Nhân hòa theo quan điểm Kitô giáo - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1942 | Cật nhập lần cuối: 10/30/2017 12:48:10 PM | RSS

Nhân hòa theo quan điểm Kitô giáo - Lm. Phêrô Nguyễn Văn HiềnVới chủ để của Hội Ngộ lần thứ VII, “Đồng tâm kiến tạo nhân hòa”, tôi sẽ trình bày đề tài theo cái nhìn đức tin của người Kitô hữu, khởi đi từ chữ nhân đến chữ hòa và kết thúc với kiến tạo nhân hòa

I. Chữ Nhân

Tục ngữ Việt nam có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Tính ở đây là bản tính của con người, là phần phần tinh tuyền nhận được từ trời. Theo quan điểm Kitô giáo, tính hay phần trời cho con người từ thuở ban đầu là gì? Trong sách sáng Thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ Ngũ Thư, nói về công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa thì con người là một sinh vật được tạo nên từ bụi đầt và lãnh nhận sinh khí của Thiên Chúa (x. St 2, 7), được dựng nên có nam có nữ (x. St 1, 27); và được đặt vào vườn địa đàng để cầy cấy và cai quản đất đai (x. 2, 15). Những chi tiết này muốn nói lên rằng con người là một hữu thể thống nhất gồm xác-hồn, nam-nữ, cá nhân-cộng đồng. Một con người toàn diện luôn mang các chiều kích trên và luôn vươn tới sự thống nhất bản thân để có được sự bình an, nhờ nối kết được các cặp đối nghịch hay các phân cực trên (1).

Nhân hòa theo quan điểm Kitô giáo - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Bao lâu con người chưa thống nhất bản thân nhờ nối kết các phân cực trên, thì bấy lâu con người luôn sống trong sự giằng co, khắc khoải và lo âu. Con người luôn bị cám dỗ tách lìa hai yếu tố của các phân cực ra hoặc có nguy cơ bị giản lược vào một trong hai yếu tố của các phân cực mà thôi; chẳng hạn chỉ chăm lo cho thể xác mà bỏ quên tinh thần, giản lược tính dục thành tình dục, khép kín trong cái tôi ích kỷ của mình thay vì mở ra cho thiện ích chung của xã hội vv...

Để trở nên con người toàn diện, con người phải thống nhất được bản thân nhờ nối kết được các phân cực trên; nghĩa là con người luôn phải vượt lên các yếu tố vật chất, giới tính và cá nhân để vươn tới tinh thần, phái tính khác và xã hội – những yếu tố ở bên trên hay ở bên ngoài mình để đạt tới sự hoàn thiện. Nói cách khác, con người không bao giờ là cùng đích hay cứu cánh của cá nhân mình, nhưng luôn khát khao tương giao, luôn hướng tới sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng dựng nên mình cũng như với tha nhân, bằng cách ra khỏi tâm diểm là chính mình để trở nên gần gũi với Thiên Chúa và tha nhân, để trao ban và hiến dâng (diakonia) nhằm hiệp thông (koinonia) trọn vẹn trong tình yêu (agapè).

Nhân hòa theo quan điểm Kitô giáo - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền


II. Chữ Hòa

Trong ngôn ngữ Việt Nam, có thể dùng chữ thái hòa để diễn tả chữ Hòa theo quan điểm Kitô giáo. Thái hòa là tình trạng giao hòa tốt đẹp giữa thân xác và tinh thần con người, giữa con người với tha nhân, giữa con người với thiên nhiên vạn vật, giữa con người với Trời (Đấng Tối Cao) (2).

Tình trạng này được gọi là tình trạng công chính nguyên thủy (original justice) (3) và được diễn tả qua cảnh thái hòa trong vườn địa đàng: con người sống thân tình với Thiên Chúa (Ngài đi dạo với con người trong vườn lúc gió chiều hiu hiu thổi - St 3, 8); sống hài hòa với chính mình cũng như với vợ mình (người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt - St 2, 24); và với vạn vật xung quanh (con người được đặt vào vườn Eden để cầy cấy và canh giữ đất đai - St 2, 15).

