Gặp gỡ những tấm lòng nhân ái tại chùa Kỳ Quang II

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1761 | Cật nhập lần cuối: 10/21/2016 10:43:19 AM | RSS

Sáng thứ Bảy, ngày 15.10.2016, chúng tôi - 2 linh mục và 5 anh chị trong Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn - ghé thăm cơ sở từ thiện xã hội của chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp, nơi nuôi dưỡng hơn 200 em bé bị bỏ rơi.

Theo sự hướng dẫn của thượng tọa trụ trì, Thích Thiện Chiếu, chúng tôi đi thăm khu nhà nuôi trẻ mồ côi: có phòng chăm sóc đặc biệt cho các bé não úng thủy, có phòng dành cho những bé bệnh down, phòng khác rộng rãi hơn dành cho các trẻ khỏe mạnh chơi đùa…

Phòng dành cho các trẻ sơ sinh là nơi để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi: các bé nhỏ xíu (khoảng dưới 2 tháng tuổi) được quấn tã, nằm ngủ ngon lành trong những chiếc nôi nhỏ. Những cháu lớn hơn thì chơi đùa trong những chiếc cũi và dưới sàn. Thấy Thượng tọa đến, các bé lớn di chuyển bằng mọi cách (bò, trườn, đi men…) thật nhanh đến bên người cha yêu thương. Nhớ tên và trường hợp đón nhận từng bé, thượng tọa nói với chúng tôi: bé này bị bỏ lúc chưa cắt rốn, người còn nhớt nhau, đón vô, mới tắm rửa, cắt rốn, tôi đặt tên bé là Chánh Nguyên; còn bé kia, đầu có 3 vá rõ ràng lúc đón nhận, tôi đặt tên bé là Kiến Tâm… Bế hai cháu bé trên hai tay, “người cha tinh thần” cất giọng ru: “ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh… khó đi cha dắt con đi, con đi trường học, cha tu ở chùa”. Lời ru ý vị của nhà sư đưa tôi về những ngày thơ ấu, với những câu ca dao dạy làm người trong lời ru của các người bà, mẹ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Gặp gỡ những tấm lòng nhân ái tại chùa Kỳ Quang II

Không thể bế hết các bé, Thượng tọa cởi chiếc áo cà sa ra, trải xuống sàn nhà làm xe cho cả 5,6 bé lên và kéo trên sàn như một cách chơi đùa với các em. Đôi mắt mở to, gương mặt phấn khích, tay đập xuống sàn khi được kéo đi, các bé cười rất tươi. Chúng tôi nhận ra ánh mắt lo lắng của cô bảo mẫu dõi theo sợ lỡ có bé nào rơi ra khỏi chiếc cà sa chăng. Chúa quan phòng nên tất cả các cháu đều vui và không có sự cố nào cả. Đây là các “thiên thần tình yêu” theo cách gọi của Thầy trụ trì.

Bước chân đi tôi thầm nghĩ: dù không được sống với cha, mẹ, người thân nhưng các bé ở đây còn may mắn và hạnh phúc hơn hàng triệu bé khác không được sinh ra trên đời này vì các loại dược liệu, y cụ, các hình thức phá thai… Nhớ lại khi học lịch sử, tôi được dạy: năm 1945, giặc Nhật sang bắt nhổ lúa trồng đay, gây nên một tội ác khủng khiếp, làm chết 2 triệu người trong nạn đói…! Tuy nhiên, ở đất nước chúng ta hiện nay, hơn một triệu thai nhi bị loại trừ và sát hại hàng năm bởi chính thân nhân của mình… Thật xót xa làm sao! (*)

*

Tạ ơn Chúa về cuộc gặp gỡ chính Chúa qua hoạt động đầy tình nghĩa ở đây. Chuyến thăm viếng còn ý nghĩa cách đặc biệt đối với người Kitô hữu trong Năm Thánh Lòng thương xót. Lòng Chúa thương xót không giới hạn và không phân biệt lương giáo. Chúng tôi cảm thấy thật vui mừng khi tiếp xúc với các cô giáo và y sĩ Công giáo đang phục vụ tại nơi qui tụ những tấm lòng nhân ái này.

Xin Thiên Chúa giàu Lòng thương xót chúc lành cho quý chư tăng, các ân nhân và anh chị em thuộc các tôn giáo đang đồng tâm chung tay cưu mang, chăm sóc cho các cháu bệnh nhi và cô nhi tại chùa Kỳ Quang II cũng như nơi các cơ sở từ thiện khác.

Xin Thánh Thần Chúa tác động đến lương tâm các đôi vợ chồng, nhất là người trẻ và giới lương y, để đẩy lùi văn hóa loại trừ, cho sự sống được tôn trọng từ trong dạ mẹ, và các cháu bé có thể được vào đời trong tình yêu thương của những cha mẹ có trách nhiệm.

Cecilia Việt Phương
Nguồn: tgpsaigon.net

--------------------------------
(*) Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện nay, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số lạnh lùng này cho thấy chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai.

Cũng theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.

(vietnamnet.vn/vn/doi-song/167328/su-that-khung-khiep-ve-nao-pha-thai-o-vn.html)

Hình ảnh:

Ban MVĐTLT thăm Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo