng chẳng bao giờ thành công để diễn đạt trọn vẹn.

Sự lựa chọn của chúng tôi cũng hướng đến Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma bởi vì ngài đã trở thành một trong những bậc thầy tu đức hiện đại được yêu mến nhất và dễ dàng tiếp cận nhất. Cơn hấp hối của xứ Tây Tạng, cái thường xuyên theo đuổi ngài, đã đưa đẩy ngài vào vai trò lãnh đạo tâm linh có tính cách toàn cầu mà những giá trị đạo đức phổ cập như “hòa bình, công lý, sự khoan dung và bất bạo động” đã được thể hiện một cách hứng khởi và đồng thời cũng nghiêm túc nơi con người của ngài. Điều đó được thấy rõ rệt khi ngài đọc lớn tiếng “Các Mối Phước Hạnh” trong Phúc Âm trong buổi thảo luận đầu tiên. Mọi người có cảm tưởng những điều đó mang một chiều kích khác trên đôi môi ngài. Đó là chiều kích của một tầm nhìn sắc bén mà ngài đã có kinh nghiệm bản thân.

Khi tìm cách để nắm bắt cơ hội này, chúng tôi được câu trả lời rõ ràng: hãy buông trôi trong phó thác. Thật vậy, chúng tôi ở trước một hoàn cảnh chưa từng xảy ra. Đó là một cuộc hội thảo ba ngày của một nhóm qui tụ những người chiêm niệm Kitô giáo với các bằng hữu tuy không là người Kitô nhưng đã dấn thân một cách thâm sâu trong hành trình đó, đã cùng nhau tổ chức một “cuộc thảo luận có tích cách liên tôn”.

Tôi đã lưu ý Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma là cuộc hội thảo bao gồm những thời gian “chiêm niệm và thảo luận”. Chúng tôi phải cùng nhau chiêm niệm ba lần mỗi ngày. Những giờ chiêm niệm đó không phải là thời gian “đệm” trong cuộc hội thảo nhưng chính là tâm điểm của cuộc gặp gỡ. Hiển nhiên ngài không phản đối đề nghị này. Nhưng vấn đề không phải là chỉ ngồi yên lặng mà còn tìm một đề tài để thảo luận nữa.

Chúng tôi đã duyệt xét những đề tài triết lý và tôn giáo thường được đề cập tới trong những cuộc gặp gỡ như thế giữa Phật tử và Kitô hữu, nhưng chúng tôi thiết nghĩ điều này không thích hợp với một cuộc hội thảo có một không hai này. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ trao cho Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma những gì mà Kitô hữu trân quý nhất, thánh thiện nhất và thâm sâu nhất. Vì vậy chúng tôi đã xin ngài dẫn giải “Phúc Âm”. Ngài đã nhận lời không chút do dự, chỉ lưu ý chúng tôi là tất nhiên ngài không biết nhiều về những văn bản đó. Tôi nhận thấy trong điều lưu ý của ngài một dấu hiệu đầy ấn tượng về lòng tự tin và đức khiêm tốn.

Hai ba năm trước đó ở Luân-Đôn, khi thuyết trình nhiều bài về triết lý Phật giáo, ngài đã làm ngạc nhiên cử tọa về tầm hiểu biết chính xác và sâu rộng của ngài. Giờ đây ngài đã vui lòng chấp nhận phát biểu trước một cử tọa Kitô hữu - dĩ nhiên cởi mở và trầm ngâm - để đề cập tới một lãnh vực mà ngài biết rất ít - ít ra đó là điều mà ngài đã khẳng định với một nụ cười.

Được sự chấp thuận của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, những tham dự viên đã cương quyết dấn thân, nhưng kết quả không biết trước được. Đây là một cuộc đánh cược với niềm tin của cả hai tôn giáo. Chúng tôi không chút hoài nghi là thời gian chiêm niệm cũng như sự hiện diện của ngài để trao đổi tự nó đã có giá trị rồi. Những ai có thời gian tiếp cận với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, đều biết rằng sự hiện diện của ngài tỏa ra “sự bình an, chiều sâu nội tâm và sự an lạc”. Dù vậy, cũng chẳng có gì bảo đảm rằng cuộc hội thảo này sẽ thành công về mặt đối thoại.