Tình trạng công chính nguyên thủy đã bị mất đi do nguyên tổ chúng ta đã lạm dụng tự do để chống lại Thiên Chúa, muốn trở nên “như Thiên Chúa” (4). Một khi không còn sống thân tình với Thiên Chúa, con người cũng mất đi sự hài hòa với chính mình (tinh thần không còn điều khiển được thể xác), với tha nhân (liên hệ giữa con người với nhau trở nên căng thẳng do ham muốn và thống trị), với công trình tạo dựng (thế giới trở nên xa lạ và thù nghịch với con người).

Nhờ mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh hiển, con người được giao hòa với Thiên Chúa, được công chính hóa và được phục hồi trong ân sủng của Ngài (5). Từ nay, tất cả những ai chết đi cho người cũ do tội lỗi thống trị sẽ không còn nô lệ cho tội lỗi nữa nhưng được Thiên Chúa làm cho nên công chính và được cùng với con cái của Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (x. Rm 8,30). Do đó, sự giao hòa với Thiên Chúa và sự hài hòa của con người với chính mình cũng như với vạn vật xung quanh là một ân ban của Thiên Chúa được trổ sinh hoa trái nhờ nỗ lực xây dựng công lý, hòa bình, xây dựng và bảo vệ trái đất của con người.

III. Nhân Hòa

Theo quan điểm Kitô giáo, khởi đầu con người được sinh ra trong tình trạng thái hòa hay công chính nguyên thủy, nhưng sau đó do con người phạm tội tức lạm dụng tự do để chống lại Thiên Chúa nên sự hài hòa bị phá hủy. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, làm người, chịu chết và sống lại mà con người được công chính hóa tức được giao hòa với Thiên Chúa, với chính mình cũng như với vạn vật xung quanh.

Chúng ta tự hỏi: Trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ Đức Giêsu đã làm gì và làm thế nào để giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau cũng như với vạn vật? Bằng lời nói và việc làm, Đức Giêsu rao giảng về Thiên Chúa là Cha và về Nước Trời. Trong bối cảnh Ít-ra-en đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ và đất nước bị phân hóa nặng nề bởi ba xu hướng chính trị khác nhau – một, chống lại thực dân bằng bạo lực và khủng bố; hai, hợp tác với thực dân để khỏi bị sức mạnh của họ đàn áp và hủy diệt; ba, bảo tồn và phát huy truyền thống và bản sắc của dân tộc để tồn tại và dành lại độc lập khi có cơ hội – cũng như bởi khoảng cách giữa người Giu-đê-a và Ga-li-lê đối với người Sa-ma-ri, giữa người thu thuế và tội lỗi đối với người được coi là công chính, giữa người nam và người nữ, giữa kẻ quyền thế và người cô thân cô thế như cô nhi và quả phụ vv..., thì lời rao giảng của Chúa Giêsu về một Thiên Chúa là Cha, Cha của hết mọi người, bất kể người ấy là ai, người Rô-ma hay người Do Thái, người miền bắc, miền trung hay miền nam; ngầm hiểu tất cả là con cùng một Cha và là anh chị em của nhau, cùng sống chung một nhà, thực sự là một “cuộc cách mạng” mà người đương thời với Đức Giêsu khó có thể chấp nhận và đóng đinh vào thập giá là bản án họ dành cho Ngài. Đứng trên thập giá, giữa những lời chế giễu và nhục mạ của các nhà lãnh đạo tôn giáo, lính tráng và dân chúng, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm, và Ngài đã phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha.

Chiêm ngắm Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, người Kitô hữu khám phá ra con đường khả dĩ giao hòa mọi người với Thiên Chúa, với nhau cũng như với vạn vật; đó là con đường yêu thương mà Ngài đã rao giảng trong Tám Mối Phúc thật và đã đi qua để dẫn con người vào Nước Trời; ở đó mọi người có Thiên Chúa là Cha và có nhau là anh chị em. Đối với người Kitô hữu không có con đường nào khác hơn là sống và chết như Đức Giêsu, là dõi theo con đường yêu thương và phục vụ của Ngài để mọi người được sống và sống dồi dào, cho dù có phải hiến dâng mạng sống vì mọi người.

IV. Đồng tâm kiến tạo nhân hòa

Dựa vào chứng cứ lịch sử, có người lập luận rằng các tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo gắn liền với bạo lực. Cho dù trong lịch sử, thực sự có lúc người Kitô hữu đã bách hại những người khác – năm 2000, Giáo Hội Công Giáo đã sám hối và xin lỗi các nạn nhân của những cuộc bách hại này – nhưng dựa vào sự thất bại của một một số Kitô hữu trên con đường yêu thương như Đức Giêsu đã yêu thương để khẳng định rằng Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo đi liền với bạo lực là điều đáng tiếc, bởi Thiên Chúa cứu chúng ta bằng con đường yêu thương đồng thời giải thoát chúng ta khỏi hận thù và bạo lực qua thập giá của Đức Giêsu Kitô, Con Một của Người.

Người Kitô hữu luôn ý thức mình là thành phần của lịch sử nhân loại, một lịch sử liên hệ tới hết mọi người thuộc mọi miền trên trái đất, đã qua, hiện tại cũng như tương lai và đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Họ đón nhận lịch sử ấy như một ân ban, để rồi cùng với mọi người đối diện và vượt qua những thách thức của thế giới hôm nay như nạn nghèo đói, áp bức, bất công, những xung đột sắc tộc hay tôn giáo, những cuộc chiến tương tàn, sự hủy diệt sự sống và môi trường sống vv... bằng cách đối thoại và hợp tác với mọi người thực hiện kế hoạch Thiên Chúa dành cho nhân loại, nghĩa là, làm cho thế giới công bằng hơn, hòa bình hơn, hài hòa hơn giữa mọi người và giữa mọi người với vạn vật xung quanh.

Khi cộng tác với mọi người để hiện thực chữ Hòa trong cuộc sống, người Kitô hữu nhận thức rằng bản thân phải luôn kềm chế tham vọng thống trị, kềm chế “lòng tham lam, nghi kỵ, kiêu căng và những đam mê ích kỷ khác” (6), đồng thời cổ vũ cho “sự quý mến, tôn trọng và đoàn kết với nhau bằng cách chấp nhận những dị biệt chính đáng" (7); nhờ đó, cuộc đối thoại giữa mọi người luôn mang lại những lợi ích tốt đẹp. Trong ý hướng này, kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô phải được lặp đi lặp lại và không ngừng âm vang trong lòng của mọi Kitô hữu.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
26.10.2017

________________________
Chú thích:
(1) X. A.Scola, G. Marengo, J.P. López, La persona Umana – Antropologia Teologoca, Jaca Book, Milano 2000, 152-183; H.U. Von Balthasar, Teodrammatica. II. Le Persone del dramma: l’uomo in Dio,Trad.it.; Milano 1982,327-370 được trích dẫn trong lời giới thiệu của Nguyễn Anh Tuấn cho bản dịch việt ngữ cuốn Tình yêu và Hôn nhân của Equipes Notre Dame-Italia, Tp. HCM 2008, 8-9.
(2) Lê Minh Tuấn, Chữ Hòa trong tam giáo Đông phương, trong Nhịp cầu Tâm giao s.11, tháng 6/2013 của Ban Mục vụ Liên tôn Tgp. Tp. HCM, 22-23.
(3) Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 374-376.
(4) Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 397-400.
(5) Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 654.
(6) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 83.
(7) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 92.