Cuộc hội thảo năm 1994 với chủ đề “ĐỨC TỪ TÂM” (The Good Heart) đã mang lại một sự thành công lớn lao mà chúng tôi không dự liệu trước. Những lời bình luận của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đối với những đoạn Phúc Âm chủ yếu của cuốn sách này. Hiệu ứng của những lời này sẽ kéo dài đến những cuộc đối thoại ở thiên niên kỷ tới giữa các tôn giáo lớn của nhân loại. Điều này đặt để nhân loại trước một sự thách đố mới là phải kiến tạo một thế giới an bình và hòa hợp cho những thập niên kế tiếp: ngài đã đề nghị một mô thức đối thoại.

Trong những nhận xét khởi đầu của ngài, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc lại tầm mức quan trọng của những hình thức đối thoại hiện đang được áp dụng đối với các tôn giáo. Ngài đã nhấn mạnh đến những cuộc “đối thoại giữa các học giả”. Nhưng theo ngài, việc đối thoại cốt yếu và có tính cách thao tác nhất không nằm trên bình diện trí thức. Chính là một cuộc “trao đổi chân thật giữa những người thực hành đạo giáo một cách chân thành” từ quan điểm của chính đạo giáo họ, đây là cuộc đối thoại nhằm chia sẻ những sự thực hành liên hệ của chính họ.

Ý niệm đó tạo thành mẫu số chung cho những tư tưởng gia Kitô giáo lẫn Phật giáo. Trong truyền thống đan viện Kitô giáo lúc ban sơ, Các Thánh Giáo Phụ đã nhấn mạnh đến trọng tâm của việc “thực hành” (praktike) tức là kiến thức xuất phát từ kinh nghiệm chứ không phải từ sự hiểu biết có tính cách khái niệm. Đức Hồng Y Newman đã cảnh cáo sự nguy hiểm sống niềm tin của mình theo một đề cương giới hạn vào sự “đồng ý tự biện” mà quên đi sự “kiểm chứng bằng kinh nghiệm cá nhân”.

Nếu cha John Main hết sức khuyến khích Kitô hữu tìm lại chiều kích chiêm niệm của đức tin mình, chính là để chúng ta phải “kiểm chứng những chân lý thuộc về đức tin chúng ta bằng chính kinh nghiệm chúng ta”. Trong bối cảnh của cuộc thảo luận này - một cuộc thảo luận dựa trên Phúc Âm - ý hướng đó mang lại điều mới mẻ là áp dụng vào cuộc “đối thoại liên tôn”, chứ không chỉ truy tầm có tính cách cá nhân về niềm tin đạo giáo của mình.

Do đó, cuộc hội thảo nầy là cơ hội để Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma khai tâm cho chúng ta nhận chân giá trị của sự khác biệt. Ngay từ đầu, ngài đã cảnh cáo chúng ta là mục đích của ngài không nhằm đóng góp vào việc xây dựng một tôn giáo đại đồng. Ngài không tin là có thể tạo lập một tôn giáo đại đồng duy nhất, trái lại ngài tin tưởng ở sự kính trọng, thúc đẩy chúng ta “tôn sùng những đặc trưng của mỗi tôn giáo”.

Nếu có những Kitô hữu ủng hộ một quan điểm có tính cách chính thống cực đoan thì nhiều Kitô hữu khác lại hội nhập trào lưu tự do và chấp nhận ý niệm tôn kính những truyền thống tôn giáo khác nhau, mặc dù với những lý do khác với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma.

Rất nhiều lần, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhấn mạnh đến sự kiện ngài là một Phật tử. Mặc dù ngài nhận thấy nhiều điểm tương đồng rất xác thực và nổi bật giữa những giáo huấn của Chúa Kitô và Đức Phật Thích Ca, nhưng ngài cảm thấy sự nguy hiểm của một số từ ngữ có thể gây ra ngộ nhận. Vì vậy ngài nhắc đến sự quan trọng phải nhận chân tầm mức bao quát của “những điểm hội tụ cũng như bất đồng” mà người ta phải truy tầm ý nghĩa trong khi theo đuổi những ước vọng tâm linh.

Người ta có những nhu cầu tâm linh khác nhau mà mỗi tôn giáo có thể cung ứng cho họ theo những điểm đặc thù khác nhau. Điều xác quyết đó xem ra dễ dàng chấp nhận, hoàn toàn có tính cách bao dung và tự do. Nhiều người xem đó là thái độ thích ứng đối với đặc tính đa dạng có tính cách toàn cầu trong thiên niên kỷ sắp tới.

Lược trình của Lm. Laurence Freeman

Chuyển ngữ: Hương Vĩnh

Nguồn: khuongviettu.com